, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 29/03/2024, 19:17
 
 
 

Đi đến chỗ hẹn, Lê Thanh (CEO Veritas Shoes Việt Nam) xỏ một đôi giày được làm từ bã cà phê, không quên mang theo chiếc ly (cũng được làm từ bã cà phê) tặng người đối diện. Cả hai đều là “đặc sản” từ nền kinh tế nông nghiệp do anh và cộng sự của mình làm ra. Hiện, ngoài các sản phẩm như giày, khẩu trang, ly và các vật dụng khác như dao, muỗng, bút, túi rác, ống hút, túi vải không dệt có khả năng phân hủy sinh học… Veritas Shoes Việt Nam đang phát triển và cung ứng hạt nhựa nguyên liệu có nguồn gốc sinh học, có khả năng tự phân huỷ, thân thiện với môi trường cho nước ngoài và các mô hình khởi nghiệp trong nước theo hướng bền vững, dần tiến tới “một thế giới không nhựa”. Ở Việt Nam, Veritas Shoes Việt Nam đi tiên phong, và hình như cho tới hiện tại, vẫn đang “một mình một cõi” trong lĩnh vực này, đặc biệt là dòng sản phẩm hạt nhựa sinh học coffee bio-composite. Loại hạt nhựa này được tạo ra bởi sự kết hợp giữa nguyên liệu bã cà phê tự nhiên và phương pháp truyền thống, do đó có khả năng phân hủy thành nước, CO2 và sinh khối, không gây ô nhiễm môi trường, an toàn với sức khỏe con người. 

“Có bao nhiêu phần trăm bã cà phê trong chiếc chiếc ly này?”, tôi hỏi. Nhà sáng lập này nói: “50%, nửa còn lại là nhựa tái chế có khả năng phân hủy sinh học đấy”. Tôi biết, con số này đã được điều chỉnh, bởi vài năm trước, tỉ lệ tương đương lần lượt sẽ là 20/80 hoặc 30/70.

 
 
 
 

Lúc đưa chiếc ly, vị giám đốc trẻ bất giác bật cười: “Lúc đầu nó không được đẹp trai thế này đâu”. Thế rồi, Thanh bắt đầu nhớ về tất cả những chuyện đã xảy ra để Veritas Shoes Việt Nam đi đến được ngày hôm nay. Ở đó, có những ý tưởng đuổi bắt trong tâm trí, những thử nghiệm “đập đi xây lại”, những khó nhằn khi thực hiện một đề bài khó trong bối cảnh Việt Nam, quá trình tìm hiểu thị trường và xu hướng. Thậm chí cả chuyện lợi nhuận và bản sắc. Để lúc này, khi nhìn chiếc ly có màu sắc của hạt cà phê, cũng gần với màu của đất, của bản địa, Lê Thanh nói, bản thân anh có một niềm vui “không hề nhẹ” bởi đây là một sản phẩm “made in Viet Nam”, được sản xuất bởi người Việt, ở Việt Nam. Từ Việt Nam, nó đi ra bên ngoài, đến với những thị trường Nhật, Mỹ, Úc, Anh, Ấn Độ… Nếu trên thế giới Kaffee Form (Đức), Huskee (Úc) ra mắt những sản phẩm làm từ cà phê thì Việt Nam cũng sản xuất ra được nhựa phân hủy sinh học cà phê như một đóng góp vào lộ trình kết thúc kỷ nguyên nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ.

 
 
 
 

Ngoài “mũi nhọn” chủ đạo là hạt nhựa sinh học cà phê, Lê Thanh và các cộng sự đang nghiên cứu và tiếp tục cho ra các loại hạt nhựa sinh học có nguồn gốc từ các phụ phẩm của ngành nông nghiệp như xơ dừa, bã mía, vỏ trấu, tre, bắp… theo các đơn hàng ODM (1) và OEM (2) từ đối tác. Ngộ ghê. Một mớ xơ dừa khô rạc rối như tơ hẹ, mớ bã mía được thải ra sau một hồi mật ngọt, thậm chí vỏ trấu – thứ gần như bị “bỏ đi” của hạt gạo Việt Nam ngàn đời… mà ngày xưa các bà các mẹ chỉ biết hun trong bếp, giờ đây, được “thổi” vào một đời sống mới, được “chu du” khắp thế giới, đi một cách tròn vẹn và đĩnh đạc hết sứ mệnh của chúng. Thú vị không? Lê Thanh bày tỏ một sự phấn khích.

Ban đầu, bã cà phê chủ yếu cũng là thứ bỏ đi như thế. Hoặc làm phân bón. Cao cấp hơn thì dùng làm mặt nạ. Khi thải ra môi trường, bã cà phê sản sinh ra khí metan – loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính. Không chỉ gây hại cho nguồn nước, nếu việc xử lý bã cà phê không tốt còn khiến loại phụ phẩm này trở thành rác công nghiệp. Việt Nam có trữ lượng cà phê dồi dào, đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu. Việc thu gom bã cà phê cũng thuận lợi, giá thành thấp. Vì thế, nếu sản xuất hạt nhựa sinh học cà phê sẽ rẻ hơn, tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác. Lê Thanh bắt được “sóng” xu hướng “cấm nhựa” của thế giới và áp dụng mô hình sản xuất vật liệu thân thiện từ loại phụ phẩm tưởng chừng “vô dụng” này, nhằm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

 
 

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp. Nước ta có nhiều điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp nên các sản phẩm, phụ phẩm ở hiện tại lẫn trong tương lai rất phong phú. Một số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2021 của cả nước rơi vào khoảng 160 triệu tấn, trong đó có tới khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%)… Đó là số liệu đã bị “can thiệp” bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Nếu trong bối cảnh bình thường, chắc phải là một con số biết nói hơn nữa. 

Tham vọng của 8x này là tạo ra một hệ sinh thái vật liệu sinh học từ những thứ tưởng chừng bỏ đi của nông nghiệp. Lê Thanh nói, những vật liệu sinh học có nguồn gốc từ phụ phẩm của nông nghiệp hoàn toàn có thể đóng vai trò thay thế nhựa trong tương lai. Điều khiến những người làm ăn trẻ như Thanh cảm thấy hạnh phúc đó là khi tạo ra một sản phẩm nào đó, chẳng hạn như chiếc ly cà phê, nếu một ngày nó hư hỏng, có bị người ta vứt đi, thì khi nó quay về với lòng đất, tác động của nó đến môi trường sẽ ở mức thấp nhất.

 
 
 
 
 
 

Lê Thanh nói, anh không làm gì mới cả. Ý tưởng sản xuất các vật liệu sinh học đã có từ lâu trên thế giới. Anh chỉ kế thừa công nghệ của họ và phát triển nguyên vật liệu của mình, dựa vào tiềm năng, vào cái “vốn” có sẵn của đất nước. Tài nguyên phụ phẩm của nông nghiệp cho phép 8x này chạm vào một khát vọng lớn, đẹp hơn, đưa nông nghiệp Việt Nam tiệm tiến gần hơn với một nền nông nghiệp hiện đại của thế giới và “biết” tuần hoàn, làm chủ vận mệnh của chính nó mà không phải “ăn đong”, nay lo mai sợ. Một nền nông nghiệp, nơi có những nông dân hoặc những người làm kinh tế nông nghiệp biết đàng bám vào đất để đi ra và trở về, hàm ơn đất. 

Vậy Lê Thanh là ai: Doanh nhân, kỹ sư hóa, kỹ sư nông nghiệp, hay là một nông dân thời nay? “Có lẽ, tôi là tổng hòa của tất cả những tên gọi mà bạn vừa liệt kê ra chăng?”, vị CEO này cười khoái trá. Một người làm ăn nhìn thấy mỏ quặng lớn trong nông nghiệp mà chưa có nhiều người khai phá, vừa hay điều đó đang là xu hướng của thế giới. Đồng thời, là một kỹ sư nông nghiệp, một anh nông dân thời nay biết cách phát triển những sản phẩm liên quan đến nông nghiệp, trao cho chúng một đời sống thứ hai bằng cách thay đổi tính vật lí của chúng. 

Thị trường chưa bao giờ sóng yên bể lặng mà đầy những biến số. Năm nào dịp cuối năm, Lê Thanh cũng thấy người ta tổng kết “lại một năm khó khăn và kinh tế buồn sắp đi qua…”. Có năm nào mà không khó khăn? Lê Thanh mong sao ở nước ta, càng ngày càng có nhiều nông dân biết làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, để có thể khai thác hết những tiềm năng trong nông nghiệp, để làm chủ vận mệnh của mình. Hiện, nông nghiệp Việt Nam đa số xuất khẩu sản phẩm thô. Chẳng có gì đáng tự hào cả. Ta đang bỏ con tôm mà bắt con tép. Lợi nhuận thu được không đáng kể so với cái dư địa khổng lồ mà nó tạo ra.

DU NGUYÊN