, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 08/09/2022, 15:00

Đồng Tháp chuyển đổi cơ cấu hơn 9.000 ha cây trồng

NGUYỄN VĂN TRÍ
(baotintuc.vn)
Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, năm 2022, tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa hơn 9 nghìn ha; trong đó, nhiều nhất là trồng ngô, dưa hấu, khoai lang, ớt và sen, mỗi loại cây trồng dự tính từ 100 - 300 ha; đối với cây trồng lâu năm chuyển đổi từ lúa sang trồng nhiều nhất lá mít và xoài với diện tích hơn 2.000 ha.

Theo ông Huỳnh Tất Đạt – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu. Cùng đó, hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi. Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Dong Thap chuyen doi co cau hon 9.000 ha cay trong hinh anh 1
Vườn mít Thái của anh Nguyễn Thành Dũng ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN.

Ở Đồng Tháp việc chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thuỷ lợi phục vụ trồng lúa.Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thuỷ sản với độ sâu không quá 120 cm so với mặt ruộng.

Mục đích của chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nhằm chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất.

Ở Đồng Tháp, việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng được thương hiệu cho nông sản Đồng Tháp, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu.

UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo sản xuất ở các địa phương tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất rau màu, cây ăn trái tập trung, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất gắn với các doanh nghiệp để tiêu thụ. Ngoài ra, khuyến cáo nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái, giảm diện tích trồng lúa Hè Thu trên những khu vực trồng lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới trong mùa khô.

Các khu vực, đê bao vững chắc, vùng gò cao, cù lao,... có thể chuyển 2 lúa- 1 màu, 1 lúa - 2 màu; trong đó, chú trọng các loại cây trồng có khả năng tiêu thụ,chế biến lớn như vừng, ngô, khoai,..., hoặc có thể 1 lúa - 1 thuỷ sản, 1 lúa - 1 màu (chuyển thành 2 vụ) nhưng cho giá trị, lợi nhuận cao hơn sản xuất 3 vụ lúa.

Theo ông Đạt, hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng hoa màu sẽ cho lợi nhuận tăng gấp 2 - 3 lần. Trồng cây lâu năm lãi gấp 2 - 8 lần trồng lúa. Bình quân 1 ha trồng xoài, mít, nhãn , chanh… cho lợi nhuận từ 50 đến 200 triệu đồng/ha/năm tăng gấp 2 - 8 lần trồng lúa.

Điển hình như mô hình trồng sen kết hợp làm du lịch của gia đình chị Mai Thị Thoa ở xã Tân Hội, thành phố Hồng Ngự. Nhờ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng sen kết hợp du lịch, thu nhập của gia đình gấp 2-3 lần so với trồng lúa.

Chị Thoa cho biết, chị chuyển 1 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, mỗi vụ trồng lúa lãi 20 triệu đồng/ha. Từ đó, chị đã mạnh dạng chuyển hết diện tích sang trồng sen, lãi hơn 60 triệu đồng/ha.

Ở tỉnh Đồng Tháp việc cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mít rất đơn giản là chỉ cần đào ao lên líp là trồng được mít và hiện nay trồng mít nhiều nhất là giống mít Thái siêu sớm. Anh Nguyễn Văn Chức, Nông dân xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười cho biết, việc trồng lúa vừa qua gặp khó khăn, giá cả bấp bênh, lãi thấp, thời tiết không thuận lợi. Vì vậy, vụ lúa Đông Xuân những năm vừa qua lãi chỉ từ 15-20 triệu đồng/ha, có vụ Hè Thu hoặc Thu Đông chỉ đủ trả tiền vật tư nông nghiệp.

Gia đình ông Chức mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mít. Ông Chức cho biết, mít Thái có thể trồng dày, trung bình trồng 1.000 gốc/ha, so với mít nghệ chỉ trồng 150 gốc/ha. Năng suất mít Thái khoảng 60 tấn/ha/năm. Nếu chỉ bán với giá thấp nhất là 10.000 đồng, cũng có thể lãi hơn 600 triệu đồng/năm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, việc chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, cắt đứt dòng đời sâu bệnh trên lúa. Tỉnh khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xoá bỏ việc độc canh cây lúa góp phần quan trọng trong đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất