, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 16/04/2022, 16:00

Du lịch nông thôn Bình Liêu: Đòn bẩy để xây dựng nông thôn mới

NGUYỄN THÀNH
(nongnghiep.vn)
Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã mạnh dạn khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông thôn. Từ đó, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững

Tiềm năng đa dạng

Quảng Ninh có vị trí địa lý và địa hình đa dạng, phong phú, mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng, trung du, miền núi và vùng biển với nhiều hình thái khí hậu khác nhau. Đây được xem là lợi thế để đất mỏ phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông thôn, để từ đó xây dựng NTM bền vững.

Những năm gần đây, huyện Bình Liêu là một điểm đến du lịch mới mẻ, độc đáo, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa truyền thống đậm nét của đồng bào các dân tộc nơi đây, đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó có du lịch nông thôn.

Du khách đến thưởng thức lễ hội hoa sở ở huyện Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Thành 
Du khách đến thưởng thức lễ hội hoa sở ở huyện Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Thành

Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, Bình Liêu lại rực rỡ những sắc màu. Đó là sắc vàng rộ của những thửa ruộng bậc thang; sắc hồng, trắng của cỏ lau nở khắp các sườn núi, trải dài dọc cung đường tuần tra biên giới. Đến tháng 12, nơi đây nổi bật là màu trắng tinh khôi, thanh khiết của hoa sở. Cùng với khung cảnh nguyên sơ của vùng đồi núi Đông Bắc đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn du khách thập phương.

Nhằm khai thác tối đa giá trị cảnh quan gắn với việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới thu hút du khách, hàng năm, huyện Bình Liêu đều tổ chức chuỗi hoạt động Tuần văn hóa - du lịch với nhiều chương trình hấp dẫn như hội mùa vàng, hội hoa sở, hoạt động phiên chợ đêm, các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, đá bóng nữ dân tộc Sán Chỉ... nhằm đẩy mạnh quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Đồng thời, hình thành thêm nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp như Bản sông Moóc, (xã Đồng Văn); Bản Cáu (xã Lục Hồn) cùng các HTX hoạt động sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch nông thôn. Với tiềm năng, thế mạnh riêng có, cùng hướng đầu tư, phát triển cụ thể, bài bản, du lịch Bình Liêu hứa hẹn sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh cũng có những bước khởi sắc nhất định với nhiều điểm du lịch cộng đồng như làng quê Yên Đức (Đông Triều), Bình Liêu, đảo Quan Lạn, đảo Cô Tô…. Số lượng khách du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đến với đất mỏ có xu hướng tăng lên, đặc biệt là khách nội địa.

Những khó khăn hiện hữu

Hiện nay, việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn ở Bình Liêu nói riêng và ở Quảng Ninh nói chung còn nhiều khó khăn. Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp ở các trang trại, HTX nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, manh mún, trùng lặp; chưa có quy hoạch và chưa được kết hợp với các tuyến du lịch nên lượng khách còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp không khói còn chưa đồng đều. Nhiều điểm đến phù hợp để phát triển các loại hình du lịch nhưng cơ sở hạ tầng vẫn rất hạn chế.

Các điểm lưu trú được đầu tư, xây dựng nằm riêng lẻ tại các thôn, bản khác nhau, hoạt động theo hình thức độc lập. Ảnh: Nguyễn Thành
Các điểm lưu trú được đầu tư, xây dựng nằm riêng lẻ tại các thôn, bản khác nhau, hoạt động theo hình thức độc lập. Ảnh: Nguyễn Thành

Sau 5 năm khai thác du lịch, số lượng du khách đến với Bình Liêu năm 2020 tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm đầu. Tuy nhiên, theo báo cáo từ các địa phương thì lượng khách lưu trú lại chỉ đạt hơn 23.500 người, bằng 1/3 lượng du khách. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khách du lịch thưa thớt.

Thực tế cho thấy, các điểm lưu trú, các homestay được đầu tư, xây dựng trên địa bàn hiện nằm riêng lẻ tại các thôn, bản khác nhau, hoạt động theo hình thức độc lập, chủ yếu phục vụ ăn, nghỉ, không có hoạt động văn hóa hấp dẫn với du khách. Làm du lịch văn hóa, nhưng không có các hoạt động văn hóa dân tộc đặc sắc vào ban đêm, không có không gian giao lưu đông người và thiếu tính cộng đồng, đã khiến cho ít du khách lựa chọn hình thức lưu trú, nghỉ đêm.

Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt "Đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn", theo đó định hướng tổ chức các không gian phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn ở các địa phương như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái và du lịch sinh thái khu vực ven biển Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long. 

Đòn bẩy để xây dựng NTM 

Hơn 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM đã làm lên một diện mạo mới cho khu vực nông thôn Quảng Ninh. Sự đầu tư về hạ tầng cơ sở, đường, điện, giao thông nông thôn đã tạo nên một sự thông thương thuận lợi giữa các vùng, tạo nên sự kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, với sự hình thành và phát triển của các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP vừa mang đậm tính truyền thống vừa có sức cạnh tranh trên thị trường đang thực hiện tốt vai trò là sản phẩm phục vụ cho du lịch.

Song song với việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn, Bình Liêu đã có những chiến lược lâu dài, bài bản trong việc khai thác, phát triển tiềm năng du lịch trên địa bàn.

Cụ thể, từ năm 2020, huyện đã hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối 104 thôn, bản, khu phố; tuyến đường đi qua nhiều điểm du lịch trên địa bàn huyện. Hạ tầng điện, viễn thông, các công trình quy hoạch trọng điểm tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện, đưa vào sử dụng như công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ Cao Ba Lanh, điểm dừng chân Cột mốc 1305…

Khách du lịch nước ngoài thích thú với các trải nghiệm mới lạ ở miền sơn cước Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Thành
Khách du lịch nước ngoài thích thú với các trải nghiệm mới lạ ở miền sơn cước Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Thành

Ngoài ra, huyện đang tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác, tuyên truyền quảng bá phát triển thị trường du lịch; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, văn hoá, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, lịch sử trên địa bàn.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang xã Lục Hồn; công nhận khu du lịch Bình Liêu là khu du lịch cấp tỉnh. Đây được xem là điều kiện quan trọng, tạo thuận lợi để thúc đẩy phát triển du lịch của huyện trong những năm tiếp theo.

Ông Vi Ngọc Nhất, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Bình Liêu cho biết, năm 2022, huyện đã xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch, nâng tầm hoạt động du lịch chất lượng và hiệu quả. Trong đó, lồng ghép các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn riêng về cảnh quan sinh thái vùng núi, biên giới gắn với tiềm năng văn hóa lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nâng cao mức sống của người dân, để bà con thiểu số vùng cao biên giới yên tâm bám đất, bám khe bản, góp phần bảo về chủ quyền và an ninh vùng biên giới.

Huyện tiếp tục rà soát nguồn nhân lực tại các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp.

Để thích ứng với trạng thái "bình thường mới", huyện chủ động xây dựng các chương trình, gói sản phẩm du lịch an toàn để giới thiệu cho du khách và các công ty lữ hành. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm du lịch là thế mạnh của huyện như trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên theo mùa. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, du khách tự giác thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch.

Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách đến địa phương trong năm 2022, tạo nguồn thu du lịch, đặc biệt là các dịch vụ từ du lịch cộng đồng, nông thôn. Loại hình du lịch này đã giúp cải thiện thu nhập cho bà con dân tộc và người dân vùng nông thôn thông qua việc bán các sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp tại chỗ, giúp tránh được tình trạng ly hương, ly nông. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng NTM, chương trình OCOP.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất