, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 20/04/2024, 08:20
 

Nhọc nhằn mưu sinh với nghề chặt lá dừa nước

 

Những ngày này, nhiều người dân ở xã Cẩm Thanh (TP Hội An, Quảng Nam) tranh thủ đi chặt, lợp lá dừa nước thuê cho các nhà vườn để kiếm thêm thu nhập.

 
 
Lội bùn chặt lá dừa nước. 
 
 

Đang cùng với một phụ nữ khác đi lội sông chặt lá dừa nước tại khu rừng dừa Bảy Mẫu, bà Đặng Thùy Hương (1965, xã Cẩm Thanh, TP Hội An) cho biết, bà làm công việc chặt lá dừa đã hơn 15 năm. Mỗi ngày, bà làm việc từ lúc 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa, buổi chiều từ 2 giờ - 5 giờ. Thu nhập bình quân mỗi ngày khoảng 300 nghìn đồng.

Dụng cụ để chặt lá dừa chỉ gồm một con dao lỡ dài khoảng 30cm. Người thợ chặt phải đeo găng tay, tất chân để hạn chế bị vỏ ốc cắt chân, dao làm đứt tay. Nghề này nhìn đơn giản nhưng rất nguy hiểm vì thường xuyên lội dưới bùn, nước khiến chân bị lở loét, bất cẩn là bẹ dừa đâm vào người làm chảy máu…

 
 
Bình quân mỗi ngày, một người lao động có thể thu nhập được 250 - 300 nghìn đồng từ công việc chặt lá dừa nước thuê.
 
 

“Nhà không có đất để trồng dừa nước nên quanh năm tôi đi làm thuê kiếm tiền trang trải cho gia đình. Biết là nguy hiểm, nặng nhọc nhưng không có nghề gì làm khi tuổi đã cao nên tôi cứ lấy sức lao động để kiếm sống” - bà Hương tâm sự.

 
 
Ông Lý đang tỉ mỉ lợp từng mái lá dừa.
 
 

Trong khi những người phụ nữ đi chặt lá thuê, đàn ông sẽ đảm nhận công việc lợp lá dừa. Mỗi tấm mái dừa hoàn thành, ông Lê Lý (1962, xã Cẩm Thanh) nhận được khoảng 40 nghìn đồng. Ông Lý chia sẻ, mỗi ngày ông làm được khoảng 15 tấm mái lá dừa hoàn thiện. Bình quân mỗi tháng thu nhập trên 10 triệu đồng. 

“Mỗi tấm mái lá dừa hoàn chỉnh có chiều dài khoảng 2,5 - 3m, còn tùy theo yêu cầu của chủ nhà mà có thể làm nhiều kích thước, kiểu dáng khác nhau. Nghề này đã gắn bó với tôi hơn 30 năm, công việc này giúp tôi có thêm thu nhập để lo các con ăn học trưởng thành” - ông Lý nói.

 
 
Lá dừa được chẻ làm đôi trước khi phơi nắng.
Lá dừa được phơi nắng tầm 20 - 30 ngày mới đem vào kho bảo quản.
 
 

Mỗi cây dừa, người chặt chỉ lấy 1 - 2 bẹ lá già, còn chừa lại bẹ lá non. Một cây dừa nước muốn khai thác được ít nhất phải mất 3 năm trồng trở lên. Sau khi chặt lá dừa nước về, những người lao động sẽ cầm đọt ngọn lá để tước thành 2 mảnh đều nhau, đem phơi dưới nắng khoảng 20 – 30 ngày, rồi mới mang vào kho dự trữ. Công việc chặt lá, lợp lá dừa diễn ra từ tháng Giêng đến tháng 8 Âm lịch. Mùa mưa họ tạm nghỉ để dừa nước phát triển.

 
 

Rừng dừa Bảy Mẫu không chỉ là khu di tích có giá trị lịch sử đặc biệt, đây còn là vùng sinh thái độc đáo. Người dân Hội An luôn có ý thức bảo vệ rừng dừa để phục vụ hoạt động du lịch cũng như thu hoạch lá - tạo thêm nguồn thu nhập.