, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 25/04/2024, 03:51
 

Cây xanh trên đất “trắng”

Bỏ công việc có thu nhập cao ở thành phố lớn, Nguyễn Quang Mỹ về quê nhà lập nghiệp trên vùng đất đồi hoang hóa.

 
 
Cam xoàn từ Đồng bằng sông Cửu Long tươi xanh trên đất cằn.
 
 

Dấu mốc quan trọng nhất làm thay đổi quan niệm sống của Mỹ là năm 2015 khi bố chuyển bệnh nặng. Từ TP.HCM về Huế chăm sóc bố những ngày cuối đời, anh luôn dằn vặt, trăn trở vì không thể kề cận, chăm sóc bố mẹ mỗi ngày khi họ già yếu.

 
 
Dùng cơ giới để cải tạo đất đồi cạn dinh dưỡng, khô khan nguồn nước.
 
 

Chọn đất hoang hóa để khởi nghiệp

Không lâu sau đó, Nguyễn Quang Mỹ quyết định rời TP.HCM, bỏ luôn vị trí giám đốc kinh doanh và tiếp thị của một công ty phân bón lớn ở thị trường miền Nam với mức lương gần 40 triệu đồng/tháng để về Huế. Với số vốn ban đầu ít ỏi, anh lên vùng đồi hoang hóa phía Tây Nam thành phố Huế tìm đất và quyết định bỏ ra 200 triệu đồng mua 1,5ha đất cằn cỗi có độ dốc cao ở đây để… lập nghiệp! Anh suy nghĩ: “Không phải cứ đất đầy sỏi đá là không trồng được cây. Không phải cứ có nhiều tiền mới làm được việc. Có đam mê, có nghiên cứu, tìm hiểu và có ý chí, tâm huyết, có tầm nhìn xa… thì mọi việc sẽ phát triển”. Với vốn kiến thức kinh doanh và một chút kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ thực vật học được qua công việc ở TP.HCM, Mỹ bắt tay vào làm vườn cây với tên gọi vườn Quang Mỹ ở phường Hương Hồ thành phố Huế.

Đầu tiên, Mỹ thực hiện việc cải tạo đất. Tại những vùng đồi có độ dốc cao, nhiều sỏi đá như mảnh đất ở Huế mà Mỹ đã mua, hầu như chỉ có keo, tràm là có thể sống. Và những người trồng keo, tràm - để duy trì vườn - gần như chỉ bổ sung NPK một lần duy nhất khi bắt đầu vụ, rồi thả nổi cho thiên nhiên. Cây keo, tràm tự phát triển sau 4 - 5 năm mới thu hoạch đã hút cạn chất dinh dưỡng trong đất. Sử dụng đất này trồng cây ăn quả là một bài toán vô cùng nan giải.

 
 
Bổ sung thực dưỡng, nhất là lưu huỳnh để thay đổi chất đất.
 
 

Để xác định nguồn dinh dưỡng còn trong đất được bao nhiêu, Mỹ tiến hành theo cách thật không giống ai là “ăn đất”, nghĩa là thử đất bằng cách nhai kỹ thay vì đi phân tích, phân chất trong phòng thí nghiệm cho kết quả khô khan, lý tính. Bằng kinh nghiệm của mình cũng như sự nhạy cảm với đất trồng, Mỹ “ăn đất” và cảm nhận nó rồi tính toán việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết để cải tạo đất.

Trước tiên, anh bổ sung lưu huỳnh, kali và chọn một số cây ăn trái, cây thân mềm hoặc leo như ổi nữ hoàng, đu đủ vàng, chanh dây… để trồng và thực nghiệm, tính toán cụ thể hàm lượng dưỡng chất phải tiếp tục bổ sung.

 
 
Trồng xen ngô lai Malaysia với cây ăn quả.
 
 

Cây không phụ người không khó

Sáu tháng đầu tiên, những loại cây Mỹ mang từ miền Nam ra trồng đã sinh trưởng khá ổn định. Điều lạ lùng là Mỹ phát hiện giống ổi nữ hoàng trồng trên vườn đồi cho vị ngọt và thịt giòn hơn so với ổi trồng trên đất đồng bằng. Để thực nghiệm, Mỹ quan sát, tính toán và khi cây ra hoa đợt thứ hai được khoảng một tháng rưỡi, Mỹ bổ sung lưu huỳnh cho cây, bón thêm kali kèm phân lân với hàm lượng được tính toán kỹ theo kinh nghiệm cá nhân. Theo Mỹ, nếu kali bổ sung dinh dưỡng cho cây phát triển thì lưu huỳnh sẽ tăng cường lưu dẫn, trao đổi chất giúp cây tạo quả ngọt. Vừa trồng vừa thí nghiệm rồi điều chỉnh, dần dần, ổi nữ hoàng trong vườn của Mỹ cứ vụ sau trái nhiều hơn, ngon hơn vụ trước khiến khách hàng thích thú. Ổi thu hoạch không kịp cung ứng cho khách hàng đã giúp Mỹ thêm phấn khởi và tự tin trong việc cải tạo đất bạc màu và trồng thêm những loại cây khác. Hiểu được nguyên lý, vai trò của từng loại phân bón đối với cây trồng nên Mỹ chủ động điều chỉnh sự phát triển sinh học của cây, mang lại những kết quả tốt đẹp.

 
 
Du khách thích thú với vườn cây lạ
 
 

Sau thành công của ổi nữ hoàng, Mỹ tiếp tục trồng các cây giống khác của Malaysia (do điều kiện thời tiết tương tự Huế) hoặc từ Thái Lan (do công nghệ gen vượt trội của họ). Các giống cây này Mỹ mua từ vườn ươm cây giống ở các tỉnh miền Tây Nam bộ như sầu riêng, mít ruột đỏ, bưởi da xanh, nhãn tím… Ngoài ra, Mỹ còn tìm cách đưa các cây bản địa, kén đất như thanh trà Thủy Biều lên vùng đất đồi để trồng trái vụ. Nguyễn Quang Mỹ tin tưởng rằng với việc áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng trọt, điều chỉnh, tạo ức chế trên các giống cây sẽ có thể tạo nên các vụ mùa theo ý muốn.

Trong quá trình sản xuất, Mỹ luôn xác định tiêu chí “cây ăn quả sạch” cho các loại sản phẩm trong vườn của mình. Ghi chép cẩn thận, rõ ràng quá trình chăm sóc cây, các loại thuốc, phân đã sử dụng và thời gian sử dụng, thực hiện nghiêm ngặt quy tắc “cách ly” trước khi thu hoạch (không dùng các chất bảo vệ thực vật một thời gian, tùy từng loại cây mà có thời gian quy định cụ thể) nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

 
 
Thích thú với những giống quả độc, lạ.
 
 

Hai năm bám trụ trên vùng đất bạc màu đầy sỏi đá, giờ đây, nhiều loại cây ăn quả vốn dĩ rất xa lạ với người địa phương đã phủ xanh khắp vùng đồi hoang hóa cũ. Nhiều nhà đầu tư trang trại bị hấp dẫn bởi vườn cây trĩu quả đã tìm đến đặt vấn đề chuyển nhượng với số tiền hàng tỷ đồng, gấp nhiều lần so với số vốn ban đầu Mỹ bỏ ra. Tuy nhiên, ông chủ trẻ lắc đầu từ chối. Niềm đam mê, sự tâm huyết với các giống cây ăn quả giờ đã ngấm vào máu thịt và trở thành lẽ sống của Mỹ…

Sử dụng kiến thức có được từ kinh nghiệm thực tiễn và biết ứng dụng khoa học vào việc trồng cây song song với khả năng học hỏi, theo dõi thường xuyên diễn biến thời tiết khắc nghiệt của miền Trung để thuần hoá các giống cây lạ, cây bản địa đã giúp Nguyễn Quang Mỹ thành công trên vùng đất khó. Mỹ đã góp phần mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi đất canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều vùng đồi hoang hóa, cằn cỗi tại tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và các vùng đồi núi miền Trung nói chung.