, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 29/03/2024, 00:09

 

 

Bình Hòa Đông, xã biên giới huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An), còn nhiều khó khăn đang phấn đấu vươn lên thành xã Nông thôn mới. Xã đã được tỉnh đầu tư tuyến đường dài hơn 5km với mặt đường rộng 3m, trải đá dăm, chịu tải trên 8 tấn nhưng giao thông vẫn gặp khó vì 5 cây cầu cũ trên trục đường này chỉ rộng 1m và đã xuống cấp. Những cây cầu Nông thôn mới khang trang đang là mong muốn, là khát vọng của người dân và chính quyền sở tại. Rất tình cờ trong chuyến về quê ăn tết Nhâm Dần, tôi gặp Phục, đồng đội cũ hơn 40 năm trước ở đơn vị tiểu đoàn 1 cơ động Long An. Câu chuyện hàn huyên ngẫu nhiên kết nối những kỷ niệm thời xa lắc với nhưng bức xúc thời sự hôm nay.

 

 

 

ƯỚC MƠ LÀM GIÀM TỪ 10 MẪU RUỘNG! 

Phục là nông dân nòi, quê ở Vĩnh Công huyện Châu Thành. Gia đình 5 anh em chỉ bám vô 5 công ruộng. Ngay những ngày chiến tranh khói lửa ở biên giới Tây Nam, nó đã mê mẩn đất đai màu mỡ và cánh đồng rộng mênh mông ở Đồng Tháp Mười dù thời ấy cánh đồng chỉ bạt ngàn cỏ xanh cao đến ngực, nửa năm khô cháy, nửa năm ngập úng. Những khoảnh khắc bình yên hiếm hoi giữa hai trận đánh, gối đầu lên báng súng, chúng tôi tỉ tê tâm sự về ước mơ tương lai khi yên giặc. Tôi mơ được trở lại mái trường tiếp tục việc học dở dang. Phục thì chắc nịch quyết tâm, sẽ quay lại vùng này khẩn 10 mẫu ruộng, sẽ làm giàu trên đất mới này.

Cứ ngỡ đó là ước mơ lãng mạn của tuổi trẻ mỗi người sẽ nổi trôi theo dòng xoáy cuộc đời. Hơn 10 năm sau, tôi ra quân đi học, ra trường làm báo. Một lần tình cờ trên đường đi công tác ở Mộc Hóa, tôi gặp Phục đang đi bộ trên đường đoạn Tân Lập. Nó không đi một mình mà dắt theo một cặp trâu lớn và một con nghé. Tôi dừng xe gọi, Phục mừng rỡ, bỏ trâu chạy ôm lấy tôi. Chưa kịp hỏi thì Phục đã huyên thuyên kể, mấy năm qua nó đã khẩn hoang theo chính sách khuyến khích của tỉnh và mua thêm được 5ha ruộng ở Bình Hòa Đông. Gom hết vốn lợi của mùa lúa năm rồi, nó mua cặp trâu này để vừa làm ruộng nhà vừa cày thuê trong mùa tới. Với đà này thì ước mơ làm giàu với 10 mẫu ruộng của nó không còn xa nữa. 

Điều bất ngờ đến sững sờ là nó đã đi bộ một ngày một đêm dẫn cặp trâu từ dưới quê lên đây, xa ngót 100 cây số. Nghe tôi xuýt xoa, nó lắc đầu: “Đi xa nhưng đường bằng phẳng đâu có cực. Từ đây vô Bình Hòa Đông chỉ hơn 10 cây số nhưng cực hơn nhiều. Không có cầu, không có đường, phải long (dẫn trâu hoặc đưa vật gì đó đi băng qua sông rạch) qua sông, qua kinh, phải lội đồng, lội trắp”. Câu chuyện của nó nhắc tôi ý thức sâu sắc về khó khăn khắc nghiệt của vùng đất này là thiếu đường, thiếu cầu.

 

 

 

CÓ RUỘNG VẪN KHÔNG GIÀU

Lần gặp mới đây, tóc Phục đã bạc trắng nhưng sắc da đỏ ửng, cơ thể vẫn rắn chắc như tuổi trung niên, chứng tỏ nó vẫn cần cù đánh vật với nắng mưa. Hỏi về ước mơ làm giàu với 10 mẫu ruộng đã đạt được chưa nó nửa cười nửa mếu: 

- “10 mẫu thì có nhưng giàu thì chưa!”

- Sao vậy?

- Một là được mùa mất giá; hai là thiếu cầu thiếu đường nên chi phí cao, giá bán thấp, không chủ động. Thiệt đơn thiệt kép vậy thì sao giàu lên nổi? 

Hóa ra Phục đã bán trâu sắm máy cày, máy cấy, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhưng thiếu đường, thiếu cầu nên chi phí cao không giàu lên nổi. Đôi mắt Phục long lanh buồn buồn nói về tương lai. “Định bán ruộng về lại quê. Lớn tuổi rồi đau yếu bệnh hoạn, đi lại khó khăn cách trở, bệnh nhẹ cũng thành nặng. Con cháu đi lại học hành bê trễ cũng thua sút người nơi khác!”.

Cái lý lẽ của Phục làm tôi giật mình. Chuyện thiếu cầu, đường không chỉ là rào cản phát triển kinh tế mà còn kéo trì cuộc sống, sinh mạng người dân và sự phát triển của thế hệ trẻ. Một người yêu ruộng đất, giàu nghị lực, ý chí dành cả cuộc đời thực hiện ước mơ làm giàu với 10 mẫu ruộng lại có thể dừng chân, từ bỏ ước mơ chỉ vì cái ách tắc ấy. Bao nhiêu con người, bao nhiêu số phận đang bị kìm hãm bởi giấc mơ cầu đường như Phục? Tôi chạnh lòng hỏi: “Chính quyền thì sao, có kế hoạch gì không?”. Phục cười buồn thông cảm: “Huyện nghèo, toàn hộ nông dân, nguồn thu đâu có gì đáng kể. Huyện cũng hết lòng lo nhưng không đủ sức. Tỉnh đầu tư cho con đường rộng 3m nhưng cầu vẫn là cầu cũ rộng 1m. Đường đang phải chờ cầu!”.

Phục hất hàm hướng mắt về phía xa nói như một ước mơ: “Xã Bình Thạnh nằm kế bên Bình Hòa Đông nhưng may mắn được chương trình Cầu nông thôn hỗ trợ làm cầu trọn tuyến đường Bắc Kinh 61, cuộc sống người dân bên đó nâng lên thấy rõ. Nếu Bình Hòa Đông có cầu, mình sẽ làm giàu, sẽ sống chết với vùng đất này!”.

 

 

 

HUYỆN NGHÈO, CÓ LÒNG NHƯNG THIẾU VỐN

Ray rứt về câu chuyện của Phục, tôi đã gặp và trao đổi với anh Vũ Đình Trúc, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Mộc Hóa và được biết: Sau khi chia tách địa giới hành chính, huyện Mộc Hóa đi lên từ xuất phát điểm thấp nhất trong khu vực và toàn tỉnh. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chuyên canh cây lúa. Toàn huyện chỉ có 52 doanh nghiệp vừa và nhỏ, có 987 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, thu ngân sách huyện hàng năm chỉ đạt 22 tỷ đồng. Huyện đã có nhiều cố gắng huy động mọi nguồn lực từ việc tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đến việc kêu gọi nguồn lực xã hội để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thời gian qua, huyện Mộc Hóa đã được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Ban Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt quan tâm, vận động các doanh nghiệp tài trợ kinh phí xây dựng cầu giao thông nông thôn cho các xã biên giới trên địa bàn huyện. Đã có 13 cây cầu trên trục đường Bắc Kinh 61, tuy là đường liên xã nhưng nối liền Mộc Hóa với Kiến Tường - Thạnh Hóa. Những cây cầu rộng 4m, kiên cố này đã giúp xe ô tô, xe tải nhẹ đi lại thông suốt, thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt đời sống người dân. Nhưng hiện vẫn còn nhiều cầu giao thông nông thôn hư hỏng, xuống cấp mà huyện chưa có nguồn lực để đầu tư xây dựng mới.

Về thực trạng Bình Hòa Đông, anh Vũ Đình Trúc cho biết: “Hiện tại, tuyến đường Lê Quốc Sản thuộc xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa có chiều dài 5,3km đã được Sở NN& PTNT tỉnh Long An đầu tư xây dựng năm 2019 nhưng trên tuyến đường này có 5 cầu tạm làm bằng bê tông cốt thép với bề rộng mặt cầu chỉ 1m, hiện đã xuống cấp rất nghiêm trọng. UBND huyện đã lập phương án thiết kế, nhưng do nguồn kinh phí của huyện còn gặp nhiều khó khăn nên chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư xây dựng. 

Nghe chuyện của Phục và những thông tin từ anh Vũ Đình Trúc, tôi càng hiểu và thấm thía hơn ý nghĩa, giá trị của những cây cầu của Chương trình Cầu nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt. Nó làm thay da đổi thịt từng vùng đất, nó chắp cánh, khai thông bế tắc cho giấc mơ “Làm giàu trên 10 mẫu ruộng” của biết bao người lao động nhọc nhằn suốt đời như Phục bạn tôi.

 LÊ ĐẠI ANH KIỆT