, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 23/07/2022, 07:00

Đường 20 Quyết Thắng: Cà Roòng – không thể nào quên

HỒ BÁ THÂM (Hội Cựu TNXP Việt Nam)
(Sách Đường 20 Quyết Thắng)
Đoạn đường ngầm Cà Roòng từ Km49 đến Km54 không những có nhiều cua dốc mà còn đi qua ngầm Cà Roòng. Đây là một nhánh suối thuộc sông Cà Roòng nằm giữa hai dãy đồi.

Từ giữa năm 1966 đến 1972, ngầm Cà Roòng luôn là trọng điểm đánh phá suốt ngày đêm của địch. Có nhiều thời kỳ pháo sáng địch thả trắng đêm. Toàn bộ con đường và đồi núi hai bên bị cày lên xới xuống nham nhở không biết bao nhiêu lần, đến một bóng cây cũng không còn. Song, chưa bao giờ bom đánh trúng ngầm Cà Roòng. Ngầm Cà Roòng đối với tôi và anh chị em TNXP Đại đội 1 (Đội 23 TNXP) (1) có rất nhiều kỷ niệm mà suốt đời không thể nào quên (2).

Đáng ghi nhớ nhất là chuyện về một số anh chị em bị thương và đã hy sinh tại đây. Anh Đoàn Đức Cảnh (đầu năm 1967), khi bị thương gãy chân, thủng bụng, máu chảy nhiều, trước khi ngất xỉu vẫn hỏi: “Anh xem dưới nớ có sao không?”, “Thôi để thuốc tiêm cho anh em khác”. Anh đã tắt thở trên tay đồng đội ngay cạnh ngầm Cà Roòng.

Một lần, vào buổi chiều (năm 1967) khi xe chở đá xuống ngầm Cà Roòng thì bỗng có tiếng máy bay. Chúng bay một vòng sau đó thì bom bi nổ ran, bom tấn ầm ầm rơi cạnh hầm hộ tống 3 mét, nơi trực chỉ huy của Đại đội. Dăm phút sau, thấy chiếc xe chở anh em quay lại và nhiều người lao vào hầm hộ tống.

Một số anh em bị thương cho biết có người còn nằm lại dưới ngầm. Tôi (trực đại đội) và vài anh em chạy xuống, thấy cô Nguyễn Thị Kim Liên bị mấy viên bom bi xuyên trúng ngực, đã tắt thở. Vừa lúc ấy lại một trận bom bi nữa nổ ran trời ngay chỗ chúng tôi, bên cạnh cô Liên vừa hy sinh, may mà chúng tôi nằm xuống kịp... 

Sau này nghe đồng chí Bàng (trực trinh sát tại khu vực ngầm Cà Roòng) kể lại: Trước khi chết, Liên còn trăng trối: “Anh Bàng ơi! Em không còn về gặp mẹ được nữa”.  Chưa kịp cõng cô Liên lên thì một đợt máy bay khác ầm ầm lao tới. Bom bi nổ ran trời cắt xé hoàng hôn. Chúng tôi đã kịp nằm sát mặt đất khi máy bay lao xuống và chờ... Chúng lại vòng lại đuổi theo đoàn xe của ta vừa đến để vượt ngầm. Pháo 12 ly 7 của ta bắn theo làm chúng hoảng loạn...

Tôi và Bàng thay nhau cõng Liên lên Km49 (có hầm hộ tống). Khi lên hầm hộ tống thì một quả bom chúng thả xuống nổ cách hầm chỉ mấy mét – nơi 7, 8 thương binh (toàn là nữ lại bị bom bi vào vùng kín) đang được y tá Nguyễn Quang Báu và Phạm Thị Hường cấp cứu ở đó. Thật hú vía!

Một buổi chiều năm 1967, chúng tôi vừa nhận quân nhu, thi nhau mặc áo mới, thì thình lình nghe tiếng rít của máy bay như xé không khí. Không có tiếng nổ. Chúng tôi lên khỏi hầm, sau đó nghe cán bộ trung đội sang báo cáo có một quả bom nổ chậm rơi xé ngang qua nóc nhà bếp, nằm bên bờ suối và khá gần chuồng heo của trung đội. Mọi người đang sơ tán và kiểm tra thì bất ngờ bom nổ (vừa đến nơi tôi chỉ vào quả bom và bảo đồng chí Tùng – Chính trị viên Trung đội chuẩn bị cho phá... và rồi đi ra khoảng 4 mét thì thình lình bom nổ, mà tôi đi sau cùng gần bom nhất!).

Tỉnh ra mới biết, tôi và 5 người bị thương. Riêng anh Nguyễn Chí Liệu, Chính trị viên phó đại đội, bạn tôi, bị gãy khúc chân trên mắt cá, máu ra nhiều, phải chở đi viện nhưng... gần sáng hôm sau thì mất... Trước khi tắt thở anh còn hỏi lại: “Tối qua Cà Roòng đường có thông không?”.

Hôm đó nhà bếp cũng bị bay sập luôn! Một lần khác, cũng trong năm 1967, vào khoảng 2 – 3 giờ chiều, tôi từ ngầm Cà Roòng đi về Km51 và dừng lại ở một dòng thác... Bỗng tôi nghe tiếng máy bay “bà già” xuất hiện và lượn vòng. Mấy phút sau máy bay F-101, F-105 ào ào bổ tới. Tôi vội vàng lao vào “hầm ếch” bên cạnh để trú ẩn. Suốt gần 2 giờ đồng hồ, nào bom bi, bom phá thi nhau đổ xuống.

Lúc đó tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Sau khi bom ngớt, tôi chạy về Km50 mới biết rằng địch đánh bom do phát hiện đoàn xe pháo của bộ đội giấu ở đồi cây cạnh đường (nhưng cây cụt ngọn nên hơi trống trải). Có lẽ vì đoạn đường đó đêm qua bị tắc hay vì trời gần sáng, đoàn xe không kịp vượt ngầm Cà Roòng trước khi trời sáng nên các anh đã đưa xe pháo vào đồi cây bên cạnh che giấu, ngụy trang (lúc sáng tôi đi qua thấy mấy chiến sĩ đi đi lại lại ở đó).

Nhưng vì đồi cây đó bom địch nhiều lần chặt trụi nên bị lộ. Trong trận đó hàng chục chiến sĩ bị thương hoặc hy sinh. Anh em đã chuyển thương binh về theo lối mòn vào doanh trại của chúng tôi và dừng lại ở đỉnh đồi nứa, cách đường lớn khoảng 200m.  Nhưng chắc lại bị lộ nên tiếp tục bị bom Mỹ đánh trúng.

Khi tôi đi qua, khoảng 5, 6 giờ chiều, xác (không còn nguyên vẹn) của một số chiến sĩ chất chồng. Nhìn những thi thể cháy sém trộn lẫn với đất đá, bên cạnh cây gãy ngổn ngang, thật là một cảnh tượng đau lòng và căm thù cao độ. Đúng là một cuộc thảm sát đẫm máu! Sau này được biết là trận ấy có khoảng 28 cán bộ chiến sĩ hy sinh (ngày 27/10/1967) (3)! (Năm 2017, tôi và một số cán bộ chiến sĩ Đại đội 1 khi trở lại viếng liệt sĩ Đường 20 có đến tìm lại dấu tích nơi này.)

Một trường hợp bất ngờ khác, khoảng 4 giờ sáng một ngày tháng 5/1968, chúng tôi đang ngủ thì bỗng nghe tiếng máy bay từ xa và tiếng rít của đạn bom. Tôi nhanh chóng lăn từ giường xuống đất vào hầm. Sau đó biết rằng bom đánh trúng lán Trung đội 2 làm tất cả bị thương, cả trung đội trưởng và chính trị viên trung đội. Đặc biệt là cô y tá có giọng hát rất hay là Nguyễn Thị Thúy Vinh (mới dự họp chi bộ tối hôm trước) bị bom bi găm vào ngực, tắt thở ngay lập tức nên khi tôi sang chỉ còn biết... rưng rưng lệ! 

Tôi lại phải làm chủ tang lễ chôn cất liệt sĩ tại Khe Ni đau thương vô hạn. Cũng vào gần trưa hôm đó, khi đơn vị pháo cao xạ 12 ly 7 kết nghĩa với chúng tôi biết tin này đã biến đau thương thành sức mạnh, quyết tâm trả thù cho đồng đội.

Và, đúng trưa hôm đó, Đại đội pháo 12 ly 7 đã bắn cháy máy bay của địch, buộc phi công phải nhảy dù. Thế là liệt sĩ Vinh được trả thù. Sau này tôi viết bài thơ “Em có giật mình” có câu “Em có giật mình không khi chúng đâm nhào xuống đất” (Tập thơ văn Có một Trường Sơn như thế).

Rồi ở Km65, 57 có lúc cũng 4 chiến sĩ TNXP hy sinh trong khi đảm bảo giao thông trong làn bom đạn giặc... Rồi tại dốc Km51 có đến một nửa TNXP Hà Tĩnh thuộc Đại đội hy sinh khi ra tuyến vào một buổi chiều bị bom nổ gây sức ép vùi vào đất...

Tại Cà Roòng, không chỉ hy sinh vì bom đạn, đã có người bỏ mạng vì nước lũ. Cách ngầm 150m là thác Cà Roòng. Từ lán trại ra đường phải qua đoạn suối phía trên thác. Đại đội phó Nguyễn Khắc Lương (người đã cứu nhiều anh em trong bom đạn) và một thầy giáo nữa vì thời gian gấp gáp phải gửi hồ sơ đi học cho anh chị em nên đã quyết định bơi qua suối mặc cho lúc đó nước còn cường. Cuối cùng anh Lương đuối sức, bị nước cuốn ra giữa dòng...

Nhiều tình huống kịch tính ác liệt, đau thương vô cùng và nhiều gương anh dũng vô song ở khu vực Cà Roòng khó mà diễn tả hết. Cà Roòng đúng là túi bom, tọa độ lửa, một trong những địa chỉ cần đặc biệt chú ý để lập bia – đài tưởng niệm, tri ân, thắp hương cho những chiến sĩ bộ đội, TNXP đã hy sinh xương máu của mình để giữ cho ngầm Cà Roòng thông suốt. 

Cũng cần nói thêm là ở khu vực Cà Roòng và nhất là ở Khe Ni, nơi chúng tôi đóng doanh trại, có một nghĩa trang nhỏ chôn nhiều chiến sĩ, TNXP hy sinh (hiện nay đã chuyển về nghĩa trang Thọ Lộc). Mong rằng, các thế hệ tiếp nối sẽ không quên những hy sinh của cha anh và hãy thường xuyên đến nơi này!

Trong rất nhiều con đường trên “tuyến lửa” của dải đất miền Trung, thì “Đường 20 Quyết Thắng” ở Quảng Bình – không chỉ là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của Đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, đây còn là nơi đối đầu giữa ý chí, lòng quả cảm, trí tuệ con người Việt Nam với bom đạn, vũ khí hiện đại của kẻ xâm lược.

Có thể khẳng định rằng, “Đường 20 Quyết Thắng” đã trở thành biểu tượng cao đẹp về ý chí, niềm tin của cả một thế hệ anh hùng. Bên cạnh đó, nhắc tới “Đường 20 Quyết Thắng”, chúng ta không thể không nhắc tới các “tọa độ lửa” là các trọng điểm như A-T-P (cua chữ A, ngầm Ta lê, đèo Pulanhíc), trọng điểm Trạ Ang, Cà Roòng, km 12, dốc Ba Thang v.v... 

Nhân kỷ niệm 56 năm ngày mở “Đường 20 - Quyết Thắng” và chào đón sự kiện khánh thành Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn tại khu vực Cà Roòng - trọng điểm ATP của “Đường 20 Quyết Thắng”, Nông thôn Việt xin giới thiệu tới bạn đọc gần xa một số bài viết trong cuốn sách: “Đường 20 Quyết Thắng - Lịch sử, địa danh, sự tích và tri ân". Cuốn sách do Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Tạp chí Nông thôn Việt phối hợp thực hiện và NXB Thế Giới ấn hành.


(1) Theo thời gian, nhiều đơn vị khác cũng ở đây nhưng chúng tôi không có thông tin cụ thể.

(2) Bài có sửa chữa, bổ sung so với bài đã công bố trong tập sách “Trường Sơn huyền thoại” (NXB Tổng hợp Tp. HCM, 2009) và đăng trên “Trang điện tử Trường Sơn”.

(3) Theo Cựu chiến sĩ đơn vị 115 (bài đăng trên báo Thanh Hóa và báo Đại Đoàn Kết ngày 14/7/2019), ngày hôm đó đơn vị này (ở Km43 – 48) cũng bị thương và hy sinh nhiều người (cùng các TNXP trở lại Đường 20 QT – http://daidoanket.vn/cung-cac-tnxp-tro-lai-duong-20-quyet-thang-441909.html). 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất