, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 29/11/2023, 07:00

Dự án xanh chậm chạp cản trở thu hút vốn FDI

MỸ HUYỀN
Mục tiêu cắt giảm lượng khí thải xuống mức 0 vào năm 2050 của Việt Nam còn nhiều thách thức. Chuyên gia trong ngành logistics và ngành xây dựng nói gì về vấn đề này?
Một công ty ở TP.HCM lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời (năng lượng tái tạo) nhưng vẫn bố trí mảng xanh xung quanh để đảm bảo tiêu chí về phát triển xanh. Ảnh: Trung Thanh.

Ông Thomas Harris - Tổng giám đốc công ty VN Harris Global: Việt Nam cần có một lộ trình dài hạn

Lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam đang có những thách thức và có khả năng cản trở nguồn vốn FDI.

Dù rằng chính phủ Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào việc sử dụng năng lượng tái tạo trong những năm qua, phê duyệt qui hoạch Phát triển Điện lực VIII (PDP8) nhằm đảm bảo và phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mà cụ thể là có sự chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió và mặt trời, nhưng xem ra mọi việc không dễ dàng.

Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đòi hỏi phải đầu tư lớn vào đường dây truyền tải và hệ thống lưu trữ. Ngoài ra, còn yêu cầu một nguồn điện ổn định có khả năng chống lại tính chất không ổn định của năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Mục tiêu của Chính phủ là tập trung vào việc giảm phụ thuộc vào than, nhưng nguồn vốn chưa phải là thế mạnh của Việt Nam để đẩy mạnh việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, khả năng thanh toán cũng bị cản trở bởi các quy định và thị trường.

Sự chuyển tiếp của cơ chế chưa có, nên khó khăn của nhà đầu tư không nhỏ. Nhà đầu tư không thể hưởng lợi từ giá điện ưu đãi (FiT) cũng đang dẫn đến khả năng hấp thu tài nguyên thấp và lãng phí. Các nhà đầu tư quốc tế cũng đang phải đối mặt với các vấn đề pháp lý, nếu tuân thủ quy định ở Việt Nam sẽ dẫn đến khó đạt được các yêu cầu pháp lý sở tại.

Phát triển bền vững trở thành xu hướng bắt buộc của nhà đầu tư lẫn Chính phủ, với nhiều cam kết ràng buộc. Chúng tôi rất mong chờ hiệu quả từ các khu công nghiệp xanh mới và cam kết của Chính phủ trong việc chuyển đổi 40% khu công nghiệp hiện có vào năm 2030. Các giải pháp nhà kho xanh và phương thức xây dựng xanh sẽ tác động mạnh mẽ và tích cực đến các công ty logistics đang cố gắng thu hút vốn FDI.

Việt Nam cần có lộ trình dài hạn để đạt được các mục tiêu của quốc gia. Chính phủ, các ban ngành và người dân đều cần chung tay đóng góp ý kiến để có được sách lược tốt nhất cho môi trường. Không thể chỉ đặt trách nhiệm lên vai một mình Chính phủ vì thế hệ sau là con cháu của chính chúng ta.

Biểu đồ hàm lượng Amoni trung bình năm 2021 tại các vị trí quan trắc trên địa bàn TP.HCM.

Bà Gemma Young - Giám đốc Chiến lược & Tính bền vững tại Studio3eight: Tiệm cận thảm họa môi trường

Tình trạng ô nhiễm và nguy cơ biến đổi khí hậu đang đe dọa sự thu hút FDI của TP.HCM. Trong nghiên cứu Developing residential real estate in HCMC: who need to do what different, gần 80% diện tích xây dựng và khu dân cư ở TP.HCM vừa là chất xúc tác và vừa là nạn nhân của biến đổi khí hậu. Duy trì hoạt động kinh doanh như thường sẽ là thảm họa cho TP.HCM và nếu không có hành động nào thì hậu quả của biến đổi khí hậu đối với TP.HCM sẽ rất thảm khốc.

Ngành xây dựng chịu trách nhiệm cho gần 40% lượng khí thải CO2 toàn cầu, 50 - 70% lượng khí thải của thành phố. Người dân ở các đô thị đang phát triển như TP.HCM được coi là một trong những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, đang phải chịu đựng nghịch cảnh liên quan đến khí hậu ở mức độ cực đoan.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí. Lượng khí thải năng lượng và các hạt bụi mịn được tạo ra từ hoạt động phá dỡ và xây dựng mới sẽ tăng lên khi TP.HCM cố gắng đáp ứng nhu cầu về nhà ở.

Vốn đã thiếu nhà ở, TP.HCM sắp trở thành một siêu đô thị ngày càng có nhu cầu về nhà ở cao hơn. Xây dựng thêm nhưng không có các biện pháp phát triển bền vững sẽ gia tăng lũ lụt, nắng nóng, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nước, phát sinh chất thải, phát thải khí nhà kính (GHG), tiêu thụ năng lượng, hủy hoại môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Chất lượng cuộc sống sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, kéo theo các yếu tố môi trường và lối sống góp phần làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và bệnh tật trực tiếp cản trở việc học tập, nhận thức và năng suất. Hơn nữa, lũ lụt sẽ làm ngập các tài sản dân cư, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, làm giảm giá trị của tổng sản phẩm quốc nội.

Diện tích xây dựng tăng nhưng diện tích cây xanh lại thiếu. Chưa đến 1 mét vuông diện tích cây xanh và 0,22 mét vuông diện tích công viên trên bình quân đầu người. Thiếu trầm trọng bất kỳ hạn ngạch hợp lý nào, cây xanh và công viên ở TP.HCM phải nhường chỗ cho cơ sở hạ tầng xám xịt, làm trầm trọng thêm hiệu ứng đảo nhiệt và tác động của khí hậu địa phương.

Cần phải khử cacbon trong môi trường xây dựng ngay từ bây giờ! Tuy nhiên, thách thức sẽ xuất hiện vì làm sao để các nhà phát triển bất động sản có động lực đạt được các mục tiêu bền vững? Mang lại lợi ích cho các nhà phát triển bất động sản khi phát triển các dự án bền vững sẽ là giải pháp. Ví dụ, vốn hóa dưới dạng tín dụng bù đắp carbon hoặc trái phiếu vĩnh viễn tại các cơ sở hạ tầng năng lượng lưới điện tái tạo vi mô như dự án khu dân cư và/hoặc khu phức hợp. Theo đó, tài sản này mang lại cho các doanh nghiệp khác cơ hội bù đắp lượng khí thải và đạt được mục tiêu không khí thải thông qua việc mua hàng, hoặc đầu tư vào cơ chế bù đắp carbon.

Liên kết giữa các nhà phát triển bất động sản cùng với các công ty công nghệ có cùng mục tiêu như xe điện, công nghệ nhà thông minh và/hoặc hàng hóa và thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng, sẽ đẩy mạnh được mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất