, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 29/03/2024, 04:35
 

ĐBSCL là vùng có tỷ lệ xuất khẩu nông sản lớn nhất cả nước, tuy nhiên năng lực vận tải hàng hóa, hệ thống kho bãi trữ lạnh chưa đáp ứng được nhu cầu của hiện tại và trong tương lai gần. Hệ thống logistics kém phát triển làm tăng chi phí logistics đối với các sản phẩm nông nghiệp. Theo Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam - chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế, chiến lược, giao dịch tài chính và tư vấn toàn cầu), chi phí logistics chiếm 25% GDP của Việt Nam, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (19%), Trung Quốc (18%), Malaysia (13%), Ấn Độ (13%), và Singapore (8%). 

Một trong những nguyên nhân chính là do Việt Nam thiếu mạng lưới logistics được kết nối phù hợp. Ví dụ, các cảng ở ĐBSCL đều chưa được kết nối với tuyến đường sắt, cửa sông nên không thể tiếp nhận các tàu lớn có tải trọng từ 10.000 đến 20.000 DWT. Cảng Cát Lái và các tuyến đường xung quanh hiện đã quá tải trong khi cảng này chiếm hơn 92% khối lượng container xuất khẩu của khu vực ĐBSCL. Tuyến đường cao tốc Trung Lương huyết mạch kết nối ĐBSCL với cửa ngõ thông thương quan trọng TP.HCM thường xuyên bị kẹt xe khiến hàng hóa vận chuyển đến điểm tập kết chậm trễ. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc thiếu các trung tâm kho bãi và vận chuyển cấp vùng làm tăng chi phí cơ hội lên rất nhiều lần. 70% các nhà sản xuất nông nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ logistics là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nguồn vốn cần thiết để đầu tư cho hệ thống kho bãi hoặc phương tiện vận tải, điều này góp phần làm tăng chi phí không chính thức logistics. 

CEO Smart Link Logistics - ông Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng, nếu chúng ta giải quyết bài toán chi phí về vận chuyển nội địa thì các nhà máy sản xuất nước ngoài có thể mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam. Từ đó ĐBSCL sẽ trở thành một vùng sản xuất trọng điểm quan trọng có thể hỗ trợ TP.HCM để trở thành một vùng siêu sản xuất và đáp ứng chuỗi cung ứng cho nhau. Việt Nam đang có tiếng nói ngoại giao rất tốt đối với các nước châu Âu, Mỹ, Úc, New Zealand… đồng thời cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do  như EVFTA, TPP, RCEP… Đây chính là tiền đề để những mặt hàng nông sản và thủy hải sản của miền Tây thâm nhập các thị trường lớn này. Khi lượng hàng sản xuất ngày càng tăng và ổn định, chi phí logistics sẽ tiếp tục giảm, từ đó thúc đẩy sự phát triển vững bền của nền kinh tế ĐBSCL trong tương lai. 

 
 

Ông Lại Đình Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải Xuyên Đại Dương (Overseas Transport Corporation - đơn vị có thâm niên 16 năm trong lĩnh vực giao nhận vận chuyển quốc tế và nội địa, chuyên gia kho bãi và hàng hóa logictics) cho biết, những hạn chế, vướng mắc để phát triển logistics ở khu vực ĐBSCL đã tồn tại từ lâu, chứ không phải khi bùng dịch Covid-19 mới phát hiện. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp XNK đều bị mất rất nhiều thời gian để làm các thủ tục hải quan, đặc biệt là thủ tục hải quan chuyển tải ở cảng xếp hàng. Ngoài phát sinh chi phí (từ 7.000.000 - 11.000.000 VND/container) vận chuyển container rỗng từ TP.HCM hoặc Cái Mép về ĐBSCL để đóng hàng, các doanh nghiệp rất bị động trong việc đóng hàng tại nơi sản xuất. 

Đây cũng là những hạn chế mà Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) chỉ ra trong báo cáo vừa công bố vào tháng 08/2021 khi phân tích chuỗi cung ứng các ngành trong bối cảnh COVID-19 tại Việt Nam. Các cảng hàng không Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá dù được đầu tư nâng cấp cũng chỉ có thể vận chuyển 12.000 tấn hàng hóa/năm. Ngay như cảng hàng không Tân Sơn Nhất, nơi có nhà ga hàng hóa sân bay lớn với tổng diện tích 200.000m2, tổng công suất 700.000 tấn hàng hóa/năm cũng đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa khẩu trong giờ cao điểm. EY đề xuất cần sớm xây dựng kho vận tải hàng không chuyên dụng, với đội bay vận chuyển hàng hóa chuyên dụng cho ngành nông nghiệp tại Việt Nam. Việc nâng cấp kho bãi, dịch vụ logistics hậu cần hàng không cần phải được đầu tư mở rộng. Đầu tư ban đầu cho cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 1 có thể do Chính phủ thực hiện, dần dần thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

Vận chuyển hàng xuất khẩu đi châu Âu bằng máy bay Boeing 747-8F cỡ lớn (từ sân bay Nội Bài - Hà Nội). Nguồn: Overseas Transport Corporation

Tính đến năm 2020, hệ thống quốc lộ trong toàn vùng ĐBSCL có tổng chiều dài khoảng 2.688km, tăng 52% so với năm 2002. Tổng chiều dài mạng lưới đường thủy nội địa vùng khu vực này hơn 6.100km. ĐBSCL hiện có 12 cảng biển với 37 bến cảng, tổng chiều dài 7.642m. Nhiều cảng biển, bến cảng đã được đầu tư xây mới trong suốt 20 năm qua như bến cảng Cái Cui - Cần Thơ, bến cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang, bến cảng Trà Cú - Trà Vinh; Bến cảng Mỹ Thới - An Giang… Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, nơi đây tốc độ đầu tư, xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc còn chậm, chưa đạt tiến độ. Mạng lưới quốc lộ chưa đáp ứng yêu cầu vận tải; nhiều tuyến có tiêu chuẩn thấp nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc…



 

 

Việc đầu tư đồng bộ toàn vùng cần nguồn vốn cực kỳ lớn, không thể chỉ trông chờ vào các nguồn lực từ ngân sách. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng cần kêu gọi tư nhân vào cuộc thông qua các chương trình hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên cũng theo ông Thư, việc huy động PPP vào đầu tư giao thông như thời gian qua dù có nhiều hình thức, nhưng chưa thực hiện tốt nên áp lực dồn về ngân sách đầu tư công. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế đầu tư, phân cấp nguồn lực đầu tư của trung ương và địa phương. Trong điều kiện đó, chính quyền các tỉnh cần có tiếng nói chung, cùng nhau xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, kêu gọi hợp tác quốc tế đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh và có khả năng hỗ trợ, kết nối giao thông nội vùng để giảm chi phí vận tải.

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết các nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải diễn ra ngày 21/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 20/01/2003 về đầu tư phát triển kinh tế xã hội đồng bộ cho cả 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của khu vực trọng điểm này. Từ thực trạng khó khăn và đề xuất của lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL về phân bổ nguồn vốn đầu tư công, Chính phủ sẽ căn cứ danh mục đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, danh mục dự án trọng điểm theo các quy hoạch chuyên ngành 5 lĩnh vực giao thông liên quan đến vùng ĐBSCL để lên danh mục tất cả các dự án ưu tiên. Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần có giải pháp mang tính chất đột xuất như phát hành trái phiếu, xây dựng cơ chế đặc thù cho từng dự án... 

Tuấn Anh