, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 25/04/2024, 19:40
 

Nhiều cựu binh Đường 20 Quyết Thắng đã từng bày tỏ sở nguyện toàn tuyến đường được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt để có thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong một thể toàn diện. Sau lễ khánh thành Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, Trọng điểm Cà Roòng – ATP vào cuối tháng 7/2022 vừa qua, câu chuyện này một lần nữa lại được đề cập đến.

 
 

Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Đợt 1 với 37 điểm trên 11 tỉnh (thành) của Việt Nam. Ngày 24/12/2018, có quyết định bổ sung 9 di tích tiếp theo thành Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đường 20 Quyết Thắng (nay là tỉnh lộ 562) là một trục đường ngang trong hệ thống Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh. Trong 46 điểm di tích được xếp hạng nói trên, Đường 20 Quyết Thắng có 6 di tích là Di tích Quốc gia đặc biệt (Phà Xuân Sơn, Hang Tám Cô, Dốc Ba Thang, Ngầm Cà Roòng, hang Thông tin, hang NH) và một Di tích Quốc gia (Trạ Ang).

Tuy nhiên, các cựu binh Đường 20 lại muốn “bảo tồn toàn tuyến” (ít nhất trên lãnh thổ Việt Nam) chứ không phải theo từng điểm di tích lẻ. Vì thế, sau khi Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được xếp hạng vào năm 2013, một thời gian sau đó không lâu, một số cựu binh đại diện cho thế hệ cựu binh Đường 20 Quyết Thắng đã đến Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) để trình bày (bằng miệng) mong muốn Đường 20 được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt để có thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong một thể toàn diện. Đại tá Vũ Trình Tường (Trưởng ban Lịch sử, Truyền thống, thuộc Hội Truyền thống Trường Sơn) kể, lúc đó, “Cục có trao đổi lại là không thể”. Lý do: Nếu xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, theo Luật Di sản văn hóa phải khoanh vùng toàn tuyến để bảo vệ. Đường 20 Quyết Thắng dài 123km (trải qua 2 nước Việt Nam và Lào); trong đó, phần chạy trên lãnh thổ Việt Nam dài 63km quá dài, không thể khoanh cả 63km đó thành di tích để bảo vệ được, chỉ có thể công nhận theo điểm di tích. 

Các cựu binh Đường 20 “bỏ quên” câu chuyện đó cho tới gần đây, khi biết tin tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, gần Đồn biên phòng Cà Roòng, có một Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, Trọng điểm Cà Roòng – ATP (khánh thành vào ngày 24/7). Bên cạnh đó, hồi tháng 6, tỉnh Quảng Bình cũng mới cho khởi công hai dự án trọng điểm: Dự án nâng cấp Đường 20 Quyết Thắng và Dự án cấp điện lưới quốc gia cho 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch. Chính những tín hiệu đó lại dấy lên mong mỏi cũ của những cựu binh này.

 
 

Từ cuối năm 1964, bộ đội Trường Sơn bắt đầu chuyển từ gùi thồ sang vận chuyển cơ giới. Đường 12 - tuyến vượt khẩu cơ giới duy nhất lúc đó (từ Khe Ve, Mụ Giạ, nối với Đường 128 trên đất Lào, qua Seng Phan, Lùm Bùm, Văng Mu... nhập vào Đường 9 tại Na Bo) trở thành “tử huyệt” do “túi nước” mùa mưa ở Seng Phan cắt ngang. Từ yêu cầu về một tuyến vượt khẩu thứ 2 để phá thế độc quyền của Đường 12, Đường 20 Quyết Thắng dài 123km (bắt đầu từ thôn Phong Nha, vượt biên giới Việt – Lào (km63) sang Đường 128 (km123) tại Lùm Bùm) ra đời, do bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông… xây dựng đầu năm 1966, hoàn thành sau 4 tháng thi công.

Không giống Đường 12 vẫn phải bám vào đường quốc lộ đã có từ trước, Đường 20 là một con đường mới hoàn toàn, vắt ngang qua vùng núi đá rất cao. “Có những tài liệu của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết, trước đây, có một đoàn khảo sát do kĩ sư công chính người Pháp dẫn đầu, cũng định mở đường qua đây, nhưng bất thành” - Đại tá Vũ Trình Tường nói. Điều Đại tá Tường vừa kể trùng với thông tin mà cuốn Khảo sát thiết kế mở đường Trường Sơn thời chống Mỹ cứu nước (tác giả Hoàng Ngọc Châu, NXB Giao thông Vận tải, 2009) đề cập: “Các chuyên gia tầm cỡ thời Pháp thuộc khẳng định với địa hình địa thế Quảng Bình, ngoài đường 12, không còn nơi nào có thể làm đường ô tô vượt Trường Sơn sang đất Lào được nữa”. 

“Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, trình độ thi công còn nhiều hạn chế, nhưng bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong… của ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Làm cả những điều mà những kĩ sư cao cấp của Pháp cũng chào thua”, ông Tường nói thêm.

Trong cuốn Trường Sơn miền ký ức (Tập 1, NXB Quân đội nhân dân, 2009), kỹ sư Phan Trầm – nguyên Chỉ huy trưởng Công trường 20, nguyên Trưởng ban Xây dựng 67 (Bộ Giao thông Vận tải) - viết: “Đường 20 Quyết Thắng là một công trình chiến lược đầy kỳ tích, không những trong chiến dịch mở đường mà còn trong suốt quá trình bảo đảm giao thông cho bộ đội vận tải hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho miền Nam giành thắng lợi cuối cùng. Về mặt khoa học kỹ thuật, nó mở ra tiền lệ mở đường đá và bảo đảm giao thông trên các tuyến đường khác của ta”.

Với những cứ liệu mang tính gợi dẫn đầu tiên đó, có thể thấy, Đường 20 Quyết Thắng không chỉ đơn thuần là một con đường vận chuyển, giao thông vận tải quan trọng trong thời chiến, đó còn là một con đường văn hóa, văn minh, đánh dấu bước trưởng thành về trình độ kĩ thuật, sự phát triển của lịch sử giao thông vận tải của ta. 

Không phải tự nhiên mà trong chuyến vào thăm Trường Sơn tháng 3/1973, đứng trên Trọng điểm ATP còn nguyên màu đất đỏ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Đường 20 xứng đáng là “một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan” trong hệ thống Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

 
 

Trong toàn bộ 5 trục dọc và 21 trục ngang của hệ thống đường Trường Sơn thì Đường 20 là trục ngang có mức độ khốc liệt nhất, có mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn. Nhiều tài liệu văn khố, sách, báo… lưu lại những con số “biết nói”, không đề cập hết ở đây.

Ở đây, có nhiều đơn vị anh hùng, cá nhân anh hùng được lịch sử ghi lại. Nhiều cá nhân chiến đấu trên Đường 20 như: Khúc Văn Lượng, Kim Ngọc Quản, Lê Quang Biện, Vũ Tiến Đề, Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Thị Nhạ, Nguyễn Phong Lưu... đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân hoặc Anh hùng Lao động. Các đơn vị chiến đấu trên Đường 20: Trung đoàn 14 (Binh trạm 14), Tiểu đoàn 33 Công binh, Đội 25 TNXP, Tiểu đoàn 102 ô tô, Tiểu đoàn 52 ô tô, Đại đội 2 Công binh (Tiểu đoàn 33), Đại đội 9 ô tô (Tiểu đoàn 102), Đại đội 1 ô tô (Tiểu đoàn 52), Đại đội 23 súng máy (Tiểu đoàn 119), Đội cầu 10, Đại đội 5, Đại đội 168 TNXP (1)... đã được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân hoặc Anh hùng Lao động.

Tiến sĩ triết học Hồ Bá Thâm từng là chính trị viên một đại đội TNXP Đường Trường Sơn. Ông nói: “Đường 20 Quyết Thắng thấm mồ hôi, xương máu, tinh thần chiến đấu hi sinh của cả một thế hệ trẻ - đa số ở độ tuổi 20 - lên đường. Ở cái khía cạnh hữu hình lẫn vô hình đó, con đường không chỉ trở thành biểu tượng của tuổi 20, của một thế hệ, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà còn là biểu tượng của Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, con đường tư tưởng, biểu tượng văn hóa của một thời”.

Trong chiều dài 123km của Đường 20 Quyết Thắng có một nửa chiều dài nằm trên đất Lào. Vì thế, nó còn là con đường nghĩa tình, con đường của mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào. Đường 20 còn là con đường văn nghệ. Từ con đường đó, hàng loạt áng thơ văn, nhạc phẩm… ra đời: Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (thơ Phạm Tiến Duật, nhạc Hoàng Hiệp), Bài ca giao thông vận tải (nhạc sĩ Hoàng Vân), Dấu chân người lính (nhà văn Nguyễn Minh Châu), Mở rừng (nhà văn Lê Lựu), Thử nói về hạnh phúc (nhà thơ Thanh Thảo)… Rất nhiều văn nghệ sĩ bước vào mặt trận Trường Sơn để chiến đấu, sống và viết, từ con đường 20 mà đi, mà về. Nhiều người trong số họ đã làm nên diện mạo của văn học nghệ thuật thời chống Mỹ. 

Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết 08 10/6/2022 về Phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, việc nâng cấp Đường 20 là công trình trọng tâm góp phần vào hệ thống giao thông vận tải liên hoàn, kì vọng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, đối ngoại với nước bạn Lào qua cửa khẩu Cà Roòng - Nong Ma. Tiến sĩ Hồ Bá Thâm cho rằng, không chỉ là con đường giải phóng, Đường 20 Quyết Thắng còn là con đường của phát triển, của dòng người đi làm ăn, tri ân, học hành, mở mang trí tuệ, mở mang tri thức… 

 
 

Theo Đại tá Vũ Trình Tường, cả hệ thống Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh rất rộng lớn, nằm trên lãnh thổ ba nước. Mặc dù đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt từ năm 2013 nhưng xếp hạng theo điểm, tạo ra sự nhỏ nhặt, không tương xứng với sự rộng lớn và tầm vóc của bộ đội Trường Sơn, đường Trường Sơn. Câu chuyện di sản chiến tranh, di sản văn hóa đó nên được kể trong một chiều kích ngang - dọc - dài của nó. 

Trong các con đường của di tích Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thì cho đến nay, chỉ có Đường 20 Quyết Thắng còn nguyên vẹn về hình hài, hướng tuyến, chiều dài… Có khác chăng là lòng đường rộng thêm một chút, ngày xưa đường đất đá thì nay đường bê tông nhưng về cơ bản, hình dáng xưa nó ra sao, thì nay y thế. Ông Vũ Trình Tường đánh giá: “Nhiều thứ đã khác nhưng chúng ta vẫn còn nguyên vẹn một con đường như thời chiến tranh. Đó là điều đáng quý”.

Hiện, trên Đường 20 Quyết Thắng (phần lãnh thổ Việt Nam) có 6 Di tích Quốc gia đặc biệt và một Di tích Quốc gia. Tuy nhiên, theo nhiều cựu binh đường Trường Sơn nói chung và Đường 20 nói riêng, ngoài 7 điểm này, còn nhiều địa điểm, di tích khác cũng cần được bảo vệ như một chứng tích văn hóa, để kể lại cho người hôm nay câu chuyện “sử thi” của một thời kỳ đặc biệt.

Chưa kể, nếu đi khảo sát một vòng, dễ thấy, ngay cả với những di tích đã được xếp hạng, hiện cũng đang bị bỏ hoang hoặc chưa đầu tư gì đáng kể. Đa số di tích cách mạng trên nằm trong quần thể Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, chỉ được xem là một giá trị cộng kèm, tăng thêm so với giá trị thiên nhiên. Trong các tour tham quan Phong Nha - Kẻ Bàng, những điểm di tích đó không phải là đích đến. Một số di tích được xếp hạng như Hang Thông Tin thì bị dây leo, cây cối mọc kín hết cả cửa hang đá; bên ngoài hang mất hết dấu vết, không tìm thấy đường đi lên cửa hang, cũng chưa có bia di tích. Dốc Ba Thang hiện cũng tương tự, chưa có bia di tích nên nếu không được chỉ dẫn thì rất khó nhận ra….

 
 
Di tích Hang Tám Cô.
 
 
Miếu thờ Hang Cô Y Tá.
 
 

“Nếu không nhanh bảo vệ trong một thể toàn diện, e rằng con đường nguyên vẹn nhất (cho tới nay) trong hệ thống Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lịch sử cũng sẽ không còn. Nếu điều đó xảy ra thì thực sự đáng tiếc” - ông Vũ Trình Tường nói.

Ông Tường cũng thông tin thêm, sắp tới, Hội Truyền thống Trường Sơn sẽ có chuyến đi khảo sát sang Lào. Đoạn Đường 20 nằm trên lãnh thổ Lào đang được các cơ quan chức năng lập hồ sơ để Nhà nước Lào công nhận là Di tích Quốc gia Lào. “Nếu phần diện tích Đường 20 trên lãnh thổ nước ta cũng được công nhận hoặc có một cách gì đó để bảo vệ thì tốt quá”.

Những luận cứ mà ông Hồ Bá Thâm, ông Vũ Trình Tường hay của những cựu binh Trường Sơn khác đưa ra là lý lẽ của những người đã đi vào cuộc chiến, may mắn sống sót và trở về. Họ nhìn lại những gì đã qua bằng một tâm thế bình thản; hiểu bước đường của văn hóa, của tương lai không thể nằm ngoài cốt nền ngày hôm qua để lại. Đâu chỉ dừng lại ở một di sản của chiến tranh, của lịch sử, một mảnh sử thi mang tên Đường 20 Quyết Thắng tự nó là một giá trị di sản văn hóa độc lập, kiêu hãnh trong cái lý lẽ sống - còn, dài - rộng của nó. Nhưng, trong chiếc áo danh hiệu di sản với những khung tiêu chí đã được định sẵn, cái ước muốn “bất thường” đó có được hiểu, diễn giải một cách bình thường - như bao đạo lí ở đời hay không?

 
Bà Nguyễn Thị Hoàn (cựu thanh niên xung phong Đường 20 Quyết Thắng)
 

Từ một cô y tá của Trạm y tế xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay là TP Hà Nội), theo tiếng gọi cả nước lúc đó, tôi tình nguyện vào thanh niên xung phong. Đơn vị tôi “đóng đô” ở Đường 20 Quyết Thắng từ km65 - km73 mãi nên mỗi lần nhắc đến con đường này, bao kỉ niệm cũ cứ lần lượt theo về. Cái thời gian lao, vất vả mà đẹp thế. 

Đường 20 ngày đó như hoang mạc. Một đêm mà hăm mấy trận bom, trơ trụi hết thảy. Chúng tôi là những người may mắn. Để hôm nay, được trở lại con đường quen thuộc, được thấy cây cối hai bên đường dậy lên xanh um... Trải qua những năm tháng khốc liệt đau thương, mới hiểu cái cảm giác ngồi trên xe ngăm hoa nở và giá trị của hai chữ “hòa bình”. Tôi không biết “di tích quốc gia đặc biệt” là gì theo cách nói của khoa học. Nếu ai đó cho rằng Đường 20 Quyết Thắng chưa đủ những điều kiện để xếp hạng, có thể họ có cái lí của họ. Nhưng thế hệ chúng tôi, những người đã hi sinh và cả những người còn sống trở về, đã để lại cả tuổi hai mươi ở đó, nhìn con đường còn đó nhưng đang dần bị lãng quên, cũng xót xa, buồn tủi lắm.

Hòa bình vốn dĩ là một điều “ngon” rồi, nhưng tôi vẫn muốn đất nước mình “ngon” hơn. Trong những ước mong tốt đẹp đó, tôi cũng mong con Đường 20 Quyết Thắng được xếp hạng, được bảo vệ, được khai thác và phát huy giá trị của một di tích đặc biệt… 

 
 

Bài: Đ.DUNG; Thiết kế: HOÀI THƯƠNG