, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 08/05/2024, 09:42
 

Các anh, các chị là bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến…, những chàng trai cô gái mới tuổi hai mươi nhưng đã kịp trả xong “nợ anh hùng”. Họ đã “sống một cách sử thi” và nằm lại nơi này. Vĩnh viễn.

 
 

Trưa ngày 23/7, trời Cà Roòng (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đột nhiên mưa như trút. Từ vị trí Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn, Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP mới được xây xong đi lên vị trí mốc biên giới chỉ dài khoảng 5km nhưng có 1km phải cuốc bộ vì đường lầy lội và trơn trượt. Không khí cô đặc, dồn nén. Mùi nước mưa. Mùi đất ẩm. Mùi lá cây. Ngai ngái. Trên một vuông đất nhô lên nơi tận cùng của biên giới Việt - Lào, mấy chục người đứng quây quần trong yên ắng. Họ là những cựu binh từ trong Nam ra, từ ngoài Bắc vô đây “thăm” bạn, thăm chiến trường xưa. Mùi nhang thoảng đi đương còn âm ấm, tiếng tụng kinh gõ mõ vòng vọng vào từng nhành cây, cọng cỏ. Ở chính giữa, Thượng tọa Thích Thanh Phong (trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM) đang sửa soạn một lễ nghi trên núi cao: thỉnh rước hương hồn liệt sĩ Trường Sơn ở bên kia biên giới về “nhà”. 

Có bao nhiêu liệt sĩ đã nằm lại dải đất Trường Sơn này? Hơn hai vạn chiến sĩ đã hi sinh; trong đó, khoảng 10.300 liệt sĩ có phần mộ ở Nghĩa trang Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Một số nằm ở nghĩa trang của các gia đình. Số còn lại, phần nhiều, chưa tìm thấy hài cốt. Những con số thống kê chưa đầy đủ đó - thường ngày nếu được đề cập trên báo đài, người nghe loáng thoáng rồi sẽ quên mau. Nhưng trong cái buổi đón về linh thiêng, thành kính đó, được nhắc nhớ bởi một người cựu binh già đi bên cạnh, tại chính mảnh đất năm xưa, thì những thông số đó tự nhiên sáng rõ như những mũi khoan vít sâu vào trí óc. Không quên được. Sau đó là tự vấn cái cạn cợt của chính mình. Sau đó là giật mình. Sau nữa lại là rùng mình. Bởi hình như chúng tôi vừa nhận ra cái chát đắng của mấy chữ “liệt sĩ vô danh” và “liệt sĩ chưa xác định được thông tin” mà dư luận tranh cãi ồn ào mới vừa đây thôi. Họ vốn sống vô danh. Kể cả khi qua đời, họ cũng “giấu tên riêng trong hoang vắng rừng già” này (thơ của nhà thơ Hoàng Trần Cương). Đó là sự quán triệt của họ. Nhưng “chúng tôi” và “chúng ta” có quyền được quên điều đó không? Có quyền quên họ là ai trong cuộc chiến tranh đã kết thúc nửa thế kỉ đó không? 

“Chúng tôi”, “chúng ta” có thể quên vì sự không tường minh của mình nhưng đồng chí, đồng đội của họ thì không. Nhà văn Đoàn Tuấn có một câu thơ nói rất đúng cảm trạng của nhiều cựu binh thời hậu chiến: “Tôi không thể sống thiếu người đã mất/ Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi”.

 
Thỉnh rước hương hồn liệt sĩ Trường Sơn ở bên kia biên giới về Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn, 
Đường 20 Quyết Thắng, Trọng điểm Cà Roòng – ATP tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, 
tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Tuấn Anh
 

Bao nhiêu hài cốt còn nằm rải rác dọc Trường Sơn? Bao nhiêu người ra đi mà thân xác không nguyên vẹn? Thế nhưng, bao nhiêu vong linh có nơi thờ tự như Hang Tám Cô (Quảng Bình) hay Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)?... “Ngoài Nghĩa trang Trường Sơn là nơi quy tập hài cốt có quy mô lớn nhất, chưa có ngôi đền nào cho liệt sĩ cả dải Trường Sơn cả, đặc biệt là liệt sĩ Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP”. Nếu không nghe Đại tá Vũ Trình Tường (Trưởng ban Lịch sử, Truyền thống, thuộc Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam) nói, ở cái nơi nầy nầy, nhiều người đã chắc mẩm “phải có một ngôi đền chung lâu rồi chớ”. Sao lại chưa có cho được?

Vì thế, khi Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn, Đường 20 Quyết Thắng, Trọng điểm Cà Roòng - ATP được dựng lên, nó trở thành một sự kiện đặc biệt. Một ngôi đền, hay nói một cách khác là một ngôi nhà ấm sực giữa hoang lạnh của núi rừng Trường Sơn, từ đây sẽ là nơi trú ngụ và quây quần của liệt sĩ, nhất là những linh hồn phiêu dạt. Có như thế, mới hiểu cái tâm thế của những người đi xây đền, những người ủng hộ nhiệt tình cho sự ra đời của ngôi đền, cả những cựu binh chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng bằng cách gì cũng đi cho được Thượng Trạch để nhìn thấy “nhà” của đồng đội mình.

Về thăm đồng đội.

 

Trên con đường từ cột mốc biên giới về lại đền, tôi thả chân trần cứ thế mà đi. Bặm từng ngón chân thật chắc vào lòng đất như sợ ngã. Đất lạnh toát nhưng đất thật gần tim. Nơi những mảnh rừng bị bom đạn “cày xới” thành hoang mạc, cằn cỗi, lở rừng tróc núi xưa kia, nay đã thấy một màu xanh bao phủ. Rừng tự nhiên cứ thế mà xanh theo ngày tháng. Tôi thoáng nhận ra một đạo lí ở đời. Hóa ra, đến đất còn biết tự “trả nghĩa” trong lòng nó, biết nhớ thương những ngày trống trải, khô cằn để mà xanh um, giao hòa với chim chóc, muông thú và con người. Huống gì là con người có tim có phổi, huống gì lịch sử vẫn còn “đỏ lựng” và cuộc chiến tranh đã qua 50 năm ấy cũng như vừa mới đây mà thôi! Phải không?

 
 

Những tộc người A Rem, người Ma Coong… sống quây quần bên nhau khắp một vùng Tân Trạch, Thượng Trạch của huyện Bố Trạch. Khi chưa có chiến tranh, vùng đất này thật bình thường như nhiều vùng đất khác. Khi có chiến tranh, họ lùi vào lòng núi, hang động ẩn mình. Nhưng hòa bình đã được nửa thế kỉ, mặc dù được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, bao chương trình, chiến lược xóa đói giảm nghèo được triển khai, vì sao vùng đất này trông vẫn thật bình thường, thậm chí thật “tầm thường” là đằng khác? 

Từ TP Đồng Hới lên Hang Tám Cô, đường tương đối dễ đi. Nhưng từ Hang Tám Cô lên Thượng Trạch, chỉ 60km mà ngồi xe ô tô hết hơn ba tiếng đồng hồ. Đường hẹp, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, độ dốc lớn, cua gắt đột ngột. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Dù đã có một con đường độc đạo dẫn từ “xuôi” lên tận đây là Đường 20, lẽ ra bà con các bản “vươn” xuống “cận lộ” để mọi sinh hoạt thuận tiện, dễ dàng hơn; nhưng không. Hai bên đường tuyệt nhiên chỉ có cây cối. Bản Tuộc, Bản 68, Bản Bụt… Bao bản làng heo hút vẫn sống ẩn vào trong núi. Đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu. Chỉ thấy lác đác vài ba cổng chào định vị tên bản là lộ thiên ở đầu đường và một tốp trẻ con đang chơi lia lon bia. Cũng chỉ vài ba đứa nhỏ. Mặt mũi đen nhẻm. Tóc vàng hoe vì lêu hêu trong nắng rừng. Nước mũi thò lò. Bẽn lẽn cười với người ở xa đến. 

Mặc lên trang phục truyền thống của dân tộc mình đến dự lễ khánh thành Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, Trọng điểm Cà Roòng - ATP vào sáng 24/7, mẹ Y Mắt (người bản Bụt) rất đẹp. Mẹ vui không? Vui lắm! Thương bộ đội lắm! Bàn tay mẹ run, tai mẹ đã kém, chân yếu, muốn đến đây cũng phải có người cháu dìu đi. Nhưng trong ánh mắt thoáng đỏ hoe của người đàn bà ngoài 70 tuổi từng làm Bí thư xã đoàn trong những năm 1962 - 1963 ấy, niềm vui cũng đẹp một cách lạ lùng mà cũng hết sức dung dị. Sinh ra và lớn lên ở đây, chứng kiến những ngày kinh khủng nhất của chiến tranh, thì với bà, được sống trong những tháng ngày hòa bình, những ngày được bình thường nhất, đã là một phước lành. Bà không “dám” nghĩ đến những điều chi xa xôi, lớn lao hơn.

 
Mẹ Y Mắt (Bản Bụt) đến dự khánh thành Đền.
 

Lên đây hai ngày, cho tới khi nghe mẹ Y Mắt nói về niềm vui của bà, mới biết, không phải người dân nào ở đây cũng có điện để dùng. Hóa ra thứ ánh sáng yếu ớt mà chúng tôi – đoàn khách từ xa về đây để dự lễ khánh thành ngôi đền, được Đồn Biên phòng Cà Roòng sắp xếp ở tại đồn – sử dụng là thứ ánh sáng đến từ năng lượng mặt trời. Điện đó thuộc Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu điện thắp sáng cho các hộ gia đình và các đơn vị dịch vụ công ở vùng đất này. Chỉ đủ cho vài ba nhu cầu sinh hoạt cơ bản nhất. Hiện, hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch và một số thôn, bản ở huyện Bố Trạch vẫn chưa có điện lưới quốc gia.

Hôm khánh thành ngôi đền tưởng niệm, ông Trần Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình – phát biểu, tỉnh đã quyết định đầu tư hai dự án quan trọng. Một là dự án nâng cấp Đường 20 Quyết Thắng; hai là dự án cấp điện lưới quốc gia cho hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch. Nếu để ý, trên đường từ Đồng Hới lên Thượng Trạch, qua một số biển báo treo hai bên đường, có thể thấy, dự án mà lãnh đạo tỉnh nói ở trên đã được khởi công thực sự, chứ không nằm trong bản vẽ nữa.

Thật mừng cho bà con Thượng Trạch, Tân Trạch, mừng cho mẹ Y Mắt của tôi. Vì giờ đây, bà con cũng được “bình đẳng” như người dân ở những nơi chốn khác, có cơ hội thụ hưởng mạng lưới điện lưới quốc gia. Họ không đứng bên lề câu chuyện văn minh, câu chuyện phát triển chung của đất nước. Hai dự án đó sẽ tạo ra một sự kết nối giữa cảng Gianh, đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh nhánh Đông, nhánh Tây với cửa khẩu Cà Roòng với nước bạn Lào. Vui là thật, nhưng mà sao nghèn nghẹn vầy không biết? Thương bà con cũng như thương bộ đội, thương núi rừng Trường Sơn. Thương một vùng đất, thương con đường 20 lịch sử, xưa giữ vai trò trọng yếu - chỗ dựa của cả nước, nối liền hậu phương với tiền tuyến, đảm bảo tuyến đường Trường Sơn thông suốt chạy thẳng vào miền Nam, nay vẫn chưa hết vai trò trọng yếu trong câu chuyện an ninh, quốc phòng. Đất nước hòa bình 50 năm rồi, ở nhiều nơi, dân giàu mạnh, địa phương khang trang, phát triển, thì ở cái vùng đất này giờ đây mới có điện, mới có ánh sáng của văn minh chạm vào. Không buồn sao được.

 

 

Nhưng phải biết buồn, để nhận ra vẫn còn đó một món nợ với Trường Sơn. Nếu ai đó “lỡ” quên đi, có người nhắc cho nhớ. 

Vì thế, việc cần làm còn nhiều. Một ngôi đền tưởng niệm những anh hùng đã ngã xuống và nằm lại nơi này là cần thiết; nhưng cũng chưa đủ để trả nghĩa cho Trường Sơn. Chúng ta đến đây để làm từ thiện, trao quà cho bà con; mang điện lưới quốc gia về cho bà con, nâng cấp con đường để nơi bà con ở có một ngày mở mày mở mặt, sánh vai với vùng miền khác… vẫn chưa đủ để trả nghĩa cho Trường Sơn. Ông Vũ Trình Tường nói với tôi, đây là việc “cả đời” của đất nước này. 

Trên chuyến xe lắc lư từ Đồn biên phòng Cà Roòng về lại xuôi, đã lại thấy đường xá thênh thang, xe máy, ô tô, điện đóm sáng choang nườm nượp như bao nơi chốn chúng tôi từng qua trên đất nước này. Nhưng chỉ cách có 100km mà thôi, vùng đất chúng tôi vừa ghé qua hai ngày lại như một giấc mơ hoang đường. Nó vẫn đang yên ắng trong số phận của nó. Có giấc mơ nào mới mẻ hơn không - để những lặng thầm ấy không trở nên vô nghĩa? Để lại thấy mắt mẹ Y Mắt cười như hôm qua nhưng những người dân Thượng Trạch, Tân Trạch sống nép mình bên dải Trường Sơn có thêm những niềm vui thật bình thường khác nữa. Có như thế, ngày về của các anh, các chị mới không khỏi chạnh lòng.

Chuyến xe chở một tốp cựu binh ra ga Đồng Hới ngày hôm đó có các ông Ngô Nam, Phạm Anh Đề, Hoàng Ngọc Bích, Bành Thế Dũng, Nguyễn Văn Tầm, Đào Lân, Đào Sơn… Họ đến từ nhiều nơi. Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội,… đủ cả. Lúc chào nhau bịn rịn ở ga tàu, các ông vẫn còn chúc nhau thật mạnh khỏe, để sang năm còn có sức về “thăm bạn” ở Đường 20 Quyết Thắng.

Chào nhau và hẹn sang năm lại về thăm bạn, thăm Trường Sơn.

 

ĐẬU DUNG