, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 26/04/2024, 01:58

Đợt lây nhiễm thứ 4 của đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đến 27/8, cả nước đã có hơn 400 ngàn ca bệnh, hơn 10.000 ca tử vong. Nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, phải thực hiện “giãn cách xã hội” dài ngày theo tinh thần Chỉ thị 16. Ở những nơi đó, các hoạt động kinh tế, dịch vụ đều… bất động, kể cả các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, các nhà hàng, cửa hàng hay các địa điểm vui chơi giải trí. Trong những ngày các tỉnh thành phố phía Nam “căng mình chống dịch”, đã có một đợt sóng người “di tản ngược” - từ Nam ra Bắc. Họ là những công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp đang tạm ngưng hoạt động; những người lao động trong các cơ sở dịch vụ; những người làm lao động thời vụ và cả những người lao động tự do…  Họ tự phát “di tản” bỏ phố về quê để trốn dịch, để tránh đói và khả dĩ tìm chỗ an toàn hơn so với việc ở lại…

Hậu quả của việc “di tản ngược” này, chắc sẽ còn nhiều dịp, nhiều ý kiến phân tích, mổ xẻ. Nhưng thực tế, đã có những bất trắc xảy ra: đói khát, dịch bệnh, tai nạn giao thông… Chưa kể trong số họ, có không ít người là nguồn lây Covid-19 cho cư dân các địa phương trên đường hoặc tại điểm đến.  Đáng quan ngại hơn, khi dịch bệnh tạm lắng, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở dịch vụ được phép hoạt động trở lại, không biết lấy đâu ra lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề? Khủng hoảng thiếu lao động, đó là vấn đề dễ nhìn thấy trong những ngày sau dịch…

Tuy nhiên, lâu nay, tình trạng thanh niên nông thôn đổ ra thành phố kiếm việc làm, đã khiến cho lao động nông thôn bị mất cân bằng. Ở không ít địa phương, đất sản xuất bị bỏ hoang hoặc canh tác không hiệu quả. Làng quê thôn xóm, có nơi chỉ có lao động là ông bà già, người tàn tật và… trẻ em.

Trong những năm gần đây, chủ trương phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới được Chính phủ triển khai mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng rau củ quả trong nhà lưới, tưới tiêu chủ động, canh tác theo hướng hữu cơ, truy xuất nguồn gốc… không còn xa lạ với nhiều hộ nông dân. Bên cạnh đó,  phong trào OCOP - Mỗi xã một sản phẩm - cũng đang được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, trước tình trạng lao động trẻ ở nông thôn đổ ra thành phố, đến các nhà máy KCN, các khu đô thị, đi lao động nước ngoài… để kiếm sống như lâu nay, thì cái thiếu quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn là thiếu lao động, đặc biệt là lao động trẻ, có tay nghề. Chính vì điều đó mà tiềm năng kinh tế nông thôn chưa được khai thác hiệu quả. 

 

 

Rõ ràng, trước mắt, hàng chục ngàn người tràn về nông thôn cũng gây nên tình trạng tăng nhân khấu đột biến. Những gia đình nông dân nghèo, sẽ thêm khó khăn vì thêm miệng ăn mà chưa có việc làm ổn định. Tuy nhiên, “gánh nặng” đó chỉ là tạm thời. Nông dân, nông thôn, vốn có truyền thống lá lành đùm lá rách, rau cháo có nhau… Về lâu dài, lượng lao động hồi hương này, nếu được sử dụng đúng, sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế nông thôn. Đa phần trong số lao động trở về đều nghèo, không có vốn liếng. Cái họ có là sức lao động và một ít kỹ năng lao động công nghiệp. Để trở thành lực lượng lao động chủ chốt ở nông thôn, họ cần phải được bồi dưỡng kỹ năng lao động nông nghiệp công nghệ cao, được cấp vốn đầu tư để sản xuất nông nghiệp hoặc làm nghề. Nếu không thể làm chủ, họ cũng được đào tạo nghề để vào làm việc trong các cơ sở sản xuất OCOP. Các làng nghề nông thôn đang thu hút lao động. Đất đai ở nông thôn cũng đang cần lao động kỹ thuật cao. Người lao động trẻ đã về. Nhưng không thể để họ tự tổ chức sản xuất theo cách truyền thống - lao động vất vả mà hiệu quả bấp bênh.

Để “giữ chân” lực lượng lao động hồi hương cho phát triển kinh tế nông thôn, ngay từ bây giờ, lãnh đạo ngành nông nghiệp và lãnh đạo các địa phương cần ngồi lại tính toán giải pháp, chính sách, nguồn vốn để đầu tư, đào tạo nghề, tạo việc làm… trên cơ sở nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới và OCOP.  Hội Nông dân, Tổng hội nông nghiệp và các hiệp hội ngành nghề nông nghiệp cũng cần tham gia vào việc dạy nghề và giám sát nguồn vốn đầu tư để những lao động thất nghiệp hồi hương sớm trở thành những “ông chủ” các ngành nghề xây dựng Nông thôn mới tương lai. 

 
 

Các nhà máy, xí nghiệp, KCN, khu đô thị cần lao động, không sai. Nhưng nông nghiệp, nông thôn cũng đang rất cần lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Sản xuất nông nghiệp đang phát triển và hiệu quả, nhiều nơi, không thua kém sản xuất công nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu luôn chiếm tỉ trọng cao, đem ngoại tệ nhiều nhất về cho đất nước trong những năm gần đây. 

Nhìn ở góc độ nông nghiệp - nông dân - nông thôn, việc hàng chục ngàn lao động “di tản ngược” - bỏ phố về quê không phải là “gánh nặng” hay “thảm hoạ”. Trong “nguy” có “cơ”. Nếu muốn nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, nông thôn phát triển giàu đẹp hơn, đời sống nông dân được cải thiện hơn… không thể không tính tới việc “trải thảm đỏ” đón lực lượng lao động trẻ, đặc biệt là lao động chất xám về nông thôn. Trước mắt, hãy có chính sách đúng đối với lực lượng lao động hồi hương này. Đừng coi đó là “số ít”, là “chuyện nhỏ”.

 

Thiết kế: Hữu Nhất