, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 23/04/2024, 20:57
 

Chọn du lịch nông thôn làm chủ đề chính, các chuyên gia tập trung vào giải pháp nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn”, hạn chế bước phát triển của du lịch nông thôn nói riêng và du lịch nói chung. Góp chuyện có PGS.TS Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); bà Nguyễn Thị Diễm Kiều - Giám đốc công ty TNHH Sungco, thành viên HĐQT Hợp tác xã du lịch cộng đồng Gò Cỏ (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi); PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc – Phụ trách khoa Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản, trường Đại học Tài chính – Marketing và ông Lê Bá Ngọc – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft). Người dẫn chuyện là ông Nguyễn Đức Quang - Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn Việt.

 
 

Ông Nguyễn Đức Quang: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, Chương trình phát triển Du lịch nông thôn (DLNT) được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã khẳng định, phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ thúc đẩy xây dựng NTM bền vững, góp phần phát huy lợi thế giá trị của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Tới thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn đang triển khai chương trình thí điểm thuộc Chương trình phát triển DLNT. Chúng ta cũng chưa có một bộ tiêu chí chính thức về mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng NTM… Tất cả vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nhìn chung, sẽ còn rất nhiều việc cần làm. 

Mở bàn tròn tập trung vào giải pháp hôm nay, chúng tôi rất mong muốn được lắng nghe những chia sẻ, góp ý của các chuyên gia, khách mời để làm sao DLNT có thể phát triển một cách bền vững, gia tăng sinh kế cho bà con, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM…

 
 
 
 

Ông Nguyễn Đức Quang: DLNT có nhiều loại hình; ở nước ta có ba loại hình cơ bản: du lịch cộng đồng, du lịch canh nông, du lịch sinh thái. Trước khi nghe các chuyên gia chia sẻ, tôi rất muốn nghe bà Nguyễn Thị Diễm Kiều kể về đường đi của làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ như một ví dụ trực quan trong bàn tròn ngày hôm nay. Nổi lên như một ví dụ làm DLNT có bản sắc trong thời gian gần đây, chắc hẳn, bà có nhiều câu chuyện để kể… 

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều: Trong hai năm 2016, 2017, trong những lần khảo sát để đánh giá giá trị của công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, doanh nghiệp chúng tôi đã phát hiện ra làng Gò Cỏ. Mặc dù đây là vùng đất di sản, nhưng khi đặt chân đến, thấy ở đó chưa hề có dấu vết nào của hoạt động du lịch. Có thể có người cho rằng sẽ có rất nhiều khó khăn và hạn chế. Nhưng với cái góc nhìn của doanh nghiệp xã hội với mong muốn dựng nên một mô hình hoàn toàn mới và đi theo hướng phát triển bền vững, thì tôi thấy, những khó khăn và hạn chế lại chính là những thuận lợi. Chúng tôi đã sử dụng những hạn chế đó làm thế mạnh, để xây dựng và đầu tư vào con người. Bởi với DLNT, hồn cốt của nó vẫn nằm ở con người. Và công cụ ở đây là HTX của chính cộng đồng làng Gò Cỏ.

 
 
Người dân làng Gò Cỏ đã biết tận dụng những ghềnh đá tuyệt đẹp quanh làng làm nơi cho du khách tham quan - Ảnh: DUY SINH
 
 

Thời điểm đó, để tránh tình trạng phát triển du lịch tự phát, “chưa lớn đã chết”, một nơi giàu tiềm năng như làng Gò Cỏ phải được đánh giá và định hướng phát triển dựa trên cơ sở bảo tồn. Để giúp các thành viên HTX và cả cộng đồng làng Gò Cỏ nhận định đúng giá trị của khối di sản quý giá đang hiện hữu, đồng thời có trách nhiệm với việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ giá trị văn hóa lâu đời trong mỗi một quyết định chung về phát triển sinh kế, chúng tôi tổ chức các lớp học thực tế về du lịch và bảo tồn cho người dân. Vào tháng 4/2019, HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ (HTX Gò Cỏ) chính thức được thành lập với 37 thành viên. 

HTX Gò Cỏ hoạt động chủ yếu về dịch vụ du lịch cộng đồng dựa trên “tài sản” chung là một ngôi làng cổ Chăm Pa nằm trong không gian văn hóa Sa Huỳnh hơn 3.000 năm trước. Ở đó, các dịch vụ homestay, trải nghiệm bằng thuyền nan, trải nghiệm lớp học cộng đồng, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn viên... được cộng đồng thiết lập các quy chế hoạt động riêng nhằm đảm bảo sự hoang sơ và văn minh của ngôi làng. Một trong những tiêu chí xét gia nhập cho thành viên của bất kỳ tổ dịch vụ nào trong số dịch vụ nói trên là “Thành viên phải là người bản địa, hoặc có ít nhất 3 đời sống tại làng Gò Cỏ”, nhằm giữ gìn phương ngữ, truyền thống văn hóa và khuyến khích lực lượng lao động trẻ hồi hương, tái lập kinh tế thịnh vượng. Chúng tôi cũng không khuyến khích bà con truyền thông trong vài năm đầu. Thậm chí tới thời điểm hiện tại, làng chỉ truyền thông rất vừa phải, đến những đối tượng, mục tiêu mà mình mong muốn, để bà con có thời gian tiếp tục hoàn thiện mình.

 
 
 
 

Ông Nguyễn Đức Quang: Câu chuyện làm du lịch ở làng Gò Cỏ thực sự là một cách làm thú vị, là minh chứng cho hướng làm du lịch chậm mà chắc. Nhưng có không ít người nghĩ, chỉ cần xây một con đường, tham gia một khóa tập huấn, sao chép một mô hình, dựng nên một homestay na ná ở nơi nào đó, thế là làm được du lịch. Nhưng không phải. Nếu theo dõi báo đài nhiều năm qua, hẳn ai cũng biết, du lịch Việt Nam thường xuyên bị so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… Có không ít câu chuyện được kể ra, cho thấy những mặt hạn chế của du lịch Việt Nam. Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới, sản phẩm du lịch là sự kết hợp của các yếu tố hữu hình và phi vật thể, bao gồm: tài nguyên thiên nhiên; văn hóa; tài nguyên nhân tạo; điểm du lịch; cơ sở hạ tầng; dịch vụ, hoạt động đi kèm và truyền thông, tiếp thị điểm đến nhằm tạo ra những trải nghiệm tổng thể, cảm xúc cho du khách. Khi tham chiếu vào “sân nhà”, dễ nhận ra, sản phẩm du lịch, trong đó có sản phẩm DLNT ở ta chưa hấp dẫn, chưa kéo chân được du khách. 

PGS.TS Phạm Hồng Long: Hiện, có không ít người nghĩ, hễ có tiềm năng thì có thể phát triển DLNT. Hoặc DLNT đang là xu thế; nếu làm thì sẽ sinh lời, “ăn ngay”.

... Không đơn giản thế. Việc phát triển DLNT đòi hỏi một quá trình điều tra kỹ lưỡng về các điều kiện phát triển du lịch nông thôn ở góc độ cung và cầu. Đo lường thị hiếu khách hàng là một công việc hết sức quan trọng. Ở các nước, người ta rất chú trọng khâu này, ở ta thì chưa được quan tâm đúng mức. Ta chủ yếu làm du lịch theo tư duy chủ quan của mình.  

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Song, phần lớn sản phẩm DLNT mới chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ở mức cơ bản, du khách chủ yếu chi trả cho vé tham quan, ăn uống, lưu trú mà chưa chi tiêu nhiều cho các dịch vụ bổ trợ. Nhiều homestay mang tính chất tự phát, dịch vụ hạn chế, thiếu định hướng về bản sắc văn hóa truyền thống. Sản phẩm du lịch thiếu tính đặc trưng, nghèo nàn, bắt chước, dễ trùng lặp. Hầu hết hoạt động du lịch nông nghiệp chỉ mang tính bổ trợ, chưa thu hút nhiều khách lưu trú

Trong khi đó, không ít địa phương chỉ mới xác định được điểm mà chưa xác định được tuyến du lịch chính, hoặc có khi, tạo ra quá nhiều tuyến, gây khó khăn trong công tác giới thiệu, quảng bá và kết nối với các đơn vị lữ hành. Đây là mắt xích yếu nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn. Do phát triển manh mún, tự phát, chưa có cơ chế quản lý thống nhất nên các địa phương chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc sắc cũng như kết nối quảng bá trong và ngoài nước. Để DLNT phát triển bền vững, ngoài việc thay đổi nhận thức, thực sự cần những giải pháp tổng thể. 

Một trong những giải pháp mấu chốt vẫn là vấn đề con người. Để phục vụ khách du lịch, bà con phải được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ một cách cụ thể. Học đi đôi với làm. Có thế, trên nền tri thức bản địa đó, họ mới tạo ra được những sản phẩm du lịch có khả năng giữ chân du khách. Và cũng chỉ có như thế, họ mới có thể trở thành đại sứ thương hiệu của chính điểm đến DLNT thay vì thông qua một doanh nghiệp hoặc các kênh xúc tiến quảng bá của địa phương.   

Hai là với các điểm đến của DLNT hiện nay, cơ sở vật chất kỹ thuật (gồm cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm…) cũng hết sức quan trọng. Giải pháp này có liên quan trực tiếp đến kỹ năng nghiệp vụ của người dân, bà con sẽ phải làm thế nào để những cơ sở vật chất kỹ thuật này đạt chuẩn. Đừng nghĩ du lịch ở nông thôn thì xuề xòa, có sao dùng vậy. Vẫn có chuẩn của nông thôn. Tất nhiên, khách đã đến với nông thôn, họ đã xác định là điều kiện không thể sang trọng như du lịch biển, du lịch thành phố rồi. Thế nhưng, ít nhất, cũng phải sạch sẽ, tươm tất, gọn gàng, đảm bảo vệ sinh, an toàn, thậm chí có tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật… Rõ ràng, hiện nay, cơ sở vật chất kỹ thuật ở nông thôn là một điểm yếu cần phải khắc phục. Mà thực ra, đến nay, chúng ta cũng chưa có một bộ tiêu chí để đánh giá về mô hình DLNT. Mọi thứ vẫn đang mới.

Ông Nguyễn Đức Quang: Văn phòng điều phối NTM Trung ương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá về mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các yêu cầu về: quy hoạch; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; các giá trị, bản sắc địa phương trong hoạt động du lịch; các chỉ tiêu phản ánh về giá trị cộng đồng quản lý du lịch nông thôn; kiến trúc, cảnh quan và môi trường; chất lượng các dịch vụ du lịch, và khả năng tiếp cận dịch vụ du lịch của du khách... Tôi hi vọng, bộ tiêu chí sớm được ban hành, để các địa phương lấy đó làm cơ sở để đánh giá, xem xét và bổ sung giải pháp trong triển khai xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, thiết nghĩ, bộ tiêu chí cũng chỉ là một công cụ tham khảo. Vấn đề là vận dụng nó một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng địa phương ra sao, vẫn cần cái tự thân, óc sáng tạo và đổi mới tư duy của chính những người làm DLNT hoặc những nhà hoạch định chính sách của địa phương đó.

 
 
 
 
 
 

PGS.TS Phạm Hồng Long: Có một thực tế, hiện nay, các doanh nghiệp, những đơn vị tư vấn, hay các nhà khoa học tư vấn phát triển du lịch ở các điểm đến đã phát triển thì rất nhiều, nhưng với các điểm đến ở nông thôn thì chưa nhiều. Ngoài cái tự thân của chính cộng đồng dân cư ở đó, vẫn cần “bàn tay” của những người có chuyên môn vào. Bà con có thể kết nối với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra về nông nghiệp. Nhưng để làm du lịch lại là một chuyện khác, cần những doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp vận chuyển… tham gia vào đồng hành cùng bà con. Liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp, điểm đến và cộng đồng địa phương vẫn còn lỏng lẻo, chưa có tính hệ thống.

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều: Kim chỉ nam cho sự thành công của HTX cũng như làng Gò Cỏ là dân hiểu – dân bàn – dân làm – dân quản lý. HTX hoạt động dựa trên quy chế do cộng đồng lập ra chứ không phải doanh nghiệp chúng tôi đề xuất. Chúng tôi xác định, cộng đồng luôn ở vị trí chủ thể nhưng doanh nghiệp, chuyên gia, hoặc có thể là nhà nghiên cứu, thậm chí có thể rất nhiều bên, với góc nhìn và với kinh nghiệm của mình cùng tham gia vào thì mới phát huy toàn diện thế mạnh của nó.

PGS.TS Phạm Hồng Long: Cũng cần nói thêm, trước đây, các ngành “sổ mũi” thì du lịch “hắt hơi”. Nhưng giờ có khi ngược lại. COVID-19 với sự “tê liệt” của ngành du lịch rõ ràng là một minh chứng cho điều đó. Du lịch không lưu thông, ngành hàng không đắp chiếu, giao thông vận tải ngưng trệ, chuỗi giá trị nông nghiệp ứ đọng… Kéo theo dòng tiền liên quan đến tài chính ngân hàng, ngành hải quan, ngoại giao… cũng bị ảnh hưởng theo. Để thấy, phát triển du lịch nói chung và DLNT nói riêng của Bộ NN&PTNT, không phải là chuyện của Bộ VHTT-DL, của người dân với doanh nghiệp,… mà còn là câu chuyện của tất cả các ngành. Ngoài liên kết chuỗi, thì liên kết ngành cũng cần. Hiện, mối liên kết này đang yếu.

 
 
 
 

PGS.TS Phạm Hồng Long: Chúng ta cũng đừng quên những giải pháp liên quan đến phát triển bền vững. Bởi du lịch hiện nay phát triển quá nhanh, quá nóng. Có tình trạng điểm đến ở một số địa phương cứ bắt chước nhau, dẫn đến các mô hình na ná, lặp đi lặp lại. Điều đó sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của điểm đến. Nếu phát triển nóng, có thể mang lại những lợi ích kinh tế trước mắt, nhưng đôi khi nó lại làm biến đổi về văn hóa, xã hội, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu vậy, chẳng khác gì việc, chúng ta thổi một nồi cơm mà thiêu trụi một ngôi nhà. 

Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều: Một trong những tiêu chí mà doanh nghiệp xã hội của chúng tôi quyết định tư vấn hoặc đầu tư xây dựng hỗ trợ cộng đồng, đó phải là những địa phương, những nơi vùng sâu, vùng xa hoặc những ngôi làng rất nghèo khó và chưa có bóng dáng khách du lịch. Khi xây dựng HTX Gò Cỏ, chúng tôi không xây một mô hình độc quyền, mà mong muốn nó được nhân rộng; chỗ nào có nhu cầu, thì hoàn toàn có thể tham khảo, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới… 

Cơ chế từ dưới lên (bottom – up) được đề cập trong nhiều năm qua như một giải pháp góp phần xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững, đặc biệt là kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, phần lớn vùng nông thôn trải dài từ Bắc đến Nam đều rơi vào tình trạng hoang hóa làng mạc, thực trạng li nông – li hương vẫn đang diễn ra cho thấy cách làm từ dưới lên chưa thực sự được ứng dụng hiệu quả. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì chưa có công cụ hữu hiệu nào tạo được sự liên kết mạnh mẽ trong cộng đồng để họ có cùng tầm nhìn và mục đích phát triển. Nhưng làng Gò Cỏ đã có những bước tiến vượt bậc nhờ mô hình HTX làng. 

Câu chuyện của Gò Cỏ cho thấy ngay cả hiện nay, HTX làng vẫn có thể phát huy các liên kết nội tại để phục vụ đời sống kinh tế - văn hóa –xã hội của cộng đồng trong sự thịnh vượng và hạnh phúc nếu biết phát huy hết thế mạnh của nó. Theo đó, liên hiệp các HTX làng (hay còn gọi là mạng lưới các HTX làng) sẽ sớm được hình thành cùng với các HTX làng lân cận khác. Mỗi HTX làng là một công cụ góp phần đánh thức giá trị trong mỗi ngôi làng, khiến nguồn nội lực trỗi dậy, vận động và hòa cùng hơi thở của thời đại mới trong tâm thế chủ động, sáng tạo. HTX làng đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Đây là mô hình được kỳ vọng sẽ trở nên điển hình, áp dụng cho các khu vực trong nước cũng như các quốc gia đang sở hữu di sản thế giới.

 
 
 
 

Ông Nguyễn Đức Quang: Chuyển đổi sổ (CĐS) đang là xu hướng xâm nhập sâu rộng trong mọi ngách ngách của nền kinh tế. Ngành du lịch cũng không thể nào “đơn phương” đứng ngoài “cơn bão” đó được. CĐS làm thay đổi cơ bản các mô hình hoạt động kiểu truyền thống, tiết kiệm chi phí, sử dụng nguồn lực hiệu quả  hơn, giúp truyền thông quảng bá đi xa hơn... Đặc biệt, CĐS còn giúp cho các doanh nghiệp du lịch nâng cao được tính cạnh tranh. Nhưng với DLNT, việc ứng dụng CĐS dường như diễn ra còn chậm và chưa đồng đều. Để hoạt động DLNT phát triển, phải tích cực đẩy mạnh CĐS.    

Ông Lê Bá Ngọc: Cần phân tích rõ hoạt động của các tác nhân trong chuỗi giá trị DLNT, đánh giá thực trạng về khả năng triển khai ứng dụng CĐS của các tác nhân này; từ đó có các giải pháp/ đề xuất về hoạt động CĐS phù hợp. Chẳng hạn, để làm cho trải nghiệm ở điểm đến thú vị hơn, có thể giới thiệu điểm DLNT trên trang web hoặc ứng dụng bằng cách thuê thiết kế chuyên nghiệp, thể hiện được các hình ảnh, thông điệp của điểm DLNT. Nếu hướng tới tệp khách là khách Việt chỉ cần thiết kế một trang web tiếng việt; song nếu điểm DLNT hướng tới cả khách nước ngoài thì cần có thêm ngôn ngữ tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của thị trường mà điểm du lịch muốn hướng tới. Trang web cần thích hợp với cả công cụ máy tính và thiết bị di động.

Chúng ta cũng có thể xây dựng một bản đồ số hóa các điểm đến tại điểm DLNT (đa ngôn ngữ, chú trọng hình ảnh đẹp hoặc ảnh 360 độ, thậm chí là những video ngắn) để cung cấp các điểm có cảnh quan đẹp, các di tích lịch sử, các nghệ nhân văn hóa, các địa điểm lưu trú, các điểm trải nghiệm khác (chợ quê, vườn trái cây...). 

Việc gắn mã QR tại các điểm tham quan DLNT cũng cần đẩy mạnh.  Có thể xây dựng hoặc tái hiện không gian điểm đến ở nhiều thời điểm lịch sử, giúp khách hiểu hơn và trải nghiệm được nhiều hơn về lịch sử của điểm DLNT trên nền tảng trực tuyến. Tôi ví dụ, ta có thể xây dựng không gian ba chiều của làng nghề gốm sứ Bát Tràng những năm 1960 với các kỹ thuật sản xuất còn thô sơ... 

Thậm chí, xây dựng không gian điểm đến trên nền tảng thực tế ảo 360 độ để nhận dạng và giới thiệu điểm đến. Cũng có thể ứng dụng CĐS để quá trình chuẩn bị cho chuyến đi, di chuyển của khách du lịch đơn giản hơn… Bà con hoàn toàn có thể ứng dụng CĐS để tạo điều kiện thuận lợi cho mua sắm, tạo thu nhập và việc làm bền vững.

Ngoài ra, có thể ứng dụng CĐS để giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch. Chẳng hạn, các điểm DLNT cũng có thể lắp đặt hệ thống cảm biến (sensor) để cảnh báo và hạn chế tiếng ồn, lắp đặt hệ thống hướng dẫn, hệ thống cảnh báo các yếu tố nhạy cảm về văn hóa... Hay các điểm DLNT hoàn toàn có thể ứng dụng CĐS để quản trị chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp… 

Áp dụng các công nghệ số để nâng cao năng lực cho các nhân tố trong chuỗi giá trị cần được triển khai một cách thường xuyên, liên tục - ở đây có thể triển khai các khóa đào tạo trên nền tảng hội nghị trực tuyến để các nhân tố trong chuỗi có thể vận hành một cách chuyên nghiệp. Cũng không thể bỏ qua việc ứng dụng CĐS để quản lý truy xuất nguồn gốc xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm phục vụ du lịch, quản lý các tác động tiêu cực của DLNT như quản lý phát thải, quản lý tiếng ồn...

 
 
 
 

Ông Nguyễn Đức Quang: Cuối tháng 5 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Giải pháp phát triển và xúc tiến đầu tư bất động sản (BĐS) du lịch nông nghiệp Việt Nam (Trung tâm Phát triển Bất động sản (RED Center) thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp tổ chức). Sự kiện thu hút một lượng lớn chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, những người đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch… tham gia. Mục đích: kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cải tạo, phát triển các BĐS nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, tạo động lực, xung lực mới để phát triển một phân khúc nhiều tiềm năng và cơ hội cho thị trường BĐS trong thời gian tới. “BĐS du lịch nông nghiệp” là một cụm từ rất mới, cũng là một vấn đề rất hệ trọng, cần được thảo luận một cách kĩ càng và thấu đáo hơn. Bởi nếu không cẩn thận, nó sẽ kéo theo bao nhiêu hệ lụy, làm thay đổi, thậm chí là xói lở cảnh quan, địa văn hóa của nông thôn Việt Nam. 

Khung pháp luật cho phát triển DLNT, cho BĐS kết hợp du lịch nông thôn của nước ta đang có nhiều bất cập, đòi hỏi những nhà làm luật và xây dựng chính sách phải nhanh chóng hoàn thiện bộ khung này. Luật mới chỉ quy định việc sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp, gồm sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; chưa có sự tích hợp, kết nối gắn kết giữa mục đích sử dụng đất nông nghiệp với phát triển du lịch… 

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến: Nếu tham chiếu từ thực trạng Luật Đất đai năm 2013, Luật Du lịch năm 2017 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, quả thực có nhiều khoảng trống pháp lý. Vì thế, trước hết, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường bất động sản nói chung và phân khúc thị trường bất động sản kết hợp với du lịch nông nghiệp nói riêng. 

Cụ thể: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung vào Điều 3 phần giải thích từ ngữ “đất du lịch nông nghiệp”; bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng vào mục đích du lịch nông nghiệp; quy định về quyền và nghĩa vụ cụ thể của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp, hình thức tiếp cận đất đai và những ưu đãi về thuế, tín dụng… để thu hút đầu tư, phát triển phân khúc bất động sản này. Bên cạnh đó, cần định danh tường minh đất du lịch nông nghiệp nằm trong nhóm đất nông nghiệp hay nhóm đất phi nông nghiệp… Đồng thời, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất vào mục đích du lịch nông nghiệp; về các loại hình dịch vụ hỗ trợ, đồng hành, chuyển giao công nghệ khoa học, kỹ thuật; cung cấp chuyên gia, kỹ năng, kiến thức, vốn; giúp chủ đầu tư về thị trường đầu ra; thu hút lượng khách du lịch; hợp tác quốc tế; thành lập hệ thống, mạng lưới… trong phát triển du lịch nông nghiệp. Cuối cùng, bổ sung quy định về cơ chế phối kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đất du lịch nông nghiệp...

Thứ hai,  Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 cần bổ sung quy định về phân khúc thị trường kinh doanh BĐS du lịch nông nghiệp. Trong đó có việc phải làm rõ nội hàm, bản chất và các mô hình, sản phẩm của loại hình bất động sản này. Đối tượng, điều kiện, phạm vi được kinh doanh loại hình BĐS này là ai, chủ sử dụng đất là nông dân, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hay tổ chức kinh tế trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể được tham gia?... Nhà nước cũng cần quy định chặt chẽ về điều kiện, năng lực của tổ chức, cá nhân (nhà đầu tư) tham gia vào loại hình BĐS này, mục đích sử dụng, điều kiện tiếp cận, quản lý vận hành, thanh - kiểm tra… tránh tình trạng “biến tướng”, lợi dụng mục đích kinh doanh du lịch nông nghiệp để mua, thu gom đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; sau đó tìm mọi cách “chạy chọt”, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, “phân lô bán nền” nhằm trục lợi, kiếm lời. Đây là vấn đề mà pháp luật cần phải đặc biệt quan tâm ngăn chặn, bịt các kẽ hở không cho các hoạt động lợi dụng, biến tướng loại hình kinh doanh đầu tư này có điều kiện tồn tại.

Thứ ba, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Du lịch năm 2017 liên quan đến loại hình du lịch nông nghiệp. Bao gồm: sửa đổi, bổ sung quy định để tích hợp giữa quy hoạch du lịch với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp; với quy hoạch phát triển nông nghiệp nhằm gắn kết phát triển loại hình BĐS du lịch nông nghiệp. Mặt khác, cần phải giải mã, định danh cụ thể, rõ ràng khái niệm du lịch, nông nghiệp. Bổ sung quy định tại Điều 18 của Luật Du lịch năm 2017 về tài nguyên du lịch loại hình du lịch nông nghiệp. Điều 19 của Luật Du lịch năm 2017 cũng cần bổ sung quy định về hoạt động du lịch nông nghiệp trong loại hình du lịch cộng đồng. Đồng thời, nghiên cứu, soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Du lịch năm 2017 về du lịch nông nghiệp bao gồm quy định về đào tạo nguồn nhân lực; điều kiện, năng lực của tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp; cung cấp các gói sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp; mối quan hệ, sự gắn kết giữa du lịch nông nghiệp với các loại hình văn hóa dân gian truyền thống, văn hóa bản địa của các dân tộc, của các vùng, miền với với loại hình du lịch khác như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

Cuối cùng, rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về vay vốn đầu tư phát triển BĐS du lịch kết hợp với nông nghiệp. Trong đó, quy định rõ các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế sử dụng đất, lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng… đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển loại hình bất động sản du lịch nông nghiệp

 
 

PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc: Du lịch nói chung và kinh doanh BĐS có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Những giá trị vùng BĐS trở thành nguyên liệu cho du lịch: cảnh quan, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu… Du lịch cũng có thể tác động theo hướng tăng hoặc giảm giá trị vùng BĐS… Nhưng ở đây, người ta đang ghép “BĐS” và “du lịch nông nghiệp” lại với nhau. Với điểm nhìn của tôi là điểm nhìn của bất động sản, tôi cho rằng, chúng ta nên gọi ra một cách rõ ràng là “bất động sản du lịch” và “BĐS nông nghiệp” thay vì gọi là “BĐS du lịch nông nghiệp”.

DLNN là một khả năng để khai thác, không nên gắn DLNN vào BĐS. Ở đây bản chất vẫn là câu chuyện mua – bán, kinh doanh thương mại, không có nông nghiệp gì ở đây cả. Đừng nhầm lẫn. Đôi khi dễ thành dẫn dắt dư luận, dẫn dắt câu chuyện đi lệch bản chất. Bản chất ở đây là gì? Bản chất ở đây là câu chuyện kinh doanh BĐS. Còn trên nền BĐS đó, nó là gì thì lại phụ thuộc vào pháp luật của nhà nước, đó là ĐBS nhà ở, BĐS nông nghiệp hay BĐS thương mại dịch vụ, hay BĐS công nghiệp … Đừng gắn thêm chức năng, khả năng gì vào “BĐS” cả. 

Chúng ta đã từng sai lầm về Condotel. Thời điểm Condotel bắt đầu phát triển, tôi có những phản hồi rất kịch liệt đi ngược số đông, nhưng lúc đó, tiếng nói của mình quá nhỏ bé với cả một lực lượng khổng lồ của xã hội, đặc biệt là các chủ đầu tư. Thực ra, về bản chất, Condotel chính là BĐS du lịch, được người ta đặt cho một cái tên là “Condotel”. Cũng như bây giờ, khi nói về BĐS du lịch nông nghiệp, người ta “đẻ” ra những cụm từ như “famstay”, “gardenstay”, “foreststay”, “ecostay”… Ta không thể gắn BĐS với tất cả những điều đó được. Tôi sợ rằng, mọi người đang “hưng phấn” quá và dễ đi lệch. Rõ ràng, chúng ta không bàn về du lịch, không bàn về nông nghiệp. Cái chúng ta bàn là BĐS. Vì thế, khi tiếp cận câu chuyện này, phải đi từ vấn đề khoa học để truy ra cái bản chất.

Ông Nguyễn Đức Quang: Theo PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc, hướng đi nào khả dĩ nhất và bền vững nhất cho BĐS dạng này?

PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc: Chúng tôi có chương trình đào tạo 3 năm nay về đầu tư phát triển BĐS đa dụng. Tức là, gắn đầu tư với phát triển. Thường thì, người ta đầu tư và chờ tăng giá; nhưng chúng tôi đi sâu với việc phát triển và làm gì với đất. Vì sao phải đa dụng? Nó là BĐS nông nghiệp nhưng có giá trị về du lịch, nghỉ dưỡng, có những giá trị về dịch vụ chuyên đề, về nông nghiệp. Chúng tôi thường hướng dẫn các nhà đầu tư, cũng là một mảnh đất nông nghiệp nhưng nên chọn một mảnh đất nông nghiệp đa dụng… Tính đa dụng đó sẽ tạo ra tính bền vững cũng như tạo ra nhiều dòng tiền, đặc biệt ở tính thanh khoản của nó. Tôi cho rằng, đây mới là định hướng lớn, tiềm năng lớn của BĐS Việt Nam. Bởi lẽ, đất nông nghiệp ở khắp mọi nơi và thực sự là có rất nhiều giá trị để chúng ta khai thác, trong đó có giá trị về du lịch. 

Ông Nguyễn Đức Quang: Rõ ràng, DLNT là một câu chuyện lớn mà phạm vi bàn tròn giải pháp ngày hôm nay chỉ mang tính chất gợi mở, chưa thể gói gọn và chuyển tải hết được, vẫn cần tiếp tục được thảo luận, góp ý ở những kỳ sau.

Widget "Chân trang - Nông thôn mới"