, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 19/04/2024, 18:16
 

Liên kết là chìa khóa để phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Ở nước ta hiện nay, mối liên kết sản xuất trong nông nghiệp vừa thiếu, vừa yếu, vừa lỏng lẻo đã làm cho sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả, bấp bênh và thiếu bền vững.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khuyến khích liên kết

Trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) có nhiều mối liên kết, bao gồm liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp; giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ phục vụ SXNN; giữa nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà băng (liên kết 5 nhà); liên kết vùng và liên kết quốc tế. Đẩy mạnh các mối liên kết này sẽ góp phần mở rộng quy mô cho SXNN, hình thành nên các vùng nông, thủy sản hàng hóa tập trung để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực, giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư và kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ, mở rộng thị trường; từ đó, nâng cao đời sống người nông dân và duy trì tăng trưởng ổn định. 

Trong điều kiện hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và dịch bệnh, đẩy mạnh liên kết trong SXNN sẽ huy động được nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm, thu hút vốn vào SXNN và chủ động trong chuỗi cung ứng hàng hóa nông nghiệp.

Nhận thức được vai trò quan trọng của liên kết trong SXNN, từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Ngày 25/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Ngày 05/7/2018, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ở cấp độ chuyên môn, ngành nông nghiệp cũng có nhiều hình thức khuyến khích các địa phương chủ động đẩy mạnh liên kết vùng và hợp tác quốc tế để nâng cao hiệu quả SXNN.

 

Thực tế chưa như mong muốn

Hệ thống chính sách của Nhà nước liên quan đến việc thúc đẩy các mối liên kết trong SXNN tương đối nhiều nhưng trên thực tế, việc triển khai thực hiện lại chưa được như mong muốn. Cụ thể như liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, mà một trong các lý do chính là chưa điều hòa được quyền và lợi ích của các bên do quy định chưa chặt chẽ và các biện pháp chế tài khi các bên vi phạm thỏa thuận khó vận dụng. Tình trạng này khiến nông dân không an tâm sản xuất; các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vì có quá nhiều rủi ro, dẫn đến không bên nào quan tâm đến việc liên kết, hợp tác. 

Ở góc độ khác, sự thiếu vắng “nhà băng” (ngân hàng - PV) đã khiến mô hình liên kết “5 nhà” không đủ điều kiện để hình thành và sự thiếu vắng này ít nhiều ảnh hưởng đến nông dân cũng như phát triển sản xuất nông nghiệp khi nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp - vốn đã rất ít - lại khó khơi thông. 

Việc liên kết vùng trong SXNN - tiền đề cho các liên kết bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh - cũng chưa được nhiều địa phương quan tâm đúng mức dẫn đến chính sách trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp; trong quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực bị trùng lắp, chồng chéo. Tình trạng nhiều địa phương có cùng một chủng loại sản phẩm hoặc sản phẩm chủ lực na ná nhau gây nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, tồn đọng sản phẩm và triệt tiêu cơ hội phát triển, gây lãng phí nguồn lực còn khá phổ biến. 

Liên kết vùng đã vậy, liên kết, hợp tác quốc tế trong SXNN cũng như liên kết giữa nông nghiệp với các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cũng còn yếu...

 

Nhà nước phải là nhạc trưởng

Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản. Trước hết, cần đa dạng hoá các hình thức liên kết trong SXNN với sự tham gia của hai hoặc nhiều chủ thể như: nông dân với nông dân; doanh nghiệp chế biến nông sản - hợp tác xã; tư thương - nông hộ; doanh nghiệp - nông dân; hoặc các doanh nghiệp (chế biến, cung ứng vốn, vật tư, tiêu thụ sản phẩm) - hợp tác xã - hộ xã viên; nông dân - các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ... Trong đó, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến nông sản với hợp tác xã - người đại diện về lợi ích và trách nhiệm của hộ xã viên - cần được khuyến khích phát triển. Việc đẩy mạnh liên kết giữa nông nghiệp với các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp cũng cần được lưu ý để góp phần làm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp 

Chú trọng tăng cường mối liên kết “5 nhà” (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà băng) để tạo điều kiện về chính sách, chất xám, thị trường tiêu thụ, công nghệ chế biến cũng như nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp; trong đó, Nhà nước phải là nhạc trưởng, đảm bảo hài hòa lợi ích cũng như phân định rõ trách nhiệm từng bên tham gia liên kết; đồng thời, có chế tài thưởng, phạt nghiêm minh khi vi phạm hợp đồng liên kết nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan. Chỉ có như vậy, mối liên kết “5 nhà” nói riêng và các mối liên kết trong SXNN mới bền chặt, hiệu quả. 

Ngoài ra, cần đẩy mạnh và thực hiện một cách nhanh chóng, khoa học hơn nữa mối liên kết vùng. Liên kết này không chỉ bù đắp những khoảng trống, thiếu hụt nguồn lực mà còn làm tăng lợi ích nhờ hiệu quả kinh tế theo quy mô. Qua đó, cân đối cung - cầu, đảm bảo lợi ích giữa các bên tham gia trong chuỗi giá trị nông sản, xây dựng được thương hiệu và sự cạnh tranh lành mạnh trong mua bán. Để liên kết vùng đạt hiệu quả, cần phải dựa trên các điều kiện tương đồng về điều kiện tự nhiên, sản phẩm cũng như các khác biệt về tiềm năng, thế mạnh, từ đó, có lộ trình liên kết cho phù hợp.

Song song với liên kết vùng là tăng cường hợp tác quốc tế trong SXNN, đặc biệt là với các quốc gia có thế mạnh về SXNN, có nền nông nghiệp hiện đại để qua đó, học hỏi những kinh nghiệm quý báu và tận dụng được sự hỗ trợ về kỹ thuật của các nước trong đào tạo nhân lực, đội ngũ chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học đầu đàn, cán bộ quản lý SXNN có trình độ cao. 

TS. NGUYỄN THỊ MIỀN,
Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thiết kế: Hữu Nhất

 

 

 

 

 

 

Để liên kết vùng đạt hiệu quả, cần phải dựa trên các điều kiện tương đồng về điều kiện tự nhiên, sản phẩm cũng như các khác biệt về tiềm năng, thế mạnh, từ đó, có lộ trình liên kết cho phù hợp.