, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 29/03/2024, 08:01
 
 
 

Căn nhà Ông đang ở vốn được phân phối khi Ông là giám đốc một nông trường, bề ngang có lẽ 4m phủ bì, chiều dài khoảng 16m, 1 lầu.

Tôi đã đến đó nhiều lần, từ khi Ông làm Bí thư Huyện ủy một huyện ngoại thành, rồi Giám đốc Sở Nông nghiệp, rồi Chủ tịch, rồi Bí thư Thành ủy… Thông thường, khi cán bộ từ cấp trung lên cấp cao, đều được đổi nhà lớn hơn. Nếu là Ủy viên Bộ Chính trị thì chắc chắn phải được chuyển đến một căn villa có khuôn viên rộng rãi, ở những khu vực yên tĩnh, lịch sự… vừa bảo đảm điều kiện sinh hoạt, làm việc cho cán bộ lãnh đạo, vừa thuận tiện cho công tác bảo vệ. Năm 1996 Đại hội Đảng khóa VIII, Ông được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công làm Bí thư Thành ủy, thì việc đổi nhà chắc chắn chỉ một sớm một chiều. Do vậy, trong một lần đến chơi, tôi nửa đùa nửa thật với chị H. – phu nhân của Ông: Khi nào chị chuyển nhà, cho em “xin” Sở Nhà đất căn nhà này. (Hồi đó, nhà Nhà nước do Sở Nhà đất - sau nhập với Sở Địa chính thành Sở Địa chính - Nhà đất và nay là Sở Tài nguyên & Môi trường quản lý, và cấp - sau này mới chuyển thành thuê…). Chị H. bảo: Không chuyển đâu chú. Anh chị sẽ ở đây thôi! Tôi không tin, vì dù anh chị không muốn chuyển thì tổ chức cũng yêu cầu, bởi nguyên tắc bảo vệ cán bộ cấp cao. Thế nhưng, Ông làm Bí thư gần hết nhiệm kỳ vẫn ở nhà đó. Rồi ra Hà Nội, làm đến chức vụ cao nhất về mặt Nhà nước, vẫn ở nhà đó.

Cái sự “bảo thủ” (từ ngữ tôi nghe được của nhiều cán bộ lúc đó nói về việc Ông không chịu đổi nhà), cũng gây nhiều điều bất tiện. Trước hết, anh em bảo vệ không có chỗ ngồi. Nếu là biệt thự, như của hầu hết cán bộ lãnh đạo khác, thì việc ăn nghỉ của anh em cảnh vệ, khá thoải mái. Còn ở nhà Ông, chỉ đến khi giữ vị trí cao nhất về mặt Nhà nước, tôi mới thấy có cảnh vệ. Cái phần trệt căn nhà, chỉ khoảng 16m2, để đồ đạc, xe cộ cũng đã chật, nên “không gian” dành cho cảnh vệ, chỉ có 2 cái ghế, 1 cái quạt đứng, dựng sát tường, ngay lối đi. Khi có khách đến, từ 2 người trở lên, bảo vệ thường phải đứng, nhường ghế cho khách và lấy thêm ghế từ phòng ăn trong nhà bếp. Bảo vệ vòng ngoài, vì vỉa hè hay sân vườn không có chỗ để đặt bốt gác như thường thấy ở trước nhà nhiều lãnh đạo cao cấp khác, nên cơ quan bảo vệ phải thuê hơn chục mét vuông mặt tiền căn nhà đối diện.

 
 
 
 

Diện tích căn nhà quá nhỏ hẹp nên cũng gây không ít phiền phức trong sinh hoạt gia đình. Lúc con trai nhỏ của Ông cưới vợ. Không những cái tủ quần áo của cô chị Hai được dành cho đôi tân hôn, mà đến cái sào treo quần áo cũng bị người phục vụ trưng dụng nốt. Chị Hai đi làm về, nhìn quần áo của mình để vào một góc, chỉ biết đứng nhìn… Những điều nhỏ nhặt ấy, có lẽ Ông không bao giờ biết…

Để giải quyết việc thiếu diện tích sử dụng, sau khi từ chối các phương án đổi nhà (do lãnh đạo thành phố gợi ý), cũng như mua thêm nhà (do chị H. không muốn các con ở xa mình), Ông bà quyết định “cơi” thêm tầng. Tuy nhiên, sau khi khảo sát kết cấu móng không đủ chịu tải thêm tầng, phương án “chốt” là… xây lại. Bây giờ, trên nền nhà cũ, cũng với chiều ngang chưa đầy 4m và chiều dài chừng 16m, là căn nhà mới xây 4 tầng. Trệt vẫn là bếp và để xe cộ, một ít đồ đạc và “phòng làm việc” của anh em cảnh vệ. Không gian làm việc của Ông chỉ có tầng lửng, khoảng hơn chục mét vuông, vừa đặt cái bàn làm việc bé xíu như bàn học sinh, vừa đặt bộ bàn ghế tiếp khách, xung quanh là kệ chứa đầy sách. Bên trên một kệ sách là ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với bài vị, di ảnh và một bát nhang, làm nơi thờ cúng gia tiên.

Không chỉ tôi, chắc chắn ai thân tình đến thăm Ông cũng đều ái ngại về chỗ ở, chỗ làm việc, sinh hoạt quá chật hẹp đối với gia đình một lãnh đạo cao cấp. Có lần tôi mạo muội so sánh: ông A, ông B “lên” sau anh mà được nhận biệt thự mặt tiền đường lớn, to đùng, sao anh không…? Ông quắc mắt: Tại sao tôi cứ phải như họ? Có lúc vui vui, Ông tiết lộ: Sau này, khi không còn khỏe nữa, tao sẽ về quê. Đất vườn nhà rộng, trồng đủ loại cây, tha hồ mà dưỡng lão, lo gì. Sau này, khi Ông đã nghỉ hưu, tôi có vài lần được đến nhà Ông ở quê. Đó là thửa đất do ông bà cha mẹ để lại, Ông thuê cải tạo, xây căn nhà trệt, kiểu nhà nông thôn Nam bộ, vừa là nơi thờ tự, vừa là chỗ ở, mỗi khi Ông đi về…

 
 
 
 

Khi Ông đương chức, tôi đã nhiều lần chứng kiến Ông từ chối quà biếu của cấp dưới, của doanh nghiệp. Có dịp Tết, Ông và tôi đang nói chuyện, có một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tới chúc Tết. Ông tiếp vui vẻ nhưng khi nhìn thấy Ông đang tiếp khách, họ nói lời chúc, để lại tệp phong bì lên bàn rồi xin phép ra về. Ông cầm tập phong bì, đọc: Công ty S, công ty V… Được tôi nhận, Ông nói và đặt 2 cái phong bì mỏng xuống bàn rồi đọc tiếp: Ngân hàng B, sao phong bì dày thế. Chủ tịch HĐQT Ngân hàng B đáp: Chỉ là chút quà nhỏ chúc Tết thôi mà Anh. Ông nửa đùa nửa thật: “Quà vậy, người ta bảo hối lộ đấy”. Nói xong Ông đặt lại vào tay người khách mang đến. – Tôi nhận 2 cái kia là được rồi, còn lại mấy cái này, các ông đem về đi…

Ngay cả khi đã về hưu, Ông cũng không nhận quà. Có lần hai anh em đang nói chuyện, có người đến mang một túi quà, không biết có gì trong đó. Khách vừa ló đầu vào chào, Ông nhìn thấy cái túi quà, đã gay gắt: Cậu mang về đi. Lần sau đến còn mang như thế nữa thì đừng gặp tôi. Người khách dạ dạ rối rít rồi mang túi quà xuống lầu. Một doanh nghiệp, có lẽ nhờ sự góp ý về quy hoạch của ông với địa phương mà dự án không bị doanh nghiệp khác thôn tính, anh ta muốn nhờ tôi đưa đến nhà để cảm ơn Ông. Tôi xin phép trước, Ông bảo ngay: Thôi, đến để quà cáp chứ gì. Cứ bảo nó làm cho tốt, nếu dự án xong trong hai năm, tao đề nghị thưởng, không xong thì bị phạt. Khỏi đến…

Cho, tặng, biếu… Ông không nhận. Nhưng Ông đi “vận động”! Khi còn đương chức, Ông đã vận động các doanh nghiệp tài trợ hơn năm mươi ngàn con bò, giao Hội Chữ thập đỏ phân phối các các hộ nghèo ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Nghe thông tin ấy, có người nghĩ, người ta “cho” một phần vì nghĩa cử, nhưng một phần cũng vì Ông – người lãnh đạo quốc gia, một tiếng nói ủng hộ hay phản đối, có thể quyết định vận mệnh một doanh nghiệp. Nếu không phải là lãnh đạo đương chức, sức mấy…?

 
 
 
 

Thế nhưng, khi về hưu - nghĩa là không có khả năng chi phối lợi ích doanh nghiệp, ông “vận động” còn nhiều hơn. Nguyên cuối năm 2016, trong một lần được tháp tùng Ông đi tìm hiểu tình hình thực tế xây dựng Nông thôn mới ở một số huyện biên giới của tỉnh Long An, nghe lãnh đạo địa phương nói không có tiền xây cầu nên không đạt tiêu chí giao thông và vì vậy không thể đạt tiêu chuẩn xã Nông thôn mới, một doanh nghiệp đi cùng đã tự nguyện tặng địa phương hai cây cầu. Tôi chợt nghĩ, có thể vận động các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng cầu cho các xã các huyện vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Ngồi phía sau Ông, tôi hỏi nhỏ: Tạp chí em phát động chương trình xây cầu nông thôn được không anh? Ông trả lời ngay: “Làm việc gì mà giúp được cho dân thì làm…”. Chương trình Cầu Nông thôn Biên giới của Tạp chí Nông thôn Việt ra đời như thế.

Các chương trình xã hội do báo chí vận động, chủ yếu dựa vào uy tín tờ báo. Tạp chí Nông thôn Việt, vừa nhỏ, vừa mới, mấy người biết. Do vậy, Ban biên tập dự tính mỗi năm vận động các doanh nghiệp xây được năm ba cây cầu cũng là khá lắm rồi. Nhưng sau khi phát động chương trình được mấy hôm, Ông gọi tôi đến và bảo: Tao vận động được X cây. Sáng mai mày tới đi cùng tao đưa doanh nghiệp xuống địa bàn... Cứ thế, mươi ngày nửa tháng, Ông lại thông báo đã “vận động” được doanh nghiệp A, doanh nghiệp B tài trợ 10 cây, 20 cây cầu. Cho đến nay, Chương trình Cầu Nông thôn Biên giới đã vận động ngót nghét 270 tỉ, xây dựng được gần 300 cây cầu. Trong đó có đến khoảng 70% là do Ông vận động. Tạp chí Nông thôn Việt chỉ lo việc liên hệ với các địa phương để chuẩn bị cho những chuyến đi khảo sát thực tế của Ông và doanh nghiệp. Long An, Đồng Tháp, rồi An Giang… Ông đi thực tế đến từng vị trí địa phương đề nghị xây cầu. Nơi nào xe hơi vô được thì đi xe hơi. Xe hơi không vô được thì Ông đi xe máy hoặc đi bộ. Doanh nghiệp đi cùng cứ lệt bệt theo. Không ít ông bà chủ vừa đi vừa lắc đầu vì mệt… Ngoài những cây cầu nằm trong Chương trình Cầu Nông thôn Biên giới của Tạp chí Nông thôn Việt, ông còn vận động cả trăm cây cầu cho các huyện không phải biên giới. Ông bảo: “Cầu Nông thôn Biên giới là của Nông thôn Việt. Còn tao vận động thêm cho các huyện bên trong, nơi nào cũng thiếu cầu…”.

 
 
 
 

Chương trình xây dựng cầu nông thôn qua ông vận động, theo ước tính của chúng tôi cũng phải hơn 300 tỉ đồng. Nhưng đó cũng chỉ là số nhỏ. Ông không kể, không cho kể, nhưng chúng tôi biết, bởi cuối mỗi năm, ông thường tổ chức mời các nhà tài trợ một bữa cơm thân mật, tại nhà, thay lời cảm ơn... Trong những buổi như vậy, hỏi chuyện người này người kia, tổng hợp lại, thấy con số ông vận động được, trong thời gian chưa trọn một nhiệm kỳ sau khi nghỉ hưu, đã cả ngàn tỉ đồng. Số tiền ấy được chuyển thẳng cho các địa phương xây dựng trường học, bệnh viện, cầu nông thôn, nhà tình nghĩa, trao tặng bò giống cho các hộ nghèo, quỹ hỗ trợ ngư dân bám biển, quỹ học bổng và cho chương trình nước sạch học đường…

Tôi cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp đến thăm Ông và xin được tài trợ. Có người, Ông “vận động” một, họ cho hai, ba. Có người, là cán bộ cấp dưới của Ông qua các thời kỳ, đã nghỉ hưu, cũng góp sức “xin” cho các chương trình mà Ông tham gia vận động… Tại các buổi lễ khánh thành bàn giao công trình, các địa phương coi rằng đó là nhờ “công lao” của Ông, Ông đều phải nói lại: “Công lao đó là của các nhà tài trợ. Tôi chỉ là người kết nối…”.

 
 
 
 

Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM, sau khi nghỉ hưu, đã lập Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Và chỉ trong vòng hơn chục năm, trước khi mất, ông và các cộng sự đã vận động được hơn 300 tỉ đồng, góp phần chữa bệnh miễn phí cho hàng triệu bệnh nhân nghèo. Lúc đó, chúng tôi cũng đặt câu hỏi: Vì sao ông Sáu Tường có thể vận động được nhiều tiền như vậy? Câu trả lời của các cộng sự, của người quen biết, và của cánh nhà báo, là vì… uy tín cá nhân.

Uy tín cá nhân từ đâu? Tất nhiên, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - Sáu Tường đã từng làm Chủ tịch UBND TP.HCM, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động… Điều đó cần, nhưng chưa đủ. Uy tín cá nhân được xây dựng dựa trên phẩm chất đạo đức, tư cách. Với ông Sáu Tường, làm quan thì liêm khiết, một lòng vì sự nghiệp phát triển của TP. Hết quan hoàn dân thì vẫn hết lòng hết sức vì dân. Ông đi “xin” để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo… Và trong lòng mọi người, sự nghiệp “bảo trợ người nghèo” của ông còn vinh dự hơn cả sự nghiệp làm quan…

 
 
 
 

Uy tín cá nhân dựa trên phẩm chất đạo đức, tư cách. Chỉ khi nào người đi “vận động” có được phẩm chất đó, thì người “đi cho” mới vui vẻ, sẵn lòng móc hầu bao. “Vận động” được hàng trăm tỉ đồng để góp phần chữa lành bệnh cho cả triệu bệnh nhân nghèo; “Vận động” được hàng ngàn tỉ đồng để trang bị phương tiện xóa đói giảm nghèo bền vững cho hàng trăm ngàn gia đình, trang bị phương tiện cứu sinh cho hàng chục ngàn ngư dân yên tâm bám biển, để xây dựng hàng chục ngàn căn nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, hàng ngàn căn nhà chống lũ, hàng trăm cây cầu và các bệnh viện, trường học khang trang cho người dân và trẻ em nghèo ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… Những người “vận động” ấy luôn được người dân ở các địa phương và cả các nhà tài trợ cảm kích, tin cậy, kính phục. Nhưng, trước sau, họ chỉ nhận về mình một vai trò khiêm tốn: NGƯỜI KẾT NỐI!

 
 

Bài viết: NGUYỄN ĐỨC

Thiết kế: NGUYỆT ÁNH