, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 20/04/2024, 19:29
 

Nói là làm, thậm chí làm trước khi nói. Tinh thần này thể hiện một cách rõ ràng ở Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Nam Miền Trung. Để giải quyết các thực trạng ngành tôm, ông đầu tư xây dựng 7 cơ sở sản xuất tôm giống theo tiêu chuẩn công nghệ Mỹ, với năng lực sản xuất 15 tỷ con giống/năm, cùng 30 ao nuôi tôm thịt diện tích 30ha. Người tiêu dùng cần nước mắm truyền thống ngon và an toàn, ông đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm nhà máy nước mắm tại Cà Ná, Bình Thuận. Để phục vụ tốt cho công ty thủy sản, không bị phụ thuộc, ông đầu tư về thương mại dịch vụ (kinh doanh ô tô, nhà hàng khách sạn, công ty dịch vụ, logictics), đầu tư cả công ty xây dựng và bất động sản.

 
 

Đằng sau cách nói chuyện từ tốn, 
nhẹ nhàng là một sự quyết liệt, và cũng ẩn chứa nhiều 
trăn trở về lẽ sống, về sứ mệnh của con người. Ông là người 
mở đầu câu chuyện, như cách ông vẫn luôn chủ động trong 
công việc và sự nghiệp của mình.

 
 

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Hôm nay chúng ta sẽ nói về câu chuyện gì đây? 

Nông Thôn Việt: Có lẽ ai cũng muốn nghe ông nói chuyện về ngành tôm, một ngành nhiều tiềm năng và được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2025…

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Trước khi nói về ngành tôm, chúng ta nên nói về ngành nông nghiệp Việt Nam, như vậy hợp lý hơn. Nông nghiệp hiện đang đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế, có vai trò rất lớn đối với quốc gia. Nông nghiệp nước ta cũng đang có cơ hội lớn vì thế giới có nhu cầu rất lớn về nông sản, thực phẩm. Mà nông sản nước ta lại có nhiều lợi thế, về đất đai, khí hậu tạo điều kiện sản xuất được đa dạng các loại nông sản.

Nhưng ngược lại, có quá nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp. Hơn 70% dân số làm nông nghiệp nhưng đa phần sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Người nuôi tôm ở Việt Nam hầu hết là nông dân, cho nên họ chỉ sản xuất theo kiểu truyền thống thô sơ, thiếu thông tin và khó tiếp cận khoa học kỹ thuật. Do đó nông sản Việt Nam luôn bị đánh giá là chất lượng kém và giá thành thấp.

 
 
 
 

Bài toán “nâng cao giá trị nông sản” chúng ta đã nói đến nhiều, nhưng để giải được thì không thể ngày một, ngày hai. Doanh nghiệp cũng muốn cùng nông dân nâng cao chất lượng và giá trị nông sản đấy chứ, nhưng họ phải tìm được thị trường, tìm được đầu ra sản phẩm?

Thị trường thì dồi dào lắm, không cần tìm. Thị trường chỉ đặt ra hai yêu cầu thôi, đó là sản lượng và chất lượng. Sản lượng phải ổn định, không phải lúc có lúc không. Chất lượng thì dựa trên tiêu chuẩn quốc tế. Tiêu chuẩn thế nào thì giá thành thế nấy, muốn giá cao hơn thì phải chứng minh sự khác biệt của sản phẩm. Còn khi nông sản chúng ta sản lượng chưa đủ, tiêu chuẩn chưa đảm bảo thì đừng mơ mộng thị trường. 

 
 
 
 

Vậy doanh nghiệp có thể làm gì để thay đổi thực trạng này?

Doanh nghiệp không thể làm gì được. Bao năm nay doanh nghiệp vẫn phải loay hoay tìm hướng ra. Chính bởi vì chưa có chính sách cho từng ngành hàng. Muốn giải bài toán phải bắt đầu từ nhà nước. Và phải trả lời câu hỏi: An ninh lương thực, an ninh ngành hàng là gì? Làm sao cải thiện dinh dưỡng cho dân tộc này?

Muốn có an ninh ngành hàng, an ninh lương thực quốc gia, chúng ta phải có quy hoạch, có chiến lược thực thi. Phải có quy hoạch sản phẩm để đảm bảo sản lượng, bảo vệ giống, quy trình canh tác, kiểm soát thời vụ, hạn ngạch… cho từng ngành hàng. Từng ngành hàng có quy hoạch, thì hàng trăm ngành hàng khác cũng vậy, đều phải có quy hoạch và các tiêu chuẩn cụ thể. Có như thế, chúng ta mới có nông sản đủ chất lượng để xuất khẩu, và có nông sản lương thực an toàn cho chính người Việt chúng ta. 

Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp mà dân lại toàn ăn rau trái không đảm bảo chất lượng. Người ta thường nói do thị trường Việt Nam quá dễ dãi, nhưng thẳng thắn mà nói thì nhà nước cũng chưa quan tâm đúng mức đến an toàn dinh dưỡng người Việt. Nếu trăn trở về quốc gia dân tộc, thì phải xác định an ninh từng ngành hàng, an ninh lương thực quốc gia. Mà cụ thể hơn là chưa có quy hoạch ngành hàng một cách nghiêm túc.

 
 

Câu chuyện quy hoạch ngành hàng nếu giao cho nhà nước sẽ có nhiều khó khăn. Trong một lần đối thoại, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có nói rằng Việt Nam có quá nhiều loại nông sản, đó là lợi thế mà cũng là điểm bất lợi. Vì nó tạo ra sự chồng lấn sản phẩm giữa các tỉnh và khó lựa chọn đâu là mặt hàng mũi nhọn. Còn vấn đề quy hoạch vùng nông nghiệp thì trung ương chỉ đạo, định hướng phát triển ngành hàng, còn “trồng cây gì, nuôi con gì” thì địa phương phải cùng nông dân thực hiện. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ hơi khác vì xác định an ninh ngành hàng là nhiệm vụ của quốc gia. Bảo vệ dinh dưỡng cho nhân dân là nhiệm vụ của quốc gia. Tổ chức sản xuất thì giao cho tỉnh, nhưng định hướng một cách chiến lược thì nhà nước phải làm. Có các quy hoạch cụ thể, có các tiêu chuẩn ngành hàng cũng như có các quota cho từng vùng rồi mới giao lại cho địa phương. 

Còn việc xác định nông sản mũi nhọn không quá khó. Chúng ta nên tham khảo thông tin từ Tổ chức nông lương thế giới FAO để tìm hiểu đâu là những nông sản được sử dụng nhiều trên thế giới. Đối chiếu với những ngành hàng chúng ta đang có để tìm ra sản phẩm lợi thế cạnh tranh, nhưng sản phẩm đó phải đảm bảo ổn định về sản lượng và giá thành cạnh tranh. Sau khi xác định được sản phẩm lợi thế thì nhà nước phải đưa ra quy hoạch an ninh ngành hàng và chiến lược phát triển sản phẩm đó. 

 

Tôm có phải là một trong những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh cần quy hoạch và phát triển không?

Đúng vậy. Ngành tôm Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế. Chúng ta có bờ biển dài, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng lại thuận lợi. Nguồn lực dồi dào, người tham gia sản xuất nông nghiệp đông. Đối với thế giới, tôm là loại thực phẩm thiết yếu, nhu cầu chỉ tăng chứ không giảm. Bên cạnh đó, khát vọng trong nông nghiệp hầu như đều có ở rất nhiều doanh nhân. Qua đó, có thể thấy, cơ hội cho ngành tôm rất lớn. Vậy phải làm sao để tận dụng cơ hội này? Không có cách nào khác hơn là quyết tâm thực hiện quy hoạch an ninh ngành hàng, an ninh lương thực quốc gia. Theo đó thì chúng ta sẽ có chiến lược nghiên cứu bảo vệ giống, lưu trữ giống, có quy trình sản xuất, tổ chức sản xuất… đảm bảo sản lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Chứ hiện nay, đến giống cũng phải nhập từ nước ngoài.

Tôi mong mỏi Việt Nam có một nơi đủ cơ sở hạ tầng đảm bảo cho việc nghiên cứu và giữ tôm bố mẹ, đảm bảo an toàn sinh học không lây nhiễm chéo. Tôi mong mỏi chúng ta quy hoạch vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm đầy đủ. Khi đó, vùng nuôi giống sẽ có đầy đủ điều kiện sản xuất ra giống tốt, giống chất lượng, giống an toàn. Có vùng nuôi tôm thì có chiến lược nuôi tôm, và sẽ có quota cụ thể, từ đó mới xác định chúng ta cần đầu tư những gì, chiến lược ra sao để đạt mục tiêu đặt ra. 

 
 
 
 

Với tình hình hiện tại thì ông nghĩ sao về mục tiêu 10 tỷ USD của ngành tôm Việt Nam, như kỳ vọng của Thủ tướng?

Mục tiêu này không phải quá khó, thậm chí chúng ta có thể đặt mục tiêu gấp đôi gấp ba. Nhưng cần phải xem lại quy hoạch tổng thể ngành tôm thế nào. Từ quy hoạch đó phải có chiến lược sản xuất tôm giống và tôm thịt, sản lượng sản xuất thô và sản xuất tinh, đầu tư như thế nào cho bảo quản và chế biến sâu… Nếu nhận thấy biên lợi nhuận vẫn còn và khả năng nâng cao giá trị ngành tôm, thì chúng ta có thể đặt mục tiêu 20 tỷ USD. Với mục tiêu này, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến hành quy hoạch vùng nuôi, nâng sản lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Theo đó, ngành tôm sẽ dần trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia. Nhưng nói đi rồi phải nói lại, phải giải bài toán quy hoạch trước, và đó là việc của nhà nước. 

 

Các giải pháp quy hoạch của quốc gia muốn đi vào thực tế phải mất nhiều năm. Vậy cách nào để doanh nghiệp ngành tôm có thể giải quyết trước để đảm bảo cho việc sản xuất?

Doanh nghiệp luôn phải tìm hiểu, đầu tư công nghệ để kiểm soát tuân thủ, đáp ứng việc sản xuất nông sản của mình để cung cấp cho thị trường, cho đối tác khách hàng. Trong ngành tôm giống có sáu giai đoạn ứng dụng công nghệ gồm: đầu tư cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn an toàn sinh học của ngành nghề, công nghệ xử lý nước tối ưu, nguồn gốc (gene) tôm bố mẹ, quy trình sản xuất, tất cả các công nghệ phụ trợ kiểm soát bổ sung (thiết bị máy móc năng lực kiểm soát sức khỏe bệnh tật, tiêu chuẩn sản phẩm) và kiểm soát tuân thủ (kiểm soát thực hiện nghiêm ngặt) để ra sản phẩm không chỉ đủ tiêu chuẩn mà còn cạnh tranh với thị trường. Vậy thị trường là ai? Là người tiêu dùng với thị hiếu và nhu cầu ngày càng cao, tiêu chuẩn sản phẩm phải tốt, nuôi nhanh lớn, tính phòng bệnh cao… Chính tôi là người kinh doanh thành công, nhưng không bao giờ hài lòng với chính mình mà phải cải tiến liên tục về tiêu chuẩn sản phẩm. Mỗi công đoạn đều phải cải tiến liên tục, chẳng hạn như tôm bố mẹ, chọn dòng gene nào phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng Việt Nam, lại phù hợp theo sự theo sự thay đổi mùa vụ… Nuôi con tôm là nghề đặc thù rất khó và khổ, rất dễ bệnh, dễ chết… Nếu không nghiêm túc thì không làm nổi.

 
 
 
 

Ngành tôm khó và khổ, vậy mà ông vẫn theo đuổi hơn 25 năm qua?

Vì mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh và có số phận. Làm đúng sứ mệnh thì mới tạo động lực và đam mê. Như Bầu Đức chẳng hạn, nếu anh ấy cứ đầu tư mua bán nhà đất, có lẽ sẽ chẳng ai giàu hơn anh ấy. Thế nhưng Bầu Đức vẫn lao vào nông nghiệp, vất vả và đầy thử thách. Phải chăng anh nhận ra làm nông nghiệp mới là số phận và sứ mệnh của mình. Ngoài đầu tư những khu sản xuất tôm giống hàng đầu Việt Nam, tôi còn đầu tư nhà máy làm nước mắm lớn nhất Việt Nam. Với hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho nông sản, tôi có thể dùng để đầu tư bất động sản kiếm tiền rất nhanh. Nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Buông lời oán trách số phận rất dễ, còn làm gì để cho số phận tốt lên thì không mấy người làm. Người ta không làm thì tôi làm!

Mỗi chúng ta khi sống trên đời đều có số phận và cơ hội. Tuy nhiên, chúng ta có đủ tĩnh lặng để nhìn ra không, chấp nhận và cố gắng không hay mình ảo tưởng. Nếu cứ ảo tưởng thì đôi khi cơ hội trước mắt mà mình bỏ qua, mình không tâm đắc không tâm huyết với nó. Trân trọng sứ mệnh của mình để luôn cố gắng, trong sứ mệnh có cơ hội đi cùng. Hãy làm đúng với số phận và cơ hội của mình, thành công sẽ tự đến. Thành công ở đây đôi khi không đo bằng tiền, mà được đo bằng giá trị và hạnh phúc. 

 
 
 
 

Vậy sứ mệnh của ông là gì?

Sứ mệnh làm tôm thì tôi làm tôm cho đàng hoàng, sứ mệnh trăn trở về thực trạng xã hội, đồng thời sẽ cố gắng làm cái gì trong khả năng của mình để thay đổi thực trạng. Cứ phải suy nghĩ đúng làm đúng với bản chất làm người của mình. Dù sống ở đâu cũng phải giữ đạo làm người.

 

Đạo làm người ở đây có lẽ ông muốn nhắc đến những đức tính cần có ở người quân tử theo Nho giáo xưa là: “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”?

“Nhân, Lễ Nghĩa, Trí, Tín” là những đức tính tiên quyết cần phải có đối với người xưa, nhưng có phần lạc hậu so với hôm nay. Theo tôi, điều quan trong nhất đối với con người thời nay là “chữ Tâm”. Tu tâm mới tích đức, tâm không có thì sao có đức, và đức không có thì không thể có tín. Khi có tâm, có đức và tín thì mới trọng nghĩa, sống bất nhân bất nghĩa thì sống cũng như chết. Tóm lại, trong bức tranh xã hội bộn bề hội nhập nhiều tiêu cực, thì điều đầu tiên cần có là “chữ Tâm”. Tôi tin người sống có tâm, và có đủ thời gian lắng lại để sống đúng với sứ mệnh của mình, thì chắc chắn sẽ thành công và hạnh phúc. 

 

Cảm ơn ông vì buổi trò chuyện thú vị.

 
 

THANH NHÃ thực hiện