, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/04/2024, 00:23

 

 
 
 

Mọi người đã từng biết đến nông nghiệp hữu cơ là cách sản xuất nông nghiệp lành mạnh và thân thiện với môi trường, không sử sụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Còn cách làm của ông có gì đặc biệt hơn không?

Cách làm của tôi đặc biệt hơn là nhờ công nghệ vi sinh và liên kết mô hình từ chăn nuôi đến trồng trọt, nên không bỏ đi bất cứ thứ gì, gọi là nông nghiệp tuần hoàn. 

Thực ra, từ ngày xưa, cha ông ta đã làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn rồi. Mẹ tôi ngày trước trồng bông, dệt vải thủ công, hữu cơ hoàn toàn, không có mùi hóa chất. Thời tôi theo mẹ đi cày ruộng, mót lúa, chúng tôi đâu biết đến phân hóa học. Nông dân mang rơm rạ phơi khô rải vào chuồng trâu, chuồng lợn. Sau mỗi mùa gặt người ta đưa rơm rạ khô về nhà phơi, cái thì lót ổ trẻ con nằm cho ấm, cái thì bỏ vào chuồng cho gia súc nằm. Phần rơm rạ trộn lẫn phân trâu, phân lợn đó, người ta trộn với vôi bột. Sau đó hỗn hợp được ủ một thời gian cho hoai mục đi, trở thành phân bón cho ruộng vườn, từ khoai lúa đến rau màu. Như vậy, nông nghiệp hữu cơ đâu có xa lạ gì với người dân Việt Nam. Phải nói là nó trở lại và có giá trị hơn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ vi sinh.

 
 
Nhà máy sản xuất phân hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm.
 
 

 Công nghệ vi sinh đã được ứng dụng thế nào trong nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, ông có thể chia sẻ nhiều hơn?

Công nghệ vi sinh là lấy vi sinh vật từ không khí, đất, nước rồi chọn lọc con có lợi để sản xuất phân bón, men vi sinh. Vi sinh có lợi chúng ta cho vào thức ăn chăn nuôi, nước uống giúp tăng sức đề kháng cho lợn. Các loại thóc, cám, ngô, sắn, đậu tương đậu nành... chỉ cần đưa men vào ủ có thể trở thành thức ăn hỗn hợp. Men vi sinh làm đệm lót sinh học (thay cho lớp rơm rạ ngày trước) đã tạo ra nguồn phân bón hữu cơ rất lớn và không cần tưới xịt chuồng trại hằng ngày. Người làm nông vừa không phải tắm cho lợn, phân của lợn thấm vào đệm lót sinh học đảm bảo môi trường không mùi, không ô nhiễm; vừa có thể tận dụng phân hữu cơ này trở thành phân vi sinh bón cho cây trồng sau mỗi chu kỳ nuôi. 

Ngoài ra, chúng tôi còn nuôi ruồi lính đen, chúng ăn các loại phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp, nhất là chất thải từ lò giết mổ. Đội quân ruồi lính đen này sẽ cho ra hàng tấn nhộng tươi mỗi tháng, dùng làm thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng, đồng thời góp phần xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Mô hình này chúng tôi gọi là hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: Trang trại - Thành phẩm - Thức ăn chăn nuôi - Phân bón hữu cơ). 

Công nghệ cũng là bước đầu tư không thể thiếu trong các nhà máy phân bón, nhà máy thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, đã làm nông thì phải cần cù, chịu thương, chịu khó, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ.

 
 

Hiện nay, công nghệ trong nông nghiệp đã phát triển đến mức người ta chỉ cần ngồi trước màn hình và điều khiển từ xa, không cần phải ra đồng nữa. Ông không nghĩ đó là thành tựu đáng mơ ước của nông dân sao?

Công nghệ chỉ giải quyết một phần việc nhà nông. Còn với tôi, khi đã làm nông thì phải hy sinh tất cả thời gian. Bởi vì cái cây cũng là sinh vật giống con người, con vật càng giống con người hơn nữa. Cây cỏ hay con lợn, con bò đều có nhịp tim, có hơi thở. Mình phải sống gần gũi mới biết tính tình, tâm sinh lý và thói quen của nó. Khi con lợn trở dạ mình cũng phải biết, thậm chí tôi còn “đỡ đẻ” cho lợn, nên mới biết nó sinh đẻ khó khăn, đau đớn thế nào, mới thấy thương con lợn mẹ… Với cái cây, con lợn chúng ta cũng phải có lòng tin, thì mới xây dựng lòng tin lớn hơn được, đó là lòng tin với nông dân, với đối tác, với Đảng và nhà nước.

Trong xã hội chúng ta đang sống thì niềm tin là thứ xa xỉ, thậm chí người làm việc thiện cũng bị hoài nghi. Nông sản thì càng bị hoài nghi nhiều hơn, nông sản gắn mác “sạch” và “hữu cơ” vô tội vạ. Theo ông thì làm sao xây dựng niềm tin trong thời khó khăn này? 

Tôi luôn phải xây dựng lòng tin cho chính mình trước. Phải giữ gìn danh dự, lòng tự trọng của mình hết sức, nhiều khi phải chịu oan ức nữa. Như khi tôi đi vận động cán bộ, nông dân đi làm nông nghiệp hữu cơ, người ta nói tôi làm lợi ích nhóm. “Nếu làm ra nông sản sạch, nước sạch, đất sạch, người nông dân có lợi như tôi mà các ông gọi là nhóm lợi ích, thì các ông nên tạo ra nhiều nhóm lợi ích cho dân cho nước”, tôi nói với các cán bộ như vậy.

Không phải mọi sự tôi làm đều thuận lợi, đường đi trải sẵn hoa hồng. Tôi làm nông nghiệp hữu cơ như khai phá vùng đất mới, khó khăn chồng chất khó khăn như cơ chế thị trường, tập quán, thói quen… Muốn đưa cái mới vào thì không thể loại bỏ ngay cái cũ mà phải kế thừa, phải trăn trở tìm cách kết hợp cái cũ với cái mới. Phải làm sao để người sản xuất đừng vì cái lợi nhỏ của bản thân mà phải chú trọng lợi ích muôn người. Không thể nói họ bỏ phân hóa học là họ bỏ ngay, nghiêm ngặt quá nông dân bỏ mình trước. Phải vận động bà con bỏ dần thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân hóa học. Sau khi chắc chắn nông dân đoạn tuyệt với phân hóa học mới đăng ký sản phẩm hữu cơ. Giá bán nông sản mình làm ra cũng phải nâng lên từ từ, không thể tăng đột ngột, người tiêu dùng sẽ “sốc” mà không mua.

Rồi khi thuyết phục từ chính quyền đến nông dân mà người ta chưa tin chưa hợp tác, mà mình nản chí, thì không làm nông nghiệp sạch được. Vậy thì bên cạnh những rào cản khách quan phải vượt qua, tôi phải vượt qua chính mình trước.

 
 
 
 

Còn lòng tin của người nông dân thì sao, ông đã có được bằng cách nào?

Muốn xây dựng lòng tin với nông dân chỉ có cách nói đi đôi với làm, phải lấy thực tiễn để chứng minh hiệu quả. Chúng tôi xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ đầu vào, quy trình kỹ thuật và bao tiêu đầu ra giúp nông dân, tất cả tạo thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn không bỏ đi bất cứ thứ gì. Chúng tôi đã xây dựng thành công các chuỗi liên kết sản xuất với nông dân, các hợp tác xã, các địa phương ban hành quy trình sản xuất ra gạo hữu cơ khép kín, an toàn và chất lượng cao, quy trình kỹ thuật chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học. Hợp tác làm ăn không dễ, làm nông nghiệp hữu cơ càng khó, phải “chọn mặt gửi vàng”. Đầu tiên là phải chọn địa phương nào mà cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ. Sau đó phải chọn hộ nông dân nào  có khát vọng, đam mê, có tinh thần tự lực tự cường chứ không dựa dẫm vào nhà nước hay đối tác. 

 
 
 
 

Có thể thấy ông rất chu đáo trong việc đào tạo người nông dân, ông đưa cả những nhà nông từ Định Quán ra tận nhà ông ở Huế để học tập làm nông nghiệp. Qua đó có thể thấy một tấm lòng đáng quý đối với nông dân… 

Đào tạo là việc tôi sẽ làm cho đến cuối đời, vì nông dân cần kiến thức. Và chỉ có lòng tin mới thay đổi được nhận thức, tư duy của nông dân. Nhưng đối với nông dân thì “trăm nghe không bằng một thấy”, dạy cho họ không bằng cho họ thấy mình làm được để họ cũng làm được. Quế Lâm bỏ công sức, tiền của xây dựng các mô hình và chứng minh được hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường, đảm bảo lợi ích trực tiếp của nông dân. Từ đó, nông dân thấy hiệu quả và tự họ thay đổi. 

Đất đai cây cỏ vốn hiền lành. Bản chất người nông dân vốn thật thà, chất phác. Phải trả lại đúng bản chất của cây cỏ, đất đai và người nông dân. Chúng ta phải hiểu rằng làm nông nghiệp hữu cơ cũng là làm từ thiện. Biết sản xuất nông nghiệp bẩn đầu độc con người mà vẫn làm là có tội. Nhưng biết sản xuất nông nghiệp hữu cơ là tốt mà không làm thì cũng có tội. 

Nông dân là gốc của ngành nông nghiệp, là người trực tiếp tạo ra nông sản, nên họ phải được trân trọng. Nông dân không tiếp xúc với hóa chất, ăn uống sạch thì họ khỏe lên. Họ khỏe lên thì làm việc năng suất, tạo ra nhiều nông sản sạch cho xã hội. Theo đó, xã hội khỏe lên môi trường tốt lên thì con người chúng ta cũng thịnh vượng hơn. Vì vậy mà tôi truyền cảm hứng cho người nông dân, dạy cho họ về kỹ thuật, tài chính và về marketing để họ đam mê nông nghiệp sạch.

 
 
Mô hình chăn nuôi heo của Tập đoàn Quế Lâm.
 
 

Nông dân cũng cần học về marketing sao?

Cần lắm chứ. Anh làm được mà anh nói không được thì người ta đâu hiểu anh làm gì, người ta đâu mua sản phẩm của anh. Tôi bán hàng được cũng nhờ biết cách nói chuyện với mọi người, làm sao truyền đạt được thông điệp cho ngắn gọn, dễ hiểu. Dạy họ về marketing cũng để nông dân biết cái nhọc nhằn của việc bán hàng. Còn tài chính là làm nông cũng phải biết tính toán chi phí đầu vào, giá thành, đầu ra…

Với người nông dân, tôi luôn coi họ là người nhà của mình, như anh em ruột thịt, không phải người ngoài đến học rồi đi, vậy mới làm nông nghiệp hữu cơ được. Làm gì cũng phải làm từ cái “Tâm”. Có “Tâm” rồi sẽ có “Linh”. Có niềm tin tâm linh thì sẽ gặp may nhiều rủi ít, mọi khó khăn rồi cũng sẽ vượt qua. Nếu có những xui rủi tới thì mình cũng phải chấp nhận vì đó là số mệnh, đừng chán nản, đừng buồn. Có niềm tin và mình làm đúng rồi thì cũng sẽ vượt qua.

 
 
 
 

Người ta khi kinh doanh có thành có bại, ông là người kinh doanh gì cũng thành công, từ xi măng đến phấn bón, từ thủy sản đến vi sinh, rồi nay là nông nghiệp. Ông có bí quyết gì chăng?

Bí quyết là 11 năm làm lính Trường Sơn. Tôi học được kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, nên khi làm ăn tôi không ngại khổ, ngại khó. Mọi khó khăn đều tìm cách vượt qua. Làm nông nghiệp hữu cơ, phân bón vi sinh, mình đi trước xã hội, đi trước sự hiểu biết của mọi người, nên tôi dễ rơi vào cảnh vào tù ra tội, bị thanh tra đủ đường. Nhưng tôi tin mình làm đúng thì không ai bắt bớ được. Và tôi cũng may mắn được học hỏi rất nhiều từ những giáo sư đầu ngành trên thế giới, như GS. Phạm Văn Hữu, người con của quê hương Quảng Trạch trở về từ Canada, cũng là người đầu tiên mang quy trình công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh về Việt Nam...  

Tôi làm ăn nhanh nhạy vì tôi đi buôn bán từ năm mười ba, mười bốn tuổi. Tôi bán cá, buôn lợn con, bán trống lắc… Từ nhà tôi về đến Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) xa chừng 15km, chủ yếu đường đất, băng qua những trảng cát dài. Đôi gióng gánh phân được tôi “trưng dụng” đi bán cá. Mùa hè, chạy trên cát nóng rộp cả đôi bàn chân. Đến đoạn đất cứng, mấy vết rộp vỡ ra đau đớn vô cùng. Nhưng tôi vẫn phải nghiến răng mà chạy cho kịp buổi chợ. Ra chợ thì phải tính toán, con cá nào bán trước, con cá nào bán sau, làm sao phải bán hết rổ cá trong vòng một tiếng đồng hồ. Thời làm ở công ty Sông Gianh, tôi chở cả xe tải 15 con bò, ôm cả lợn ngồi trên cabin ra Hà Nội bán. Tôi phải “to gan” lắm mới làm những việc như thế. 

Tính tôi vốn gan lì từ bé. Năm 13 - 14 tuổi, người tôi nhỏ choắt nên không được thanh niên trai tráng rủ đi hái củi trên đầu nguồn thác Ngàn Mọ. Sông Ngàn Mọ qua Cẩm Vịnh (Hà Tĩnh) quê tôi thì hiền hòa nhưng ngược lên trên thượng nguồn vô cùng hiểm trở, độ dốc lớn và có nhiều ghềnh đá. Khi đi xuống không cẩn thận có thể mất mạng. Anh bạn tôi muốn bỏ cuộc nhưng tôi không chịu. Lên được thì xuống được. Vậy là tôi chèo chống cật lực, đưa cả ghe củi về nhà. Tôi nghĩ là không có gì không làm được, cơ bản là do cách xử lý của mình… Ngẫm lại, cả đời tôi là hành trình vượt thác, có nhiều khó khăn gian khổ nhưng cũng có không ít những thành tựu rực rỡ.

Một đời rong ruổi trên thương trường, nay ông vẫn chưa nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, vui thú điền viên mà vẫn xông pha làm trên đồng ruộng?

Đó là do tôi lựa chọn, nhưng cũng có thể do cái số. Làm nông nghiệp hữu cơ khó lắm, tôi đam mê rồi thì phải theo đuổi đến cùng. Nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn là việc làm không thể vội vàng được, phải từng bước một mà làm, nhưng có cơ hội thì phải biết nắm bắt. Bác Hồ đã nói: “Lạc bước hai xe đành bỏ phí, được thời một tốt cũng thành công”. Nay là thời cơ chín muồi, năm nhà (nhà nước - nhà trường - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) đã vào cuộc, tôi không làm thì chẳng phải là người thiếu trách nhiệm với tương lai đất nước hay sao?
Thôi thì “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người tìm chốn lao xao”. Tôi cứ âm thầm với nghề nông, lặng kẽ với hành trình đi xây dựng lòng tin với nông nghiệp sạch, để cho “trọn một nghề”, như trong những câu thơ chúc Tết tôi mới sáng tác: 

 

Cảm ơn ông về bài thơ rất hay và những chia sẻ thú vị.


THANH NHÃ