, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 08/12/2023, 07:00

Dừa đây… 5 nghìn một trái, 5 nghìn một trái

LỮ HÀ
Chiếc xe ba gác chở đầy dừa, nặng trĩu, kèm theo cái loa lặp đi lặp lại giọng đàn ông: ba trái dừa hai chục ngàn, hai chục ngàn ba trái dừa luôn bà con ơi! Cả tuần nay rồi chiếc xe dừa chạy ngang xóm hẻm, vẫn rao giá đó, mà cũng không nhiều người mua. Tôi nhẩm tính, ba trái dừa chưa được 1 đô-la, rẻ đến vô lý. Mua rẻ mà lòng nặng trĩu. Trái dừa này ở quê người trồng bán cho thương lái chắc chỉ vài nghìn bạc. Sản phẩm nông nghiệp thô giá quá rẻ, rẻ đến xót xa lòng người.

Đời dừa

Sài Gòn năm nay nắng muộn mà mưa cũng muộn. Đã bước qua tháng mười một rồi mà nắng vẫn chang chang, mười giờ sáng đã gay gắt. Rồi mưa chiều, những cơn mưa khiến đường ngập lênh láng. Trời mưa mấy ai ghé lại xe dừa. Hai vợ chồng trẻ bán dừa trên đường tôi đi làm nhiều bữa chiều mưa chỉ kịp trùm bạt lên xe dừa rồi để đó, núp mưa tạm trong hàng hiên, chờ khi nước hết ngập mới dám đẩy xe về.

Khách quen, giữa cơn nắng chói chang của thành phố ghé lại uống trái dừa, vẻ mệt mỏi ngột ngạt trên mặt người giãn ra thấy rõ. Dòng nước dừa ngọt lành thấm vào cổ họng, bất giác muốn nói lời biết ơn đất trời cho trái, ơn con người cần mẫn leo cây hái trái, chở lên thành phố xa xôi để bên đường có cả một xe nước mát lành. Một trái dừa không đáng bao nhiêu tiền mà công sức khó kể hết. Chỉ nhìn tay người cầm dao vạt dừa, chặt chẻ thôi đã thấy mặn mồ hôi. Vậy mà nhiều khi thấy bảng xe bán dạo bên đường ghi giá chỉ 5 – 6 ngàn đồng một trái.

Trái dừa xứ mình rẻ vì nhiều lý do. Vì đất trời, khí hậu nhiệt đới gần biển thuận tiện cho cây dừa phát triển, trồng dừa cũng không tốn quá nhiều công sức chăm bón. Cây dừa cho nhiều trái, mỗi quày dừa hái xuống trái xây tròn, tới mùa trái dồi dào trên thị trường. Mỗi ghe dừa khẳm chạy dọc sông lên phố như chở cả cái sung túc của quê hương. Nước dừa, cơm dừa đều thuộc dạng lành, không thuốc trừ sâu mà cũng chẳng chất bảo quản. Trái dừa lại dễ vận chuyển, quăng quật đủ nơi dù vỏ có bị xây xước trầy trợt, nước dừa, cơm dừa vẫn mát lành. Cây trái dễ thương, hiền lương thuận thảo đến vậy mà đời người gắn với dừa không mấy ai được thong dong sung sướng.

Đầu tư cho cái… vỏ dừa 

Gần đây, trong siêu thị đã thấy những trái dừa gọt vỏ hình kim cương, hình giọt nước. Trái dừa trắng nõn, chắc đã qua ngâm tẩy, cầm lên tay thấy xinh hơn, gọn hơn nhưng không khỏi chút ngại ngần. Còn có loại dừa gọt trọc, làm khoen trên lỗ mầm của trái, người uống chỉ cần giật nắp uống liền, khỏi mất công chặt chẻ. Lại có trái được hờm sẵn nắp khoen và cắt sẵn cả một vòng quanh vỏ, chỉ cần gảy nhẹ là ăn được cả cơm dừa. Trái dừa vô những nơi có tủ mát chạy rầm rì ngày đêm, nước dừa lạnh, sành điệu, nhưng uống không “đã”. Không giống như khi chặt lớp vỏ thô, từ cái xù xì dày dặn đó mà được hưởng ngụm nước dừa thơm nguyên mùi cây trái, trọn vẹn hơn nhiều.

Trái dừa gọt vỏ, gắn khoen, còn viết vẽ lên đó mấy chữ chúc mừng, có giá bán tới 20 - 30 nghìn một trái. Có trái còn được lồng thêm cái túi vải thô nhìn cho “nghệ thuật”. Cái túi vải thô cũng một mớ tiền. Ngẫm ra, từ khi gọt sạch vỏ trái dừa, người ta thay vào đó nhiều thứ vỏ khác hạp nhãn hơn, nhưng cũng chỉ là cái vỏ. Giá đội lên gấp ba bốn lần so với giá của một trái dừa thô nguyên, hóa ra công của người trang trí mắc hơn công người trồng người hái. Mà rồi cái trang trí đó có dùng được đâu, uống xong nước dừa, cái vỏ cũng vứt vô thùng rác.

Có cái nghịch lý trong việc đầu tư cho vỏ của trái dừa: người ta đang biến một sản phẩm tự nhiên rất hữu cơ, rất ngọt lành thành một sản phẩm giông giống nhau, mang tới cảm giác sản xuất công nghiệp hàng loạt. Lớp xơ dừa thô ráp đó chính là một lớp vỏ tuyệt vời, nhờ nó mới giữ được nguồn nước quý giá bên trong. Nước dừa là nước “vô căn”, sở dĩ không thể có loài sinh vật hay thuốc trừ sâu nào chạm được vào cơm dừa nước dừa là nhờ có lớp vỏ thô dày đó. Đó là cái quý giá của sự thô tháp, nó bảo chứng cho sự an tâm của người dùng.

Thay vì biến tất cả những trái dừa xanh tự nhiên thành những trái dừa gọt trọc và ngâm tẩy, chúng ta có thể đa dạng hóa sản phẩm dừa tự nhiên và xây dựng hệ thống đánh giá - đảm bảo chất lượng sản phẩm một cách đáng tin cậy, để nâng cao giá trị của trái dừa. Để bán trái dừa với giá cao hơn, để người nông dân trồng dừa và người buôn bán nhỏ phân phối dừa đều có thể đóng góp vào chuỗi giá trị của trái dừa, thông tin về sản phẩm là một nguồn phải xây dựng.

Hái dừa cũng là công đoạn vất vả. Ảnh Duy Tân.

Vườn dừa thường ổn định. Không quá khó để thiết lập quá trình thu hoạch đúng thời điểm. Chọn lọc loại trái dừa chất lượng tốt, đạt chuẩn. Đóng gói sao cho giữ được lớp vỏ tự nhiên thuần khiết của trái dừa. Tất cả đều không phải là những điều quá khó. Tất cả đều là những bước khởi đầu cơ bản để xây dựng một thương hiệu cho trái dừa Việt Nam, trái dừa Bến Tre. Một thương hiệu mạnh luôn đưa đến kết quả là sản phẩm có giá cao hơn, phân phối ổn định hơn. Từ đó mà hướng sản phẩm đến thị trường tiêu dùng cao cấp, các nhà hàng và khách sạn sang trọng. Những nơi này, khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn cho trái dừa chất lượng. Và sẽ tuyệt vời hơn nếu có thêm những câu chuyện xứ dừa…

Để bán trái dừa với giá cao hơn, đòi hỏi nỗ lực và sự đầu tư, nghiên cứu thị trường cụ thể, xem xét cơ hội kinh doanh tại các vùng, nhưng chắc chắn có thể mang lại lợi ích lớn. Trái dừa nguyên vỏ có thể là một biểu tượng cho sự cao cấp, cho sản phẩm hữu cơ tự nhiên, cho một lựa chọn thông minh, thú vị và lâu bền, chứ không chỉ là một lựa chọn “ăn no vác nặng” như bây giờ.

Dừa được gọt trọc và bày bán trong các cửa hàng tiện lợi, siêu thị với giá cao gấp nhiều lần dừa nguyên vỏ.

Cũng có thể nhìn theo một hướng khác khi cầm trên tay những ly nước dừa của các bạn trẻ Gen Z. Một ly nước dừa có thêm topping và vài ba loại hạt có giá tới 45 ngàn. Một ly dừa dầm cũng 20 – 25 ngàn. Nhưng nước dừa được lấy ra sao, cất trữ ra sao cho đến khi chế biến, chắc chỉ có các chủ quán biết! Món ngon, giá cả đáng tiền, nhưng chỉ là sản xuất nhỏ lẻ manh mún, cạnh tranh dìm giá lẫn nhau. Giá như có đầu tư, chắc là nhiều chuyện sẽ khác.

Đó là sự đầu tư bên trong trái dừa, thay vì chỉ đầu tư cho vỏ dừa như hiện tại. Với xu hướng cá nhân hóa tiêu dùng, có thể nghĩ đến trái dừa như một sản phẩm độc đáo và cá biệt mà thiên nhiên đã ưu đãi cho xứ sở của mình. Để những quày dừa nặng trĩu mát lành của đất mình không trở thành gánh nặng cho những phận đời vất vả cực nhọc mưu sinh, cần lắm những cách nghĩ cách làm mới. Ai ở đâu, cây gì xa xôi không nói, chớ với cây dừa hiền thương ngọt mát này, chắc chắn mọi khách hàng Việt đều sẽ ủng hộ trăm phần trăm thôi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất