, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 23/04/2024, 14:21
 

Đặt chân lên Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) vào những ngày cuối năm như đi vào tiên cảnh. Mây quấn dưới chân và sương giăng trên đầu. Nằm trong vùng đất miền Trung bị ảnh hưởng nặng nhất bởi thiên tai, gió Lào nhưng vùng đất này lại được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ quanh năm. Thế nhưng ở nơi thiên nhiên ưu đãi này, đời sống của cư dân vẫn bữa no bữa đói. Thu nhập chủ yếu dựa và nương rẫy và những sản vật kiếm được từ rừng. Bà Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An nói, đất ở đây rất thích hợp trồng các loại cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới. Thế nhưng bà con trồng rồi thì ai mua? Ngay như mận Tam Hoa trồng ở đây, quả to, bóng, đẹp và ngọt không thua mận Sơn La, nhưng giá bán có lúc xuống đến 5.000 đồng/kg mà vẫn không có người mua… 

 
 
 
 

Mường Lống cách trung tâm tỉnh Nghệ An gần 300km. Dân cư sinh sống ở đây chủ yếu là người Mông. Từ thị trấn Mường Xén vào đến bản chỉ 40 - 50 cây số nhưng đường đi cứ ngoằn ngoèo, lên dốc xuống đèo hun hút, mùa khô đi đã khó, nói gì đến mùa mưa. Vì vậy, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ các bản ra đến trung tâm huyện hoàn toàn không dễ dàng. Xứ sở được mệnh danh là “cổng trời” quanh năm mát mẻ, không chỉ thích hợp trồng một số loại cây đặc sản mà còn rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái. Nhưng tất cả mới chỉ là… tiềm năng.  

Huyện Kỳ Sơn có 20 xã thì có lẽ chỉ có thị trấn Mường Xén là có dáng vẻ phố thị. Còn lại, các xã nằm rải rác, biệt lập trong những thung lũng hoặc trên những triền núi dọc biên giới. Xã cách xã đã xa, từ bản này đến bản kia trong một xã có khi cũng phải qua 5 - 7 quả đồi. Do địa hình xa xôi cách trở nên nhiều bản, người dân sống trong điều kiện thiếu đường sá, thiếu điện, thiếu nước và thiếu cả trạm y tế. Không chỉ ở Kỳ Sơn Nghệ An, theo chân Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Biên giới của Tạp chí Nông thôn Việt, chúng tôi đã đi hầu khắp các tỉnh có đường biên giới như Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh… Mặc dù Chương trình Xây dựng Nông thôn mới triển khai cả nước đã hơn 10 năm, nhưng ở những bản làng nằm heo hút dọc biên giới, thì nông thôn mới hình như vẫn là khái niệm xa lạ. Hạ tầng (điện, đương, trường, trạm xá) thiếu, đã đành, trình độ dân trí cũng “trắng”. Như bản Dốc Mây (xã Trường Sơn, Quảng Bình) cách thành phố Đồng Hới hơn 60km. Bản có 19 hộ dân người dân tộc Vân Kiều, sống quây quần trên một diện tích nhỏ, lọt thỏm giữa hai dãy núi lớn. Người dân không biết chữ còn nhiều, nhất là phụ nữ. Cán bộ Đồn Biên phòng Trường Sơn kiêm thầy thuốc, kiêm luôn thầy giáo, vừa chữa bệnh vừa dạy chữ cho các cháu và người lớn cả bản. 

 
 
Bộ đội biên phòng hướng dẫn người dân thực hiện mô hình sản xuất.
 
 

Bản Làng Ho, nằm ngay bên đường Trường Sơn nhánh Tây, thuộc xã Kim Thủy huyện Lệ Thủy có gần 40 hộ dân. Cách đây hơn 10 năm, Tổng công ty Rượu Bia Sài Gòn (Sabeco) thông qua chương trình Nghĩa tình Trường Sơn báo SGGP, đã tài trợ xây dựng mỗi hộ một căn nhà sàn, có sân vườn, có nhà vệ sinh, và cấp vốn trồng cây ăn trái quanh nhà. Ngoài ra. Chương trình còn tài trợ xây dựng 1 nhà văn hóa, 1 trạm xá cho bản… Nay trở lại, trừ trạm xá và nhà văn hóa do bộ đội biên phòng quản lý ít nhiều vẫn sử dụng, còn lại, các công trình công cộng khác bị bỏ hoang phế. Nhà vệ sinh cũng bỏ hoang, sân vườn để cho cỏ mọc đến tận cột nhà. Khi chúng tôi vào bản, khoảng 9 giờ sáng, chỉ thấy người dân, nam có nữ có, ngồi trước cửa nhà sàn trông ra, đám trẻ con lít nhít đu bám sau lưng… 

Ông Nguyễn Đức Quang, TBT Tạp chí Nông Thôn Việt, là người đã thiết kế ý tưởng tài trợ xây dựng lại bản làng Ho – với ý nghĩa là di tích lịch sử, căn cứ đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn trên đất Quảng Bình, nói như cảm thán: “Khi đầu tư xây dựng bản này, tôi nghĩ, được cấp vốn, có bộ đội biên phòng chỉ dẫn, bà con sẽ dần biết làm vườn, chăn nuôi… sẽ có thêm thu nhập từ kinh tế vườn - chuồng. Nhưng có lẽ tôi đã chủ quan. Bà con các dân tộc cư trú dọc biên giới vốn quen với cuộc sống, sinh hoạt tự túc tự cấp, nên hầu hết là vậy. Họ chỉ đi rừng hay ra nương rẫy khi trong nhà không còn cái gì ăn…”.

Thời gian qua, nhiều xã, huyện vùng sâu vùng xa đã thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chưa hiệu quả. Thứ nhất là vì trình độ dân trí thấp, người học không đến nơi đến chốn. Hơn nữa, học xong mà không có điều kiện làm nghề (vốn, nguồn nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ) thì học rồi… để đó. Một số doanh nghiệp tâm huyết muốn triển khai dạy nghề và hợp đồng gia công sản xuất với bà con cũng không dễ. 

Chị Lê Thị Hậu - Giám đốc công ty JNC Macrame đã trực tiếp dạy nghề đan thủ công Macrame tại xã Núi Tượng (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) với mong ước thay đổi đời sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ. Công ty đã tìm được thị trường xuất khẩu nhưng nguồn lao động luôn thiếu, lại lúc vui thì làm, không vui thì bỏ khiến sản lượng không ổn định. Thứ hai là tình trạng thiếu nhà xưởng kho bãi, không có nhân viên ăn ở tại chỗ dài ngày nên việc giám sát kỹ thuật, quản lý sản phẩm… gặp khó, chi phí sản xuất cứ thế đội lên. Trong khi đường vào Núi Tượng vốn gần và dễ đi hơn rất nhiều so với các bản biên giới.

 
 
 
 

Chính phủ, qua 3 chương trình mục tiêu quốc gia: (1) Giảm nghèo bền vững, (2) Xây dựng Nông thôn mới, (3) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, đêu hướng sự quan tâm đầu tư đến các làng bản, cư dân ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Thế nhưng vì sao đồng bào các dân tộc vùng biên giới vẫn nghèo, tỉ lệ xã, bản đạt tiêu chí Nông thôn mới vẫn rất thấp?

Qua nhiều năm thực hiện các chương trình thiện nguyện, chứng kiến và thấu hiểu điều kiện sống, phong tục tập quán sinh hoạt của bà con các dân tộc cư trú dọc biên giới, chúng tôi cho rằng nguyên nhân là do thiếu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), trình độ dân trí thấp, trình độ cán bộ cơ sở yếu và nguồn thu nhập của cư dân đã thấp lại không ổn định… Nếu kinh phí, nhất là kinh phí xây dựng hạ tầng từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia rót đúng và đủ, nếu đội ngũ cán bộ cơ sở đủ trình độ để tiếp nhận, quản lý và triển khai thực hiện một cách vô tư minh bạch, nếu người dân có đủ kiến thức để giám sát… chắc chắn sẽ không có những con đường nông thôn “chưa đi đã hỏng”; tỉ lệ xây dựng thành công Nông thôn mới ở các làng bản biên giới chắc chắn sẽ cao hơn số liệu hiện tại. 

 
 
Một bản làng ở khu vực biên giới.
 
 

Để khắc phục bất cập này, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất mô hình “Hợp tác xây dựng Nông thôn mới ở các làng bản biên giới” giữa ba đối tác: Chính quyền - Bộ đội biên phòng – Tổng hội. Theo đó, ngân sách từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia do tỉnh, huyện “rót” xuống cơ sở phải được công khai. Biên phòng, thông qua Ban chỉ huy các đồn trú đóng tại địa phương, sẽ tham gia quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện các công trình. Tổng hội NN&PTNT sẽ vận động các doanh nghiệp hội viên tham gia đầu tư, từ việc dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây con giống đến tiêu thụ sản phẩm… Bộ đội biên phòng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giám sát kỹ thuật, quản lý thành phẩm để không bị thất thoát. Vai trò các bên đều được cam kết thực hiện thông qua hợp đồng và đều có lợi ích. Trong mô hình này, vai trò của bộ đội biên phòng là vô cùng quan trọng. Với lợi thế “tổ cắm bản”, biên phòng vừa cầm tay chỉ việc, vừa giám sát quá trình lao động và đánh giá chất lượng thành phẩm, đồng thời là đầu mối liên lạc giữa doanh nghiệp với các hộ dân. Tham gia “Hợp tác…” này không chỉ giúp người dân giảm nghèo bền vững mà còn tạo thêm thu nhập cho bộ đội, từ chi phí thành phẩm.

Có nghề nghiệp và nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho bà con là mục tiêu số 1. Tuy nhiên, phải “an cư” mới “lạc nghiệp”. Bài học từ bản Hòa Sơn xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) gần như xóa sổ sau trận lũ quét sáng ngày 2/10/2022, cần được rút kinh nghiệm. Các địa phương biên giới cần đẩy nhanh chương trình quy hoạch vùng dân cư. Hiện nay, đa số làng bản được hình thành một cách tự phát, đặc biệt ở vùng miền núi. Người dân dựng nhà bất cứ nơi nào họ thấy thuận tiện, có những hộ hộ dân sống chơi vơi bên sườn núi. Theo thống kê, giai đoạn 2017 - 2025 có khoảng 17.769 hộ có nhu cầu sắp xếp, bố trí ổn định dân cư. Trong đó, phân theo nguyên nhân có 2.808 hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, 13.869 hộ đặc biệt khó khăn… Việc quy hoạch dân cư, làng xã nhất thiết phải tính đến các yếu tố: liên kết vùng, liên kết làng bản, cùng hệ thống hạ tầng giao thông để đảm bảo người dân tập trung ở nơi thuận tiện phát triển sản xuất, ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

 
 
Bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) gần như xóa sổ sau trận lũ quét sáng ngày 2/10/2022.
 
 

Chương trình Xây dựng Nông thôn mới ở các làng bản biên giới thành công thì tương lai không xa, các làng bản vùng biên giới sẽ trở thành những vùng nông thôn đáng sống. Bởi nơi đó có thiên nhiên tươi đẹp, ruộng vườn trù phú, ngành nghề thủ công mang đậm nét văn hóa địa phương, sẽ là điểm đến du lịch đặc sắc cho khách trong và ngoài nước. “Tôi mơ ước có ngày, mỗi dịp Tết đến xuân về bà con vùng biên giới sẽ về các thành phố tặng quà cho bà con nghèo, thay vì hiện nay phải nhận quà từ người thành phố” – Ông Nguyễn Đức Quang chia sẻ.

TẦM VÔNG