, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 24/04/2024, 15:08
 

Đơn sơ nhà tường đất

 

Có dịp đến các bản làng vùng cao huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), đọng lại nhiều cảm xúc nhất với tôi là những ngôi nhà tường đất đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng ở thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn.

 
 
Một góc bản Bắc Hoa.
 
 

Xã Tân Sơn nằm tiếp giáp với huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn). Nơi đây còn rất nhiều nhà tường đất rất ấn tượng, nhất là ở thôn Bắc Hoa. Từ nhà ở, công trình phụ, tường rào, chuồng trại... tất cả đều bằng tường đất nện. Thôn có hơn 100 hộ, phần đông là dân tộc Nùng. Khoảng 90% hộ dân trong thôn đang sinh sống trong các ngôi nhà tường đất và còn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống như làm áo chàm, hát dân ca soong hao, làm xôi ngũ sắc... 

Để tô điểm thêm cho bản làng, đồng bào trồng thêm đào, mận để tạo cảnh quan trên các khu đồi và ven đường, trồng thí điểm cải cúc trên diện tích khoảng 2ha.

 
 
Ngôi nhà đất của gia đình ông Vi Văn Sắt.
 
 

Khi chúng tôi đến thăm ngôi nhà đất ba gian lợp ngói âm dương đã óng màu thời gian của gia đình ông Vi Văn Sắt, anh Chu Văn Then - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn - giới thiệu: “Tuy đơn sơ vậy nhưng nhiều ngôi nhà trình có tuổi thọ bằng mấy đời người đấy”! 

Ngôi nhà nằm chênh vênh trên sườn núi, tường đất đơn sơ phủ đầy rong rêu này đã hơn 40 năm tuổi. Vợ chồng ông Sắt đã có bốn mặt con, cháu nội, cháu ngoại và ngôi nhà có từ khi ông bà kết đôi, đến giờ vẫn còn vững chắc.

 
 
Dịp Quốc khánh hay Tết cổ truyền, nóc nhà đồng bào Nùng ở Bắc Hoa đều treo cờ Tổ quốc trên cây nêu cao vót.
 
 

Đối với người Tày, Nùng, gian giữa của ngôi nhà là nơi quan trọng nhất, được chọn đặt bàn thờ tổ tiên. Nhà của người Nùng ở Bắc Hoa thường không có vách ngăn mà được phân chia bởi một tấm mành bằng vải. Giá trị nhất của ngôi nhà nằm ở bộ khung với các cột gỗ, vì kèo vững chãi. 

Thời điểm làm nhà thường diễn ra từ tháng 8 đến hết tháng 12, vì khi đó thời tiết hanh khô, ít mưa và cũng là lúc nông nhàn, mọi người dễ dàng hỗ trợ nhau. Đàn ông đào đất, trình tường, dựng cột, lợp mái. Phụ nữ lo chuyện cơm nước, dọn dẹp vòng ngoài. Khung gỗ, vì kèo của nhà khá giả thường làm bằng gỗ lim, gỗ táu; nhà nghèo dùng gỗ tạp.

 
 
Nhà trình tường của người Nùng ở Bắc Hoa.
 
 

Để làm tường, người ta dựng khuôn gỗ quanh nhà, sau đó đào những chỗ đất thịt có pha chút sỏi cơm và cho thêm ít nước để tạo độ kết dính rồi đổ đất vào khuôn, sử dụng chày gỗ lèn, nện thật chặt cho đất kết chặt vào nhau; khi tháo khuôn ra sẽ thành bức tường chắc chắn. Tường nhà phổ biến dày khoảng 40cm, nhưng cũng có nhà dày 50cm, cao 2 - 3m. 

Mỗi ngôi nhà có từ 2 đến 4 ô cửa nhỏ để thông gió và lấy ánh sáng. Thời gian để hoàn thành mỗi công trình kéo dài từ 2 - 3 tháng với sự góp sức tích cực của cả cộng đồng.

 
 
Một ngôi nhà tường đất nằm ven đường.
 
 

Nhà tường đất có ưu điểm ấm về mùa đông, mát vào mùa hè, nhưng khi mưa nhiều sẽ dễ ẩm thấp. Vì thế, người Nùng thường chọn nơi cao ráo để xây nhà và gian bếp được thiết kế ngay hông nhà để hơi nóng từ bếp giúp giảm bớt độ ẩm.

 
 
Những ngôi nhà đất nâu trên một ngọn đồi ở Bắc Hoa.
 
 

Rời Bắc Hoa khi mặt trời đã lên cao, tôi tự hỏi không biết một ngày nào đó, khi cuộc sống khấm khá hơn, liệu đồng bào có phá bỏ những ngôi nhà tường đất để xây nhà bê tông? Thực lòng, tôi vẫn ước mong nhà tường đất độc đáo này sẽ được bảo tồn, bởi nó là bản sắc độc đáo của người Nùng, người Tày vùng Tây Bắc…