, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 20/04/2024, 15:19
 
 
 

Không chỉ mỗi Vang 2 mà loạt thiết kế đến từ Kilomet 109 với những cái tên quá đỗi thơ mộng như Mun, Sương, Mai, Trầm, Sa, Sông, Thu, Thụy, Tuyền, Vân, Yên… hay hai bộ sưu tập mới tên Thổ, Gầu Tào… đều là “cực phẩm” theo cách nói trên.

 
 
 
 

Sẽ chẳng có gì lạ khi nhà thiết kế này mở đầu câu chuyện bằng bể chàm đang “sôi sục” bọt khí. Đó là hình ảnh khiến chị “chết đi sống lại” vì nó quá đẹp, quá mê hoặc. Vũ Thảo nói miên man về quá trình chiết xuất chàm, về hoa chàm, về những màu xanh biến đổi không ngừng nghỉ, về một thứ cảm giác bề mặt phong phú, hiếm có trong nông nghiệp và văn hóa Việt Nam. 

Những tưởng chỉ có chàm mới khiến người phụ nữ này bị thu phục. Nhưng không. Thảo kể tiếp về một thử nghiệm mới với sợi dâu tằm và nhựa kiến đỏ; hay một mảnh vải bông nhuộm thổ chu (đá đỏ) cho ra chuỗi sắc đỏ hoàn toàn mới – từ màu cam đậm đến màu đất son - cứ “nhảy múa” trong tâm trí. Hay chiếc khăn Sa độc bản làm bằng tơ tằm 100%, được in trên chất liệu lụa habotai với màu khoáng từ đá đỏ, bông nhồi từ tơ tằm vàng. Những món đồ hoàn hảo để chu du, thoát xác khỏi thành tố đất, đá, cỏ cây. Hay nghe Vũ Thảo kể về Tiêu Cát -  tơ chuối, mới hay Việt Nam đâu chỉ có ngàn năm lúa gạo, còn có cả ngàn năm áo mũ, vải vóc. Khi tơ tằm còn chưa xuất hiện, thì tơ chuối của người Giao Chỉ đã là thứ vải vóc quý hiếm bậc nhất, vừa là vật phẩm để cống nạp từ một nước chư hầu, cũng là mặt hàng thượng hạng được những thương lái xuyên lục địa săn lùng... Hiện, chị và các cộng vẫn đang tiếp tục tái khám phá chất liệu cổ xưa này. Nói một khác đi của mê đắm, không cứ là tơ tằm, tơ chuối, chàm, cẩm, thổ chu, củ nâu hay vỏ gỗ… mà tham vọng của Kilomet 109 là muốn tái hiện những gì đẹp đẽ nhất, vàng son nhất về chất liệu trong văn hóa truyền thống của người Việt thông qua sáng tạo. 

 
 
 
 

Năm 2009, Kilomet 109 ra đời. Từ đó, hành trình của thương hiệu thời trang bền vững này là hành trình đồng hành và cộng cảm với các cộng đồng nghệ nhân, cùng với đó là một quy trình từ gốc đến ngọn: từ trồng, tạo ra nguyên liệu, dệt, nhuộm đến thiết kế hoàn thiện. Hiện, Kilomet 109 làm việc thường xuyên với các cộng đồng Mông (Mông Đen, Mông Xanh), Nùng An (Cao Bằng), Nùng U (Hà Giang), Lào (Điện Biên), Khmer (An Giang)… Ngoài ra, còn có dệt của người Thái ở Hòa Bình, Bảo Lộc (Lâm Đồng), các hộ gia đình nghệ nhân dệt tơ tằm, lụa vân, lụa the ở ngoài Bắc… Để mỗi lần chân bước đi, là một lần được thấm tháp, lãng du, mê tít, đắm chìm trong văn hóa, được nhìn ngắm cái bản đồ tri thức bản địa được hoàn thiện hơn mỗi ngày. 

Nhưng không chỉ Việt Nam mà cả ngành công nghiệp may mặc thế giới thường xuyên vướng vào những cáo buộc quanh vấn đề “chiếm dụng (đoạt) văn hóa” - tức lạm dụng, chiếm đoạt những chủ thể văn hóa mà họ khai thác thay vì tôn vinh những giá trị đó. Tôi hỏi suy nghĩ của Vũ Thảo – một người thực hành thời trang trên nền chất liệu truyền thống. Chị nói, hiện tượng chiếm dụng văn hóa làm ta thận trọng hơn, tôn trọng hơn cộng đồng mà ta đang hợp tác chứ không có nghĩa là phải e ngại, để từ đó kìm hãm sự hợp tác, sự phát triển đó lại.

 
 
 
 

Và cũng vì lẽ đó, Kilomet 109 không đơn thuần là một thương hiệu thời trang: “Chúng tôi bảo vệ và phát triển các giá trị truyền thống; đồng thời trao quyền, tạo ra sinh kế cho các cộng đồng này. Ngược lại, bản thân cũng được truyền cảm hứng từ các chất liệu ấy hoặc những người nghệ nhân mà tôi đang nói chuyện cùng”. Vũ Thảo chia sẻ về dự án mới mang tên Gầu Tào. Trong tiếng Mông, Gầu Tào có nghĩa là “đi chơi núi”, cũng là tên của một trong những lễ hội lớn nhất của người Mông tại vùng Tây Bắc. Tất cả những nguyên liệu mà Kilomet 109 sử dụng để làm nên bộ sưu tập mới này đều xuất xứ từ núi rừng địa phương của đồng bào Mông ở Pà Cò (Hòa Bình) như cây gai dầu, sáp ong, giấy giang, chàm, vỏ gỗ. Những sản phẩm được áp dụng các kỹ nghệ chế tác truyền thống của nghệ nhân bản địa kết hợp với sự cải tiến sau khi các nghệ nhân được tham gia chuỗi tập huấn trên nền tảng số của dự án Chế Tác Xuyên Biên Giới - được thực hiện bởi sự hợp tác giữa Kilomet 109 (Hà Nội) và thương hiệu WAX Atelier (London). 

Vũ Thảo nhớ những nụ cười hạnh phúc, nhớ đến cách sáng tạo của các chị nghệ nhân của chúng ta khiến những nghệ nhân ở tận nước Anh cũng phải thán phục. Giao thoa về văn hóa mang đến tinh thần sáng tạo không ngừng. Khi làm việc với Kilomet 109, ngoài một cái nhìn mới mẻ hơn về những sản phẩm thủ công, cộng đồng nghệ nhân sẽ chú ý, kĩ lương hơn về mặt chế tác, thay đổi về định giá sản phẩm, biết làm ra những sản phẩm đương đại hơn thay vì cách làm cẩu thả, rẻ tiền để bán ở các cửa hàng cho khách du lịch hoặc chợ... như trước. Vũ Thảo không giấu nổi niềm tự hào vì “đây là một dự án nhỏ nhưng chạm được vào rất nhiều cuộc đời khác nhau”.

 
 
 
 
 
 

Thời trang phản ánh sự dịch chuyển của xã hội. Tôi hỏi Vũ Thảo về thời trang nhanh, thời trang mì ăn liền và xu hướng thời trang bản địa, thời trang chậm... đang diễn ra trên khắp thế giới. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Đó là một hệ quả tất yếu, không chỉ là xu thế thời trang mà còn xu hướng của văn hóa, của sự trưởng thành về văn hóa của xã hội loài người. Thời trang nhanh, thời trang mì ăn liền,… đang trên đà suy thoái. Nhận thức này không chỉ dừng lại ở một nhóm người có tri thức mới mà đã lan rộng ra thế giới của người tiêu dùng. Họ là những nhà tiêu dùng thông thái đã tỉnh thức và bắt đầu gây sức ép ngược lại ngành công nghiệp thời trang. 

Vũ Thảo nói, xu hướng này rất khớp với cách ăn mặc truyền thống của người Việt, đó là tiết kiệm, tái chế... Trong dòng chảy đó, Việt Nam bắt kịp xu thế đó dễ dàng hơn vì ta có gốc rễ, có nguồn lực, có nguyên liệu, lại có cộng đồng chế tác các sản phẩm theo hướng đó hoặc đi theo một chuỗi cung ứng lành mạnh hơn. Bởi lẽ, so với các quốc gia khác, Việt Nam vẫn còn khá nhiều làng nghề và sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam vẫn còn khá hiện hữu.

Vậy có thể sử dụng những tri thức bản địa để tạo ra một sản phẩm mang tính toàn cầu không? Đại diện thương hiệu này kể về một tin vui, Kilomet 109 đang có một đơn hàng túi đựng laptop từ phía trường Đại học Harvard (Mỹ) nhân sự kiện ra mắt chương trình Việt Nam học của họ. Còn chuyện có mang tính toàn cầu hay không, chị không dám mạnh miệng nhưng ở góc độ cá nhân, những sản phẩm của doanh nghiệp này đều là những sản phẩm có tính linh hoạt cao, đa mục đích sử dụng, thích hợp trong nhiều môi trường sống khác nhau, không chỉ hợp với thị dân mà còn cả người bản địa, vùng quê...

 
 

Kilomet 109 nương theo mùa vụ, thời tiết để làm sản phẩm. Được mùa, nguyên liệu phong phú thì số lượng sản phẩm làm ra nhiều hơn bình thường một chút, nhưng không làm đại trà. Vũ Thảo nói, chị muốn đưa Kilomet 109 đi theo một mô hình kinh doanh không dựa vào những con số. Tất nhiên, người đàn bà này cũng không lãng mạn hóa công việc của mình, vẫn phải nuôi sống được thương hiệu thì mới đi tiếp được. Tuy nhiên đây là một mô hình khá khu biệt và bền vững, đòi hỏi sự kiên định, sự cam kết, ngoài ra, phải có sự hiểu biết về chu trình chế tác này, hiểu biết về tính khác biệt của các cộng đồng, văn hóa làm việc… 

Những thể nghiệm trên nền chất liệu truyền thống đã tạo ra những thiết kế sáng tạo, đại diện cho xã hội hiện đại, chứ không phải là một xã hội đã mất đi, đã qua đi; có khả năng liên kết giữa con người với những di sản văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể hay những giá trị vô hình khác, đồng thời giải quyết các rối loạn chức năng trong thiết chế xã hội hiện đại. Trong lĩnh vực thời trang, nhiều khi điều đó lại quyết định tới số phận của một cộng đồng, thậm chí một nền văn hóa. “Chủ xị” Kilomet 109 trả lời, những người đi sau phải là người quản lý tài nguyên văn hóa đó bằng cách nuôi dưỡng nó. Và việc nương tựa vào quá khứ, khai thác vận dụng những phương pháp, chất liệu từ quá khứ… thực ra chúng ta làm cho những giá trị hiện đại của chúng ta mạnh hơn, khác biệt hơn, đi được dài hơn, xa hơn.