, //, :: GTM+7

Đột phá từ giống

Giống cá tra bị thoái hóa dẫn đến chất lượng kém, làm cho tỷ lệ nuôi bị hao hụt rất cao. Đầu tư nâng cao chất lượng con giống được xem là vấn đề sống còn trong nghề nuôi cá tra xuất khẩu hiện nay…

NGUY CƠ TỪ “SỐT GIỐNG”

Ông Nguyễn Văn Minh, hộ nuôi cá tra lâu năm ở cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho biết: “Khoảng một năm nay cá tra nguyên liệu được giá cao, nên nhiều hộ dân ở ĐBSCL đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá. Tuy nhiên, vấn đề khiến người nuôi đau đầu và phập phồng lo âu là tình trạng cá tra giống bị hao hụt chiếm tỷ lệ lớn”. Theo ông, trước đây sau khi thả giống cá tra thì người nuôi chỉ chạy lo chi phí mua thức ăn; nay thì vấn đề theo dõi dịch bệnh cũng khiến người nuôi điên đầu. Tỷ lệ giống hao hụt từ khoảng 5 - 10% đã liên tục tăng lên trong thời gian gần đây đến mức 30 - 40%; thậm chí có hộ tới 50 - 60%...

Nuôi cá tra theo công nghệ mới
Nuôi cá tra theo công nghệ mới

Dù chất lượng cá tra giống còn nhiều hạn chế, thế nhưng do gần đây giá cá tra thương phẩm xuất khẩu tăng mạnh, kéo theo phong trào nuôi cá rầm rộ nên dẫn đến tình trạng “sốt giống”. Hệ quả là diện tích ương cá tra giống tăng mạnh. Theo Tổng cục Thủy sản, đến cuối tháng 07.2018, diện tích ương cá tra giống tăng khoảng 800 ha so với cùng kỳ 2017, lũy kế diện tích ương cá giống ở ĐBSCL đạt khoảng 3.587 ha, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng lo ngại là xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa (Long An) tự phát chuyển đổi đất lúa sang ương cá tra. Việc tăng mạnh diện tích ương đã góp phần hạ nhiệt giá giống, nhưng cũng gây ra tình trạng dư thừa con giống. Thực tế cho thấy, người dân chuyển sang ương giống, trong khi chưa am hiểu về kỹ thuật ương nên nhiều diện tích ương giống bị nhiễm bệnh (khoảng 80%) và chất lượng giống kém.

CẤP BÁCH ĐẦU TƯ CHO CON GIỐNG

Trước thực trạng trên, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đề xuất, cần nhanh chóng chọn giống trên đàn cá bố mẹ tốt, kháng bệnh nhằm tạo ra con giống cá tra kháng bệnh, giúp tăng tỷ lệ sống của cá giống, tăng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu thiệt hại kinh tế do hao hụt, giảm rủi ro khi nuôi và giảm sử dụng thuốc – hóa chất - kháng sinh trong việc phòng và điều trị cho cá.

Đào ao nuôi cá giống tự phát ở Long An
Đào ao nuôi cá giống tự phát ở Long An

Ông Hồ Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận: “Từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình thời tiết phức tạp đã ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá tra giống ương nuôi chất lượng thấp. Hiện tại, tổng đàn cá cải thiện di truyền đang nuôi ở tỉnh khoảng 45.000 con; trong đó người sản xuất giống từng bước thay thế dần đàn cá địa phương bằng đàn cá tra chọn giống mang tính năng về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh”.

Để cải thiện và đột phá về giống, Bộ NN&PTNT vừa triển khai đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL” ở An Giang và Đồng Tháp, cùng những tỉnh có điều kiện. Các đơn vị tham gia liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao gồm: Đơn vị cấp 1, là đơn vị nghiên cứu, chọn tạo cung cấp đàn cá tra bố mẹ chọn giống, bao gồm các Viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chọn giống theo tính trạng mong muốn, để tạo ra đàn giống bố mẹ có chất lượng cung cấp cho đơn vị cấp 2.

Đơn vị cấp 2, là đơn vị nuôi vỗ cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột bao gồm Trung tâm giống thủy sản của các tỉnh, các doanh nghiệp, trại giống có năng lực, liên kết sản xuất hoặc nhận đặt hàng từ doanh nghiệp chủ trì chuỗi.

Đơn vị cấp 3, là đơn vị ương dưỡng giống cá tra từ bột lên hương và lên giống thông qua nhận đặt hàng từ các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết hoặc độc lập cung cấp cho nuôi thương phẩm bao gồm Trung tâm giống, các doanh nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã, các nông hộ… có đủ năng lực và tổ chức thành vùng ương dưỡng giống tập trung.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra ở An Giang sẽ triển khai ở 3 vùng tại huyện Châu Phú, thị xã Tân Châu và TP Long Xuyên, với tổng diện tích 350 ha; tại tỉnh Đồng Tháp với 4 vùng ở huyện Châu Thành, Cao Lãnh, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, với tổng diện tích 420 ha. Tổng nhu cầu vốn thực hiện khoảng 592 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2018 - 2020, cần khoảng 414 tỷ đồng (chiếm 70%); giai đoạn 2021 - 2025, cần khoảng 178 tỷ đồng (chiếm 30%).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Việc xây dựng đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, ổn định cung cầu về giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi; góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Đây là khâu đột phá, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ lực trong chuỗi liên kết sản xuất giống. Mục tiêu đến năm 2020, chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL, nhu cầu toàn vùng là 2,2 - 2,5 tỷ con cá tra giống. Đến năm 2025, các chuỗi này hoạt động ổn định, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL, với nhu cầu toàn vùng là 2,5 - 3 tỷ cá tra giống”.

Hưng Tân

 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất