, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 20/07/2022, 07:18

Đường 20 Quyết Thắng: ‘Địch phá một, ta làm mười’

Nhóm tác giả
(Sách Đường 20 Quyết Thắng)
Cuối tháng 9/1968, địch tăng cường đánh phá Đường 20. Đoạn đường từ dốc Đồng Tiền đến Trạ Ang trở thành trọng điểm vô cùng ác liệt. Các xe chở hàng, chở xăng không thể nào vượt qua. Không có xăng, các đoàn xe của Đoàn 559 phải nằm im, trong khi chiến trường đang rất cần. Binh trạm 14 đã huy động các chiến sĩ vần những phuy xăng xuống suối Trạ Ang tại Km10, kéo ngược dòng suối qua trọng điểm, đến Km14 lại đưa xăng lên đường.

 

Với cách làm này, chỉ riêng hai ngày cuối tháng 9, Binh trạm 14 vận chuyển được 30 phuy xăng nhưng 29 chiến sĩ đã hy sinh. Cái giá vận chuyển xăng trên suối là quá đắt: Mỗi phuy xăng phải đổi bằng tính mạng của một chiến sĩ(!).

Tiểu đoàn 335 đã quyết liệt giải tỏa trọng điểm Trạ Ang trong 4 ngày, nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong chiến dịch. Ngày 1/11/1968 Ních-xơn (Richard Nixon) tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc. Vì thế máy bay Mỹ tập trung đánh phá tuyến Tây Trường Sơn, trong đó có các trọng điểm trên Đường 20. Ngày 5/11/1968, địch tập trung đánh phá Ta Lê – Phu La Nhích khiến ngầm Ta Lê bị lũ cuốn trôi, đèo Phu La Nhích bị bom cắt đứt từng đoạn. Đường 20 bị ách tắc trong nhiều ngày.

Binh trạm Trưởng BT14
Hoàng Trá.
Tiểu đoàn Trưởng D33
Đỗ Xuân Diễn.

Đồng chí Đinh Đức Thiện thay mặt Quân ủy Trung ương trực tiếp giao cho Binh trạm 14 và Binh trạm 32 nhiệm vụ bằng mọi giá phải khai thông cửa khẩu. Đồng chí Trần Đình Cầu, Binh trạm phó BT14, đã đặt chỉ huy sở ngay sát trọng điểm để chỉ huy.

Tiểu đoàn 33, Tiểu đoàn 335 đã san lấp hàng vạn mét khối đất đá, vô hiệu hóa hàng nghìn quả bom. Những chiến sĩ công binh, TNXP đã trần mình dưới bom đạn, liên tục chiến đấu trên trọng điểm, bất kể ngày đêm. Sau 10 ngày đêm đối mặt căng thẳng với địch, Đường 20 (A, B) và ngầm Ta Lê đã được khai thông.

Các đội hình xe của ta tranh chấp từng giờ, từng phút với địch, quả cảm vượt qua trọng điểm rất ác liệt. Đồng thời với việc giải tỏa trọng điểm, một lực lượng lớn gồm các Tiểu đoàn 225, 336 và 77 đã bí mật mở Đường C dài 29km. Sau 25 ngày đêm, đến cuối tháng 12/1968, Đường 20C ra đời mà địch không biết. Trọng điểm ATP được giải tỏa với 3 trục đường vượt Ta Lê là A, B, C. Các tiểu đoàn xe ồ ạt vận chuyển ban ngày trên Đường C. Nhờ vậy, chỉ trong vòng chục ngày cuối tháng 12/1968, hàng hóa vận chuyển được bằng mấy tháng trước đó.

Nhưng chỉ sau 15 ngày, địch đã nhanh chóng phát hiện ra Đường 20C và bắt đầu đánh phá. Các đơn vị công binh lại mở tiếp Đường 20D dài 22km. Đầu năm 1969, lại mở tiếp đường 20E dài 15km. Cứ địch đánh phá ngăn chặn đường này, ta lại mở đường khác. “Địch phá một, ta làm mười”, nhờ vậy các đoàn xe của ta vẫn không ngừng đưa hàng lên tuyến trước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm Bộ đội Trường Sơn tại cầu phao Xuân Sơn (tháng 3/1973).

Tháng 1/1969, địch “mở” đợt đánh phá trọng điểm Km68. Để bảo đảm thông đường, thông xe liên tục, Đại đội 6 (Đội 25 TNXP) đã tổ chức ăn ở ngay trên trọng điểm. Mùa khô 1970 – 1971 địch tập trung B-52 ồ ạt đánh vào Chà Là, là nút giao mà các trục đường A, B, C, D sau khi vượt sông Ta Lê đều phải đi qua. Suốt 90 ngày đêm liên tục (từ 10/10/1970 đến 10/1/1971), Mỹ đã trút xuống đây hàng vạn quả bom với trên 3.300 lần chiếc cường kích và 880 lần chiếc B-52.

Để giải tỏa trọng điểm Chà Là, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ trương vừa đánh địch, tận dụng từng giờ thông xe qua Chà Là, vừa mau chóng tìm mở đường tránh. Ngày 1/11/1970, các lực lượng xung kích đồng loạt thi công mở đường QZ25 dài 16km. Sau 18 ngày, Đường QZ25 hoàn thành, cùng với Đường 40B ra đời, giải tỏa hoàn toàn trọng điểm Chà Là.

Đường QZ25 được ngụy trang kỹ, giúp các đội hình xe chạy cả ngày lẫn đêm. Do đó chỉ trong những ngày cuối tháng 11/1970, đã có hàng ngàn xe nhập tuyến an toàn.

Ngày mùng 1 Tết Tân Hợi, trong chiến dịch “Quang Trung thần tốc” đã có hàng trăm xe đồng loạt xuất kích và tới đích an toàn, góp phần vào chiến thắng Đường 9 Nam Lào.

Mùa khô 1971 – 1972, để vô hiệu máy bay AC-130, Tiểu đoàn 24 mở thêm “Đường Kín – Đường K” dài 22km cho xe chạy ngày. Đường 20 đã từng ngày thay đổi tầm vóc của mình. Từ một con đường độc tuyến dài 123km vào năm 1966, đến năm 1973 Đường 20 đã là một mạng lưới đường vượt khẩu với nhiều đường tránh dày đặc, tổng số chiều dài hơn 250 cây số.

Bản đồ Đường 20. (Trích từ Bản đồ Trường Sơn do Đại tá Hoàng Ngọc Châu và Vũ Trình Tường phục dựng năm 2008 – 2009, lưu trữ tại Hội Trường Sơn và Bảo tàng đường Hồ Chí Minh) Tiếng Pháp là "talus", nghĩa là sườn dốc, mái dốc, dốc nghiêng.

Trong rất nhiều con đường trên “tuyến lửa” của dải đất miền Trung, thì “Đường 20 Quyết Thắng” ở Quảng Bình – không chỉ là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của Đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, đây còn là nơi đối đầu giữa ý chí, lòng quả cảm, trí tuệ con người Việt Nam với bom đạn, vũ khí hiện đại của kẻ xâm lược.

Có thể khẳng định rằng, “Đường 20 Quyết Thắng” đã trở thành biểu tượng cao đẹp về ý chí, niềm tin của cả một thế hệ anh hùng. Bên cạnh đó, nhắc tới “Đường 20 Quyết Thắng”, chúng ta không thể không nhắc tới các “tọa độ lửa” là các trọng điểm như A-T-P (cua chữ A, ngầm Ta lê, đèo Pulanhíc), trọng điểm Trạ Ang, Cà Roòng, km 12, dốc Ba Thang v.v... 

Nhân kỷ niệm 56 năm ngày mở “Đường 20 - Quyết Thắng” và chào đón sự kiện khánh thành Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn tại khu vực Cà Roòng - trọng điểm ATP của “Đường 20 Quyết Thắng”, Nông thôn Việt xin giới thiệu tới bạn đọc gần xa một số bài viết trong cuốn sách: “Đường 20 Quyết Thắng - Lịch sử, địa danh, sự tích và tri ân". Cuốn sách do Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Tạp chí Nông thôn Việt phối hợp thực hiện và NXB Thế Giới ấn hành.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất