, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 20/04/2024, 05:27
 
 
 

- Ngôi đền này trước đây là giấc mơ của rất nhiều cựu chiến sĩ Trường Sơn từng chiến đấu hay hành quân qua Cà Roòng.

Ông Hồ Bá Thâm nói, khi đứng dưới cái nắng chói chang ở chân đồi nhìn lên Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn, Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Suốt 2 ngày sống giữa những cựu chiến sĩ Trường Sơn trước thềm khánh thành Đền thờ, chúng tôi dễ đã nghe đến trăm lần cái tứ “chỗ này, ngày xưa là…”. Phép “suy nguyên” như một quán tính đầy trách nhiệm của những người đã đi qua sự dời đổi của thời thế. Đi đến đâu, cũng có người nhắc chỗ này ngày xưa gắn với hoạt động này, sự kiện kia, hay một đồng đội nào đó.

Nhưng cũng bằng phép suy nguyên ấy, “gốc gác” hay quá khứ của ngôi đền thờ vừa xây xong sau hơn nửa thế kỷ hòa bình, lại chỉ có trong những “giấc mơ”...

 
 

Ngôi đền có thể là tâm nguyện, là mong ước, là quyết tâm… nhưng ông Hồ Bá Thâm chỉ gọi là “giấc mơ” - có lẽ là vì những chứng nghiệm của ông với dự án “phi thực” này.

Năm 2016, ông Hồ Bá Thâm cùng vài đồng đội quay lại Đường 20 Quyết Thắng - nơi ông tham gia mở đường từ năm 1966 cùng Đoàn 559, rồi bám trụ suốt 4 năm làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, bảo vệ tuyến đường. Đi đến đâu, thấy rừng xanh đến đó. Rừng xanh là một tin mừng. Nhưng rừng xanh cũng che phủ hết những dấu tích của hàng vạn trận đánh, điểm hi sinh của các đồng đội đã chiến đấu dọc Đường 20 Quyết Thắng.

Vừa khấp khởi mừng khi ngang km16, km22 vì thấy Hang Tám Cô, nhà bia Y tá, ông Hồ Bá Thâm đã trôi vào niềm day dứt khi đi sâu hơn vào Đường 20 Quyết Thắng. Không còn một dấu vết nào nữa. Có những điểm ông xác định được chính xác là nơi từng có liệt sĩ hi sinh, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, nhưng tuyệt nhiên không có một tấm bia, một dòng chữ, hay một dấu báo. Thỉnh thoảng, đường rừng hiện ra một miếu thờ, nhưng là miếu do người dân tự xây sau này vì một sự kiện cá nhân nào đó, không phải miếu thờ liệt sĩ. Lịch sử ở đâu đó đã được khắc ghi bằng một đền miếu, tượng đài, hay thậm chí là một mô đất, một nấm mồ không tên. Nhưng ở nơi này, chỉ là một con đường tịch lặng đã đổi tên (thành tỉnh lộ 562), và miền ký ức xa xôi của những cựu binh đã về chiều.

 

Dừng tại từng điểm ác liệt mình chứng kiến năm xưa, ông Thâm và đồng đội đành trải bạt, bày trái cây, bình hoa bên đường, rồi thắp hương bái vọng. 

Lên đến Cà Roòng, ông sống lại một thời núi rừng tắm trong bom đạn. Có ngày, địch thả bom suốt 20 giờ liền, Cà Roòng hứng 54 quả bom lớn cùng hàng trăm quả bom, mìn khác. Đường đắp lên lại bị bom dội nát. Để giữ đường thông, giúp xe vượt trọng điểm vào chiến trường miền Nam, đã có rất nhiều thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công binh, lái xe… hi sinh. Có lúc, tại km49, địch thả bom ngay điểm tập kết của 1 tiểu đoàn xe vận tải. Nhưng đến khi đi ngang, ông Thâm chỉ thấy một khung cảnh tan hoang, xe cháy, người chết và những phần thân thể rải rác khắp cành cây, mặt đất. Lần ấy, số bộ đội hi sinh là 28 người…

Đó là một trong những cuộc hi sinh tập thể mà ông Hồ Bá Thâm biết chắc là không thể quy tập hài cốt. Thân thể đồng đội một khi nằm xuống đã vĩnh viễn hòa vào đất đai biên viễn. Họ cần được hương khói ở chính vùng đất mà họ đã hiến-dâng-máu-thịt đúng nghĩa đến từng từ. 

Suốt chuyến xe về xuôi năm ấy, ông Hồ Bá Thâm lặng lẽ nhìn xuống đường, ước mong được cắm ở chỗ này, chỗ kia một tấm bia tưởng niệm. Xa hơn, là để mỗi người đi ngang còn biết từng có người nằm xuống vì một khát vọng mà họ đang thuộc về. 

Câu chuyện của ông Hồ Bá Thâm làm tôi nhớ đến cái núi rừng trầm mặc, tịch liêu mà ông Nguyễn Đức Quang (Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn Việt) đã gieo vào bạn đọc khi viết về chuyến đi về Đường 20 Quyết thắng năm 2009. Khi ấy, ông Quang lần đầu đi sâu vào con đường 20 Quyết Thắng với ý định sẽ đi hết tuyến đường đã đưa ông vào chiến trường miền Nam 50 năm trước. Nhưng đường quá xấu, chuyến thăm phải dừng ở Hang Tám Cô. Hành trình vào chiến trường qua Đường 20 Quyết Thắng đã phải dừng lại nửa chừng. Buổi chạng vạng ấy, ông Quang đã cùng những bạn đồng hành trẻ ra đứng trước đồn Biên phòng, chắp tay bái vọng về phía biên giới.  Chính cái buổi “chiều chạng vạng giữa Trường Sơn heo hút” ấy, Ông đã linh cảm “Thấy lao xao đồng đội ở quanh mình”. Và từ đó đã khởi lên trong ông tâm nguyện xây những ngôi đền để nhang khói cho đồng đội ở những trọng điểm của Trường Sơn, trong đó có trọng điểm Cà Roòng - ATP…

 
 

Chúng tôi đã biết cái tên Hồ Bá Thâm khi tìm đọc tài liệu về Cà Roòng (và biết nhiều hơn về vùng đất này qua văn thơ của ông). Chúng tôi cũng biết cựu chiến binh đã đi qua Trường Sơn Nguyễn Đức Quang khi nghe câu chuyện về Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Nhưng đến khi gặp họ ở ngôi đền đã hoàn thiện, chúng tôi mới biết, từng hành trình đi đến ngôi đền của họ là hoàn toàn riêng rẽ. Cũng vào sinh ra tử ở Trường Sơn nhưng họ không quen nhau. Bởi ông Hồ Bá Thâm vốn là thanh niên xung phong, ông Quang lại là bộ đội. Họ, chỉ là hai người ngẫu nhiên trong số hàng trăm cựu chiến sĩ từng bám trụ hoặc đi qua Đường 20 Quyết Thắng và cảm thấy mắc nợ, thấy muốn trả nghĩa cho vùng đất này. 

Sau chuyến thăm lại Cà Roòng, hễ gặp một đồng đội, ông Hồ Bá Thâm lại bày tỏ ước muốn dựng bia ở trọng điểm cũ. Ai cũng đồng cảm. Nhưng những người từng biết đến các trọng điểm xa xôi trên Đường 20 Quyết Thắng đều nhanh chóng nhận ra những điểm… bất khả thi của ý tưởng này. Nếu dựng bia ở bờ taluy dương thì quá sát đường. Lại không thể cắm bia ngoài lề đường vì con đường quá hẹp giữa một bên là vực, một bên là vách. Chưa kể, đoạn từ Hang Y tá vào hết Đường 20 Quyết Thắng lại ngược đường, cách trở, nếu chọn được địa điểm thì việc thi công cũng cần nhiều tiền của, sức người. 

Với ông Hồ Bá Thâm để xây dựng một công trình tưởng niệm nơi “thâm sơn cùng cốc” này, không chỉ là tiền của, công sức, mà là một động lực tâm tưởng. Bởi, rất hiếm người biết về sự ác liệt của trọng điểm Cà Roòng - Aki. Hang Tám Cô, nhà bia Y Tá đều được báo chí viết đi viết lại suốt một thời gian dài. Còn các trọng điểm Cà Roòng - Aki, đoạn cuối cùng trên đất Việt của Đường 20 Quyết Thắng thì quá ít người biết đến tư liệu bi hùng của nó. Chưa kể trọng điểm ATP - trọng điểm ác liệt nhất trong những trọng điểm ác liệt nhất - nay thuộc địa phận Lào. Hiểu biết đứt gãy ngay tại đoạn này, nên hơn 100 cây số từ khoảng km22 (từ nhà bia Y tá)  đến hết km125 của Đường 20 Quyết Thắng (bao gồm cả phần thuộc địa phận Lào) không một di tích tưởng niệm. 

Sức khoẻ, “thế và lực” không cho phép Hồ Bá Thâm thực hiện ước muốn. Ông chỉ có thể tham gia vào hành trình trả nghĩa cho đồng đội hy sinh trên những trọng điểm Đường 20 Quyết Thắng, bằng những bài viết về ký ức chiến tranh ở vùng Cà Roòng - Aki. Truy cập vào trang web của Hội Truyền Thống Trường Sơn và gõ từ khóa “Cà Roòng”, người ta lại thấy hiện ra hàng chục bài thơ, văn xuôi của tác giả Hồ Bá Thâm về các ký ức, cảm xúc và sự kiện ở trọng điểm này. Trong nhiều tác phẩm, ông nêu hẳn thực trạng “không có chỗ thắp hương” ở tọa độ máu Cà Roòng… 

 
Các đại biểu tham dự lễ khánh thành Đền. Ảnh: Tuấn Anh.
 

Năm 2018, ông Hồ Bá Thâm nhận được một tin vui: Di tích Cà Roòng (gồm cả A Ki) được bổ sung vào danh mục các Di tích Quốc gia Đặc biệt, theo Quyết định số 1820/QĐ-TTg, ngày 24/12/2018.

Cùng lúc đó, ông được một lãnh đạo Đồn biên phòng Cà Roòng báo tin: đền Cà Roòng sắp được xây dựng. Ông lật đật gọi lại hỏi: Ý tưởng xây đền là của ai? Ai đầu tư? Tỉnh Quảng Bình, Bộ Quốc phòng, hay một cá nhân nào?

Bên kia đầu dây, vị trưởng đồn biên phòng đáp bằng những cái tên xa lạ. Người tài trợ và thúc đẩy dự án là “người ở Sài Gòn”, và đã có chủ trương của chính quyền địa phương. 

Từ đó, anh đồn trưởng biên phòng đều đặn cập nhật hình ảnh cho vị cựu thanh niên xung phong có ân tình với biên giới. Những lần thiên tai trầm trọng ảnh hưởng đến tiến độ công trình, hay những ngày tháng dịch bệnh, phải phong tỏa ngôi đền đang xây dở… ông đều nắm. Càng trắc trở, ông Thâm càng đồng cảm và khâm phục sự bền bỉ của những người đang thực hiện công trình. Bởi qua biển dâu thiên tai, dịch dã, bao nhiêu công ty phá sản, bao dự án cả công lẫn tư phải dừng vô thời hạn - huống chi một ngôi đền ở tận biên giới không quá cấp bách với một “đời sống kinh tế hậu dịch bệnh”. Nhắc đến những lần dõi theo đền tưởng niệm qua tin nhắn - mà có khi người nhận tin cũng đang sống giữa lằn ranh sinh tử giữa tâm dịch Sài Gòn - ông Thâm bồi hồi: “Khi đó, tôi đã nghĩ nếu quả thực ngôi đền được hoàn tất ở Cà Roòng, tôi và các đồng đội có nhắm mắt cũng yên lòng”.

Ông kể lại những điều này khi sau khi đặt chân lên đến tháp chuông, vào đền thờ chính của Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Ngôi đền nằm cách chân đồi 108 bậc thang. Dù đã đi một chuyến bay và một chuyến xe vượt rừng vào đến Thượng Trạch, ông Thâm vẫn chuẩn bị tinh thần cho việc “không thể lên được đến gian thờ” vì bị đau chân. Nhưng “kệ, đi được đến đâu thì cứ đi đã”. Ông nhấc từng bước, và thỉnh thoảng dừng nghỉ, ông lại rút điện thoại, lưu hình ngôi đền từ chỗ đứng của mình. Lúc vượt qua nấc thang cuối cùng, lên được đến gian thờ, ông cứ đứng ngó nghiêng, cười như trẻ nhỏ:

- Nhưng ngày xưa có mong mỏi mấy cũng không nghĩ ngôi đền nơi xa xôi này lại được xây uy nghi, hoành tráng vậy đâu!

- Nhưng nếu chỉ dõi theo qua cập nhật của anh cán bộ đồn biên phòng nọ, sao bác lại trở thành chủ biên cuốn sách Đường 20 Quyết Thắng - Lịch sử, địa danh, sự tích và tri ân được phát hành trong buổi khánh thành này? - chúng tôi thắc mắc. 

Ông Thâm bật cười như vừa được gợi nhớ về một chi tiết thú vị.

- Lúc nhận được hình ảnh ngôi đền sắp hoàn tất, tôi mừng quá nên làm một bài thơ bày tỏ cảm xúc trên trang web của Hội truyền thống Trường Sơn. Sau đó, tôi nhận được điện thoại của ông Nguyễn Đức Quang. Ông Quang làm quen, và hỏi vui rằng vì sao ông ở tận Sài Gòn lại biết về công trình ở biên giới Quảng Bình…

Họ lần đầu chuyện trò, nhưng đã rất quen với những băn khoăn và tâm nguyện chung với Trường Sơn, với chiến trường Cà Roòng, ATP trên Đường 20 Quyết Thắng. Về sau, ông Hồ Bá Thâm được ông Đức Quang - đại diện Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Biên giới Tạp chí Nông thôn Việt (đơn vị vận động xây Đền) - mời tham gia viết văn bia cho đền tưởng niệm. Còn cuốn sách Đường 20 Quyết Thắng - Lịch sử, địa danh, sự tích và tri ân, ông dự định làm tài liệu kỷ niệm Ban 67 (Đơn vị tham gia mở đường và bảo vệ Đường 20 Quyết Thắng trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó), nhưng sau khi được Ban Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt đọc, thấy phù hợp làm quà cho đại biểu trong ngày lễ khánh thành Đền, nên đề nghị ông cùng Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh bổ sung hoàn thiện…

Tại sân trung trên Đền Tưởng niệm, ông Hồ Bá Thâm cẩn trọng bước vào nhà bia, đọc từng chữ in trên bia đá. Quá khứ bi hùng của Đường 20 Quyết Thắng với những trọng điểm cụ thể đã hiện diện súc tích mà bền vững trên bia đá. Từ nay, hậu thế khi ghé đến, đều có thể biết chỗ này, ngày xưa là một vùng rừng núi oanh liệt thế nào…

Sách Đường 20 Quyết Thắng - Lịch sử, địa danh, sự tích và tri ân do Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Tạp chí Nông thôn Việt biên soạn.

 

*

Họ đã viết lại một con đường 20 Quyết Thắng vượt biên giới, xuyên suốt 125km, bằng những hồi ức, chuyện kể, và bằng công trình lịch sử. Cuối cùng, việc làm thơ, viết văn về Cà Roòng, cho tới việc dựng cả một ngôi đền uy nghi giữa chốn ngược đường, khuất nẻo, đều là những phiên bản khác nhau của phép diễn giải, rằng “chỗ này, ngày xưa là…”. “Chỗ này” được ngôi đền kia nhắc nhớ, là cả một vùng rộng lớn gồm Cà Roòng - ATP, hay cả dãy Trường Sơn huyền thoại. Diễn giải ấy, chính là cho hậu thế, cho những lớp người Việt nối tiếp vô tận từ một quá khứ đã khắc lên bia đá. 

Nhìn rộng ra, “chỗ này, ngày xưa là” còn là phép chuyện trò của mọi người lớn có trách nhiệm, với người nhỏ hơn trong một mái nhà, một ngôi làng, một đất nước. Đó không chỉ là một cuộc gợi nhắc quá khứ, mà còn là một phép chỉ dẫn, gợi mở cho hậu thế bằng những tri thức thực tiễn mà họ từng lĩnh hội. Chuyển động của một vùng đất, một quốc gia, một dân tộc, hay một địa phương trong mọi đoạn đời đều là manh mối quan trọng để người đương thời hiểu về gốc gác, căn nguyên, nội lực, và sức mạnh của mình. Chỉ khi hiểu mình, thì mới có thể bước tiếp trong tường tận, sáng rõ. 

 
 

THANH TÂN