, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 16/04/2024, 10:06

Dừng triển lãm chữ quốc ngữ: Ai thiệt?

NAM KHANG
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định đã cho dừng triển lãm Sự hình thành chữ quốc ngữ, mà theo dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 5/4 đến ngày 30/6. Triển lãm được cho dừng sau khi có tranh luận: Bình Định là một trong những nơi hay là nơi duy nhất hình thành chữ quốc ngữ?
Khách đến nghe thuyết minh về chữ quốc ngữ tại triển lãm. 

Chữ quốc ngữ và những tồn nghi

Hai bên cãi, đều là người Bình Định. Ai cũng có lý của mình. Bỏ qua những sai sót không đáng trong pa nô về triển lãm liên quan đến linh mục Dòng Tên Pina, thì xem ra, ai thiệt trong chuyện này?

Mấy chục năm qua, không biết bao nhiêu hội thảo tầm quốc gia đến địa phương, trường học, hội này hội kia về sự hình thành và vai trò của chữ quốc ngữ trên tiến trình phát triển văn hóa dân tộc. Nhưng tựu trung, các hội thảo đều đưa ra những tồn nghi về nơi hình thành chữ quốc ngữ: Hội An, Nước Mặn, Dinh Chiêm? Tức là: ở Quảng Nam hay Bình Định?

Sách in đầy, những khẳng định nhất quán về một địa điểm cụ thể, cũng chỉ là tồn nghi. Bởi không có văn bản nào thời đó nói rõ về điểm ra đời duy nhất. Ngay cả giáo sư Phan Huy Lê, tại hội thảo khoa học Bình Định với chữ quốc ngữ tổ chức ở TP Quy Nhơn hồi tháng 1 năm 2016 cũng nói: “Chữ quốc ngữ là một dòng sông được tạo bởi nhiều con suối. Ba trung tâm đã góp phần vào quá trình này là Nước Mặn (Bình Định - PV), Hội An, Dinh Chiêm. Có thể coi đó là ba dòng suối đầu tiên tạo nên dòng sông chữ quốc ngữ. Nếu xem xét sâu hơn về những chứng cứ văn bản có chữ quốc ngữ thì trong ba trung tâm đó, trung tâm Nước Mặn có phần sớm hơn”. 

Một bỏ ngỏ đương nhiên của tư duy nghiên cứu, bởi “có phần sớm hơn” không hẳn là nơi hình thành.

Đâu là giá trị của một triển lãm?

Chắc chắn “hầm hồ không qua sổ sách”. Khi không có một xác quyết bằng văn bản, thì “cãi nhau đến… mùa quýt” cũng không xong. Chỉ biết, dừng triển lãm, là thiệt cho người xem, cho những ai tìm hiểu về con chữ Latin đã tạo một cuộc cách mạng trong văn tự, văn bản. Là từ năm 1919, sau khi phong trào Đông Du và Duy Tân nổ ra, nhà Nguyễn đã bỏ hẳn văn bản ấn hành bằng chữ Hán, chữ Nôm, thay vào đó là chữ quốc ngữ. 

Nhìn lại, người dân Việt Nam chịu ơn và chấp nhận tự nguyện những giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha, sau đó là người Pháp đã ký âm, đặt luật chính tả ngôn ngữ người Việt gần gũi với chữ Latin. Để rồi, văn học Việt chứng kiến một cuộc cách mạng với Tự Lực Văn Đoàn và phong trào Thơ Mới. Rồi sách vở từ Pháp, Anh tràn qua, góp phần hình thành hẳn một hệ thống giáo dục tiếp cận văn hóa phương tây, mà tinh hoa của nó đến giờ hậu thế còn cúi đầu ngưỡng mộ.

Tranh cãi khoa học là đương nhiên, nhưng thiết nghĩ khi mọi thứ như ngã ba sông, chưa rõ ràng, thì câu chuyện nghiên cứu còn ở phía trước. Nhưng, phổ cập những văn bản sơ khai ban đầu của chữ quốc ngữ và giới thiệu tên tuổi những vị công thần khai sinh nó cho người dân biết, có lẽ là điều rất cần và chưa bao giờ cũ. Bởi đó là mạch nguồn văn hóa cho tiếng Việt và chữ viết tại Việt Nam hôm nay. Không việc gì phải dừng và “chấp” những sai sót không đáng có.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất