, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 13/02/2021, 08:13

Dung nhan và hồn cốt xứ sở bày ra ở chợ

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” (Thứ nhất gần chợ, thứ nhì gần sông, thứ ba gần đường) là câu thành ngữ của người Việt chỉ việc chọn nơi chốn thuận lợi cho việc sinh sống, làm ăn. Trong ba điều thuận lợi ấy thì thị (chợ) được xếp hàng đầu. Tục ngữ người Việt cũng có câu: “Cho bạc cho vàng không bằng trỏ đàng đi buôn” để nói về tầm quan trọng của nghề buôn. Mà đã buôn thì phải gắn với chợ.

Một góc chợ nón Làng Chuông - Hà Nội
Một góc chợ nón Làng Chuông - Hà Nội

“Có một nền văn hóa buôn bán rất Hội An”

Người ta vẫn thường bảo buôn bán là lọc lừa, nhẹ hơn thì là lạnh lùng, người bán cốt làm sao bán cho được hàng của mình, thây kệ người mua. Nhưng ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, người ta truyền tai nhau một lối buôn bán đã thành đặc sản. Ấy là một sáng, có chị ra chợ Hội An, đến một hàng thịt heo, hỏi mua. Người bán hỏi lại:

- Chị định mua thịt ni làm chi? - Người bán hỏi.

- Tôi định làm giò chả. - Người mua trả lời.

Chị bán hàng liền bảo:

- Rứa thì chị đừng mua thịt của tui, chị à. Thịt của tui bữa ni dở lắm, quết chả không ngon đâu. Chị xuống cái hàng gần cuối dãy kia kìa, hàng đó bữa ni có thịt ngon lắm…

Người mua hàng là một cô gái Hà Nội theo chồng về Hội An sinh sống bảo không ở đâu chị từng thấy người ta buôn bán như ở Hội An, nói với khách hàng rằng hàng của tôi hôm nay kém chất lượng lắm, chớ nên mua!...

Kể câu chuyện ấy rồi nhà văn Nguyên Ngọc đúc kết: “Không chỉ một chị bán hàng thịt heo ở chợ. Tất cả những người bán hàng ở Hội An đều như vậy. Có một nền văn hóa buôn bán “rất Hội An”, có thể nói như thế. Không chỉ là đức thật thà, chân chất, trong sáng. Còn hơn thế nữa: ở Hội An mỗi người làm nghề - nghề buôn, nghề mộc, nghề may, nghề thêu, nghề bán thịt… - không chỉ yêu mà còn coi cái nghề của mình như một tôn giáo. Đó là một thứ đạo đức thiêng liêng được truyền đời ở đây.”

Chợ thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
Chợ thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Hội An thời các chúa Nguyễn từng là nơi buôn bán phồn vinh, sầm uất nhất nước, nổi tiếng cả khu vực, là “chợ phiên”, là “hội chợ” của cả Đông Nam Á. Sống bằng nghề buôn bán, sống giữa chốn chợ búa ồn ã bao nhiêu đời mà người nơi này vẫn giữ được tính thuần hậu, văn hóa sâu đậm của mình. Chỉ một chuyện nhỏ mua bán thịt lợn ấy chứa đựng bao nhiêu triết lý sống, bao nhiêu văn hóa, bao nhiêu tình cảm. Chốn xô bồ nhất là chợ mà vẫn thật thà, thơ thới như thế. Thế nên ngày ngày có rất nhiều người trên khắp thế giới về Hội An để được sống chậm, để tìm lại căn tính làng.

Đi chợ đâu chỉ để mua bán…

Nhà văn Y Phương, người Tày sinh ra và lớn lên ở làng Hiếu Lễ xã Lăng Hiếu (huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng), kể về chợ Trùng Khánh quê mình với những ấn tượng đặc biệt. Ông bảo: Co Xàu xưa là chợ huyện to nhất, đẹp nhất của vùng miền đông tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi thông thương gạo, muối, vải vóc với các huyện Hạ Lang lên, Trà Lĩnh xuống, Quảng Uyên sang. Phích nước, vỏ chăn con công, nước hoa bà đầm xòe… từ thành phố Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đến. Hai chữ Co Xàu, theo dân gian là từ co mạy xau (cây xau xau) mà ra. Các mẹ các chị vẫn hái lá xau xau mang về giã lấy thứ nước có màu đen nhánh thơm dịu rồi đổ gạo nếp vào ngâm. Nửa ngày sau vớt ra mang lên bếp đồ xôi. Thứ xôi đen nhức trở thành một món ăn đặc sản không ở đâu có. Lại nghe một ông đồ già nói rằng Co Xàu từ cổ lâu (ngôi nhà cổ) mà ra. Nghĩa là vùng đất này có chủ từ rất lâu đời. Giải thích thế nào cũng có lý. Hậu sinh chỉ biết nghe vậy.

Y Phương từng viết những dòng đầy yêu thương về chợ quê mình: “Thị trấn dù nhỏ, vẫn được cổ nhân phân chia rành rẽ thành phố Háng Vài (Hàng Trâu), phố Háng Mu (Hàng Lợn), phố Háng Cáy (Hàng Gà), phố Nhả Nhùng (Hàng Cỏ)… Kẻ đi chợ thong thả vung tay, từ phố nọ sang phố kia cháy chưa hết điếu thuốc coóc woài là đã hết đất. Người ra chợ, không nhất thiết phải mua bán. Trong túi có mấy hào quà. Mẹ tôi hay nói: “Đi chợ khắc có tiền. Vung tay khắc có bạn.” Đến bây giờ tôi mới hiểu ra. Họ đi chợ là để tiêu buổi tâm tình. Uống với nhau bát rượu gạo. Nhìn thấy mặt nhau là đỡ khát.

(…) Ở vùng núi, đặc biệt phiên chợ đắp, tức ngày ba mươi tết, dù có bận như gạo cho vào nồi, người ta cũng phải đi chợ. Mua bán chỉ là phụ. Cái chính là để hỉn chơi nhìn người. (…) Cả một năm dài đằng đẵng đến tận Lòng Chu, mà chỉ có mỗi một ngày chợ đắp là đông đủ nhất. Dù ai đi đông đi tây cũng cố mà về gặp lại người mình. Nhìn thấy nhau là quý lắm rồi. Nói với nhau đôi lời, uống với nhau bát rượu, hút với nhau điếu thuốc. Thế là toại nguyện. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng đắm đuối tình người. Quyến luyến tình duyên lắm lắm.”

Tên chợ - dấu ấn riêng của từng vùng đất

Dấu ấn văn hóa hiển hiện ngay ở cái tên chợ. Ở thành phố, đồng bằng chợ Xanh, chợ Rồng xuất hiện ở rất nhiều nơi. Chợ bán rau thì gọi là chợ Xanh (xanh như rau), chợ bán tôm cá gọi là chợ Rồng. Chợ Xanh đâu đâu cũng có (tiêu biểu như Chợ Xanh Định Công, Chợ Xanh Linh Đàm ở Hà Nội; Chợ Xanh ở Khánh Thiện, Ninh Bình… Còn chợ Rồng thì thường xuất hiện ở những ngã ba sông lớn như chợ Rồng Hải Phòng, chợ Rồng Ninh Bình, chợ Rồng Nam Định, Chợ Rồng Nam Sách, Hải Dương; chợ Rồng ở Nam Đàn, Nghệ An; chợ Rồng ở Thanh Oai, Hà Nội… Đó chính là dấu ấn văn minh nông nghiệp.

Ông Vũ Hưng, 91 tuổi, kể, thời kháng chiến chống Pháp, ông là nhân viên tổ Tiếp liệu của nhà in báo Quân đội Nhân dân đóng quân ở làng Sơn Vy, đối diện qua sông Hồng là xã Cổ Đô, gần Trung Hà, nơi quân đội Pháp đã chiếm đóng. Từ đền Hùng theo con đê bên tả ngạn sông Hồng xuôi mãi cho tới khi gặp một con đầm lầy rộng, Sơn Vy nằm ở vị trí đó. Chọn Sơn Vy làm chỗ đóng quân vì một lẽ nữa. Vẫn con đê chạy từ thị xã Phú Thọ xuống nhưng đến đây, ven đê đã không còn dân cư, chỉ lẻ loi một điếm canh đê bên một bụi tre đơn độc. Đêm xuống, trên con đê vắng vẻ này lại tấp nập một cái chợ đủ thứ hàng hóa, nhu yếu phẩm mang từ vùng tạm chiếm ra mà vùng tự do không có, mang tên khá buồn cười: chợ Sờ. Sở dĩ có tên đó vì chợ chỉ họp vào đêm để tránh giặc, người mua, người bán chỉ sờ tiền. Tên chợ ghi dấu một giai đoạn lịch sử đau buồn của đất nước...

Chợ xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn họp năm ngày một phiên, vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hằng tháng chuyên bán trâu bò.
Chợ xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn họp năm ngày một phiên, vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hằng tháng chuyên bán trâu bò.

Việc chọn ngày họp chợ cũng được gửi gắm điềm lành. Chẳng hạn cứ đến ngày con có sừng trên tờ lịch, người dân ở tám xã vùng cao huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu lại xuống chợ phiên Dào San để mua bán hàng hóa, vui chơi. Ông Vàng A Phùa, người dân tộc Hmông, cho biết: “Ngày con có sừng là ngày sửu và ngày mùi tính theo 12 con giáp của lịch âm nên chợ Dào San còn được gọi là “chợ sừng”, chợ họp sáu ngày một phiên. Người dân ở đây quan niệm hai loài vật này mang lại đời sống no ấm nên lấy ngày con đó làm ngày họp chợ.”

Dấu ấn văn hóa trong ngôn ngữ ở chợ

Văn hóa chợ còn ghi dấu ở ngôn ngữ. Cụm từ “chợ búa” dùng để chỉ chợ nói chung, trong đó “búa” nghĩa là cầu tàu - nơi tàu bè neo đậu - để họp chợ. Bà Nguyễn Thị Hậu, Tiến sĩ Khảo cổ học, rất phiền muộn khi người ta quy chụp cho cụm từ “nói năng chợ búa.” Người ta hay nhận xét: ăn nói kiểu chợ búa, ăn nói như hàng tôm hàng cá… Và xã hội cũng mặc định rằng, chợ, và người buôn bán ở chợ chỉ có kiểu ăn nói đanh đá, ghê gớm, “vô văn hóa” như thế! Có thật ngôn ngữ ở chợ từ xưa đến nay chỉ có như thế không?

Bà nhớ lại: “Năm 1975 về Sài Gòn. Lần đầu đi chợ tôi được nghe mời chào bằng giọng nói ngọt ngào. Mua bán trả giá lời lẽ nhẹ nhàng, nếu có đôi co một chút cũng chỉ như phân trần giải thích. Dù bán được hay không cũng đều có lời cám ơn, dù không mua được hàng, thậm chí mua đắt hơn một chút nhưng người mua vẫn vui lòng vì cảm giác mình tự nguyện mua, không bị ai ép buộc. Sự thuận mua vừa bán này phổ biến từ gian hàng đồ dùng cao cấp đến hàng rau, cá, thịt.

Thi thoảng có cuộc to tiếng thì thường là giữa những người bán hàng với nhau, một lời can ngăn từ bất cứ ai cũng có thể ngăn chặn cuộc cãi vã. Đang quen với việc mua bán ở mậu dịch và phải luôn “ngọt nhạt” với các cô mậu dịch viên nên ấn tượng nhất của tôi về “ngôn ngữ chợ búa” ở đây chính là cách xưng hô thân mật: người bán xưng “dì” (nếu lớn tuổi), xưng “con” nếu nhỏ tuổi, gọi người mua là con, là dì, là cậu…

Đây chính là cách xưng hô trong gia đình của người Việt ở Nam bộ, anh chị em ruột thịt về phía mẹ có chỉ có hai danh xưng là dì (chị và em gái) và cậu (anh và em trai) của mẹ. Việc đem hệ thống xưng hô từ gia đình ra ngoài xã hội là một đặc điểm của ngôn ngữ Việt Nam, phần nào “quy định” cách ứng xử ngoài xã hội. Có lẽ vì người bán mua chủ yếu là phụ nữ nên việc “hướng về” bên ngoại như một điều tất nhiên, cách xưng hô cũng “quy định” cách ứng xử nơi “chợ búa” tựa như đều là những người có bà con về bên ngoại: gần gũi, thân mật, không khách sáo và có phần xa cách như với bên nội?

Cách xưng hô ở chợ như vậy cho ta nhận ra dấu ấn “văn hóa mẫu hệ” khá rõ của người Việt ở Nam bộ, có lẽ đã được gìn giữ từ thời lưu dân Ngũ Quảng vào khai phá vùng đất phương Nam. Có thể suy luận thêm chút nữa, phải chăng cho đến thế kỷ 16, 17 người Việt vẫn thiên về “mẫu hệ” - truyền thống cơ bản của văn hóa Đông Nam Á?”

Chợ thành phố Châu Đốc - tỉnh An Giang
Chợ thành phố Châu Đốc - tỉnh An Giang

Nói không ngoa, chợ là thế giới của phụ nữ. Đa số những người đi chợ là phụ nữ. Các lái buôn và giáo sĩ phương Tây khi đến Việt Nam đều nhận xét: Phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Kẻ Chợ nói riêng có một “năng khiếu đặc biệt” về buôn bán. Nhà truyền giáo Filippo de Marini (1663) đến Kẻ Chợ có nhận xét: “Những người phụ nữ ở đây mải mê với thương mại và họ không ngừng bận rộn về việc bán, mua.” Gustave Dumoutier, nhà Khảo cổ học - thanh tra học chính Bắc kỳ cuối thế kỷ XIX, ông là một trong số ít người Pháp đầu tiên nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, trong cuốn Người Bắc kỳ, về chợ phiên ở Hà Nội ông viết “cứ trong 100 người đi chợ, người ta đếm được 84 người là đàn bà con gái.”

Cách xưng hô, ứng xử theo kiểu “mẫu hệ” như thế này đã mai một. Bây giờ chỉ ở chợ thôn quê, vài chợ nhỏ, chợ hẻm, nơi kẻ mua người bán không mấy xa lạ với nhau… ta còn nghe được người bán người mua gọi nhau thân mật gần gũi như thế. Ở những chợ lớn, chợ nơi thị thành xưng hô nói năng đã khác.

Chuyện anh bán hành ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) dưới đây là một ví dụ. Khách mới chỉ kịp nói câu: “Lấy chị nửa ký hành!” là lập tức cái miệng anh chàng bắn tía lia:

“Trời ơi hôm nay hên đó nha, hành em vừa lấy về lựa từng củ nha. Mua hành em mau hư phải hôn? (Cười hăng hắc) Em nói cho nghe nè, là vì hành không có miếng thuốc nào. Xịt tùm lum vô giữ cả tháng đó mà như dzậy em ăn chay niệm Phật làm chi phải hôn? Coi củ tỏi bự nè để hai tháng nguyên vậy đó, khoái lắm kêu không hư, đâu biết ăn toàn thuốc không. Mình làm cái nghề này mình phải chỉ cho khách ruột, khách biết ăn, ai ham rẻ lâu hư thì cứ lấy ráng chịu. Má chờ con chút con lựa hành cho chỉ xong con lựa tắc cho má, mua có năm ngàn tắc mà lựa kỹ thấy mồ. Hành tím Sóc Trăng bà con ơi quẹo lựa quẹo lựa. Bữa nay ớt xanh ngon nè lấy ba ngàn nha! Hành về đừng bỏ bao nylon, đổ ra cái rổ để khô vậy đó không hư đâu. Chị hết 35 ngàn. Bán hàng cho mấy chị này thiệt sướng, kêu lấy nhiêu gram đó rồi trả tiền đi hổng lựa bấy chầy hổng nói miếng nào. Bữa sau mua ủng hộ em nha!”

Có thể vì nhiều lẽ mà chợ Việt Nam có sức lôi cuốn, hấp dẫn một cách đặc biệt không chỉ đối với người dân địa phương mà cả người nước ngoài và còn là kỷ niệm khó quên của những người xa quê hương. Nhiều Việt kiều rưng rưng thổ lộ rằng mong ước duy nhất của mình khi trở về Việt Nam là để được đi chợ hít hà mùi chợ, ngắm người buôn kẻ bán xốn xang. Người nước ngoài thì bảo chợ Việt Nam là thương trường bán lộ thiên kỳ diệu, như sự bùng nổ của sắc màu, âm thanh, hương vị của thiên nhiên, con người và xứ sở.

Ông Trần Quốc Vượng (1934-2005), cố Giáo sư Sử học, nói rằng chợ là cái dạ dày của làng. Đó là khía cạnh kinh tế. Còn về khía cạnh văn hóa, ông Michael DiGregorio, tiến sĩ chuyên ngành môi trường, Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, cho rằng: “Chợ là không gian rất sống động để bạn cảm nhận về văn hóa của một nơi chốn, với nhiều màu sắc, nhiều mùi vị. Đến chợ bạn gặp rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, được nghe những câu chuyện rất đời thường. Du khách sẽ đến chợ, nơi họ có thể mua những sản vật mà họ không thấy ở những chỗ khác”.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất