, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 23/04/2024, 23:41

 

 

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức kép: đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững. Chuyển đổi hệ thống và đi theo một mô hình mới bền vững hơn là vô cùng cần thiết. Để làm được điều này, cần phải rời khỏi logic tăng trưởng duy nhất dựa trên GDP.

 
 

Với mức tăng trưởng GDP dao động quanh 6% trong suốt thập niên vừa qua, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia năng động kinh tế nhất thế giới. Xuất khẩu nông sản đóng góp đáng kể vào kết quả này. Tuy nhiên, bước vào thế kỷ 21, mô hình kinh tế dựa trên tăng trưởng GDP thuần túy đang dần thoái trào trên toàn thế giới. Từ cuối thế kỷ 20, khái niệm phát triển bền vững ra đời cùng với triết lý mới là đi tìm tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời gìn giữ, bảo tồn các nguồn lực và nguồn tài nguyên để các thế hệ sau có thể tiếp tục sử dụng chúng (Báo cáo Brundland, 1987).

 
 
 
 

Nông nghiệp chuyên canh hiện đại cho phép tăng năng suất, đạt sản lượng cao. Tuy nhiên, nó cũng đồng thời gây những tác hại lên môi trường, ví dụ như hủy hoại môi trường sống của nhiều sinh vật, làm ô nhiễm nguồn đất, nước và không khí. Nông nghiệp chuyên canh đặc biệt sử dụng phân đạm urê để tăng năng suất cây trồng. Từng được coi là chìa khóa thần của cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp, đạm urê góp phần lớn gây ra khí thải nhà kính vì quy trình sản xuất công nghiệp yêu cầu nhiệt độ cao, đến từ việc đốt xăng dầu và hoặc các chế phẩm có nguồn gốc dầu mỏ.

Theo tính toán của Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ, nông nghiệp trực tiếp góp khoảng hơn 10% vào khối lượng khí thải nhà kính phát tán vào môi trường (GES), nhưng nếu tính cả các quá trình gián tiếp ở đầu vào và đầu ra để duy trì hoạt động nông nghiệp, ví dụ như sản xuất đạm urê, hay duy trì các chuỗi đông lạnh sau khi chế biến, (tức là tính cả phát thải của nông nghiệp và các khâu trước và sau trên toàn hệ thống)  thì con số này lên đến 23% tổng khối lượng GES của nước Mỹ  (Weber and Matthews, 2008). 

Nông nghiệp góp một phần lớn gây biến đổi khí hậu. Sau đó, chính nó lại trở thành “nạn nhân”, hứng chịu những ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao đồng nghĩa với việc nước bốc hơi nhiều hơn, dẫn đến sản xuất nông nghiệp sụt giảm vì không đủ lượng nước cần thiết cho cây trồng tăng trưởng (cả cây lương thực và cây chăn nuôi). Một số giống cây trồng không có khả năng thích ứng với nhiệt độ mới, không thể sống được tại những khu vực bị nóng lên. Việc chọn lọc gen sinh học cho các cây chịu hạn có thể đem lại một số kết quả nhất định, nhưng khó có thể tìm thấy các gen sinh học trội có khả năng thích ứng với một thay đổi “đột ngột” trong thời gian 20 - 30 năm. Cần nhớ tiến trình chọn lọc sinh học Darwin luôn diễn ra nhưng là trong một khoảng thời dài. Trong thời gian ngắn, nếu có chọn lọc sinh học thì không hẳn là các loài có lợi cho con người.

 

 

 

Một ảnh hưởng khác là nước biển sẽ dâng lên do nước biển co giãn theo nhiệt độ và băng ở các cực tan ra. Một phần lớn các vùng đồng bằng ven biển sẽ biến thành vùng ngập mặn. Việc thay đổi hình thức sản xuất, như nuôi tôm nước mặn thay vì trồng lúa, có thể được coi là lời giải nếu dừng lại ở quy mô một trang trại. Nhưng ở mức vĩ mô thì không phải là đáp án cho một quốc gia, vì đằng sau những  dịch chuyển này có thể là rủi ro mất an toàn lương thực. 

Mô hình nông nghiệp chuyên canh đã từng giúp giải bài toán lương thực, tránh nạn đói. Nhưng khi sức ép lên an ninh lương thực không còn như trong quá khứ, đã đến lúc phải nhìn nhận lại. Việc chuyển đổi sang một mô hình khác sớm muộn cũng phải diễn ra. Chúng ta nên chuẩn bị một chương trình chuyển đổi thay vì thụ động ngồi chờ và thay đổi theo hướng thích ứng bị động. 

Những báo cáo gần đây nhất của IPCC về biến đổi khí hậu cho thấy tình trạng bề mặt trái đất nóng lên xảy ra ngày càng nhanh hơn so với dự kiến (IPCC, 2021). Nguyên nhân chính là lượng khí thải nhà kính bị phát tán vào môi trường vẫn tiếp tục tăng chứ không dừng lại. Tới 2030, nhiệt độ bề mặt trái đất sẽ gần ngưỡng tăng trung bình 2,5oC hơn là ở mức 1,5oC như trong báo cáo cách đây 8 năm. Khu vực Đông Nam Á nằm trong nhóm các quốc gia chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi biến đổi khí hậu. Các báo cáo mới nhất trong chương trình GEMMES VN - một dự án khoa học quốc tế lớn đang đánh giá toàn cảnh ảnh hưởng lên môi trường, kinh tế, xã hội của biến đổi khí hậu tại Việt Nam -  khẳng định lại điều này bằng những con số rất đáng lo ngại.

 
 
 
 

Hiện tại, nông dân Việt Nam phần lớn có thu nhập thấp, không đảm bảo được cuộc sống. Người nông dân theo đuổi lợi nhuận là vì một mặt họ phải tự hạch toán các chi phí đầu vào, mặt khác phải đối mặt với nhiều rủi ro đầu ra. Được mùa và mất mùa song hành, thậm chí khi được mùa lại lo rớt giá. Do đó, tâm lý nông dân là phải tranh thủ tối đa để thu lợi mỗi khi có thể. Vì vậy, họ sẵn sàng sử dụng các phương thức canh tác không an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, không thân thiện môi trường, nếu điều đó cho phép sản xuất nhanh và nhiều hơn.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, rất nhiều hình thức hỗ trợ nông nghiệp được sử dụng, mà mục đích chính là nhà nước đưa tiền cho các nông hộ tham gia sản xuất nông nghiệp. Các gói hỗ trợ này được lấy từ tiền thuế của người dân, từ tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Đổi lại, xã hội yêu cầu người nông dân sử dụng các phương pháp canh tác an toàn, không gây hại cho môi trường, không đẩy các-bon vào khí quyển. Như vậy, cả hai bên đều có lợi, không ai phải hy sinh vì người khác. Đây là xuất phát điểm để từng bước thoát khỏi mô hình tăng trưởng nông nghiệp thuần túy theo GDP.

Theo một nghiên cứu của FAO (trong báo cáo của FAO năm 2021) tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, hầu như tất cả các nước đều hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp. Nếu coi mức hỗ trợ 100% nghĩa là cứ mỗi 1 USD mà nông nghiệp đóng góp vào GDP thì trung bình người nông dân cũng được nhận 1 USD hỗ trợ, thì Na Uy, Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia nỗ lực hỗ trợ cho nông nghiệp nhiều nhất thế giới. Mức hỗ trợ của Na Uy và Hàn quốc cho nông nghiệp đều vượt quá 100%. Châu Âu và Trung Quốc lần lượt hỗ trợ tương ứng với khoảng 24% và 20% giá trị nông nghiệp. Mỹ là một quốc gia chủ chốt theo đuổi kinh tế thị trường cũng hỗ trợ tới mức 8%. Cần biết rằng dù chỉ 8% nhưng đây là những khoản tiền khổng lồ vì giá trị mà nông nghiệp đóng góp vào GDP tại Mỹ lớn hơn nhiều so với các quốc gia đang phát triển khác, tính theo con số tuyệt đối. 

Cũng trong báo cáo này của FAO, Việt Nam đứng trong nhóm các quốc gia ít nỗ lực hỗ trợ cho nông dân nhất. Tổng mức hỗ trợ ước tính khoảng 3% giá trị gia tăng của lĩnh vực nông nghiệp. Con số này thấp hơn nhiều so với một nước láng giềng khác là Indonesia (ở mức 26%) hay Philippines, Trung Quốc (trên 20%). Số liệu của tổ chức OECD cũng khẳng định quỹ hỗ trợ nông nghiệp của Việt Nam vô cùng thấp. Điều này có nghĩa là so với nông dân của các quốc gia khác, nông dân Việt Nam là những người phải tự lực cánh sinh nhiều nhất. Dễ hiểu vì sao nhiều người nông dân không thể chuyên tâm vào thực hiện sản xuất an toàn, hay quan tâm đến môi trường. Dù họ có quan tâm, nhưng khi thu nhập là vấn đề sinh tồn thì họ thật sự không có lựa chọn. Hỗ trợ tài chính cho người nông dân chính là một đòn bẩy xã hội mà chúng ta chưa nghĩ đến (hoặc chưa thể) sử dụng. 

 
 

Cũng cần phải nói tuy hỗ trợ tài chính là quan trọng, nó không đơn giản chỉ là đưa tiền cho người nông dân. Tiền chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ, và quan trọng nhất, là phải có định hướng để nông dân đi đúng hướng.

Thực tế, nhiều quốc gia thực hiện hỗ trợ, nhưng thường chỉ là hỗ trợ mục tiêu an ninh lương thực, và khuyến khích sản xuất. Ví dụ như trường hợp của Trung Quốc hay Indonesia. Trong bối cảnh an ninh lương thực chưa được đảm bảo, các quốc gia này chỉ đưa tiền để người dân tiếp tục sản xuất. Việt Nam có lợi thế là một quốc gia đã có an ninh lương thực. Do đó, chúng ta có thể hỗ trợ để tiến hành một chuyển đổi thông minh hơn.

Hướng đi của chúng ta phải là tìm những phương thức canh tác thân thiện với môi trường. Nông nghiệp hiện là một trong nhiều thủ phạm gây biến đổi khí hậu nhưng nếu thay đổi phương thức canh tác, nó sẽ lại là lời giải cho bài toán môi trường. Các cây lương thực, dù là cây ngắn ngày cũng góp phần hút khí CO2 thông qua quang hợp. Ngoài ra, đất cũng có khả năng tích trữ các-bon, làm giảm lượng khí thải nhà kính. Các tính toán trong chương trình 4 phần ngàn tại Pháp cho thấy, nếu tăng khả năng hấp thụ các-bon của đất, (chỉ ở 30cm bề mặt) thêm bốn phần ngàn thông qua trồng cây, không để đất trống đồi trọc (điều này khả thi), thì nông nghiệp Pháp góp phần đáng kể vào giảm thải các-bon sản xuất. Nghĩa là một phần lớn khối lượng CO2 mà nông nghiệp phát tán vào khí quyển sẽ được bù đắp lại bởi khả năng hấp thụ CO2 của toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bề mặt trên lãnh thổ nước Pháp.

Vì vậy, nếu có một định hướng thông minh - ví dụ thông qua nông nghiệp sinh thái - thì nông nghiệp có thể sẽ là lối ra cho các lĩnh vực khác của nền kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp đang phát thải. Nghĩa là khi chu trình các-bon trong nông nghiệp tiến tới cân bằng không vay nợ, thì các tích trữ các-bon thêm trong lòng đất sẽ gánh bớt cho các khu vực khác như công nghiệp và vận tải, giúp giảm sức ép tổng thể lên môi trường. Trường hợp này, thậm chí có thể yêu cầu các doanh nghiệp phát thải có trách nhiệm trực tiếp “trả tiền” cho “dịch vụ” lưu trữ các-bon của nông nghiệp (carbon farming), và như vậy là bài toán thu nhập của người nông dân sẽ có thêm đáp án.

Việc chuyển đổi hệ thống nông nghiệp hiện giờ vẫn còn là một lựa chọn của chúng ta. Nhưng biến đổi khí hậu thì vẫn diễn ra, đặc biệt là nếu chúng ta không làm gì. Cần phải dũng cảm lựa chọn trước khi biến đổi khí hậu trở nên khốc liệt và không cho chúng ta cơ hội được lựa chọn theo mong muốn trong 30 năm tới! 

PHẠM HẢI VŨ