, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 29/03/2024, 16:32
 
 
 
 

Với nông nghiệp, phát triển bền vững đi đôi với đa dạng sinh học nhằm hướng tới năng suất ổn định và nguồn cung cấp lương thực bền vững. Nói đến đa dạng sinh học, trước hết là nói đến sự đa dạng của nguồn gen. Trên thế giới, những năm gần đây vai trò của sự đa dạng nguồn gen trong nông nghiệp ngày càng được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là nguồn gen từ các giống địa phương và các giống cải tiến; trong đó, giống địa phương và họ hàng hoang dại của chúng đã được khẳng định là có nhiều ý nghĩa trong việc chọn tạo giống; là nguồn cung đầu vào quan trọng hình thành các giống cải tiến có lợi cho sản xuất nông nghiệp và môi trường. 

Thực tế cho thấy các giống địa phương - vốn đã được chọn lọc từ lâu đời qua nhiều thế hệ nông dân, những người trực tiếp canh tác và thụ hưởng thành quả canh tác đó - luôn có nhiều ưu điểm do đã được cải tạo, thuần hóa cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng như các điều kiện sinh thái đặc trưng tại địa phương. Chính vì thế, muốn phát triển nông nghiệp bền vững, không thể bỏ qua vai trò sản xuất nhỏ của nông dân địa phương. Thông qua việc canh tác ngay trên đồng ruộng của mình, người nông dân góp phần quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn tại chỗ nguồn giống địa phương quý giá. 

Những đóng góp của đa dạng sinh học trong việc duy trì bền vững năng suất nông nghiệp đã được thừa nhận bởi nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam; trong đó, nền nông nghiệp sinh thái quy mô nhỏ thường thể hiện sự đa dạng sinh học và năng suất bền vững hơn so với nền nông nghiệp thâm canh quy mô lớn, công nghiệp hóa. Thực tế cho thấy nông nghiệp thâm canh chủ yếu tập trung vào năng suất cao thông qua việc sử dụng nhiều loại hóa chất bảo vệ thực vật và kích thích sinh trưởng trong khi nông nghiệp sinh thái với năng suất vừa phải nhưng ổn định lâu dài lại dựa trên cơ sở lựa chọn nguồn gen và quản lý tốt đa dạng sinh học.   

Các nhà chọn giống đã nhận ra rằng có sự đánh đổi giữa năng suất cao với những áp lực của môi trường trong khi các giống địa phương ít chịu áp lực này (như hạn, mặn) và có tính kháng sâu bệnh hoặc các tác nhân gây hại khác rất cao.

 
 
 

Theo Trung tâm Tài nguyên thực vật  - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nước ta là một trong số các nước có tài nguyên thực vật đa dạng và phong phú với khoảng 20.000 đến 30.000 loài, chiếm 6,5% số loài thực vật có trên thế giới, là trung tâm đa dạng của nhiều loài cây trồng, trong đó, số lượng thực vật có quan hệ họ hàng với cây trồng là trên 1.300 loài, những loài khác hoặc đã bị lãng quên hoặc chưa được khai thác dù có không ít loài có giá trị nông nghiệp.

Còn theo kết quả điều tra của Sách đỏ Việt Nam, số loài cây bị đe dọa tuyệt chủng tại nước ta hiện nay rất nhiều và vẫn ngày càng tăng. Sự đa dạng giống cây trồng đang dần mất đi: lúa gạo mất 80%, bắp và đậu mất 50%, thực vật thân ống mất 20%, chè và thực vật dạng sợi mất 90%, cây ăn quả mất 70%. Nguyên nhân của sự suy giảm đa dạng sinh học là do dân số gia tăng, phát triển đô thị, nạn phá rừng để lấy đất trồng cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn…

Thực hiện thao tác nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Ảnh: Đ.T
 
 
 

Vai trò của các giống địa phương được quốc tế rất quan tâm. Điều này được thể hiện trong Hội nghị thượng đỉnh về trái đất tại Brazil. Tại hội nghị này, các nhà hoạch định chính sách nhiều quốc gia đã kêu gọi tăng cường các chương trình cũng như chính sách nhằm thiết lập và thúc đẩy hoạt động bảo tồn tại chỗ (bảo tồn tại vườn, ruộng gia đình) nguồn gen cây trồng địa phương và bảo tồn chuyển chỗ (ex-situ conservation) các giống cây trồng địa phương cho các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Việc kêu gọi này xuất phát từ thực tế rằng sự suy giảm và mất mát các nguồn gen địa phương đi cùng với sự gia tăng của các giống cải tiến. 

Một nghiên cứu của Brush vào năm 1992 chỉ ra rằng trung bình cứ tăng 1ha giống cải tiến thì làm mất đi 5 giống địa phương tại mỗi hộ nông dân. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy nguồn giống địa phương suy giảm nhanh chóng khi quá trình hiện đại hóa nông nghiệp và mở rộng thị trường ra bên ngoài tăng lên. Ví dụ như việc thay đổi mục tiêu sản xuất để hướng tới thị trường Nhật Bản của Đài Loan đã khiến vùng lãnh thổ này giảm từ 1.200 giống địa phương xuống còn 400 giống vào năm 1989.

Nghiên cứu, nhân giống một số cây trồng đặc sản bằng công nghệ mới. Ảnh: Báo Bắc Kạn
 

Từ những nghiên cứu trên, có thể thấy muốn duy trì nguồn giống địa phương - cơ sở cho việc tạo ra các giống cải tiến để đa dạng sinh học - không thể không duy trì hoạt động sản xuất quy mô vừa và nhỏ của nông dân ngay trên ruộng đồng của họ. Vấn đề còn lại là các chính sách cũng như phương thức vận hành hợp lý để cân đối, hài hòa giữa mục tiêu này với yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô lớn. 

Nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về bảo tồn đa dạng giống cây trồng. Thông qua hệ thống bảo tồn quốc gia với Trung tâm Tài nguyên thực vật làm đầu mối cùng 19 cơ quan, mạng lưới trong cả nước, Việt Nam đang bảo tồn và khai thác, sử dụng hơn 38.000 mẫu giống của gần 250 loài cây trồng. Tuy nhiên, phương thức bảo tồn tốt nhất vẫn là phải thúc đẩy đa dạng sinh học thông qua sử dụng các giống cây trồng địa phương do chính nông dân thực hiện. Để làm tốt công việc này, cần đẩy mạnh hoạt động khuyến nông về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ song song với các chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm (chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể hoặc chính sách thúc đẩy sản phẩm OCOP…) nhằm hỗ trợ mạnh mẽ việc sử dụng các giống địa phương để phát triển nông nghiệp sinh thái.

Với chiến lược nông nghiệp sinh thái của Việt Nam, hy vọng việc thực hiện đa dạng hóa nguồn gen cây trồng trong sản xuất ở cả ba mức độ: đa dạng hóa thành phần loài, đa dạng hóa thành phần giống trong từng loài và đa dạng hóa nguồn gen trong từng giống sẽ diễn ra thuận lợi, góp phần bảo tồn tốt đa dạng sinh học làm cơ sở cho nông nghiệp phát triển thật sự bền vững. 

ĐÀO THẾ ANH - VŨ ĐĂNG TOÀN 
(Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam)