, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 26/03/2022, 07:00

Đường lên núi Tô

NGUYỆT ÁNH
Trải qua hành trình dài, chúng tôi đến Tri Tôn khi trời sắp tắt nắng. Thị trấn nhỏ nhộn nhịp nằm cạnh dãy núi liền mạch và những cánh đồng bát ngát.
Chữ Tri Tôn ở núi Tô.

Theo hướng dẫn của người địa phương, chúng tôi đi xe máy đến hồ Tà Pạ để kịp đón mặt trời lặn bên kia hồ và ngắm sự thanh bình của cánh đồng Tà Pạ xanh mướt. Không khí buổi chiều mát mẻ và dễ chịu, nhiều người dân địa phương thong dong tản bộ vừa tập thể dục vừa ngắm hoàng hôn. Tranh thủ hỏi thăm vài bậc cao niên về những địa điểm nổi tiếng ở Tri Tôn, chúng tôi được khuyến khích nên trải nghiệm đi xe máy lên đỉnh Cô Tô vào sáng sớm. Nhanh chóng liên hệ với đội xe máy chở khách tham quan núi Cô Tô, chúng tôi được hẹn vào lúc 4g00 sáng hôm sau.

1. Đặt báo thức và ngủ sớm, 3g30 sáng, chúng tôi nhờ xe máy đi từ trung tâm thị trấn vào hồ Soài So - nơi tập kết của đội xe ôm. Mỗi người ngồi một xe, bắt đầu hành trình chưa đầy 30 phút lên đỉnh núi Cô Tô.

Trời chưa kịp sáng, đường lên núi nhỏ xíu, chỉ đủ chỗ cho 2 chiếc xe ngược chiều, xung quanh là cây cối chìm trong màn đêm. Ánh đèn duy nhất là từ đoàn xe lên núi của chúng tôi. Tiếng động cơ liên tục phả vào không gian trên con đường bé xíu, thi thoảng cặp sát vách núi. 

Núi Cô Tô (còn gọi là núi Tô) thuộc địa phận xã Núi Tô của huyện Tri Tôn cao 614m, là ngọn núi lớn trong dãy Thất Sơn (Bảy Núi) ở An Giang, nằm giáp biên giới Campuchia, nơi có đông người Khmer sinh sống. Thất Sơn nói chung và Cô Tô nói riêng là vùng đất có nhiều truyền thuyết. Người dân trong vùng truyền nhau về các truyền thuyết này và tin vào sự linh thiêng của vùng đất. Cô Tô, núi Tô hay Phụng Hoàng Sơn đều là tên gọi núi Cô Tô. Người dân trong vùng nói ngọn núi có hình dáng giống như cái tô úp ngược nên được gọi là núi Tô. Còn Phụng Hoàng Sơn là bởi nhìn từ xa ngọn núi trông giống một con chim phụng hoàng đang cất cánh.

Có 2 cách để lên núi Cô Tô. Một là leo bộ theo các bậc thang đá, hai là đi xe ôm. Đường đi bằng xe máy vô cùng khó đi. Những con dốc gần như dựng đứng, nhiều đoạn cua gấp khúc liên tục. Đường hẹp lại trơn, nên chỉ có cư dân địa phương thuộc đường với những chiếc xe “chuyên dụng” mới có thể chở khách leo núi.

Theo lời anh xe ôm, xe muốn leo núi phải thay đĩa 13 răng, độ máy, thay bố thắng và vỏ xe phù hợp với đường núi. Vỏ xe thường 1 tháng phải thay 2 lần do rất nhanh mòn và nhớt thì cứ 5 – 7 bữa phải thay một lần, nếu không sẽ “ banh máy”. 

“Để tham gia đội xe ôm chở khách lên núi, tụi tôi phải luyện tập cả năm để chạy thiệt rành rẽ. Chạy quen và chở người thân vững rồi mới dám nhận chở khách”, anh xe ôm chở tôi vừa chạy vừa cho biết.

Khung cảnh nhìn từ núi Tô.

2. Chúng tôi dự định lên núi Tô là để săn mây, nhưng có lẽ ngắm bình minh trên đỉnh núi cũng là một điều thú vị không kém. Đoàn chúng tôi ngừng lại ở Vồ Hội, im lặng ngồi trên những tảng đá to ngắm cánh đồng rộng lớn mờ ảo trong sương từ từ hiện ra rõ nét bên dưới khi mặt trời dần lên. 

Đón những ánh nắng đầu tiên, chúng tôi bắt đầu trò chuyện về cuộc sống của người dân trong vùng. Anh đội trưởng đội xe ôm cho biết các anh chạy xe chở khách lên núi đã hơn chục năm, từng đoạn đường, mỗi khúc quanh các anh đều nhớ kỹ trong đầu nên dù trời chưa sáng, không nhìn rõ đường thì các anh vẫn nhớ đến lúc nào là dốc lên, lúc nào là đường hẹp, lúc nào có suối nhỏ chảy ngang… 

Chúng tôi hỏi anh mùa nào chạy là lo nhất, anh cho hay không sợ mưa nắng chỉ sợ đường đóng rong, bánh xe dễ trượt, không chạy được. Anh nói mỗi tháng mình chạy xe thì đóng vào quỹ 200 ngàn đồng. Quỹ này của anh em xe ôm để dành sửa đường. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm là anh em lót thêm đá, vá những chỗ đọng nước để tránh rong rêu mọc.

Theo lời anh, những khi khách đông anh có thể chạy được cả chục quận (lượt), nhưng ngày khách đông không có nhiều. Rất nhiều ngày anh và những anh em khác không có cuốc xe nào.

Khách viếng núi Tô nếu đi xe ôm qua hết các điểm chỉ tốn chừng 350.000 đồng. Mỗi điểm tùy vào độ cao sẽ có mức giá khác nhau. Vì thường phục vụ cho khách hành hương nên giá cả được niêm yết rõ ràng. Người đến núi Tô chủ yếu ghé viếng Miếu Bà Cố hoặc lên điểm cao nhất của núi là Điện Kín hay còn gọi là Cấp I. Còn người đi trải nghiệm, tham quan thì không bỏ qua Sân Tiên, Vồ Hội, những nơi có thể nhìn ngắm toàn cảnh cánh đồng Tà Pạ dưới chân núi. Đặc biệt là tại vị trí đặt chữ TRI TÔN, ai đến núi Tô cũng đều muốn có một vài tấm ảnh kỷ niệm với dòng chữ này như một cách đánh dấu nơi đã đến.

Dừng chân ở Vồ Hội.

3. Đoạn xuống núi có vẻ khó đi hơn, anh xe ôm giảm tốc liên tục bằng cả thắng tay lẫn thắng chân. Có lẽ cảm nhận được tôi đang sợ, anh luôn miệng nói chuyện như muốn trấn an tôi. Chạy đến một đoạn, anh chỉ: “Nhà anh đây nè. Anh ở từ nhỏ, lớn lên làm nghề chạy xe luôn. Ở đây bà con chủ yếu làm nông, người trên núi ai cũng có vườn cây ăn trái hoặc vườn tre. Mấy con đường đất nhỏ nhỏ cắt ngang đường chính này là đường vô vườn của bà con đó”. 

Giữa đường về, anh ghé qua một quán nước bên đường hỏi mua bưởi rồi tặng chúng tôi. Anh nói dân ở đây bán trái cây hái từ vườn nhà nên ngon lắm, tụi tôi ăn để nhớ núi Tô, nhớ chuyến đi.

Dự định săn mây trên núi Tô của chúng tôi dẫu không thật sự như ý nhưng sự nhiệt tình, chân thành và những câu chuyện đời của người chạy xe ôm lên núi làm chúng tôi cảm động. Những điều ấy chắc chắn sẽ còn sống rất lâu trong nỗi nhớ và thôi thúc chúng tôi trở lại đây, nhiều lần nữa… 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất