, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 17/01/2023, 12:30

Du lịch châu Á hối hả trong năm mới

LINH LA - theo AP, CNN, Guardian, Reuters
(phunuonline.com.vn)
Sau nhiều năm hạn chế di chuyển, du khách Trung Quốc lại bắt đầu đến nghỉ dưỡng tại các quốc gia trong khu vực châu Á. Dịp đầu năm cũng là thời điểm để ngành du lịch và dịch vụ tận dụng nguồn khách nội địa.

Nguồn khách quan trọng

Trong những năm trước đại dịch, Trung Quốc là nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng nhất thế giới. 155 triệu khách Trung Quốc đã chi hơn 250 tỉ USD ở nước ngoài vào năm 2019. Do đó, khi Trung Quốc tái mở cửa vào ngày 8/1, hàng triệu người đã sẵn sàng bay đi khắp thế giới, làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi của ngành du lịch toàn cầu.

Du khách tham quan Cung điện Hoàng gia ở Bangkok, Thái Lan - ẢNH: REUTERS

Dù không thể quay lại mức trước đại dịch trong ngắn hạn, các công ty, ngành công nghiệp du lịch phụ thuộc vào nguồn khách Trung Quốc đặt niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng năm 2023. Steve Saxon - một chuyên gia tại văn phòng Thâm Quyến của công ty tư vấn McKinsey (Mỹ) - dự đoán, số khách Trung Quốc đi máy bay ra nước ngoài sẽ đạt khoảng 6 triệu lượt/tháng vào mùa hè 2023.

Emmy Lu (30 tuổi) làm việc cho một công ty quảng cáo ở Bắc Kinh chia sẻ: “Tôi đã kẹt trong nước hơi lâu. Tôi thực sự mong chờ việc dỡ bỏ các hạn chế để có thể đi đâu đó vui chơi”. Theo dữ liệu từ các trang web du lịch của Trung Quốc, lượng đặt chỗ du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán đã tăng 540% so với năm trước. Các điểm đến hàng đầu tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Úc, Thái Lan, Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc).

Alex Loo - chiến lược gia của công ty tài chính TD Securities (Canada) - giải thích: “Các hộ gia đình ở Trung Quốc đã tích lũy một lượng tiền mặt đáng kể qua những năm đại dịch. Giờ đây, họ muốn sử dụng chúng”. Các nhà phân tích từ ngân hàng Goldman Sachs nhận định: “Chúng tôi dự đoán rằng Hồng Kông, Thái Lan, Việt Nam và Singapore sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nếu ngành du lịch của Trung Quốc quay trở lại mức của năm 2019”. 

Yuthasak Supasorn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan - cho biết ngành du lịch nước này đang chuẩn bị cho sự trở lại của du khách Trung Quốc. Anchalee - chủ công ty du lịch CM Paradise Tour tại Chiang Mai - đã thuê thêm người nói tiếng Trung Quốc và tài xế để đưa các nhóm khách tham quan ngôi chùa Doi Suthep nổi tiếng và chiêm ngưỡng phong cảnh địa phương. Piyanut Intarachai - quản lý một nhà hàng ở Chiang Mai - nhận xét: “COVID-19 có ở khắp mọi nơi, không chỉ ở Trung Quốc. Vẫn có những ca nhiễm mới mỗi ngày tại Thái Lan và các nước. Do đó điều mọi người cần là công việc và thu nhập cho cuộc sống của họ”.

Tiếp tục khai thác nguồn khách nội địa 

Không đặt quá nhiều kỳ vọng vào nguồn khách từ Trung Quốc, các khách sạn và nhà hàng trên khắp khu vực Nam Á đang tổ chức lại hoạt động kinh doanh để tồn tại. Họ chọn khai thác nguồn khách địa phương và tận dụng cơ hội từ các trang thương mại trực tuyến. Ở Sri Lanka, nơi nền kinh tế dựa vào du lịch bị cản trở vì những biến động chính trị và tình trạng thiếu hụt hàng hóa, tình hình vẫn còn rất khó khăn.

Saman Nayanananda - giám đốc một chuỗi khách sạn ở Thủ đô Colombo - cho biết việc tìm nguồn cung ứng thực phẩm tại địa phương là rất quan trọng. Ông Nayanananda chia sẻ: “Chúng tôi gặp rất nhiều thách thức, bao gồm nguyên liệu thô và vấn đề vận chuyển. 1 năm sau đại dịch, tất cả các khách sạn đều bắt đầu dịch vụ giao đồ ăn tận nhà. Chúng tôi đã dần hồi phục cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế ập đến”.

Ở Ấn Độ, quy mô của thị trường dịch vụ ăn uống dự kiến sẽ tăng từ 41 tỉ USD vào năm 2022 lên 79 tỉ USD vào năm 2028. Nhưng lĩnh vực này vẫn sẽ phải đối mặt với sự chậm trễ hoặc thiếu hụt nguồn cung. Maneesh Baheti - người sáng lập và là giám đốc của Hiệp hội Ẩm thực Nam Á - cho biết, đại dịch đã nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe và nguồn cung ứng thực phẩm, buộc ngành ẩm thực áp dụng các phương pháp bền vững hơn.

Điều đó bao gồm cung cấp các món ăn được chế biến từ nguyên liệu có nguồn gốc địa phương. Mặt khác, nhiều cộng đồng đô thị đang thử nghiệm chế độ ăn dựa trên thực vật và trồng nông sản trên mái nhà hoặc sân sau của họ. Siddharth Bandal - quản lý tại quán cà phê - bar Hideaway ở bang Goa, Ấn Độ - nhận xét, các doanh nghiệp phải đủ nhanh nhẹn để thích ứng với hành vi thay đổi của khách hàng, bao gồm xu hướng chuyển sang thực phẩm lành mạnh hơn và đặt tính trải nghiệm lên hàng đầu

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất