, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/04/2024, 18:55
 

Khi tôi đến Trạm Quản lý và bảo vệ Sông Kôn (Khu Bảo tồn loài Sao la), thì họ vừa đi từ trong rừng ra, sau 8 ngày tuần tra. Không hề thấy nét mệt mỏi, dù đang mùa mưa, những tai nạn do lũ quét đột ngột là thường trực, và phải kể đến vắt rừng vốn sinh sôi như cơm, hoàn toàn có thể thấy vết máu đã khô trên tay họ.

Khu Bảo tồn Sao La Quảng Nam được thành lập từ năm 2010 với diện tích 15.000ha. Những câu hỏi như trêu ngươi họ, những cán bộ nhân viên của khu này, là lập khu mà không hề thấy, biết Sao la bằng xương bằng thịt, thì làm cái gì? Sự hoài nghi theo thời gian càng lớn. Thế nhưng, phút chớp nháy của bẫy ảnh do anh Lê Ka Thắng đặt lúc 18h16’ ngày 7/9/2013 như cú “lật bàn đèn” trong bóng đá, khiến thế giới sửng sốt. Một cá thể Sao la đã xuất hiện. Thế là WWF, các tổ chức quốc tế, truyền thông trong và ngoài nước kéo về, bởi đây là một khám phá nghẹt thở, khi người ta tin rằng con vật đặc biệt quý hiếm này đã vĩnh viễn mất tại Việt Nam.

Địa điểm chụp được là tiểu khu 14B, xã Bhalee huyện Tây Giang – Quảng Nam, giáp với A Lưới (Thừa Thiên Huế). Ngược thời gian, tháng 5/1992, Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh, nằm gần biên giới Việt – Lào. Khi ấy, nhóm chuyên gia đã tìm thấy một hộp sọ với cặp sừng kỳ lạ: thẳng như kiếm, dài và đen bóng, trong nhà của một thợ săn. Họ tạm đặt tên cho nó là dê sừng dài. Những phát hiện tương tự sau đó còn tiếp tục ở Con Cuông và Tương Dương (Nghệ An). Mặc cho các nhà khoa học gọi là gì, dân địa phương gọi nó là Sao la, vì sừng của nó giống 2 cọc đứng của bàn quay sợi mà tiếng Thái gọi là sao la. Tạp chí Nature số 363 (ngày 2/6/1993) đăng tải bài viết về việc các tác giả Vu Van Dung, Pham Mong Giao, Nguyen Ngoc Chinh, Do Tuoc, P. Arctander và John MacKinnon (Anh) chính thức công bố loài thú mới: Sao la, với tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis. Sao la trưởng thành có chiều dài cơ thể từ 1,3 - 1,5m, cao 0,9m, nặng khoảng 100kg và có bộ lông màu nâu sẫm. Chúng có sừng dài và mảnh dẻ, không có nhánh, hướng về phía sau hơn 50cm.

 
 
Dù hơn 10 năm chưa phát hiện được thêm nhưng bẫy ảnh Sao la với hàng trăm chiếc vẫn luôn chờ. Ảnh: WWF - Đắc Thành.
 
 

Tôi nhìn bản đồ, hình dung khu vực tuần tra của họ với những mảng màu đỏ kéo dài đến giáp A Lưới. Phía Thừa Thiên Huế cũng có khu bảo tồn như thế. Bao năm đi rừng, tôi biết vùng này là cực kỳ hiểm trở với địa hình núi cao, phức tạp, những mối đe dọa bất ngờ khó lường. Anh Hồ Quốc Cường, tổ phó nhẩm cho tôi khi được hỏi, rằng trung bình 1 năm, họ đi tuần bao nhiêu kilomet, với 8 người phụ trách 8.000ha, còn lại là các tổ tuần tra cùng các tổ cộng đồng địa phương tham gia quản lý?. “Đi xa nhất là 80km, ít nhất là 50km/ngày, mỗi tháng đi 1 lần, mỗi lần là 6 ngày, một năm anh em mỗi người đi 1.200km”. Rồi anh hạ giọng: “Đâu chỉ đi coi có Sao la không bằng việc kiểm tra bẫy ảnh, thay pin, xem dữ liệu trong thẻ nhớ, mà phải kiểm soát người vào ra, ngăn chặn xử lý phá rừng, săn bắn, gỡ bẫy thú của dân. Phải lấy mẫu phân khu vực nghi ngờ, lấy vắt vùng đó đem về gửi các nhà khoa học phân tích để đánh giá khả năng xuất hiện Sao la ra sao. Đường rừng, đi thì phải vượt dốc, mở lối vì cây phủ nhanh”.

