, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 24/07/2022, 06:00

Đường 20 Quyết thắng - Sợi chỉ đỏ xuyên Trường Sơn

SONG THANH
(qdnd.vn)
Từ ngày 13 đến 15-3-1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi khảo sát Đường Trường Sơn từ Đường 9, theo Đường 24 ra Đường 20, qua liên hoàn trọng điểm: Chà Là, Phu La Nhích, Ta Lê, Cua chữ A, Dốc 68... Thăm và nói chuyện với bộ đội và TNXP, Đại tướng xúc động nói: “Đường 20 Quyết thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sĩ và TNXP làm nên”.

"Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi"

Đại tá Phạm Ngọc Vũ (nguyên Đại đội trưởng Cầu phà, Tiểu đoàn 33, Binh trạm 14, nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo sát thiết kế Trường Sơn), là người cùng với họa sĩ Trường Sơn Nguyễn Đức Dụ, nhà điêu khắc Minh Đỉnh đắp sa bàn Đường 20 Quyết thắng đồng thời xây dựng bản thuyết minh về con đường huyền thoại này cho khách tham quan tại nhà truyền thống Binh trạm 14 từ thập niên 1970. Hành tiến cùng tuyến đường từ những ngày mới thi công, chứng kiến những biến động của lịch sử, ông đã có trong tay bộ tư liệu khá đầy đủ và súc tích về Đường 20 Quyết thắng.

Giữa năm 1965, trước nguy cơ chiến lược chiến tranh bị thất bại hoàn toàn, Mỹ buộc phải dùng chiến lược chiến tranh cục bộ, đổ quân vào miền Nam với vũ khí, trang bị hiện đại. Đồng thời tăng cường ném bom đánh phá miền Bắc, tập trung và ác liệt nhất là các địa phương thuộc Quân khu 4 nhằm ngăn chặn, triệt phá đường chi viện của miền Bắc cho miền Nam, trong đó giao thông vận tải cả đường bộ, đường thủy là mục tiêu đánh phá hàng đầu. Lúc này, ta mới có tuyến vượt khẩu cơ giới duy nhất từ Khe Ve theo Đường 12 vượt đèo Mụ Giạ, nối với Đường 128 trên đất bạn Lào, qua Xeng Phan, Lùm Bùm, Văng Mu... nhập vào Đường 9 tại Na Bo. Nhưng cứ vào mùa mưa tại Xeng Phan (Lào), con đường bị ngập sâu trong nước trắng mênh mông, tuyến vận tải bị cắt ngang suốt mấy tháng. Việc bảo đảm chi viện đáp ứng kịp thời cho chiến trường miền Nam không thể thực hiện được.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi trên Đường 20 Quyết thắng khi vào thăm Trường Sơn năm 1973.

Chính vì vậy, Bộ Tư lệnh 559 quyết định mở thêm một tuyến vượt khẩu thứ hai để tránh túi nước Xeng Phan, đồng thời phá thế độc tuyến và rút ngắn đường vận chuyển từ phía bắc xuống Đường 9. Đây là một chủ trương sáng tạo và vô cùng táo bạo. Hai đoàn khảo sát gồm 14 đồng chí nhận nhiệm vụ khảo sát thiết kế. Sau nhiều ngày luồn rừng, lội suối, vượt qua các vách đá cheo leo, đầu đội bom đạn của kẻ thù, họ đã mang về hình hài của con đường mới dài 123km, bắt đầu từ Phong Nha lần lượt đi qua các địa danh như Đồng Tiền, Trạ Ang, Ba Thang, Khe Diêm, Cà Roòng, Phu La Nhích và gặp Đường 128 tại ngã ba Lùm Bùm trên đất bạn Lào.

17 giờ ngày 21-1-1966, loạt bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” đã nổ, tất cả các lực lượng được lệnh đồng loạt thi công từ hai hướng. Phía Đông thi công đoạn từ Phong Nha (Km0) đến ngầm Ta Lê (Km82), do đồng chí Phan Trầm chỉ huy gồm 2 trung đoàn và các đội TNXP đến từ các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh... Đây là địa đoạn khó khăn với khối lượng lớn nhất qua các trọng điểm: Dốc Đồng Tiền, U Bò, Khe Diêm và đặc biệt là dốc Ba Thang-thực chất là quả núi đá tai mèo dựng đứng. Phải mất 15 ngày đêm liên tục treo mình trên vách đá, mồ hôi thấm ướt lỗ mìn, với choòng tay và thuốc nổ, những chiến sĩ công binh của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 10 mới “vượt” được Ba Thang. Còn ở phía Tây, thi công từ Lùm Bùm (Km123) về Ta Lê do đồng chí Nguyễn Lang chỉ huy. Tuy khối lượng có ít hơn nhưng cũng không kém phần vất vả do đoạn qua đèo Phu La Nhích dốc dựng đứng, rồi lại qua đoạn nước xiết như Chà Là, Ta Lê.

Gian nan, nguy hiểm là thế nhưng sau chưa đầy 4 tháng, gần 8000 người phần lớn đang ở tuổi mười tám, đôi mươi đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ: Hơn 1 triệu mét khối đào đắp, xây hàng trăm mét ngầm vượt sông suối, hàng trăm cầu cống tạm… Ngày 14-4-1966 ở khu vực biên giới Lào -Việt, con đường vượt khẩu mới mang tên Đường 20 đã chính thức khai thông. Đoàn xe 15 chiếc chở gạo của Binh trạm 14 đã tiên phong vượt đỉnh U Bò trên Đường 20 đi về phía nam, mở đầu một giai đoạn mới trong lịch sử vận chuyển cơ giới của Bộ Tư lệnh 559.

Cua chữ A trong trọng điểm ATP phía Tây Quảng Bình trên Đường 20 Quyết thắng. Ảnh tư liệu.

"Địch phá một, ta làm mười”

Ngày 17-5-1966, hai chiếc AC-130 rải chất độc hóa học hủy diệt cây rừng và phát hiện ra tuyến đường. Từ đó Đường 20 đã trở thành nơi thử thách ý chí, bản lĩnh của những con người lứa tuổi 20 với không quân Mỹ cùng các trang bị hiện đại, tiên tiến nhất. Hàng loạt các địa danh trên Đường 20 đã trở thành trọng điểm như: Đồng Tiền, Trạ Ang, Khe Diêm, cụm trọng điểm A-T-P… Trong vòng 6 tháng liền, chỉ riêng tại trọng điểm Cua chữ A, địch đã đánh hơn 2.700 lần chiếc cường kích và 270 lần chiếc B-52, ném xuống hơn 2 vạn quả bom các loại. Ngày 5-11-1968, địch tập trung đánh phá Ta Lê - Phu La Nhích. Đèo Phu La Nhích bị bom cắt đứt từng đoạn. Ngầm Ta Lê bị lũ cuốn trôi không còn một viên đá. Đường 20 bị ách tắc trong nhiều ngày.

Trước tình hình đó, đồng chí Đinh Đức Thiện thay mặt Quân ủy Trung ương trực tiếp giao nhiệm vụ cho hai binh trạm là 14 và 32: Đồng thời công khai giành giật với địch từng thước đường trên đường chính, cử một lực lượng bí mật mở đường tránh qua các trọng điểm với quyết tâm “Không thông cửa khẩu Đường 20, không về quê hương”.

Thực hiện quyết tâm, lực lượng công binh đã san lấp hàng vạn mét khối đất đá, vô hiệu hóa hàng nghìn quả bom nổ chậm, bom từ trường. Từ cán bộ chỉ huy đến những chiến sĩ, TNXP trần mình dưới bom đạn, liên tục có mặt ngay trên trọng điểm, bất kể ngày đêm bí mật mở Đường 20B dài 9km đi vòng phía sau tránh Cua chữ A; Đường 20C bắt đầu từ Km68 Đường 20A và nối Km97 đường 20A tại phía nam đèo Phu La Nhích, dài 31km. Sau đó tiếp tục kéo dài chạy song song với Đường 20A, tạo thành 3 trục đường vượt Ta Lê. Nhờ đó chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 12-1968, các đơn vị xe đã đưa được khối lượng hàng vượt khẩu thắng lợi, có ngày quay vòng kết quả bằng cả tháng vận chuyển trước đây. Tuy nhiên sau 15 ngày xe chạy, địch đã phát hiện ra đường C và bắt đầu đánh phá. Các đơn vị công binh lại mở tiếp đường D dài 22km. Đầu năm 1969, lại mở tiếp đường E dài 15km. Tuyến vượt Ta Lê vẫn bảo đảm thông đường, thông xe liên tục.

Không chặn được xe ở tuyến vượt Ta Lê, địch tìm các trọng điểm xung yếu khác để đánh phá. Mùa khô năm 1970-1971 chúng tập trung đánh trọng điểm Chà Là. Đây là một dải đất hẹp tương đối bằng phẳng, nằm kẹp giữa hai dãy Phu Luông và Phu La Nhích. Các trục đường A, B, C, D sau khi vượt sông Ta Lê đều phải đi qua đây. Suốt 90 ngày đêm liền (từ 10-10-1970 đến 10-1-1971), chúng đã đánh hơn 3.300 lần chiếc cường kích và 880 lần chiếc B-52; trút xuống đây hàng vạn quả bom và bom mìn hỗn hợp. Có ngày địch đã dùng tới 112 lần chiếc cường kích và 27 lần chiếc B-52.

Để giải tỏa trọng điểm Chà Là, ta thi công mở đường tránh QZ25. Sau 18 ngày, đường QZ25 hoàn thành, cùng với Đường 40B ra đời, giải tỏa hoàn toàn trọng điểm Chà Là. Đường QZ25 được ngụy trang chu đáo, bảo đảm cho các đội hình xe chạy cả ngày lẫn đêm. Do đó chỉ trong những ngày cuối tháng 11-1970, ta đã tổ chức cho hàng ngàn xe nhập tuyến thắng lợi.

Mùa khô năm 1971-1972, địch áp dụng thủ đoạn đánh phá mới với bom thông minh điều khiển bằng tia la-de, bom từ trường cải tiến đánh vào cầu ngầm và các đoạn đường xung yếu. Những nơi địa hình bằng phẳng, địch dùng máy bay AC-130 săn các đoàn xe ban đêm. Để đối phó với các thủ đoạn mới này, chúng ta thực hiện phương châm “nhất tốc, nhì thông, tam vòng, tứ tránh”, mở rộng, làm phẳng mặt đường, tăng tốc độ xe. Đặc biệt, để vô hiệu máy bay AC-130, ta mở thêm “đường kín” K đi dưới tán rừng già dài 22km cho xe chạy ngày...

Vậy là với ý chí sắt đá và quyết tâm bảo vệ tuyến Đường 20 Quyết thắng theo phương châm “địch đánh phá ngăn chặn, ta đánh địch mở đường”, “địch phá một, ta làm mười”, các đoàn xe chi viện cho chiến trường miền Nam vẫn không ngừng đưa hàng lên phía trước.

“Kỳ công, kỳ tích, kỳ quan”

Từ khi khai mở năm 1966, Đường 20 đã từng ngày thay đổi tầm vóc của mình. Từ chỗ chỉ là con đường độc tuyến dài 123km, đến năm 1973, Đường 20 đã là một mạng đường vượt khẩu như "trận đồ bát quái", với tổng số chiều dài hơn 260km, bảo đảm cho các đơn vị vận chuyển chủ động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Không thể kể hết những sự tích anh hùng và cả những đau thương mất mát của các đơn vị và cá nhân chiến đấu trên Đường 20 Quyết thắng như: Nữ Anh hùng phá bom nổ chậm Nguyễn Thị Liệu, với sáng kiến bới đất dưới quả bom nổ chậm để đặt mìn phá bom. Chị anh dũng hy sinh sau khi đã cùng đồng đội phá hết 790 quả bom nổ chậm, san lấp 98.000m3 đất đá và đạt được tỷ lệ thông đường cao nhất 180 ngày/200 ngày; Đại đội 263 thanh niên xung phong tham gia kéo xăng ở trọng điểm Trạ Ang: Để tổ chức kéo được 30 phuy xăng đến địa điểm tập kết đã có 29 người hy sinh; hay sự hy sinh bi tráng của 8 TNXP thuộc Đại đội TNXP 163 tại Hang Tám cô…

Chiến tranh qua đi, tuyến đường huyền thoại năm xưa đang từng ngày hồi sinh. Theo Đại tá Vũ Trình Tường, Phó trưởng ban truyền thống-lịch sử, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho biết, có nhiều di tích trên Đường 20 Quyết thắng nằm trong cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận ngày 9-12-2013. Cùng với các điểm du lịch sinh thái, những di tích này cũng đang được tôn tạo, bảo vệ đúng với giá trị lịch sử của nó. Do vậy, dù không còn nữa con đường đất đá bụi mù ngày nắng, sình lầy ngày mưa mà là con đường nhựa phẳng lỳ đón những đoàn CCB trở lại chiến trường xưa và du khách tham quan, để mãi mãi tự hào về một con đường Quyết thắng của lịch sử và hôm nay!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước . Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm



So với thời điểm cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm gần 75 USD/tấn (tương đương gần 1,9 triệu đồng/tấn), gạo 25% tấm giảm tới 84 USD/tấn.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất