, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/07/2022, 09:21

Drone Việt trên cánh đồng Việt

Tuấn Anh
Đưa thiết bị bay không người lái (drone) do Việt Nam sản xuất vào phục vụ sản xuất nông nghiệp là khát vọng của một nhóm bạn trẻ đam mê công nghệ. Trước khi gặp và cùng kết hợp xây dựng Công ty cổ phần Công nghệ thông minh Mismart (gọi tắt là Mismart) - doanh nghiệp chuyên thiết kế, chế tạo, sản xuất máy bay không người lái chẩn bệnh cây trồng và tưới tiêu thông minh - vào năm 2019, Việt Huy, Phi Vũ và Thanh Toàn đều là những người đã ít nhiều có ảnh hưởng trong giới công nghệ.

 

 

 
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Việt Huy với con chip do Mismart nghiên cứu và phát triển.

 

 

Việt Huy là CEO của Mitek – công ty chuyên cung cấp các nền tảng công nghệ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp cho các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Phi Vũ là Tiến sỹ khoa học ngành Máy bay không người lái (UAV) tại ĐH New South Wales (Australia). Thanh Toàn tốt nghiệp Thạc sỹ Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu thông minh - BigData tại Nhật Bản.

Mối quan tâm chung của họ là làm thế nào để đưa công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là làm thế nào để có thể thay thế việc sử dụng drone (thiết bị bay không người lái) do Trung Quốc sản xuất (đang chiếm đến 80% thị phần ở Việt Nam) bằng thiết bị bay với công nghệ, phần mềm được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam. 

Nông nghiệp Việt Nam dù đang nằm trong top 10 thế giới nhưng sản lượng lại chỉ được đánh giá ở mức trung bình vì cách thức canh tác còn thủ công. Phạm Thanh Toàn – CEO Mismart  - cho rằng việc đưa các thiết bị công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần thay đổi thực trạng trên. Toàn ví dụ như ở Nhật Bản, chỉ tính khâu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái đã giúp tăng hiệu suất gấp 50 lần so với cách làm truyền thống. Chưa kể công nghệ này còn giúp tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe nông dân, cho nông sản sạch với năng suất vượt trội...

Ý tưởng đã có nhưng bắt tay vào chế tạo, sản xuất drone không đơn giản vì vướng ngay thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành; các ngành công nghiệp phụ trợ, cơ khí chính xác ở Việt Nam còn nhiều hạn chế; việc mua linh kiện, thiết bị chuyên dụng từ nước ngoài bị từ chối vì số lượng đặt mua quá ít; Việt Nam cũng chưa có khung pháp lý đầy đủ đối với ứng dụng drone trong dịch vụ nông nghiệp... 

Đối diện với những khó khăn đó, Mismart từng bước tìm cách tháo gỡ. Và sau hàng ngàn chuyến bay thất bại, năm 2020, Mismart đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ từ sản xuất phần cứng, phầm mềm đến phát triển các dịch vụ kèm theo như bảo hành, khai thác thương mại sản phẩm v.v…

 
Mismart hướng đến việc nâng tỷ lệ nội địa hóa Drone lên 100% trong thời gian tới.
 

 

Hai năm sau khi thành lập, sản phẩm Drone AI của Mismart đã vượt qua hàng loạt cuộc thử nghiệm khắt khe để chính thức cất cánh trên đồng ruộng. Công ty cổ phần Nông nghiệp chính xác Mapa (gọi tắt là Công ty Mapa - Đồng Tháp) là đơn vị cung cấp các dịch vụ bay phun thuốc, tưới tiêu lớn ở Đồng Tháp và An Giang đang sử dụng rất hiệu quả drone của Mismart. Anh Nguyễn Hào Quý, Công ty Mapa, cho biết: chỉ cần một nhóm 2 người với một xe máy chở thiết bị bay gấp gọn kèm pin và một chiếc chở máy nổ sạc pin là có thể triển khai một đội phun thuốc trừ sâu bằng drone cơ động trên mọi địa hình. Một ngày, mỗi đội có thể phun phủ cho 35 đến 50 hécta với chi phí vận hành rất thấp. Theo ước tính, mỗi đội bay có thể tiết kiệm cho công ty mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng. 

Ông Bùi Quang Nhật (nông dân xã Bình Tấn huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp) có 20 hécta ruộng và vườn. Ba vụ gần đây ông toàn phun thuốc bằng drone vì nó giúp ông tiết kiệm thời gian (mất khoảng 20 phút cho 20 hécta thay vì 10 ngày như khi còn phun thủ công), nhờ đó, giảm được 20 đến 30% chi phí. Tại Quảng Trị, Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (SEPON) đang thử nghiệm dùng drone của Mismart phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thảo dược trên các diện tích trồng lúa hữu cơ của đơn vị. Theo ông Hồ Xuân Hiếu – Chủ tịch HĐQT SEPON, drone của Mismart vận hành ổn định, chi phí thấp, hiệu suất gấp hàng chục lần so với các biện pháp phun thuốc thủ công. “Đây là giải pháp hiện đại có thể ứng dụng rộng rãi bởi toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 2.800 hécta đất trồng lúa, trong đó có đến 90% diện tích có thể triển khai dịch vụ này”, ông Hiếu cho biết. 

 

Chia sẻ về việc sử dụng drone, anh Ngô Thành Lộc – người chuyên điều khiển drone của công ty Mapa – cho rằng thao tác trên bộ điều khiển thiết bị bay do Mismart cung cấp khá đơn giản, giao diện dễ sử dụng do phần mềm viết bằng tiếng Việt. Đây là điều mà những sản phẩm cùng loại của nước ngoài trên thị trường không có. 

Chia sẻ về thiết bị bay không người lái do Mismart sản xuất, anh Phạm Thanh Toàn cho biết: “Drone của Mismart làm hoàn toàn bằng sợi carbon fiber cứng hơn 5 lần so với titanium và nhẹ hơn nhôm. Drone chở được trên 20 lít nước/thuốc, dưới tác động quay của đĩa ly tâm, dung dịch được phun dưới dạng sương mù kích thước micromet cực nhỏ từ 95 – 550 µm, tăng khả năng thẩm thấu của cây trồng lên đến 95% và tiết kiệm được 15% lượng phân bón, 70% lượng nước. Phần mềm do Mismart viết thích hợp từng loại địa hình: đồng ruộng bằng phẳng, vườn cây ăn trái, đồi núi dốc…”. Hiện nay, khoảng 90% chi tiết thiết bị đã được Mismart sản xuất tại Việt Nam. Dù hai bộ phận chính của drone là động cơ và pin vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng theo Trần Phi Vũ - Giám đốc Công nghệ Mismart – thì Mismart đã tự thiết kế mạch điều khiển và giám sát pin, radar tự động tránh vật cản, mạch công suất nguồn, phần mềm điều khiển bay... Do vậy, đơn vị có thể tiến hành bảo trì, thay thế, và bàn giao sản phẩm nhanh chóng cho người dùng chỉ trong vòng 2 đến 7 ngày. Mismart hiện đang hướng tới việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo động cơ và pin, nâng tỷ lệ nội địa hóa drone lên 100%.

 

 

Việc tích hợp các thiết bị, công nghệ tự động với trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data) giúp drone của Mismart có thể cung cấp các giải pháp số hóa đa dạng từ phun tưới cho đến viễn thám... Những ứng dụng mà Mismart có thể cung cấp từ thiết bị bay bao gồm xây dựng bản đồ số hóa nông nghiệp, thu thập dữ liệu vùng trồng, quản lý mùa vụ, chẩn bệnh sức khỏe cây trồng, phát hiện sâu bệnh, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân trên lá, rải hạt... 

Không chỉ có thế, với giá thành đầu tư thấp hơn, chế độ bảo hành một năm không tốn phí và dịch vụ đào tạo bay tại chỗ, drone của Mismart có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài. 

Ông Nguyễn Thái Việt Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ thông minh Mismart – cho biết Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ là những thị trường lớn của Mismart. Hiện Mismart đang xây dựng nhà máy sản xuất drone quy mô lớn để nâng công suất đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, Mismart sẽ tiếp tục tối ưu hóa sản phẩm công nghệ, đặc biệt trên thiết bị drone AI với mục tiêu giúp nâng cao giá trị nông sản và trở thành nhà cung cấp máy bay không người lái kiểm tra sức khỏe cây trồng và tưới tiêu hiệu quả nhất Việt Nam. 

Tuấn Anh

 

 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất