, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 04/11/2022, 10:32

Đủ kiểu mưu sinh mùa nước nổi

VIỆT AN
(baokiengiang.vn)
Lũ về đem theo nguồn lợi thủy sản dồi dào như món quà thiên nhiên ban tặng. Năm nay nước lớn, cá đồng các loại, lươn, tép… theo con nước về cũng nhiều hơn, giúp người dân cải thiện thu nhập.

Sáng sớm, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Thanh An, ngụ ấp Thái Hưng, xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) ra đồng.

Chiếc xuồng nhỏ lắc lư trong cơn mưa nhỏ. Tranh thủ thả gần chục tay lưới 3 màng xuống nước, ông An cho biết, gia đình ông có 3ha ruộng chỉ làm hai vụ lúa. Vụ thu đông ông cho đất nghỉ, lúc rảnh ông thả lưới kiếm cá. Nhiều năm nay, cứ vào mùa nước nổi, ông An lại theo nghề thả lưới, chủ yếu bắt cá rô, cá lóc, cá trê, mỗi ngày kiếm từ 200.000-400.000 đồng.

Tay thoăn thoắt gỡ lưới dính đầy cá rô, ông An nói: “Nghề này phải chịu cực, cách 3 giờ đi thăm lưới một lần để cá không chết. Cá rô giăng lưới còn sống bán giá 40.000 đồng/kg; cá trê, cá lóc 60.000-70.000 đồng/kg; nếu cá chết thì giá bán thấp”.

Ngoài giăng lưới, kéo ốc, đặt dớn bắt cá linh cũng là nghề giúp nhiều người dân có thu nhập khá. Tuy nhiên, theo người dân đánh bắt cá tại huyện Hòn Đất, năm nay sản lượng cá linh giảm nhiều so những mùa lũ trước.

Trên đồng nước mênh mông, chúng tôi tiến về hướng có những vệt đen trước mặt. Càng đến gần, chúng tôi mới biết mỗi vệt đen là chiếc vỏ máy của người dân đi đánh bắt cá, ốc, cua đồng.

Chỉ với chiếc vỏ lãi, một giàn lưới đơn giản, mỗi mẻ lưới anh Nguyễn Văn Minh, ngụ ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất bắt từ 4-5kg ốc bươu vàng lẫn cua đồng.

“Ốc dễ bắt, bữa nào trúng thu từ 400-500kg. Mùa nước nổi ốc nhiều vô số, chỉ cần chạy vỏ máy có gắn chiếc cào gạt này là bắt được ốc. Ốc đem cân xô, lớn lẫn nhỏ giá 1.000 đồng/kg, cua đồng giá 1.500 đồng/kg. Giá bán tuy rẻ nhưng có thu nhập, lại diệt bớt ốc để vụ sau mần lúa đỡ tốn tiền mua thuốc bảo vệ thực vật”, anh Minh nói. 

Ông Ngô Văn Giang, ngụ ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đặt xà di bắt cá rô đồng mùa nước nổi.

Ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), không khí mưu sinh trên đồng mùa này khá nhộn nhịp. Từ khi con nước tràn bờ, ông Trần Văn Thuận, ngụ ấp Vinh Thuận, xã Ngọc Thuận dậy từ 3 giờ sáng để đổ 50 cái trúm lươn. Công việc đổ trúm của ông kết thúc khoảng 6 giờ sáng, kịp lúc bạn hàng thu mua đem giao cho các vựa cá đồng.

Theo ông Thuận, muốn bắt được nhiều lươn bằng trúm thì phải tìm hiểu trước khu vực thả trúm. Những nơi lươn hay làm hang trú ngụ là lớp bùn đất mềm sát bờ cỏ ngập nước hoặc bụi cây mấp mé ao, đìa.

“Mồi ngon dụ lươn vào trúm phải là ốc, cua đồng giã nhuyễn hong chút nắng, sau đó trộn với dầu chuối. Lươn đồng loại nhất hồi đầu mùa nước nổi giá 150.000 đồng/kg, giờ còn 75.000 đồng/kg. Giá giảm nhưng bù lại lươn bắt được nhiều nên vẫn sống khỏe”, ông Thuận chia sẻ.

Cánh đồng ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) mùa này có hàng trăm người hành nghề đặt dớn, giăng lưới, cắm câu ếch và đặt xà di bắt cá.

Ông Ngô Văn Giang, ngụ ấp Thạnh Nguyên cho biết, trước khi nước nổi về, ông đã chuẩn bị 80 cái xà di trước vài tháng. Mùa này nước về cao hơn trung bình những năm trước, cá rô đồng cũng nhiều hơn, việc “kiếm cơm” cũng đỡ vất vả. Số tiền kiếm được từ đặt xà di bắt cá rô đồng phần nào tạm đủ để ông Giang trang trải cuộc sống gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hà, ngụ ấp Ngọc Thạnh, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) giăng lưới bắt cá làm mắm bán.

Trong khi nhiều người đánh bắt thủy sản đem bán tươi thì ông Nguyễn Văn Hà, ngụ ấp Ngọc Thạnh, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng giăng lưới bắt cá làm mắm. Với cách làm này, mỗi mùa nước nổi, ông Hà làm được hơn 300kg mắm cá đồng thành phẩm, bán với giá 100.000 đồng/kg, ông thu nhập hơn 30 triệu đồng.

Ông Hà chia sẻ: “Nghề này cực lắm. Tôi thức từ 3 giờ sáng để thả lưới, đến 6 giờ lưới được cuốn xong. Sử dụng lưới 3 màng nên cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc đều dính. Mỗi ngày bổ đồng kiếm được 15kg cá đã làm sạch. Già rồi nên tôi chỉ giăng khu vực đồng nhà. Cá giăng lưới vô còn tươi nên làm mắm rất ngon. Mắm tôi làm chỉ bán quanh xóm nhưng năm nào cũng không đủ bán”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất