, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 02/05/2024, 04:42
 

Nhưng, sự tịch mặc ngoài kia chỉ làm rõ hơn cái rộn rã của một doanh trại đang “bừng lên hội đuốc hoa”. Đồn Biên phòng Cà Roòng đêm nay diễn ra cuộc giao lưu giữa quân dân, giữa bộ đội các thế hệ, trước thềm khánh thành đền tưởng niệm. Từ bàn ăn, góc sân hay dãy hành lang phòng ở, ai cũng nói về ngôi đền. Cái khấp khởi tự hào không giấu được trong nét mặt, dáng vẻ của những cựu binh từng thuộc về Trường Sơn huyền thoại, giờ lại một lần nữa, thuộc về cái kỳ công của việc “lên tận biên giới xây ngôi đền khang trang cho đồng đội”.

Giữa những ghi nhận hồn nhiên của những thân nhân và cựu binh Trường Sơn đang có mặt ở nơi này, bà Nguyễn Thị Quốc Hương - Phó Tổng biên tập Tạp chí Nông Thôn Việt nhớ lại:

- Hồi lâu rồi, chị cũng tự hỏi khi nghe người ta đặt vấn đề về ý nghĩa của việc xây đền tưởng niệm trong các dự án vì cộng đồng. Bởi có bao nhiêu người đang ngoài kia cần một chút tiền để xây nhà, để sắm một sinh kế, tại sao ta lại đi xây đền?

Câu hỏi này quen quá! Nhưng khi nó bật ra giữa những mừng vui rất thật mà chúng tôi đang chứng kiến, từ một trong những người đã dành nhiều năm trời cho các dự án đền tưởng niệm bên cạnh các chương trình từ thiện ở vùng biên giới - thì không còn là một câu hỏi. Bởi, những lựa chọn sau đó của bà Hương và tập thể của bà, đã trả lời cho phép tự vấn ấy.

- Nhưng rồi, khi chị cùng anh Quang (ông Nguyễn Đức Quang - Tổng biên tập Tạp chí Nông Thôn Việt - PV) và anh em ở Tạp chí Nông Thôn Việt đi tận nơi, tiếp xúc nhiều với những thân nhân, cựu binh, những người dân ở dọc biên giới, chị đã hiểu và đồng tình…

Bà Hương không nói sâu hơn về điều đã thuyết phục bà về những ngôi đền, có lẽ vì chúng tôi cũng đang ngồi ngay biên giới. Những người đang lắng nghe bà cũng đang “đi tận nơi, tiếp xúc với các cựu binh và người dân dọc biên cương”. Trải nghiệm trực tiếp sẽ mang lại những dữ kiện chân thật để mỗi người tự đối diện với từng băn khoăn… 

Lúc này, tôi chợt nhớ giọt nước mắt trên gương mặt đỏ bừng của bà Dương Thị Hội trên đền tưởng niệm lúc ban chiều. Khi ấy, buổi lễ tâm linh đã vãn. Những anh linh liệt sĩ từ biên kia biên giới đã được chiêu cầu về đất Việt, tổ chức cầu siêu ngay tại ngôi đền tưởng niệm. Trời chiều vừa bừng lên chút nắng sau cơn mưa như trút, cũng đã dịu lại để chìm vào chạng vạng. Trên đền thờ chỉ còn những chiến sĩ đang nán lại chuẩn bị cho buổi khánh thành ngày mai, và một vài cựu binh tuổi cao đang cẩn thận nhích xuống tam cấp. Bà Dương Thị Hội chỉ hơn 60 tuổi, nhưng bước đi chậm chạp vì mải khóc.

Chúng tôi vừa bước xuống bậc thang trước đền thờ, vừa hỏi thăm nhau. Đi nửa chừng, bà Hội dừng lại, đứng nhìn đăm đăm về phía rừng xanh. Phải vài phút sau, chúng tôi mới nhận ra bà vừa cố nén tiếng khóc:

- 50 năm nay tôi không dám xem phim tài liệu, cứ ti vi mà chiếu rừng núi, chiếu cảnh người ta đi trong rừng là tôi lại khóc. Sau thống nhất nhiều năm, lần đầu tiên xem người ta chiếu cảnh bộ đội chiến đấu trong rừng, tôi bị ám ảnh.

 

 

Người phụ nữ gắn bó hơn nửa đời người với vùng đất Quốc Oai, Hà Nội không phải tự nhiên mà ngại rừng núi. Bà ám ảnh, vì đó là không gian mà bà đã trăm ngàn lần hình dung về sự hi sinh của anh ruột mình. Anh trai Dương Như Ngang ra trận lần đầu vào năm 1972. Khi ấy, anh đứng trước cơ hội du học sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng “ra trận thì ý nghĩa hơn”. Năm 1973 anh Ngang về phép, đem tặng cô em gái một chiếc áo lính và hứa hẹn: “Khi nào về lại thì anh cho nữa!”.

- Anh trai với em gái thân nhau lắm. Anh ấy biết em gái thương và nhớ anh nên mới tặng áo - bà Hội lý giải.

Nhưng bà đã không thể có chiếc áo lính thứ hai. Tháng Tư năm 1975, Sài Gòn giải phóng, gia đình bà Hội vẫn hồi hộp chờ tin anh Ngang. Đến tháng 5, gia đình nhận được một lá thư anh gửi về từ chiến trường trước ngày giải phóng. Cả nhà khấp khởi nghĩ anh “vẫn còn” nhưng vì tình thế đất nước nên chưa thể liên lạc. Chẳng ngờ, ngày 29/11/1975, một phong thư từ miền Nam gửi về gia đình, gói một mảnh giấy báo tử.

Ở mục địa điểm hi sinh, giấy báo tử của liệt sĩ Dương Như Ngang viết: Mặt trận phía Nam. Bà Hoàng Thị Tiệp (mẹ bà Hội) khi ấy như đứng bật dậy, lẳng lặng cầm tờ giấy dữ cất vào tủ. Từ đó trở đi, bà bình tĩnh lạ lùng. Dẫu chỉ mới ngày hôm trước, bà vẫn ngồi khóc mỗi chiều khi thấy bưu tá đi ngang mà không ghé nhà mình. “Hơn 3 năm anh tôi đi lính, mẹ chỉ vui trong vài buổi chiều có thư anh gửi về. Vui, nhưng mà vẫn khóc” - bà Hội kể. 

Bà mở điện thoại, lấy hình giấy báo tử của anh trai đưa tôi xem, rồi cười: “Hồi đó anh ấy học giỏi nên gia đình mượn tiền mua cho chiếc xe đạp phượng hoàng để đi học đại học, oai lắm!”. Niềm tự hào của người em gái sau hơn nửa thế kỷ vẫn hồn nhiên trong nét cười và ánh mắt rạng ngời của bà Hội. Rồi bà lại mếu máo:

- Lúc nãy dự lễ cầu siêu ở đền thờ tôi cũng vái về hương hồn anh: “Dù anh có hi sinh ở nơi nào thì cũng hãy về an nghỉ ở ngôi đền này. Đền này được xây lên là cho những người như anh”.

 

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tại Đền thờ. Ảnh: Tuấn Anh

 

Đến cuối cuộc trò chuyện, tôi mới biết bà Hội là một trong nhiều người không phải là chiến sĩ Trường Sơn, cũng không phải thân nhân của liệt sĩ Trường Sơn tại biên giới này. Họ chưa từng biết Thượng Trạch. Nhiều người thậm chí chưa từng nghe tên Đường 20 Quyết Thắng. Bà Hội, cũng như vợ chồng ông Đàm Văn Trương, bà Vũ Thị Thắm… từ các vùng đất Quốc Oai, Hải Dương, Nghệ An đã ngược đường về đây, chỉ vì muốn gửi gắm linh hồn người thân họ ở ngôi đền này.  Danh sách cầu siêu tại đền tưởng niệm chiều 23/7 dài hàng trăm cái tên, là những cái tên đã được đồng đội gửi đến từ trước, và cả những người quen biết đã mang lên tận vùng biên cương này sau một chuyến đi dài.

Sống trong những chuyện trò đó, chúng tôi thấy mình, bà Quốc Hương hay mọi người trẻ trân trọng lịch sử đều cũng không thể trả lời về ý nghĩa của một ngôi đền. Ý nghĩa đó xuất phát mạnh mẽ và bản chất hơn từ những chủ thể khác, như bà Hội, ông Trương, như người đàn ông đã dáo dác cầm tờ giấy báo tử chạy đi tìm ban tổ chức để “xin được cầu siêu cho liệt sĩ là một người hàng xóm của mình”.

 
 

Ý nghĩa đó có thể cảm nhận sâu sắc hơn ở những người như ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank). Ông Minh là một doanh nhân, từ diện mạo đến những lần xuất hiện của ông trên truyền thông đều không thấy một manh mối nào với những cuộc chiến. Khi đọc về ngôi đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng ATP, người ta biết thêm về ông là người đầu tư cho công trình này. Nhưng, đến buổi khánh thành ngôi đền hôm 24/7, nhiều người mới được biết, bên trong một doanh nhân thành đạt thời bình đó vẫn có một câu chuyện của chiến tranh. Sau những khái quát về việc đầu tư xây đền tưởng niệm, ông Minh chia sẻ:

- Bố tôi nhập ngũ năm 1967, hi sinh theo giấy báo tử năm 1970 ở mặt trận phía Nam. Từ đó đến nay, anh em tôi đã nhiều lần đi tìm hài cốt bố mà không thấy. Thân xác của bố tôi, cũng như của các cô, các chú, các bác đã ngã xuống trên mọi miền Tổ quốc, hay trên tuyến đường 20 Quyết Thắng này đã hóa thành đất đai tổ quốc. Và linh hồn của họ đã hóa thành linh khí quốc gia. Do vậy, việc xây dựng ngôi đền ở nơi núi rừng hoang lạnh, tận cùng biên giới này thực sự có ý nghĩa. Ngôi đền là nơi hội tụ anh linh liệt sĩ và là nơi ghi dấu mốc lãnh thổ quốc gia, là nơi để con cháu chúng ta bái vọng, để nhớ về Trường Sơn huyền thoại, về những anh hùng đã hi sinh để giang sơn về một mối. Ý nghĩa đó lớn gấp trăm, ngàn lần giá trị đầu tư của ngôi đền.

 

ông Dương Công Minh phát biểu tại buổi lễ khánh thành Đền.

 

Cũng trong phần chia sẻ này, ông Minh cho biết ông nhận lời tài trợ cho công trình từ lời ngỏ của ông Nguyễn Đức Quang, bằng một - linh - cảm. Câu chuyện này cũng đã được kể qua lời ông Quang. Vào năm 2018, sau 8 năm khắc khoải vì một lời nguyện chưa thành, ông quyết tâm tìm nhà tài trợ để dựng ngôi đền thứ tư (3 ngôi đền trước đó ông đã vận động xây dựng khi còn công tác ở Báo Sài Gòn Giải Phóng) ở vùng trọng điểm Cà Roòng - ATP. Tình cờ, trong một lần đến thăm Dương Công Minh, ông kể về nỗi khắc khoải của mình.

Nghe xong, ông Minh liền nói:

- Để em tài trợ!

Việc tài trợ diễn ra nhất quán và thuận lợi sau đó, chỉ từ một lời nói ngắn gọn như thế. Đó mà cách mà ông Minh tuân thủ một linh cảm. 

Linh cảm ấy là gì? Có lẽ, chính ông cũng không nói hết được.

Chúng tôi gặp lại một câu hỏi tương tự khi nghe bà Quốc Hương kể về người lãnh đạo của mình. Khi ấy, bà Quốc Hương và ông Đức Quang cùng đoàn công tác của Báo Sài Gòn Giải Phóng ra Đà Nẵng làm nhiệm vụ. Xong việc vào tầm 20g, bà Hương nghe ông Quang lật đật nói: Giờ anh phải đi ra Nghệ An để khảo sát xây nhà cho các gia đình liệt sĩ. Ông nói xong là lên đường. Bà Hương cùng đồng nghiệp đưa ông ra ga. Tạm biệt nhau ở sân ga năm đó, nhìn bóng lưng đang lao đi như đã từng lao đi rất nhiều lần trước đó để giúp các gia đình liệt sĩ - bà Hương và những đồng nghiệp của mình tự hỏi: Không biết điều gì khiến ông cứ đau đáu dấn mình vào những phần việc ở tận đâu đâu?

Những câu hỏi trên kia đều không thể có một câu trả lời rành mạch. Đến bây giờ, bà Hương và tập thể cán bộ phóng viên Tạp chí Nông Thôn Việt vẫn chưa thể gọi tên những động lực từ ông Quang, dù họ đã trở thành một phần của những nghĩa cử ấy. Sự bất khả giải cho tất cả những câu hỏi này, đều là một sự “bất lực” đẹp đẽ. Đó là nỗi bất lực thường tình của ngôn từ, trước những mỹ cảm, sự rung động, sự thôi thúc lành mạnh và cao đẹp từ trái tim. 

Khi đặt bước chân đầu tiên xuống gần bản Aki của Thượng Trạch, chúng tôi đã trôi vào cảm thức u tịch khi liên tưởng đến câu thơ của Quang Dũng: 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Nhưng rồi niềm bi cảm càng thêm day dứt hơn khi giật mình nhận ra vùng viễn xứ kia không một nấm mồ. Và ngôi đền là một niềm an ủi lớn.

Mọi phép tính toán của lý trí đều thua trong việc giải mã những nỗ lực trả nghĩa cho Trường Sơn mà người ta đang chứng kiến qua sự kiện Khánh thành Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Ý nghĩa của một ngôi đền tưởng niệm không phải là cơm ăn, áo mặc. Một ngôi đền cũng cần phải là lời giải cho những nhu cầu cấp bách ở đâu đó của đồng bào. Ý nghĩa của một ngôi đền, cũng giống như ý nghĩa trong câu nói của liệt sĩ Dương Như Ngang khi khước từ cơ hội du học: “Ra trận thì ý nghĩa hơn!”.

Đó là khi người ta tuân thủ linh cảm và thực sự dấn mình, bằng trái tim.

MINH NGUYỄN