, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 29/03/2024, 14:26
 
 
 

Có thể nói ở mỗi vùng miền của đất nước, cha ông ta ngày xưa đều tạo ra được những giống lúa đặc sản tuyệt vời. Ví dụ như phía Bắc có giống gạo tẻ Tám Thơm ngày xưa từng được tiến Vua, Tám Mễ Trì (ở làng Mễ Trì, huyện Thanh Trì, hiện giờ thuộc TP Hà Nội), Tám Hải Hậu và Tám Áp Bẹ (Thái Bình), Tám Lùn (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang)… Phía Nam thì có Nàng Thơm Chợ Đào, các loại Trắng Một Bụi, Tài Nguyên… Gạo nếp cũng phong phú không kém, miền nào cũng có đặc sản như nếp Cái Hoa Vàng nổi tiếng đồng bằng Bắc bộ, nếp Tú Lệ ở Yên Bái, nếp Gà Gáy, nếp Tương, nếp Cẩm… 

Đặc trưng của các giống lúa cổ truyền là có chất lượng rất cao và chống chịu tốt với sâu bệnh cũng như điều kiện thời tiết bất thuận. Tuy nhiên, các giống này có nhược điểm là năng suất thấp và thời gian canh tác lại dài, không đáp ứng được nhu cầu thị trường thời hiện đại. Thế nên, dù rất ngon cơm nhưng các giống lúa đặc sản cổ truyền đã dần dần bị thay thế và mai một đi.

 
 

Tuy nói không đáp ứng được nhu cầu thị trường thời hiện đại, nhưng thưa Giáo sư, rõ ràng là hiện vẫn có không ít “nỗi nhớ thương” dành cho những hạt gạo, nếp thơm ngon ngày ấy?

 
 

Đúng vậy, chính tôi cũng thường tấm tắc nhớ bát cơm gạo Tám thơm ngon mà hầu như không giống lúa nào ngày nay sánh được. Nhưng cũng rõ ràng là hiện nay, khi tốc độ dân số tăng, nhu cầu lương thực tăng và các nước trên thế giới đang có xu thế chế biến theo công nghiệp, thì người ta phải đưa các giống lúa cải tiến, có chất lượng vừa phải nhưng có năng suất cao, có hàm lượng tinh bột cao vào sản xuất. Ví dụ như giống 50404 ở miền Nam, DT10 ở phía Bắc, Q5 ở miền Trung v.v… Đây là các giống lúa dùng để chế biến các món bánh đa, bánh cuốn, bún, phở, bánh phồng… rất tốt. 

Điều đáng mừng là những năm sau này, do kinh tế phát triển và chúng ta đã sản xuất được 44 triệu tấn lương thực, đủ để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, nên có một bộ phận đã quay về với các giống lúa cổ truyền. Người ta đã tìm lại các giống lúa nương của đồng bào Tây Bắc, Tây nguyên, miền Trung… Đồng bào các dân tộc hiện vẫn lưu giữ được các giống lúa nương rất nổi tiếng. Ngay như các giống lúa tẻ đặc sản của miền xuôi cũng bắt đầu được phát triển trở lại. Theo tôi biết, tỉnh Long An đang có một dự án đầu tư cấp quốc gia để khôi phục giống lúa nổi tiếng của địa phương là Nàng Thơm Chợ Đào.

Cần ghi nhận là gần đây, việc áp dụng công nghệ cao và lai tạo các giống lúa truyền thống cũng được các nhà khoa học quan tâm phát triển. Điển hình như nhóm của anh Hồ Quang Cua, Trần  Tấn Phương cùng với các anh em ở Sở Nông nghiệp Sóc Trăng đã tạo ra giống lúa ST rất chất lượng. Tiêu biểu trong đó là ST24, ST25 từng giành danh hiệu ngon nhất, nhì thế giới do Viện Lúa gạo quốc tế tổ chức. Cái hay của ST25 là được lai tạo từ các cặp bố mẹ khác nhau quy tụ từ các giống lúa đặc sản của Việt Nam, cho nên đã cải tiến được năng suất cao, có thể đạt đến 5,5 tấn và cấy được 2 vụ trong năm.

Tuy các giống đặc sản này kén chọn nơi trồng, chỉ thích hợp với một vài vùng miền cụ thể chứ không phải ở đâu trồng cũng đảm bảo được chất lượng, nhưng hoàn toàn có khả năng cạnh tranh để phát triển thành giống lúa đặc sản nổi tiếng mang thương hiệu lúa gạo của Việt Nam.

 
 
Cánh đồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào 53 ha trồng theo quy trình VietGap tại Mỹ Lệ, Cần Đước nhìn từ trên cao. 
 
 

Hầu như các giống lúa cổ truyền đã mai một hết, liệu việc khôi phục các giống lúa này có khả thi không, thưa Giáo sư?

 
 

Trước hết, nói về lưu trữ giống, tôi đánh giá cao công tác lưu trữ giống lúa của chúng ta. Theo thống kê, Việt Nam có hàng chục nghìn giống lúa cổ truyền. Trong nước chúng ta lưu giữ được nguồn gen của 3.000 - 4.000 giống, còn ở cơ quan nghiên cứu các nước thì có khoảng 7.000 – 8.000 giống được lưu giữ. Thông thường, Việt Nam lưu giữ được từ 20 – 25 năm, còn quốc tế thì từ 50 - 100 năm. Nguồn gen này, bất cứ khi nào cần thiết hoàn toàn có thể mang ra sử dụng được. Ngay cả nguồn gen đang lưu giữ ở nước ngoài, nếu vì mục đích nghiên cứu mà mình xin lại thì người ta cũng sẵn sàng cung cấp không khó khăn gì.

Về trình độ chuyên môn, tôi cho rằng đội ngũ cán bộ ở các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được việc phục tráng bất kỳ giống lúa đặc sản nào mà chúng ta đang có nguồn gen. Vì việc này đã có quy trình rất rõ ràng, được Bộ NN&PTNT cũng như các viện nghiên cứu xây dựng trong nhiều năm và đã được tập huấn rất nhiều rồi. 

Vấn đề là phải có đơn đặt hàng, phải có nhu cầu của thị trường. Tôi cho rằng đó điều kiện quan trọng nhất! Như vậy, Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích, huy động xã hội hóa các nguồn kinh phí. Nhà nước 1 phần, doanh nghiệp 1 phần, phải đặt hàng trước các nơi nghiên cứu. Bởi với năng suất chỉ đạt 1,5 - 2 tấn, phải trồng dài ngày, khả năng rủi ro mất mùa lại cao, thì các giống lúa cổ truyền sao có thể cạnh tranh lại các giống lúa cao sản khác được! Chỉ có Nhà nước đầu tư, hỗ trợ thì dứt khoát việc phục hồi và đưa vào thị trường các giống lúa cổ truyền mới phát triển.

 
 
 
 

Hoàn toàn có đủ năng lực để phục tráng các giống nông sản cổ truyền, vậy hiện tại những nhà chuyên môn tâm huyết với công việc này đang gặp phải những khó khăn nào khác, khiến cho các giống cổ truyền cứ mãi nằm trong kho lưu trữ gen mà không được tái sản xuất?

 
 

Cảm ơn nhà báo đã hỏi câu này! Phải thừa nhận rằng điều kiện làm việc của những người làm công tác giữ gìn giống lúa cổ truyền vẫn còn rất thiếu thốn và lương bổng của họ rất thấp. 

Ở các nước phát triển, họ vẫn chú trọng hỗ trợ và tài trợ, thậm chí còn bù lỗ kinh phí để duy trì hoạt động phục tráng các giống nông sản quý của họ. Việt Nam thì không được như vậy, nên khó tránh người ta phải tập trung phát triển các giống đem lại nguồn lợi kinh tế trước mắt hoặc chuyển sang những công việc khác có thu nhập cao hơn. Vì vậy chúng ta bị chảy máu chất xám rất nhiều.

Hiện tại, chúng ta vẫn không đủ các phượng tiện để tiến hành nghiên cứu, kinh phí cũng như các thiết bị máy móc để giải mã gene quý trong tập đoàn giống quý của Việt Nam vẫn còn thiếu thốn lắm. Thực tế tại các trung tâm nghiên cứu về lúa lớn nhất Việt Nam như Viện Lúa ĐBSCL, Viện Di truyền nông nghiệp của Bộ NN&PTNT, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm ở Hải Dương, Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam… thì trang thiết bị vẫn rất lạc hậu, hầu như là ở thế hệ thứ hai, thứ ba, trong khi thế giới đã bước sang hệ máy móc thứ sáu rồi. Không có thiết bị thế hệ mới nên khi phải giải những mã quan trọng, chúng ta vẫn phải gửi mẫu ra nước ngoài, vừa mất thời gian vừa tốn kém. 

Cá nhân tôi nghĩ rằng, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải lấy lương thực lúa gạo làm nền tảng, mấu chốt cho đất nước Việt Nam. Chúng ta tự hào đã tự túc lương thực và xuất khẩu đứng nhất nhì thế giới. Chúng ta cũng đã có những giống lúa mới tạo ra bằng công nghệ mới được xếp loại ngon nhất thế giới. Nếu Nhà nước có những chương trình đầu tư trọng điểm dài hơi, để những giống lúa cổ truyền của chúng ta được phục hồi và phát triển, thì chắc chắn hạt gạo của Việt Nam sẽ có rất nhiều cái tên thuộc tốp đầu, không thua kém bất kỳ quốc gia nào. 

 LÊ GIA MINH