Tai nạn với họ là thường trực, gãy chân tay, rắn cắn, lũ quét trôi, ăn tại rừng thì lũ cuốn sạch xoong nồi chén bát, phải lấy ống tre làm chén. “Sợ nhất là dân đi săn - anh nói - Mình đi tuần sáng sớm, họ cũng đi giờ đó, súng săn tự chế rất nhiều, họ thấy bóng, cây rừng xao động, tưởng là thú, là họ bắn, dễ nhìn nhầm như chơi”. Chút lo lắng trên mặt anh. Ai chẳng sợ chết. Sống rừng sao bằng nhà được, nhưng chọn nghề thì theo nghề. Anh bạn trẻ Nguyễn Lê Anh Luân quê Đà Nẵng, vợ và con mới 2 tuổi ở đó, bao cái Tết ở rừng với anh em, làm sao tránh được tiếng bấc tiếng chì từ gia đình. “Động viên thôi anh - Luân nói - nhiều anh em ở rừng nhiều hơn em mà. Có năm anh em ưu ái em được ăn Tết hết mồng hai, là vào rừng”. Họ như lính biên ải. Hy sinh thầm lặng là điều hiển nhiên. Dấu chân không đặt ở rừng, sẽ lạc lõng, và chưa nói đây là rừng bảo tồn Sao la. “Ăn Tết trong rừng thế nào?”. “Trực chiến mà anh - Luân trả lời - chia nhau đi tuần, trên này Tết người ta không bán đồ nên anh em phải đem thực phẩm nhà theo, ăn bình thường như mọi ngày, chỉ khác là thêm bánh chưng. Ai chẳng muốn ở nhà dịp Giao thừa, dịp Tết, nhưng công việc…”

 
Với họ thì ăn ngủ ở rừng là nhiều hơn ở nhà. Ảnh: Đắc Thành.
 

Luân dừng ở đó. Mấy giây lặng theo nhóm người ngồi quanh. Đi giữ, tìm ảnh ảo mà thật, như cố bắt sợi tơ đang lơ lửng. Có người hôm kia còn nói với tôi: “Làm chi có nữa, biết đâu không đúng”. Hoài nghi là khoa học, nhưng khi đã tang chứng vật chứng thì phải chấp nhận là có. Như thế giới bên kia, ma có không? Kẻ không tin thì lắc, người tin thì thật. Ma là ảo ảnh mà thật, còn Sao la là thật chứ không phải ảnh ảo, vì hiếm hoi mới gọi là loài nằm sách đỏ, mới được xem là Kỳ lân Châu Á, thành Linh vật của SEA Games 31. Với loài này, anh Cường nói nó cực kỳ nhạy cảm, hễ có hơi người vào rừng, là trốn  biệt. Nó đặc biệt thích cây môn thục, bằng chứng là nhiều nơi có môn thục bị ăn sạch, để lại dấu chân chúng. Loài này có thêm một điểm khác nữa, là khi bị chó săn tấn công, nó kiên quyết chống trả hoặc nhảy xuống nước chứ không bỏ chạy, nên rất dễ bị bắt. 

“Sau 2013 đến nay, có phát hiện lần nào nữa không?”. “Không, chúng tôi, được sự hỗ trợ của các dự án giải cứu Sao la từ nước ngoài và cấp trên, đã đặt hàng trăm bẫy ảnh trong rừng, nhưng không thấy. Cuối tháng 3/2023, bà con tại khu vực đã chụp được ảnh năm 2013 báo về là thấy Sao la, Ban Quản lý Khu Bảo tồn bèn tung toàn bộ lực lượng, không cho người dân vào rừng, mật phục suốt ba tháng ròng trong rừng, nhưng vẫn không thấy”. “Nản không?”. “Không, chúng tôi tin là có”. Chẳng phải thế giới không dưng mà lại đi quan tâm đặc biệt đến cá thể này, khi nó đã và đang trên bờ tuyệt chủng. Sao la chỉ có ở Việt Nam và Lào, và khu vực Quảng Nam đến Nghệ An được coi là điểm rơi của nó. Thế giới đánh giá đây là động vật hoang dã quan trọng bậc nhất Châu Á nên WWF khi có thông tin, đã vào cuộc hỗ trợ ngay. Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF Việt Nam cho rằng Sao la tượng trưng cho những gì quan trọng nhất hiện đang bị đe dọa. Cứu được Sao la là cứu được hệ sinh thái, đa dạng sinh học và cảnh quan rừng. Vì nó là đại diện, nên cứu nó cũng là giữ được thiên nhiên, sinh kế cho cộng đồng, hệ sinh thái rừng…

Nghĩa là nó như một chiếc đinh để định vị những giá trị quan trọng từ rừng. Nghĩ đến đây, tôi thấy trách nhiệm đè nặng trên vai họ. Phải sống với điều kiện thời tiết trong rừng khắc nghiệt, khi mùa hè mà có lúc nhiệt độ rơi xuống 10 độ, họ gánh gồng sự trao gởi không lời từ cộng đồng. Giá trị từ đó, không cân đo đong đếm được, khi nó được xem là biểu tượng của đại ngàn Trường Sơn, và vượt ra khỏi không gian Việt Nam. Từ 2016, ngày 9/7 hàng năm được chọn là Ngày Quốc tế Sao la. Ngày 9/7/2021, nhân Ngày Quốc tế Sao la, Google phối hợp với WWF Việt Nam khởi động chiến dịch “Giữ lại dấu chân Sao la”, và đây là động vật quý hiếm đầu tiên nước ta được Google số hóa với mô hình AR 3D. 

 
 
Anh Lê Ka Thắng là người đặt bẫy ảnh chụp được hình Sao la năm 2013. Ảnh: Đắc Thành.
 
 

Chúng ta đã trả giá quá nhiều với việc tàn phá rừng vô tội vạ, tàn phá có chủ trương, hành xử hỗn hào với thiên nhiên, để khi nguy cấp thì hô hào giữ. Nhưng giữa nghĩ, nói và làm vẫn còn một khoảng cách quá lớn. Tôi đã ngồi nhiều với những người gác rừng, kiểm lâm, họ trĩu nặng ưu tư, mà con số cán bộ kiểm lâm, bảo vệ rừng bỏ việc không ngừng tăng, khi chính sách đãi ngộ với họ quá thấp. Đây là cách điều hành, tư duy… lộn ngược của nhà nước, khi chính họ là chủ công giữ rừng. Có bữa, một cán bộ kiểm lâm huyện thở than: “Tụi này được cấp Flycam để kiểm tra rừng, nhưng đâu dám bay vào rừng rậm, vì máy móc không chuẩn, cho nó hạ chỗ đất trống, thì nó nhắm ngọn cây hạ, hư là đền cả trăm triệu, ai dám, cứ nghĩ nó làm thay mình, nhưng rồi cũng đành đi bộ kiểm tra... Những người trụ lại với rừng như Cường, Luân hay anh em đang im lặng giữa chốn không điện, không điện thoại, lần theo dấu chân Sao la mà cứu, giữ nó, coi nó là anh em như tên một dự án WWF khởi động từ 2016 “Cứu Sao la - đứa em cùng đất mẹ”, nếu không có tình yêu rừng thì không việc gì phải cam khổ như thế.

Họ khác những người đi biển là ăn to nói lớn. Im lặng trùm lên như nín thở lén nghe và nhìn bóng rừng xao động, đặt cược niềm tin cho cú chớp nháy của máy ảnh, để thêm một lần tự tin mồ hôi và máu mình đã đổ, không uổng phí. “Tết này, anh em có ăn Tết giữa rừng không?”, tôi hỏi. Tổ trưởng Đinh Quốc Cường nói: “Như mọi năm thôi anh. Anh em chia ca ra trực như ngày thường. Quen rồi anh”. Tôi không tin cái sự quen ấy là buồn, cũng chẳng phải là vui. Có cái gì đó lạ lắm, vào thời khắc Giao thừa, với họ, nó như co lại rồi giãn ra, giùng giằng thật trĩu nặng mà nhẹ tênh, như mây đang trắng thoắt chuyển sang đen rồi mưa. 

Ai muốn biết rừng bảo tồn Sao la còn không, mùa xuân này hãy ngược núi...