, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 07/09/2020, 14:23

Duyên lành với đại hồng chung

ANH QUÂN

Nếu đa số nghệ nhân Phường Đúc tập trung sản xuất dòng hàng thủ công mỹ nghệ hay các sản phầm dành cho nghi lễ cúng bái, thì nghệ nhân Nguyễn Văn Minh lại chọn cho mình dòng sản phẩm kích cỡ lớn như đại hồng chung, tượng Phật, tượng lãnh tụ... Ông xem đó là duyên lành của mình trong nghề đúc đồng truyền thống mà ông đã gắn bó từ năm 12 tuổi.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh đang làm nghề
Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh đang làm nghề

1.

Thuộc hậu duệ của ông Tổ nghề đúc đồng Huế là cụ Nguyễn Văn Lương, nghệ nhân Nguyễn Văn Minh được cha là nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận (người cùng thời với các nghệ nhân thuộc thế hệ vàng của Phường Đúc như Nguyễn Văn Sính, Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Văn Đệ…) truyền nghề từ năm 12 tuổi. Tính đến nay, ông đã có hơn 40 năm trong nghề.

Với bí quyết được truyền thụ từ cha cộng với niềm đam mê nghề đúc đồng vốn đã có trong máu, nghệ nhân Nguyễn Văn Minh chọn hướng chuyên về dòng sản phẩm đúc đồng có kích thước lớn như đại hồng chung, đại lư và đặc biệt là các pho tượng Phật kích thước lớn đặt ở các ngôi chùa nổi tiếng. Đây là dòng sản phẩm đòi hỏi người thợ có tay nghề kỹ thuật cao, có kinh nghiệm và phải huy động nguồn nhân lực, vật lực lớn, nên không phải ai theo nghề đúc đồng đều có thể đúc được các sản phẩm có yếu tố tâm linh này. Chính vì vậy, cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Nguyễn Văn Minh được nhiều chùa, thiền viện, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến đặt hàng. Các sản phẩm mà ông đã thực hiện gồm đại hồng chung của Thiền viện Trúc Lâm (TP.Đà Lạt) nặng gần 3 tấn; tượng Đức Phật Thích Ca ngồi (cao 3,2m) và các tượng Phật, chuông ở chùa Từ Lâm (TP.Huế); tượng Đức Phật Thích Ca đứng (cao hơn 4m) ở Thiền viện Trí Đức (TP.HCM), đại hồng chung tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) cùng rất nhiều tượng Phật, đại hồng chung ở các chùa lân cận Huế như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị… Ngoài ra, ông còn thực hiện nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu sang Lào, Ấn Độ, Mỹ…

2.

Mỗi khi được hỏi về bí quyết trong nghề, ông Minh chỉ cười: “Ngày xưa ba tui làm răng chừ tui làm rứa thôi”. Ông nói vậy, nhưng ẩn chứa sau nụ cười hiền lành ấy là cả kho những kỹ năng, kỹ xảo riêng để tạo nên sự đặc trưng của sản phẩm. Theo ông Minh, muốn đúc chuông kêu hay, thanh âm trong trẻo, vang vọng thì phải tuân thủ kỹ thuật đúc: nguyên liệu đạt chuẩn, pha chế đúng mức, làm khuôn độ dày mỏng phải cân xứng hài hòa với quả chuông hoặc pho tượng, đổ đồng đúng nhiệt độ, đảm bảo thời gian và khi đổ thì có thêm kim loại quý là vàng. Những người thợ cùng làm với ông Minh kể ông luôn đích thân thực hiện khâu cuối khi rót đồng, để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Với kinh nghiệm từng trải, chỉ cần nhìn ngọn lửa là ông biết đồng đã đủ lượng và độ nóng để đổ vào khuôn hay chưa, giúp giảm thiểu sự rủi ro khi đúc đồng.

Đổ đồng vào khuôn trong xưởng của nghệ nhân Nguyễn Văn Minh
Đổ đồng vào khuôn trong xưởng của nghệ nhân Nguyễn Văn Minh

Đơn cử là hai bức tượng Phật Thích ca được đúc cho chùa Từ Lâm (TP.Huế) và chùa Bát Nhã (TP.Đà Nẵng) cùng độ cao, kích thước. Tuy nhiên tượng ở Huế có dát vàng, vì vậy khi đúc không thể rập khuôn quy trình, kỹ thuật cả hai công trình. Để thực hiện, ông cho dựng hai khuôn khác nhau, tính toán kỹ lưỡng lượng kim loại quý được đưa vào tượng để tránh thất thoát, vừa đảm bảo độ ánh vàng cho bức tượng, vừa đảm bảo giá trị của tác phẩm.

3.

Tiếng lành về cơ sở chuyên đúc đại hồng chung của ông Minh ở Phường Đúc không chỉ lan truyền trong nước mà còn lan ra cả nước ngoài. Mới đây, Thiền viện Wahasati Patthana tại Mỹ đã tìm đến ông Minh đặt làm chiếc đại hồng chung nặng trên 3 tấn. Tượng và giá đỡ được làm hoàn toàn ở Việt Nam, sau đó được vận chuyển bằng đường biển cho kịp khánh thành Thiền viện vào tháng 10/2020. Đây cũng là công trình lớn nhất của nghệ nhân Nguyễn Văn Minh cho đến nay. Khác hẳn các tác phẩm trước đây, mẫu chuông lần này hiện đại hơn, trên chuông khắc tiếng Anh, họa tiết trang trí không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự chính xác, sắc nét cao độ. Để thực hiện công trình, ông phải huy động 30 thợ, thực hiện ròng rã hơn cả tháng trời để kịp chuyển qua cảng Đà Nẵng trước thời gian khánh thành gần 4 tháng. Công trình được thực hiện hoàn toàn thủ công khiến những kỹ sư trời Tây tâm phục, khẩu phục về thời gian thi công, kích thước và cả độ ngân vang.

Sau nhiều năm tháng vất vả, ngược xuôi với nghề, cũng có khi ông Minh tưởng không trụ lại được với nghề. Nhưng lòng yêu nghề và mong muốn được kế tục, phát huy nghề đúc đồng truyền thống, đúc kết tinh hoa của người đi trước để góp phần gìn giữ, phát huy nghề cổ, độc đáo của xứ Huế đã giúp ông vượt qua nhiều chặng đường khó khăn. Giờ đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Minh đã làm chủ hai xưởng đúc, và con trai duy nhất của ông cũng đang theo học nghề để giữ lửa truyền thống của gia đình

Để ghi nhận những cống hiến cho nghề đúc đồng xứ Huế, năm 2007 nghệ nhân Nguyễn Văn Minh được Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tặng danh hiệu “Bàn tay Vàng”, được Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME) - Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao cúp thương hiệu Bàn tay Vàng, cùng nhiều bằng khen, giấy chứng nhận của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất