, //, :: GTM+7

Dự án cấp nước liên tục trễ hẹn

TỬ TRỰC - HOÀNG PHÚC
(nld.com.vn)

Miền Trung vào mùa khô hạn, thiếu nước sinh hoạt lẫn sản xuất trầm trọng nhưng nhiều dự án cấp nước liên tục trễ hẹn.

Đến những khu vực xa trung tâm huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong những ngày này, đi đâu cũng thấy cảnh người dân xách can, thùng đến một vài địa điểm giếng nước sinh hoạt ít ỏi như giếng Tiền, giếng Xó La chờ lấy nước.

Năm sau hạn hơn năm trước

Bà Trần Thị Tình (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn) cho biết liên tiếp mấy tháng qua, nắng hạn kéo dài khiến huyện Lý Sơn thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất nghiêm trọng; nhiều người dân phải mua nước sinh hoạt với giá cao, khoảng 50.000 đồng/m3. "Càng ngày tình trạng thiếu nước càng nghiêm trọng. Năm sau khô hạn đến sớm hơn năm trước, giếng nhiễm mặn cũng nặng hơn" - bà Tình cho biết.

Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất trên đảo cũng thiếu trầm trọng. Các cánh đồng chung cảnh tượng khô cằn, cháy úa... "Toàn huyện chỉ có khoảng 30% diện tích đất sản xuất được người dân xuống giống vụ mới, còn lại hầu như bỏ trống do không có nước tưới" - ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết.

Đáng nói là tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất ở Lý Sơn diễn ra khá gay gắt nhưng nhiều công trình nước sạch đầu tư hàng chục tỉ đồng vẫn không hiệu quả, có công trình không biết ngày nào xong.

Chẳng hạn như hệ thống trữ nước sinh hoạt kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn có tổng vốn 75 tỉ đồng, do UBND huyện Lý Sơn làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án triển khai trong giai đoạn 2017-2020, gồm 2 hồ chứa, đường ống dẫn, cấp nước; mục tiêu cấp nước sinh hoạt cho 1.000 người và nước tưới tiết kiệm cho 80 ha đất nông nghiệp. Dù đã quá thời gian thực hiện nhưng dự án hiện mới hoàn thành 1 hồ chứa. Theo lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn, nguyên nhân chậm tiến độ là do đang điều chỉnh thiết kế ban đầu. Sau khi điều chỉnh, tổng dung tích các hồ chứa chỉ còn khoảng 60%-70% so với thiết kế ban đầu, dẫn đến số người và diện tích đất được cấp nước cũng giảm nhưng vốn đầu tư vẫn giữ nguyên 75 tỉ đồng.

Tháng 7-2014, UBND huyện Lý Sơn cũng khởi công dự án Hệ thống cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện đảo Lý Sơn, tổng vốn đầu tư hơn 30 tỉ đồng, nhằm cung cấp nước sạch cho 1.500 hộ dân 2 thôn An Vĩnh, An Hải và trung tâm huyện. Dự kiến, công trình sẽ đưa vào sử dụng 2 năm sau đó. Đến tháng 10-2016, sau khi chạy thử, công trình tạm dừng mãi đến tháng 7-2018 mới đưa vào sử dụng lại và cũng hoạt động cầm chừng, chỉ đáp ứng khoảng 25% công suất, địa phương phải hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động của công trình.

Ông Đặng Tấn Thành cho biết theo thiết kế, hệ thống cấp nước này công suất lọc 1.000 m3/ngày đêm, gồm 7 giếng khoan, 7 trạm bơm, bể chứa và các hạng mục phụ trợ khác. Sở dĩ hệ thống không đạt hiệu quả như thiết kế ban đầu là vì các giếng khoan cung cấp nước đa phần đã nhiễm mặn hoặc cạn kiệt. Còn việc hỗ trợ kinh phí là vì hệ thống cấp nước này do nhà nước quản lý, giá bán cho các hộ dân nằm trong khung giá được phê duyệt, hỗ trợ người dân, không phải giá kinh doanh nên chính quyền phải hỗ trợ để đơn vị quản lý trả lương cho người lao động.

Dân "khát", dự án bỏ hoang

Năm 2009, dự án Cấp nước sạch tập trung của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với tổng kinh phí đầu tư 35 tỉ đồng được triển khai để lấy nước từ hồ chứa Rào Đá, công suất hơn 4.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho khoảng 10.000 hộ dân ở 5 xã phía Tây huyện Quảng Ninh. Sau khi khởi công giai đoạn 1, dự án đã thi công lắp đường ống dẫn nguồn nước từ hồ về trung tâm các xã và xây hồ chứa. Từ đó, dự án chững lại gần 10 năm qua.

Bà Nguyễn Thị Liên (ngụ thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh) cho biết người dân trong thôn hàng chục năm nay sống chung với nguồn nước ô nhiễm. Không có nước sạch nên bà con phải sử dụng giếng nước nhiễm phèn, dù đã mua bể lọc nhưng nước vẫn ố vàng, đục ngầu. Thôn Hữu Tân có 200 hộ, 100% giếng đều nhiễm phèn nặng. Mỗi lần bơm nước từ giếng lên nhìn rất trong nhưng chỉ để 1-2 giờ là chuyển màu vàng, nổi đầy váng và bốc mùi hôi tanh.

Không riêng xã Tân Ninh, hầu hết nguồn nước sinh hoạt của nhiều địa phương khác tại huyện Quảng Ninh như các xã: Hiền Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh… cũng đều ô nhiễm, khô khát vào mùa nắng khiến cuộc sống hàng ngàn dân vô cùng khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, cho biết dự án Công trình dẫn nước sạch từ hồ thủy lợi Rào Đá về 5 xã của huyện, trong đó có Tân Ninh, chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1. Giai đoạn 2 "treo" từ nhiều năm qua nên chưa thể phân phối nước về cho dân. Theo Ban Quản lý dự án huyện Quảng Ninh, dự án này xây dựng hệ thống phân phối và xử lý nước cho 5 xã của huyện Quảng Ninh và Khu Công nghiệp Áng Sơn, được phê duyệt tổng mức đầu tư trên 35 tỉ đồng, rơi vào tình trạng này là do nhà tài trợ chưa cung cấp vật tư, thiết bị. 

Khô hạn do nhiều nguyên nhân
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất ở Lý Sơn chủ yếu do mức độ xâm nhập mặn ngày càng nặng thêm. Lý Sơn có khoảng 2.000 giếng nhưng phần lớn nhiễm mặn. Các máy đo quan trắc cho thấy tốc độ nước biển xâm thực sâu vào đất liền năm sau luôn sớm và cao hơn năm trước, cộng thêm tình trạng biến đổi khí hậu khi trên đảo ngày càng ít mưa. Đặc biệt, vào mùa nắng, mưa trên đảo cực kỳ ít nên ngày càng khô hạn.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất