, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 24/04/2024, 12:19
 
 
 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu khép lại hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.

Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, tính đến giữa năm 2022, cả nước đã có 5.813/8.227 xã đạt chuẩn NTM (tăng 2,4% so với cuối năm 2021), trong đó có 803 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 94 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 254 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn Nông thôn mới. 18 tỉnh có 100% số xã đạt NTM. 

Với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đã có 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong tổng số 8.340 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 4.273 chủ thể, có 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,3% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao…

 
 

Tuy kết quả hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM ở 2 nhiệm kỳ trước đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là “toàn diện, to lớn và có tính lịch sử”, song xây dựng NTM là một công cuộc có bắt đầu mà không có kết thúc, không có điểm dừng - đúng như người đứng đầu ngành NN&PTNT nhiều lần khẳng định. Chính vì thế, giai đoạn tới, chương trình đặt ra những yêu cầu cao hơn, được thiết kế riêng cho từng địa phương và tất nhiên, thách thức cũng nhiều hơn. 

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020... 

Không chỉ xây dựng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng, chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 còn chú trọng đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực và chất lượng sống cho cộng đồng cư dân nông thôn. Như thế, ngay cả khi phát triển hạ tầng thì không chỉ chú trọng đến công năng, chi phí mà còn phải chú ý đến tính hài hòa, thân thiện với môi trường thiên nhiên, không gian làng quê, nông thôn. Và như thế, mỗi địa phương không chỉ tự hào có bao nhiêu “điện đường trường trạm” mà còn tự hào mình có những di sản quý báu như thế nào, người dân cảm thấy hạnh phúc ra sao… Đó là những yếu tố rất khó, nhưng không phải là không thể định lượng.

“Có được điều đó khi và chỉ khi lãnh đạo các địa phương, nhất là cấp cơ sở, sâu sát hơn, tránh chạy theo xu hướng, tránh sự xung đột giữa đô thị hóa và các giá trị làng quê”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

 
 
 
 

Một tiền đề hết sức quan trọng khác mà Bộ trưởng cũng đã đề cập là sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Chắc chắn rằng nguồn vốn, bao gồm vốn đầu tư và cả vốn sự nghiệp, cũng vẫn không đủ để đạt được mục tiêu của một chương trình vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu, vừa xây dựng kết cấu hạ tầng, vừa phát triển kinh tế kết hợp văn hóa, xã hội nông thôn như thế. Ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương cần lồng ghép với nguồn vốn địa phương và kêu gọi vốn xã hội hóa, vừa thu hút doanh nghiệp về nông thôn, vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay tại mỗi địa phương. 

Thế nhưng có vốn rồi cũng là chưa đủ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Trần Song Tùng vẫn đau đáu về tình trạng người nông dân có ruộng không mặn mà làm nông nghiệp; trong khi người có vốn, sở hữu công nghệ khoa học công nghệ và muốn đầu tư vào nông nghiệp lại không có đất để sản xuất. “Nếu muốn nông nghiệp phát triển bền vững cần tháo cơ chế tích tụ ruộng đất. Nếu không có cơ chế tháo gỡ bất cập về đất đai để sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn thì rất khó khăn cho ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới”, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình phát biểu. Hoàn thiện hệ thống pháp luật là yêu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng Nông thôn mới, dĩ nhiên, là không ngoại lệ.

Với đặc thù của nông thôn là không gian mở, con người gần gũi với con người, con người gần gũi với thiên nhiên, cần chú ý đan xen giữa công trình và mảng xanh, tạo ra những không gian sinh hoạt cho cộng đồng, sự giao lưu, kết nối của cư dân nông thôn và mở ra cách tiếp cận với khu vực đô thị. Đây chính là thế mạnh, điểm hấp dẫn của nông thôn - tiền đề cho phát triển du lịch. Đổi lại, du lịch mở ra cơ hội quảng bá hình ảnh làng quê gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề, tạo nguồn thu cho nông dân, tạo động lực để họ gắn bó với quê hương bản quán. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các địa phương phát huy tối đa sự sáng tạo, linh hoạt của mình. Thực tiễn đã xuất hiện những mô hình thú vị, hấp dẫn du khách như làng thông minh, làng hạnh phúc, làng văn hóa du lịch… 

 
 

Cuối cùng, nhắc lại cũng không thừa, rằng tiến trình xây dựng Nông thôn mới có định ra tiến độ, nhưng đây sẽ là một công cuộc lâu dài, không có điểm dừng. 

Theo Bộ trưởng, với cách tiếp cận khác nhau, nhiều quốc gia – kể cả các nước công nghiệp hàng trăm năm nay - vẫn tổ chức cơ quan quản lý về nông nghiệp và nông thôn. Làm tốt việc xây dựng Nông thôn mới, theo những tiêu chuẩn, tiêu chí mới, chính là giữ gìn cho thế hệ mai sau những di sản quốc gia - những giá trị bản địa, bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống lịch sử; là nuôi dưỡng cho thế hệ trẻ tình yêu thiên nhiên, tình yêu cội nguồn, tình làng nghĩa xóm.

 
 

Bài: CẨM HÀ; Thiết kế: HOÀI THƯƠNG