, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 22/10/2021, 15:04

"Đường Hồ Chí Minh trên biển" - Kỳ tích thời đại: Mỗi chuyến đi là một lần quyết tử

Nhóm Phóng viên
(nld.com.vn)
Biết bao chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống để làm nên kỳ tích thời đại mang tên "Đường Hồ Chí Minh trên biển".
Các cựu binh của “Đoàn tàu Không số” thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Di tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển” - K15 .Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Mỗi khi nhắc lại trận đánh của 16 "cảm tử quân" trên tàu 69 thuộc "Đoàn tàu Không số" với lực lượng hùng hậu của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, ánh mắt cựu binh Lê Xuân Khảm (SN 1940; ngụ tại quận Hải An, TP Hải Phòng) ánh lên vẻ tự hào. Dù đã hơn 55 năm trôi qua nhưng những hình ảnh 3 giờ đấu trí, quần nhau với tàu địch trên vùng biển Cà Mau vào đầu năm 1967 vẫn không phai trong ánh mắt người thợ máy này.

Sẵn sàng hy sinh để bảo mật

Ông Khảm nhớ lại năm 1966, tàu 69 được lệnh chở 61 tấn vũ khí từ bến K15 vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Tàu 69 được ngụy trang thành tàu nghiên cứu khoa học của nước ngoài. Thời điểm đó, tàu 69 có 16 người do ông Nguyễn Hữu Phước (quê Cà Mau) làm thuyền trưởng, ông Tăng Văn Huyển (quê Bến Tre) là chính trị viên.

Sau khi bắt liên lạc với bến Vàm Lũng, giao vũ khí xong, tàu 69 không quay về được, nằm lại bến đến 9 tháng để tránh tàu địch. Đến tối 1-1-1967, xác định địch nghỉ Tết dương lịch, tàu 69 lên đường quay ra Bắc. Khi gần đến vùng biển quốc tế thì bất ngờ tàu 69 bị tàu địch xuất hiện bao vây. Cuộc đụng độ không cân sức với hơn 10 tàu chiến của địch khiến tàu 69 bị thiệt hại nặng nề: 1 người hy sinh, 3 người bị thương nặng. Chiến sĩ báo vụ Phan Hải Hồ - 25 tuổi, quê Nam Định - bị thương ngay loạt đạn đầu. Cổ chân dính đạn, bàn chân gần như đứt lìa nhưng anh vẫn ôm súng chiến đấu không lùi bước.

"Phan Hải Hồ còn đề nghị anh em cắt đứt bàn chân của anh để tiện chiến đấu nhưng không ai nỡ. Gương chiến đấu anh dũng của anh Hồ được truyền đi khắp "Đoàn tàu Không số" sau đó" - ông Khảm khâm phục.

Tuy nhiên, nhiều tàu khó thoát được vòng vây của địch như tàu 69. Sau sự kiện tàu 143 bị lộ ở Vũng Rô (Phú Yên), ông Hồ Đắc Thạnh được chọn tiên phong thực hiện phương án mới ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Thạnh nhớ rất rõ đó là đêm 27-11-1966, tàu ông vào đúng địa điểm thả hàng nhưng không nhận được tín hiệu bờ. Chờ mãi vẫn không thấy, ông quyết định thả hàng. Lúc này, sóng rất to, bên ngoài có 2 tàu địch phát hiện, áp sát để bắt sống cả con tàu của ông. Ông Thạnh quyết định cho anh em bơi vào bờ, chỉ ông và máy trưởng ở lại làm nhiệm vụ thủ tiêu hết tài liệu, gắn kíp nổ vào 1 tấn thuốc nổ TNT trên tàu. Bấm nút hẹn giờ nổ 30 phút để kịp bơi vào bờ, ông cho tàu mình chạy hết tốc lực hướng về 2 tàu chiến của địch đang tiến đến.

"Rất tiếc, tàu không chạy ra được xa vì sóng lớn quá. Khi tôi và máy trưởng bị sóng đánh dạt lên bờ cũng là lúc tàu phát nổ. Lập tức, pháo của địch từ 2 tàu chiến nã vào bờ tới tấp. Hai đồng chí của tôi là thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ trưởng Trần Nhợ cùng 4 anh du kích ở Phổ An hy sinh" - giọng ông Thạnh chùng xuống.

Anh hùng Hồ Khắc Thạnh cùng vợ Nguyễn Thị Tản (từng là nữ du kích Vũng Rô) tại bia ghi công bến Vũng Rô .Ảnh: HỒNG ÁNH

Ông Thạnh cho biết dù kiệt sức nhưng ngay trong đêm đã cùng đồng đội chôn cất các đồng chí của mình tại vườn nhà dân. Ngay sau khi đất nước thống nhất, ông đi tìm hài cốt đồng đội. Và, trước khi ông đến đây, địa phương đã tập kết mộ liệt sĩ và chỉ ghi vô danh.

Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích (SN 1936; ở tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), người đi trên 9 chuyến tàu Không số vận chuyển vũ khí vào Nam, nhớ như in ngày 6-7-1967. Trên con đường vận chuyển vũ khí vào Nam, tàu do ông làm thuyền trưởng đã đụng độ với tàu của địch tại bến Ba Làng An - Quảng Ngãi. Dù chống trả quyết liệt nhưng do lực lượng bên địch đông, ông Ích và đồng đội phải bàn đến phương án cuối cùng là cho nổ tàu để xóa mọi dấu vết.

Chính trị viên Phạm Ngọc Trạch và thuyền phó Phạm Chuyên Nghiệp nhận nhiệm vụ ở lại tàu, còn các thành viên khác vào bờ để bảo toàn lực lượng. Khi đồng đội đã rút khỏi, anh Trạch và anh Nghiệp cho nổ tàu nhưng không thể kích nổ. "Anh Nghiệp bơi vào bờ rồi hy sinh do bị thương quá nặng. Anh Trạch có lẽ đã hy sinh do trúng đạn trên tàu" - ông Ích xót xa.

"Mỗi chuyến đi là một lần quyết tử, nếu thông suốt thì đưa hàng tới miền Nam và trở ra Bắc an toàn. Khi chạm trán địch, nếu thấy không thể thoát được là chúng tôi chấp nhận hủy tàu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật con đường và không để vũ khí rơi vào tay giặc" - đại úy Phạm Quốc Hồng (SN 1940), Trưởng Ban Liên lạc Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam tại Quảng Bình, tâm sự.

Máu xương đã hòa nước biển quê hương

Ông Trần Văn Hữu , Chủ tịch Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam, cho biết với các chiến sĩ tàu "không số", nếu gặp tình huống xấu nhất khi đối mặt tàu địch thì phương án được thống nhất từ trước là chấp nhận hy sinh, cho nổ bộc phá để hủy tàu và vũ khí nhằm giữ bí mật tuyệt đối về con đường vận tải trên biển này. Chẳng hạn, năm 1968, khi tàu 165 bị địch bao vây tại vùng biển Cà Mau, thuyền trưởng - trung úy Nguyễn Chánh Tâm cho nổ tung tàu và 18 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

"Hôm sau, các chiến sĩ quân giải phóng miền Nam bơi thuyền đến khu vực tàu 165 nổ thì chỉ còn lại những tấm ván nát bồng bềnh trên biển. Thi thể toàn bộ 18 cán bộ, chiến sĩ đã hòa với nước biển quê hương. Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân" - ông Hữu ngậm ngùi.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy (SN 1937, ngụ tại An Giang), cán bộ chỉ huy Đoàn 962 từ năm 1964, trong những năm tháng chiến đấu khốc liệt tại chiến trường Vàm Lũng đã có những vần thơ giản dị về cuộc sống và chiến đấu quanh mình; về những hy sinh, mất mát của đồng bào, chiến sĩ:

"Những con tàu vượt qua sóng dữ
Sẽ yên lòng khi cập bến quê hương
Anh đắp lên giữa rừng những nấm mộ vô danh
Trên bùn nhão viết tên đồng đội
Trong bùn nhão mặn tê đầu lưỡi
Ngỡ có máu bạn bè chảy về tận nơi đây". 

Góp phần viết nên thiên anh hùng ca

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho biết từ sau tháng 2-1965 đến cuối năm 1968, Đoàn 125 đã tổ chức được 28 chuyến vận chuyển nhưng chỉ có 7 chuyến thành công, chở được 410 tấn vũ khí vào chiến trường. Các chuyến còn lại phải quay về hoặc phải chiến đấu, hủy tàu hay bị địch chiếm giữ. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, bị thương, bị bắt.

Theo ông Trần Văn Hữu, tất cả sự hy sinh vô bờ bến đó đã viết nên huyền thoại về "Đoàn tàu Không số", xâu chuỗi, kết nối, làm nên con đường bất tử: "Đường Hồ Chí Minh trên biển" - một thiên anh hùng ca trong lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất