, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 07/07/2021, 11:53

Du lịch nông thôn ở châu Á – sự hấp dẫn khó cưỡng

PHƯƠNG MINH

Du lịch nông thôn dần trở thành xu hướng được ưu tiên lựa chọn của công chúng khi thành thị ngày càng trở nên bận rộn và chật hẹp.

Từ những năm cuối thế kỷ XIX, vùng nông thôn ở các nước châu Âu đã trở thành nguồn tài nguyên có giá trị cao cho ngành du lịch. Tương tự như vậy, ở các quốc gia châu Á, tiềm năng về thiên nhiên và đời sống cộng đồng của vùng nông thôn luôn thu hút du khách “trở về”. Không chỉ là đồi chè ở Chiang Mai (Thái Lan), những cổ trấn bên các dòng sông ở Trung Quốc hay cụm kiến trúc đặc thù của các thị trấn ở Nepal… nông thôn châu Á còn mang đến nhiều hơn các lựa chọn để trải nghiệm ở những ngôi làng cổ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Hòa hợp với thiên nhiên và di sản

Đến với Nhật Bản, cảnh sắc thiên nhiên và đời sống di sản ở các làng cổ là điểm nổi bật cho các trải nghiệm du lịch sinh thái. Những nông trại rộng lớn với hoa và thảm thực vật phong phú nở rộ từ hè sang thu trở thành nơi trải nghiệm sự kỳ diệu của thiên nhiên. Khi đến với Biei, ngôi làng ở Hokkaido với tên thân mật là “Thị trấn của những ngọn đồi”, du khách có thể tận hưởng không khí làng quê Nhật Bản bằng các hoạt động vui chơi đa dạng như đi bộ leo núi, chèo thuyền vượt thác ghềnh trên sông hay đơn giản chỉ là đạp xe quanh các ngọn đồi.

Nông trại còn là nơi mang đến nhiều trải nghiệm thực tế cùng đời sống của người dân. Một trong những điều cần phải làm khi đến Furano (Hokkaido) là trải nghiệm các hoạt động thực hiện các sản phẩm thủ công với hoa như gối nằm nhồi hoa oải hương khô, bưu thiếp ép hoa, dĩa hoa ép… Thú vị không kém là các hoạt động tham quan thực tế ở Daio Wasabi (thành phố Azumino, tỉnh Nagano). Là nông trại wasabi có diện tích lớn nhất nhì Nhật Bản, Daio Wasabi cho du khách cảm giác tham quan bằng thuyền quanh nông trại. Vườn wasabi xanh mướt, hệ thống tưới tiêu lấy nước từ núi Alps, câu chuyện về loại gia vị này biến Daio Wasabi thành một công viên nhỏ. Đến đây, du khách còn được tự tay thu hoạch và mài wasabi, cũng như thưởng thức tại chỗ các món ăn từ loại đặc sản này.

Khung cảnh làng Furano ở Hokkaido. Ảnh Shirota Yur.

Không chỉ có hoa anh đào vào mùa xuân và không dừng lại ở các nông trại đa sắc màu từ hè sang thu, Nhật Bản còn có một mùa đông đầy thú vị ở các ngôi làng được lưu giữ theo lối kiến trúc cổ Gassho-zukuri. Loại hình kiến trúc Gassho-zukuri là đặc trưng của các làng cổ của Nhật Bản với những ngôi nhà có mái được xây chắp vào nhau như một bàn tay đang cầu nguyện. “Ngôi làng cổ tích Shirakawago” có hơn 152 ngôi nhà Gassho-zukuri với 4 tháng mùa đông tuyết phủ hằng năm. Màu trắng của tuyết và màu nâu trầm của những mái nhà Gassho-zukuri dù đối nghịch vẫn mang lại sự mơ màng đầy chất cổ tích. Làng Ainokuna (thuộc cao nguyên cạnh sông Sho, khu vực Gokayama, tỉnh Toyama) trở nên yên bình vào mùa đông và mang đậm phong cách văn hóa Nhật. Chỉ có khoảng 24 ngôi nhà và các đền chùa, nhưng các hoạt động nông nghiệp truyền thống cùng nhiều giai thoại trong thăng trầm của lịch sử đã được dân làng Ainokuna lưu giữ đến nay.

Sống cùng với lễ hội

Du lịch nông thôn ở Hàn Quốc là những trải nghiệm hài hòa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Các sản phẩm du lịch luôn mang những chủ đề xác định, gắn với từng vùng, miền, các cụm di tích, lịch sử, văn hóa và ẩm thực. Không chỉ là trải nghiệm thiên nhiên, đến với Hàn Quốc là đến với sự náo nhiệt, sôi động và đầy sáng tạo của các lễ hội ở nông thôn. Nhiều lễ hội gắn liền với văn hóa truyền thống như Lễ hội văn hóa Hyoseok, Lễ hội dân ca Arirang - Jeongseon Arirang, Lễ hội bắt cá hồi - Hwacheon Sancheoneo, Lễ hội cơm trộn - Jeonju Bibimbap, Lễ hội đèn lồng - Jinju Namgang Yudeung… đều được tổ chức hằng năm, theo thời gian cố định nên du khách có thể dễ dàng tham gia. Ở không gian của các lễ hội truyền thống này, du khách được nghe lại những giai thoại lịch sử liên quan đến văn hóa Hàn.

Diễu hành trong lễ hội Arirang Jeongseo.

Đến lễ hội Jeonju Bibimbap thì nghe giai thoại về nguồn gốc của bibimbap (một món ăn truyền thống). Lễ hội Arirang thì kể về truyền thuyết về vùng đất Jeongseo nơi xuất phát của loại hình dân ca này. Hay lễ hội lồng đèn là câu chuyện bên pháo đài Jinjuseong. Lễ hội cơm trộn Jeonju Bibimbap là lễ hội ẩm thực nổi tiếng thu hút lượng du khách lớn vào tháng 10 hằng năm tại làng ẩm thực Hanok (tỉnh Jeonju). Các hoạt động tìm hiểu và giao lưu văn hóa được tổ chức xuyên suốt lễ hội: làm cơm trộn khổng lồ, triển lãm dụng cụ ăn uống, các cuộc thi nấu ăn, trải nghiệm nếm thử các loại cơm trộn truyền thống…

Ở một vài ngôi làng, lễ hội còn gắn liền với cảnh vật thiên nhiên đặc thù như làng tre Damyang (Jeollanam-do). Du khách không chỉ đến để “tắm rừng” mà còn để tham gia Lễ hội tre - Bamboo Damyang. Cũng giống như các lễ hội truyền thống, lễ hội tre ở Damyang có nhiều hoạt động liên quan đến tre như các trò chơi dân gian, thử viết lên lá tre, ngâm thơ về tre, làm lồng đèn, quạt tre và thưởng trà Jukro dưới tán tre. Đồng thời, du khách sẽ không thể bỏ sự đa dạng của các sản phẩm lưu niệm phẩm thủ công là đặc sản của vùng.

Ngoài ra, diễu hành, hòa nhạc, hoạt động nhảy múa, các cuộc thi tập thể luôn là hoạt động sôi nổi và thu hút nhất của các lễ hội nông thôn ở Hàn Quốc.

Trải nghiệm ở các nông trang tổng hợp

Du lịch xanh kiểu mẫu là điểm đặc biệt của du lịch nông thôn ở Đài Loan. Việc đến các ngôi làng hay nông trang xa xôi không còn là vấn đề quá khó khăn khi mô hình nông nghiệp truyền thống dần chuyển sang nông nghiệp kết hợp giải trí đã làm cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các vùng nông thôn phát triển và đáp ứng một cách tiện lợi đối với nhu cầu đi lại, lưu trú của du khách. Trải nghiệm nông trang, giải trí, thưởng thức ẩm thực, nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, giáo dục di sản, văn hóa… luôn là các hoạt động được ưu tiên lựa chọn. Nhiều trang trại tổng hợp đã đón du khách tham quan cùng các khu vui chơi giải trí và dịch vụ ăn uống, lưu trú. Như ở vườn cây Tân Phong (Tân Xã, Đài Trung) hay nông trường chăn nuôi Flying Cow (Thông Tiêu, Miêu Lật) du khách đều được trải nghiệm trồng nông sản, vắt sữa bò, cho bê con ăn, thưởng thức các món ăn đặc sản gắn với hoạt động của nông trang như lẩu sữa tươi và nghỉ qua đêm giữa không gian của những cánh đồng, trang trại.

Khung cảnh đêm ở làng Cửu Phần - Đài Loan.

Không quá khó cho việc bắt một chuyến tàu từ trung tâm để đến các làng cổ của Đài Loan. Nổi danh là làng lâm nghiệp cổ nhất Đài Loan, làng Hinoki (ở phía đông Gia Nghĩa) có quần thể kiến trúc bằng gỗ mà ngày trước thuộc khu vực Lâm trường Gia Nghĩa do Cục Lâm nghiệp, tổng đô phủ Đài Loan quản lý. Làng Hinoki hiện nay có 28 căn hộ giữ nguyên lối kiến trúc nhà cổ được bảo tồn cho hoạt động du lịch trải nghiệm nông trang và di sản. Tương tự, làng cổ Cửu Phần (Jiufen) trên núi KeeLung cũng là một điểm có kiến trúc cổ xưa và phong cách sinh hoạt, ẩm thực địa phương đặc sắc. Nằm ở vị trí tựa núi, hướng biển, làng được xây dựng dọc theo sườn núi, gồm 4 lớp kiến trúc theo độ cao. Không gian yên tĩnh, cổ kính hòa hợp với sự sầm uất của một thị trấn đã từng nổi danh với nghề khai thác vàng, Cửu Phần ngày nay đã phát triển với hàng trăm cửa hàng, dịch vụ như cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, phòng trà, tiệm cà phê, các cửa hàng mỹ công mỹ nghệ… luôn sẵn sàng phục vụ du khách.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất