, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 19/04/2024, 20:38

 

 

Làng mộc truyền thống Kim Bồng đã tồn tại trên 200 năm và hiện ở làng nghề có khoảng 20 cơ sở làm mộc. Mộc Kim Bồng được nhiều người biết tiếng và dân Kim Bồng lưu giữ nghề qua nhiều thế hệ. 

 
 

Về Kim Bồng (xã Cẩm Kim thành phố Hội An – Quảng Nam), điều khiến mọi người nhận ra ngay đây là làng mộc bởi tiếng cưa, tiếng bào, tiếng đục đẽo gỗ, tiếng người nói chuyện lao xao… và gần như ở mọi nẻo đường của làng nghề đã hơn 200 năm tuổi này, chỗ nào cũng nghe thoang thoảng mùi thơm từ gỗ xá xị, dó bầu bay trong gió.

Đang cùng với 3 người thợ làm công việc chế tác cành lá từ gỗ dó bầu tại cơ sở, nghệ nhân Võ Đức Thi (42 tuổi, thôn Trung Hà xã Cẩm Kim) dừng tay cho chúng tôi biết cơ sở mộc truyền thống của anh hình thành đã gần 25 năm và lúc nào cũng có 3 người thợ làm công việc đục, đẽo, tiện để làm ra những sản phẩm gỗ kỹ nghệ. 

Mức lương bình quân của thợ từ 6 đến 10 triệu đồng tùy tay nghề. Cơ sở của anh Thi chủ yếu sản xuất các sản phẩm như tượng Phật, chuỗi hạt đeo tay, hình các con giáp, mắt cửa… Mỗi tháng, cơ sở của anh thu được từ 15 đến 25 triệu đồng tùy lúc khách đông hay vắng. Ngoài các mặt hàng lưu niệm, cơ sở của anh Thi còn nhận gia công cành lá từ cây dó bầu với giá 20.000 đồng/chiếc cho các chủ sản xuất trầm hương ở huyện Nông Sơn.

 
 
Nghệ nhân Võ Đức Thi đang giới thiệu về những tác phẩm được cơ sở chế tác.
 
 

Hơn 3 năm qua, tuy dịch bệnh Covid-19 hoành hành nhưng công việc tại cơ sở của anh vẫn ổn định. Hằng ngày, cơ sở của anh làm ra hàng trăm sản phẩm các loại để cung cấp cho thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và xuất khẩu ra nước ngoài.

Những ngày này, hơn chục cơ sở làm nghề mộc truyền thống Kim Bồng đang tất bật chuẩn bị cho việc ra đời của nhiều loại các sản phẩm mới…

“Du lịch sắp mở cửa trở lại, chúng tôi mừng lắm, mong khách sẽ đến tham quan, trải nghiệm nhiều hơn để thợ thầy ở cơ sở của tui và nhiều cơ sở khác có thêm việc làm, có thêm thu nhập. Tụi tui cũng mong chính quyền Hội An sẽ liên kết các cơ sở lại với nhau để đảm bảo cho việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thủ công”, anh Thi chia sẻ.

 
 
 
 

Cách cơ sở mộc của anh Thi khoảng 50m, cơ sở mộc của nghệ nhân Huỳnh Châu cũng nhộn nhịp không kém. Mỗi người thợ đảm nhận một công việc, từ xẻ gỗ, tạo hình cho tác phẩm từ cây xá xị thơm nồng… Họ làm việc rất chăm chú và tỉ mỉ.

“Từ lúc vào học nghề cho đến khi thành thợ biết làm ra sản phẩm mất gần 1 năm. Với thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng, tôi có thêm nguồn tiền trang trải cuộc sống, đặc biệt là khi dịch bệnh bùng phát, cơ hội việc làm rất khó khăn nhưng tôi và mấy anh thợ ở đây vẫn không bị thất nghiệp”, một người thợ tại cơ sở mộc của anh Châu cho hay.

 
 
Làng mộc Kim Bồng sản xuất nhiều hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ có giá trị và tạo việc làm ổn định cho nhiều người.
 
 

Rời cơ cở mộc của anh Thi, anh Châu, chúng tôi men theo con đường sông Thu Bồn đến với cơ sở đóng ghe của ông Nguyễn Mạnh Thấn 67 tuổi ở thôn Đông Hà xã Cẩm Kim. Ông Thấn cho biết nghề đóng ghe bầu đã gắn với gia đình ông qua bốn thế hệ. Ông bắt đầu đóng ghe bầu từ năm 1970 và cho đến nay, ông đã đóng hàng trăm chiếc ghe bầu lớn nhỏ bằng gỗ kiền kiền hoặc gỗ lim cho bà con trong vùng hoặc ở các tỉnh sông nước xa hơn. Chiếc ghe lớn nhất mà ông đóng có giá khoảng 150 triệu đồng và chiếc nhỏ nhất chừng 30 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ ghe bầu của ông nhiều nhất ở các tỉnh Quảng Ngãi, Hải Phòng…

Theo ông Thấn, để hoàn thành một chiếc ghe bầu mất ít nhất 2 - 3 tháng nên mỗi năm cơ sở của ông chỉ làm được 5 – 6 chiếc. Lúc chưa có dịch bệnh Covid-19, cơ sở của ông Thấn có 4 thợ. Mỗi ngày làm việc, một người thợ nhận khoảng 400.000 đồng. “Năm nay cơ sở của tôi được UBND thành phố Hội An đặt đóng 4 chiếc ghe bầu có chiều dài khoảng 3,5m, chiều rộng 1m. Vừa qua, tôi đã bàn giao 4 chiếc, mỗi chiếc có giá 30 triệu đồng. Tôi đang đóng thêm chiếc thứ 5 để trưng bày tại điểm dừng chân của địa phương nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho du khách khi đến tham quan du lịch”, ông Thấn phấn khởi nói.

Năm 2022, tỉnh Quảng Nam được chọn làm điểm đến du lịch xanh, hiện chính quyền và nhân dân đang quyết tâm làm tất cả những gì có thể để quảng bá hình ảnh về văn hóa, làng nghề, ẩm thực của xứ Quảng… với mong muốn để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách. 

 
Ông Thấn tỉ mỉ hoàn thiện các công đoạn cuối cùng của chiếc ghe bầu sẽ đặt tại điểm dừng chân ở xã Cẩm Kim nhằm quảng bá sản phẩm làng nghề đến du khách (ảnh trái).
Tô điểm cho những chiếc thuyền trước khi bàn giao cho khách (ảnh phải)
 

THIÊN HƯƠNG