, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 07/03/2022, 13:00

Du xuân miền Đông Bắc

ANH THƯ
Không, Quảng Yên không phải loại “thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi”. Thị xã Quảng Yên nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 125km về phía Đông, cách thành phố Hạ Long 40km về phía Tây Nam, cách thành phố Uông Bí 18km về phía Đông Nam và cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 20km về phía Đông. Nơi đây đã từng là “thủ phủ” của tỉnh Quảng Yên…

Buổi trưa về ăn cơm nhà

Ngược dòng lịch sử, năm 1147, vua Lý Anh Tông đã cho dựng hành dinh ở đây để trấn giữ vùng cửa ngõ sông nước quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt. Năm 1802, với sự ra đời của vương triều Nguyễn, vua Gia Long đặt ra trấn Yên Quảng bao lấy toàn miền Đông Bắc Tổ quốc, và lấy Quảng Yên làm trấn lỵ… Do vị trí đặc biệt quan trọng nên ở bất cứ thời kỳ nào, dù có những thay đổi về hành chính, Quảng Yên vẫn luôn là trung tâm cấp tỉnh, là đô thị quan trọng của toàn vùng Đông Bắc. 

Năm 1963, hai tỉnh Quảng Yên, Hải Ninh và đặc khu Hồng Gai hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh với trung tâm đặt tại Hạ Long, thị xã Quảng Yên chuyển thành huyện Yên Hưng, nội thị Quảng Yên bị hạ cấp xuống thành thị trấn Quảng Yên - thị trấn huyện lỵ của huyện Yên Hưng. Quảng Yên có phần bị “lãng quên”… 

Nhưng có lẽ vì thế mà nơi đây còn lưu lại những ngôi nhà cũ mang dáng dấp riêng, rất đẹp, dù có hơi tàn tạ. Một trưa vắng cuối năm, tha thẩn trên những con phố khá yên ả, anh bạn tôi bật ra một nhận xét thú vị. “Quảng Yên vẫn là kiểu đô thị “buổi trưa về ăn cơm nhà”. Là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích sự bình dị đơn sơ của một thời xa vắng sống chậm, dù rằng dáng vẻ đó có lẽ cũng không còn được bao lâu nữa. Quảng Yên đã có đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi qua. Con đường hẳn sẽ mở ra những cơ hội mới, sự sôi động mới.

Đền Trần - Miếu Vua Bà

Quảng Yên có khoảng hơn 200 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 38 di tích quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Chúng tôi chỉ kịp đến di tích quốc gia Đền Trần –miếu Vua Bà. 

Sẽ là thừa nếu nói nhiều về danh tướng - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Nhưng chắc hẳn nhiều người chưa biết và sẽ phỏng đoán nhầm về miếu Vua Bà. Miếu Vua Bà có từ đời nhà Trần (1288), nằm ngay bên cạnh đền thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, mặt quay về phía dòng sông lịch sử. Xa xa là hai ống khói rất cao của Nhà máy điện Hài Phòng phía bên kia sông. Toàn khu vực đã được tôn tạo khang trang, rộng rãi, rất đúng với tinh thần khoáng đạt của triều Trần.

Hoàn toàn không phải là một nhân vật hoàng gia, Vua Bà là một cụ bà bán hàng nước bình dị dưới gốc cây quếch cổ thụ bên bờ sông Bạch Đằng. Tương truyền trong khi đi thị sát địa hình để chuẩn bị bãi cọc ngầm chống giặc Nguyên - Mông, Hưng Đạo Vương đi qua một bến đò và ghé lại trò chuyện với bà cụ bán hàng. Cụ bà rành rẽ kể cho ông về quy luật lên xuống của thủy triều, địa thế lòng sông, đồng thời mách kế cho ông kết hợp chiến thuật hỏa công để đánh giặc.

Chiến thuật bãi cọc của Ngô Quyền một lần nữa đã được Hưng Đạo Vương vận dụng một cách sáng tạo. Hàng trăm cọc gỗ bịt sắt được cắm xuống lòng sông theo chiều xiên 45 độ ngược chiều nước ròng. Khi thủy triều lên, Trần Hưng Đạo cho những thuyền nhỏ khiêu khích chiến thuyền địch, dụ cho địch đuổi sâu vào trong sông. Thủy triều rút, quân Trần Hưng Đạo từ hai bên bờ bất thần phản công, địch hoảng sợ tháo lui, lúc ấy nước đã xuống dưới mức cọc, lòng sông tua tủa cọc nhọn như hầm chông. Trận đại chiến đã tiêu diệt 3 vạn quân Nguyên và 400 chiến thuyền. Sau khi thắng trận, Trần Hưng Đạo quay lại bến đò tìm bà cụ bán nước thì không thấy nữa. Để tỏ lòng biết ơn, ông dâng sớ xin nhà vua phong sắc cho bà là “Vua Bà” và lập đền thờ tại đây.

"The Little Đà Lạt"

Sao có thể bỏ qua được hồ Yên Trung khi đã đến Quảng Yên chứ! Những con đường uốn lượn duyên dáng với hai hàng thông mã vỹ cao vút đậm chất điện ảnh dẫn đến một hồ nước yên bình, xanh và còn khá hoang sơ, không khỏi khiến người ta nhớ đến Đà Lạt. Mà chẳng khác mấy đâu, cái màu xanh ấy, cái mùi hương mát lành ấy của “phấn thông vàng”! Hồ Yên Trung nằm trọn trong một thung lũng có đồi núi bao quanh soi bóng. Giữa hồ nổi lên hai hòn đảo, một lớn, một nhỏ được người dân gọi là đảo con Rùa. Phía bắc của hồ là dãy đồi núi có tên là Con Xà (đồi Rắn) chạy song song với núi Yên Tử. Phía nam là những đồi thấp hơn, tiện cho khách du lịch đến vãn cảnh.

Nếu đi cùng “người ấy” thì chỉ cần dựa vào vai nhau mà ngắm hồ là đã quá đủ cho một ngày thư thái. Nếu ưa rộn ràng hơn cùng một nhóm bạn, hãy chuẩn bị chút “đồ nghề” rồi gom quả thông, lá thông mà làm một tiệc nướng gọn nhẹ (tất nhiên không được phép quên các quy tắc phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường). Chắc chắn sẽ là một trải nghiệm cực kỳ thú vị.

Sơn, một bạn trẻ người địa phương, nói với tôi rằng, chỉ rất gần đây người dân địa phương mới nghĩ đến chuyện khai thác du lịch. Có thuyền nan với giá cho thuê chỉ vài chục ngàn đồng mỗi giờ để ta lướt mái chèo “lãng du” trên mặt hổ yên ả, dạo chơi đảo Rùa. Cũng có thể thuê xe đạp nếu không muốn tản bộ. Nhưng cũng chỉ mới sơ khai có thế thôi. Ở nhiều góc, hồ Yên Trung vẫn nguyên sơ như tự ngàn năm xưa vẫn thế…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất