, //, :: GTM+7

Dưa hấu từ cổ chí kim

TS VÕ MAI

Là người Việt, hầu như già trẻ lớn bé không ai là không biết đến quả dưa hấu. Trong danh sách các loại trái cây phổ biến hiện nay, cũng không có nhiều quả có hẳn một truyền thuyết được đưa vào kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và xuất hiện trong sách giáo khoa từ bậc tiểu học như quả dưa hấu.

 

Dưa hấu trong văn hóa truyền thống của người Việt

Dưa hấu được chọn là thực quả dâng Tổ ngày Tết của người Việt bởi nhiều lẽ, trong đó, trước hết phải kể đến sự tích Mai An Tiêm. Nhân vật truyền thuyết này vốn là con nuôi của Hùng Vương thứ XVII, được vua quý mến gả công chúa cho. Sau vì làm phật ý vua, An Tiêm bị đày ra đảo hoang (tương truyền nay là vùng Nga Sơn, Thanh Hóa). Tại đây, An Tiêm cùng vợ chăm chỉ làm ăn, gây được giống dưa quý, khiến nhiều người tìm đến trao đổi. Tiếng lành đồn khắp xa gần, Vua biết chuyện đã xuống chiếu gọi An Tiêm về cho phục chức cũ. Và vì vậy, Mai An Tiêm được coi là ông Tổ của nghề trồng dưa hấu ở Việt Nam.

Nhiều loại dưa hấu mới được nhân giống theo nhu cầu của thị trường.
Nhiều loại dưa hấu mới được nhân giống theo nhu cầu của thị trường.

Ngoài sự tích Mai An Tiêm, hình ảnh quả dưa hấu càng ấn tượng bởi sự xuất hiện trang trọng trên bàn thờ vào mỗi dịp Tết đến xuân sang và trong mâm ngũ quả cúng giao thừa theo truyền thống người Việt. Quan niệm của người phương Đông là mâm ngũ quả với các màu sắc tượng trưng cho 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ) sẽ đem đến sự an khang, thịnh vượng, may mắn cho năm mới. Một cặp dưa hấu “xanh vỏ đỏ lòng” trên bàn thờ Tổ trong thời khắc linh thiêng chuyển đổi năm cũ và năm mới sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia đình. Vì vậy, trong những ngày đầu năm mới mà bổ được quả dưa căng tròn mọng nước, ruột màu đỏ tươi và ngọt lịm thì được xem như điềm báo đó là năm sung túc với nhiều điều thuận lợi, tốt đẹp.

Ở góc độ của các nhà xã hội học thì dưa hấu chứa đựng ý chí tự lực cánh sinh, kiên cường, xanh vỏ mà đỏ lòng của ông cha ta ngày xưa. Còn ở góc độ phân tích của nhà dinh dưỡng học, thì dưa hấu là thực quả, vị thuốc giải khát, thanh nhiệt hiệu quả nhất nên ngày Tết Nguyên đán người ta hay chọn mua dưa hấu ngon để ăn trong gia đình và mời khách đến nhà.

Dưa hấu trong bối cảnh trái cây Việt hiện nay

Nếu ngày xưa dưa hấu thường được chưng “chễm chệ” trên bàn thờ gia tiên vào dịp Tết và mọi người chỉ thưởng thức dưa hấu trong những ngày đầu năm mới (âm lịch), thì ngày nay dưa hấu có mặt trên thị trường suốt cả bốn mùa trong năm. Nhờ được canh tác trái vụ mà giờ đây, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, bất cứ ai cũng dễ dàng chọn dưa hấu làm loại trái cây ưa thích của mình.

Đặc biệt, dưa hấu không còn định danh là một quả tròn to, vỏ màu xanh đen, ruột đỏ như thời Mai An Tiêm nữa, mà hiện có rất nhiều loại dưa hấu mới được nhân giống theo nhu cầu của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, có chủng loại đa dạng, phong phú hơn nhiều. Tùy sở thích, người tiêu dùng có thể lựa chọn loại dưa có dạng quả thuôn dài, vỏ dày chắc có sọc mờ, độ ngọt vừa phải; hoặc chọn quả dưa vỏ mỏng, ruột vàng, độ ngọt cao; hoặc có cả loại dưa hấu hình ô-van, vỏ dày vừa phải, màu sáng, không có hạt hoặc hạt lép…

Dưa hấu tạo hình, khắc chữ... rất được ưa chuộng trong dịp Tết.
Dưa hấu tạo hình, khắc chữ... rất được ưa chuộng trong dịp Tết.

Ngoài tiêu thụ nội địa, dưa hấu Việt hiện còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Ngày xưa, để quảng bá loại quả ngọt lành này, Mai An Tiêm chỉ cần thả dưa hấu trôi sông, nhưng nay thì trái dưa hấu xuất khẩu bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu của quốc gia nhập khẩu, đồng thời còn phải cạnh tranh với các nước sản xuất dưa khác. Hiện tại, dưa hấu nước ta xuất nhiều nhất là sang Trung Quốc, và yêu cầu của họ là quả dưa có màu xanh đen, trái thuôn dài vừa phải, độ ngọt tương đối, độ đồng đều cao, trọng lượng trái từ 3 – 3,5kg/trái, đặc biệt là sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói để truy xuất nguồn gốc.

Nói thêm về thị trường Trung Quốc thì hiện dưa hấu Việt Nam đang phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của dưa Lào và Myanmar. Không những bị cạnh tranh về giá, mà dưa hấu của Lào và Myanmar có quả nhỏ vừa phải (trọng lượng chỉ từ 3-4kg) được coi là phù hợp hơn với thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc. Do vậy, cùng với nỗ lực mở rộng thị trường, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cũng cần chú tâm hơn việc làm thế nào để thích nghi kịp thời với các yêu cầu từ phía đối tác nếu muốn quảng bá dưa hấu Việt trên trường quốc tế.

Dưa hấu nên “cũ” hay “mới”?

Có ý kiến cho rằng sự quá phổ biến của dưa hấu trong đời sống thường nhật khiến cho loại trái cây này bị… bình thường hóa, mất đi ý nghĩa là một trong những “hồn cốt” của cái Tết theo truyền thống dân tộc. Ngay cả sự “thay hình đổi dạng” cũng làm quả dưa hấu bị “mang tiếng” đã mất đi mùi vị đậm đà xưa kia.

Thực tế thì cũng như mọi sản phẩm khác, một khi dưa hấu được thương mại hóa, dĩ nhiên nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Ngoài những kiểu hình trên ruộng đồng, người nông dân buộc phải thay đổi tập quán canh tác, làm theo nhu cầu của thị trường mới mong có thể tồn tại và phát triển. Một loại quả ngon lành bổ dưỡng như dưa hấu, ai cũng thích được ăn thường xuyên mà phải đợi Tết mới có thì vô lý quá! Bây giờ khoa học phát triển, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới cho chất lượng cao, trồng trái vụ được thì sao lại không trồng, không bán? Cứ bảo cắn miếng dưa hấu bây giờ thấy không còn ngon lành bằng dưa hấu ngày xưa, nhưng theo như các nhà chuyên môn nghiên cứu thì hàm lượng dinh dưỡng trong quả dưa hấu xưa và nay chẳng khác gì nhau!

Những khác biệt mà mọi người đều có thể nhận ra là quả dưa có hình thù tròn hay dài, to hay nhỏ, vỏ mỏng hay dày, ruột đỏ hay vàng, thịt quả giòn hay cát, ngọt ít hay ngọt nhiều… Sự thật là, những thay đổi này đều do thị hiếu tiêu dùng quy định cả. Sở dĩ quả dưa bây giờ có kích thước nhỏ là bởi phần lớn dân các nước có thói quen ăn quả kiểu cắt đôi rồi lấy muỗng múc ăn chứ không cắt miếng như mình. Ngay cả người tiêu dùng trong nước đa số cũng thích bổ quả dưa vừa phải, ăn hết rồi lần sau bổ quả khác, chứ không còn thích bổ qua dưa “bự chảng”, ăn mấy ngày không hết như xưa nữa.

Khẩu vị bây giờ cũng đã khác so với trước, nhiều người không thích ăn ngọt, người bị tiểu đường còn kiêng các loại quả có độ đường cao, thế là thị trường có loại dưa hấu chỉ ngọt vừa chứ không ngọt lịm. Trong thời hiện đại này, người tiêu dùng còn “ăn” bằng mắt nữa, nên việc lai tạo giống trước tiên cũng phải quan tâm đến đến yếu tố đẹp, do vậy mới có loại dưa vỏ có sọc vân, ruột vàng, không hạt… Dưa hấu xuất khẩu phải đóng container, nên quả thuôn dài và có cân nặng đồng đều sẽ thuận tiện để sắp xếp, vỏ dày vừa phải và cứng để thích hợp cho vận chuyển, bảo quản lâu.

Sau thời gian dài chú trọng đến năng suất, sản lượng để đáp ứng kịp nhu cầu thị trường, hiện nay người sản xuất dưa hấu phải quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm thỏa mãn đòi hỏi nguồn thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Thông qua sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, các hộ nông dân đang hướng đến sản xuất dưa hấu an toàn, theo hướng hữu cơ sinh học, giảm dần hóa chất, tiến đến phương thức trồng hữu cơ để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng .

TS VÕ MAI

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất