, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/04/2024, 16:38
 

Gần 20 năm định vị cường quốc trên bản đồ xuất khẩu nông sản thế giới, nhưng nông sản Việt Nam xuất đi ở dạng chế biến sâu, giá trị cao thì ít, còn xuất thô, giá trị thấp lại nhiều. Con số mức độ tăng trưởng hàng năm về xuất khẩu nông sản từ 5 - 7%, nghe thì… rổn rảng, nhưng nhìn sâu vào thì mới thấy… “gặm xương bỏ nạc” trong nuối tiếc.

 
 
 
 

Với gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ có nông sản Việt nằm trên kệ bán mua, mà dẫn đầu mang về hàng tỷ đô-la Mỹ là các mặt hàng cà phê, cao su, tôm, gỗ, cá tra, hạt điều, gạo, rau quả… cho thấy thế mạnh từ nông nghiệp vẫn chiếm đầu bảng trong xuất khẩu. Đó là kết quả của nỗ lực khi xác định muốn làm ăn to thì phải ra biển lớn; muốn thay đổi bộ mặt nông nghiệp thì phải đặt mình trong sân chơi mà sự cạnh tranh là thước đo khả năng của mình.

Tuy nhiên, số liệu từ Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT cho thấy: nông sản qua chế biến được xuất khẩu của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, trong khi con số này tại Đài Loan là 80%. Điều này cũng có nghĩa: sản phẩm sơ chế đi kèm giá trị gia tăng thấp của nông sản Việt chiếm tới 70 - 80% cơ cấu mặt hàng. Và ai cũng hiểu, thị trường đón nhận hàng thô nhiều nhất này là Trung Quốc. Các nước như Nhật Bản, khối EU, thì chuộng hàng cao cấp, nên cửa vào khó lọt hơn, chỉ chiếm chưa tới 10% mỗi thị trường.

Giá xuất khẩu tiêu của Việt Nam xếp thứ 8 thế giới, nhưng sản lượng hạt tiêu xuất khẩu lại xếp thứ 1 thế giới. Hạt điều đứng thứ 1 thế giới nhưng giá đứng thứ 6. Gạo, cà phê đứng trong nhóm thứ 2 và thứ 3 thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 10.

 
 
 
 

Chất chồng nghịch lý

Rõ ràng, trình độ chế biến chúng ta kém nên tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu cao rất thấp, nếu không muốn tìm cách vươn lên, thì khác gì “cầm vàng mà để vàng rơi”. Muốn vậy, phải định hình chiến lược thay đổi, cụ thể là sản phẩm và chế biến, phải xem chế biến là đích đến chứ không thể mãi “hái lượm” nữa.

Cứ nhìn đơn giản điệp khúc mấy chục năm qua là “được mùa, mất giá” là hiểu. Khi được mùa, hàng hóa dồi dào, cầu mất cân đối với cung, là dẫn tới dư thừa. Vấn đề nằm ở chỗ: khi toàn đồ thô được đẩy ra thì thị trường ngạt thở, vì thế nông dân méo mặt nhìn nông sản chết rụng, chất đầy vườn đầy đường, và chờ giải cứu. Hàng chục năm trời “giải cứu” dưa hấu, thanh long, sầu riêng, vải, cam, rồi hành tím từ Nam chí Bắc, là minh chứng cho sự thất bại của chính sách vĩ mô, được chăng hay chớ trong làm ăn.

Chế biến sâu, nói như Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, là sẽ tạo ra được giá trị gia tăng cao lẫn tháo được “khúc cua” giá - mùa đau khổ trên. Từ chế biến sâu, lợi ích cho người lao động sẽ tăng lên. Đầu ra đi vào chế biến, thì không có chuyện sản phẩm ào ạt đổ ra, gây ùn ứ tạo cơ hội cho giá rớt thê thảm, mà người chịu thiệt chính là nông dân.

Câu chuyện thách thức với xuất khẩu nông sản, không dừng lại ở đây. Nhiều sản phẩm như tổ yến, chanh leo, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang… đã được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, New Zealand. Đó là cơ hội lớn cho nông sản, nhưng theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), thì thị trường thế giới không hề dừng lại ở những qui định lâu nay, mà nó được bổ sung thường xuyên, và đây chính là thách thức với chúng ta. EU đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), quy định chống suy thoái rừng (EUDR), một loạt đạo luật thuộc Thoả thuận Xanh châu Âu. Canada và Mỹ cũng đang cân nhắc đưa ra cơ chế tương tự EU.

 
 
 
 

Giới chuyên gia thị trường có cùng một nhận định chung, là chính khả năng cạnh tranh thấp là rào cản lớn nhất của nông sản Việt Nam khi xuất khẩu, mà nổi lên vẫn là chuyện xuất thô rồi kém công nghệ bảo quản, tiềm lực tài chính yếu, chi phí cao, quy mô nhỏ lẻ. Tất nhiên, đã vào sân chơi lớn thì không có chuyện ngồi ghế dự bị. Phát triển Xanh chính là chọn lựa sinh tử bởi luật chơi đầu tư và thương mại toàn cầu đã áp dụng triệt để xu hướng đó. Vẫn là câu chuyện không mới với thế giới nhưng không bao giờ cũ, Việt Nam buộc phải chấp nhận, đó là sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững trong phát triển.

Người tiêu dùng đứng trước hàng loạt chọn lựa về chất lượng, giá cả như nhau, thì họ sẽ tìm tới doanh nghiệp nào đạt được tiêu chuẩn cao nhất. Ví dụ tại Mỹ, nếu trái cây tươi muốn vào, thì theo Chi Nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, phải là an toàn thực phẩm trên hết.  Tất cả các khâu từ trồng, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, chỉ cần sai phạm một tí, là coi như bỏ. Đi cùng việc này, thì nhà nước, doanh nghiệp phải có chiến lược marketing thị trường, xúc tiến giao dịch, quảng bá, phân phối, bắt tay với các nhà bán lẻ lớn của họ, bởi còn nghĩ một mình một chợ, thì khả năng thua là chắc chắn.

Nhanh mấy cũng chậm. Không tăng tốc thay đổi từ vĩ mô đến vi mô trong quản lý, thực hiện, từ nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp đến nông dân, thì cảnh vừa chạy sau vừa xếp hàng, đánh mất ưu thế quá lớn vẫn sẽ là cảnh năm nào cũng ca bản đó.