, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/04/2024, 14:11
 

So với tuổi đời hàng trăm triệu năm của các đồng bằng lớn trên thế giới, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một đồng bằng trẻ, vùng đất mới được bồi đắp, hình thành từ khoảng 6.000 năm trước. Vùng đất đai màu mỡ phù sa ấy thu hút sự chú ý của cả thế giới khi đang là nguồn cung của 7 - 10% tổng lượng gạo giao dịch quốc tế.
Niềm tin mãnh liệt vào khả năng làm chủ thiên nhiên của con người đã mang lại sự phát triển kinh tế, nhưng câu chuyện phát triển bền vững, tiếp cận đúng đắn hệ sinh thái của đồng bằng vẫn là một câu chuyện dài, rất dài.

 
 
 
 
 
 

Người kể chuyện về ĐBSCL là một nhà khoa học Pháp gốc Việt. Ông là Đan Nguyễn, giáo sư Đại học Caen, vốn tốt nghiệp Kỹ sư Thuỷ lợi ở Việt Nam. Ông bảo ngày xưa có Bộ Thủy Lợi, trường Đại học Thủy Lợi thuộc Bộ này. Hồi đó, đâu khoảng những năm 1970 đã có ý kiến đổi tên thành Bộ Tài nguyên Nước. Rồi thôi không thấy đổi tên, rồi thôi luôn cả việc tồn tại một bộ riêng lo về thủy lợi. 

Nhưng ông thì theo “thuỷ lợi” đến tận trời Tây, bảo vệ luận án Tiến sĩ về mô hình toán trong thuỷ lợi, năm 1988. Năm năm sau đó ông được Tổng thống phong hàm Giáo sư các đại học Pháp. Bốn mươi năm xa quê hương, ông vẫn nghiên cứu về nước, vẫn luôn tìm các nguồn tài trợ để làm các dự án, sông Mekong, sông Hồng và các con sông miền Trung Việt Nam. Chuyến về lần này, ông cùng các đồng nghiệp, Giáo sư Steven Darby và cộng sự ở Đại học Southampton (Vương quốc Anh), và các cán bộ khoa học Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam hoàn thành dự án xây dựng kế hoạch ổn định hình thái sông Tiền và sông Hậu. Ông và các đồng nghiệp đã phát triển một mô hình toán cho dòng chảy, vận chuyển bùn cát nhằm mô phỏng hiện trạng và dự báo xói lở, đưa ra các giải pháp nhằm ổn định lòng và bờ sông, cùng các khuyến cáo cho quy hoạch khai thác cát. Dự án do Quỹ bảo tồn thiên nhiên (WWF) của Đức và Việt Nam tài trợ.   

Ông cũng đang thành lập nhóm nghiên cứu quốc tế mong có thể nghiên cứu quy hoạch tích hợp nguồn nước cho toàn bộ lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, bao gồm cả dự báo mưa, lưu lượng nước, sạt lở, lũ quét, lũ ống, quản lý liên hồ đập, và quản lý tổng hợp vùng ven biển.

Nhóm nghiên cứu của ông gồm những tên tuổi hàng đầu thế giới. Giáo sư G. Mathias Kondolf là nhà địa mạo học sông ngòi và là giáo sư Quy hoạch môi trường tại đại học Berkeley. Giáo sư Rafael J. P. Schmitt, nhà nghiên cứu về Quản lý môi trường, tài nguyên nước và vận chuyển trầm tích thuộc đại học Stanford. Nhiều giáo sư uy tín của Vương quốc Anh, Nhật Bản, Pháp và Việt Nam sẽ tham gia nhóm nghiên cứu. 

Đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, ĐBSCL đã thu hút các nhà khoa học ưu tú, lỗi lạc tập trung nghiên cứu. Nhưng khẩn thiết hơn nữa, đó là viễn cảnh đáng buồn khi có thể mất một đồng bằng non trẻ nhất hành tinh, chỉ sau vài thập kỷ con người can thiệp. Tháng 6 năm 2022, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Giáo sư Kondolf đã công bố một công trình trên tạp chí khoa học hàng đầu Science  khi cảnh tỉnh: nếu cứ khai thác theo kiểu hiện nay thì 80 năm nữa, ĐBSCL sẽ chìm 2 mét dưới mực nước biển. 

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được mô hình tính toán lưu lượng nước, mức nước, độ sụt lún… của toàn bộ ĐBSCL. Dựa trên thông tin về độ lún, diện tích khu vực bị ảnh hưởng, vị trí và mức độ sạt lở, thông tin về dòng chảy của sông ngòi, mô hình toán có thể dự đoán, ước tính lượng phù sa được tạo ra. Các quy trình tự nhiên được mô phỏng để tính toán lưu lượng di chuyển của phù sa, tác động của nó đối với độ lún và cách khắc phục. Sử dụng hình ảnh vệ tinh và công nghệ đo lường từ xa để theo dõi diễn biến, đưa ra ước tính về lượng phù sa phát sinh. Dữ liệu thống kê được thu thập cho máy tính phân tích, cùng với sự hiểu biết sâu rộng về đặc điểm địa lý cụ thể của ĐBSCL, từ đó xác định các kịch bản, xây dựng chính sách phù hợp. Để có kết quả bằng số liệu cho một năm, chỉ cần chạy mô hình trên máy tính trong 5 giờ. 

Điều trăn trở lớn nhất là những câu chuyện ấy vẫn chưa được người dân và các nhà làm chính sách chia sẻ một cách thực sự. Có công cụ hiện đại, máy móc đầy đủ để khảo sát tính toán cho đồng bằng, và có các nhà khoa học ưu tú sẵn lòng cùng làm việc, nhưng ông vẫn lo rằng chuyện của mô hình toán có thể chỉ được xem như chuyện kỳ thú, khoa học giả tưởng, được một nhóm các ông bà mang về từ phương trời xa xôi nào khác lắm, chỉ nghe rồi để đó, bởi còn phải loay hoay đối phó những nỗi lo trước mắt: hạn mặn, phèn, sạt lở…

Những câu chuyện của ông đúng là chuyện từ khắp phương trời thật, nhưng nó là sự chắt lọc, suy ngẫm, nghiên cứu, thử nghiệm trong suốt bao nhiêu năm trời đau đáu hướng về những con sông, vùng đất của quê hương.

 
 
 
 

ĐBSCL cò bay thẳng cánh, đất mênh mông, nước cũng mênh mông. Nhưng nước sông rạch chỉ là một phần, theo thuỷ triều lên xuống. Phần nước quý giá, thực sự là của mình, chính là những tầng nước ngầm trong lòng châu thổ. 

Số liệu đã được công bố cho thấy ĐBSCL mỗi năm lún khoảng 3cm. Người ta vẫn nghĩ tới những chuyện lớn lao: hiện tượng nóng lên toàn cầu, nước biển dâng… Nhưng các nhà khoa học đang chỉ ra một nguyên nhân hoàn toàn khác: nước biển dâng mới chỉ ở mức 1 cm/năm, còn lún do con người khai thác nước ngầm là 2cm/năm. Nước ngầm bị khai thác quá mức dẫn đến đất lún. 

Khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt chỉ là phần nổi của tảng băng. Nước biển xâm nhập, nắng nóng khô hạn khiến người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Nhưng lượng nước ngầm khai thác để phục vụ sinh hoạt không thể so sánh với khai thác nước ngầm phục vụ nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Giếng khoan nước ngầm của các hộ gia đình, các giếng khoan của các công ty được cấp phép hoạt động khai thác nước ngầm ngày càng nhiều và không có sự quản lý thống nhất. Nước từ trong lòng đất được bơm hút lên rồi chảy đi mất, đất rỗng, nước mặn, nước lợ tự nhiên xâm nhập dần. Càng ngày, các giếng càng phải khoan xuống sâu hơn, nước càng mất đi nhanh hơn, nhiều hơn.

Mất đi những tầng nước ngầm, đất mới đắp bồi, khó khăn lắm mới có thể trụ vững, lớp đất bề mặt không còn đủ sức liên kết. Xói mòn, sạt lở, sụt lún… xảy ra nhanh hơn. Trước năm 2012 cả đồng bằng có gần 100 điểm sạt lở, nay đã lên đến khoảng 600 điểm. Tình trạng đã đến mức không kiểm soát được. Đất đang chìm dần. Vùng châu thổ non trẻ dễ tổn thương này đang dần biến mất ngay trước mắt. Các nhà khoa học gọi đây là hiện tượng “chảy máu đất”. Hiện nay, TP.HCM và Cà Mau là hai địa phương lún nhiều nhất và đang ngày càng gia tăng. Trong quy hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL đến năm 2050 không thấy nhắc đến vấn đề này!

 
 
 
 

Các đồng bằng lớn lâu đời trên thế giới đã để lại những bài học quý giá. Nước, như một nguồn tài nguyên, phải được con người chủ động giữ lại, bơm nước trở lại trong lòng đất, nhờ các tầng đất cất giữ chứ không để chảy xuống sông, ra biển. Nạp lại nước bằng cách bơm vào lòng đất đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Trong nhiều giải pháp, có việc xây dựng các hồ chứa, giữ nước và điều chỉnh dòng chảy, giúp kiểm soát lượng nước và giảm sụt lún đất. Có việc chuyển đổi nông nghiệp của đồng bằng, chuyển sang các loại cây trồng, con giống thuỷ sản ít sử dụng nước ngọt hơn, giảm bơm nước ngầm. Có việc hướng đến sản xuất số lượng ít hơn nhưng chất lượng cao hơn. Có việc kết nối lại các nhánh phân lưu với vùng đồng bằng châu thổ…

Giữ được nước là giữ được đất. Làm giàu ngày hôm nay để làm gì khi đời con cháu mình không còn đất, không còn nước. Phát triển bền vững không phải là chuyện tương lai xa vời, nó là chuyện gần lắm: thế hệ cháu con của 17 triệu dân cư đang sinh sống trên khoảng 40.000km2 vùng châu thổ miền Tây Nam bộ có thể sẽ thấy nước biển vùi chôn hết nhà cửa, đất đai quê hương họ. Viễn cảnh ấy có thể xảy đến chỉ trong một đời người.

 
 
 
 

Cả con sông Mekong dài hơn 5.000km chảy qua sáu nước, đoạn cuối cùng chỉ 250km, chảy qua Việt Nam, hình thành nên ĐBSCL. Mất khoảng từ 20 đến 30 năm để một hòn sỏi lăn, trôi theo dòng nước từ thượng nguồn Mekong về đến Việt Nam. Đường dài vậy, mà sỏi đá, phù sa ấy vẫn về đến nơi, vẫn cần mẫn đắp bồi, lắng đọng; kể từ khi bờ biển Đông còn sát đến thủ đô Phnompenh của Campuchia, cho đến bây giờ vùng nước ngày xưa đã thành hình hài đất đai đồng bằng, thành vựa lúa. 

Giờ thì sỏi đá phù sa ấy đã kẹt lại đâu đó trong các con đập thủy điện trải dài trên suốt dọc dòng sông. Dòng sông không còn phù sa bồi lắng cho đồng bằng, thiếu cả nước để ngăn thủy triều tràn lên xát muối vào những cánh đồng mịn màng, màu mỡ. Các loài thủy sinh ít đi. Thiếu thức ăn, chim di trú cũng không về. 

Thuật ngữ “nước đói” (hungry water) được giáo sư G. Mathias Kondolf, dùng từ năm 2014, để chỉ dòng nước đã hết phù sa, không còn trầm tích. Nước chảy về đến hạ lưu các con sông bây giờ đói lắm, vì nó không còn phù sa, các đập thủy điện ngăn lại hết rồi. Năm 1993, đập thuỷ điện Mạn Loan được xây dựng ở thượng nguồn Mekong đoạn thuộc Trung Quốc; từ năm 1994, lượng phù sa về đến đồng bằng đã giảm hơn 300% theo số liệu của Ủy hội sông Mekong. Dọc dòng sông, có hơn 133 đập thuỷ điện đã và đang được xây dựng, các đập giữ lại hầu hết phù sa, chẳng còn trầm tích để lắng tụ, bồi đắp đất đai đồng bằng nữa. 

Còn một tương quan khác, khó thấy hơn, giữa dòng nước xơ xác và nạn sạt lở. Thiếu phù sa, dòng sông không còn hiền hoà bình lặng chảy, sông vùng vẫy, điên cuồng cào cấu vào bờ sông và cả xuống lòng sông, đúng kiểu “như đang chết đói”, để cân bằng lại trạng thái đã được thiên nhiên lập trình từ mấy ngàn năm trước. Ra đến bờ biển, không đủ trầm tích để lắng xuống mà lấn biển, dòng nước đói đành chịu thua sóng biển vốn không biết mệt đang lấn dần vào vùng đất mới hình thành mấy ngàn năm nay, còn non nớt, mềm yếu. Gần đây người ta nói nhiều đến sạt lở bờ sông, bờ biển. Lúc bão bùng không kể, xưa nay vẫn xảy ra. Nhưng nay ngay cả ngày bình thường, sông yên bể lặng mà bờ vẫn sạt lở, đất đai hoa màu, nhà cửa rạn nứt, xô lệch rồi sụt xuống, như bị dòng nước đói khát ngoạm nuốt.

 
 
 
 

Thiên nhiên đã định, dòng sông đưa nước về biển cả phải mang theo cả cát, sỏi, phù sa làm lương thực đi đường. Chính con người đã cướp của dòng sông, để nước bị đói đến nỗi phải vừa chảy đi vừa càn quét. 

Nuôi nước cho sông, phục hồi sông, duy trì kết nối vùng đồng bằng ngập lũ, tận dụng việc bảo vệ bờ biển dựa vào thiên nhiên là những giải pháp mà nhóm nghiên cứu đề xuất. Năm 2017, Chính phủ ra nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mấy năm nay, thế giới đang đưa vấn đề môi trường thành các tiêu chuẩn quốc tế. Uỷ hội sông Mekong có sứ mạng phục vụ các quốc gia Mekong “đạt được tầm nhìn của lưu vực”. Đồng bằng - tài nguyên quý giá nhất của lưu vực ấy - đang nằm trong lãnh thổ chúng ta… 

Dự báo đến năm 2100, kịch bản “hoạt động bình thường” như hiện nay sẽ dẫn đến độ lún tương đối trung bình lên tới 1,8m, hơn 90% diện tích vùng đồng bằng sẽ bị nhấn chìm. Nghiên cứu đang cho phép tính toán những giấc mơ khác nữa. Theo kịch bản tốt nhất (trong đó có việc giảm mạnh bơm nước ngầm) sụt lún sẽ là 0,15m, có nghĩa là chỉ khoảng 10% diện tích đồng bằng bị ngập.

Đếm ngược, dù biết thời gian là tương đối, vẫn muốn chính xác đến hết khả năng có thể của đời người, chúng ta còn 78 năm.