, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/04/2024, 13:42
 

Vườn Địa Đàng của Adam và Eva có sẵn, còn Vườn Địa Đàng Sìn Suối Hồ do người dân H’Mong tạo dựng, kiên trì và nỗ lực gần 30 năm qua. Sìn Suối Hồ vốn là bản đông dân nhất, nghèo nhất, bẩn nhất, cách biên giới Việt - Trung hơn 3km, cách quốc lộ 4D 32km, đường nhỏ, độc đạo, cheo leo vực sâu, chập chùng rừng núi. Cả bản chưa ai học quá lớp 5. Nghèo khó, nhiều tệ nạn, đặc biệt là ma túy.

Đó là chuyện 30 năm trước. Còn bây giờ, bản có 149 gia đình, 736 người, là điểm sáng du lịch cộng đồng nông nghiệp không đụng hàng, chưa đâu làm được. Năm 2023, Sìn Suối Hồ đón 14.000 khách lưu trú, bằng khoảng 75% năm 2019. Đến Sìn Suối Hồ ai cũng ngỡ ngàng. Từ Welcome Drink đến cảnh quan, từ các dịch vụ đến bản sắc văn hóa, từ ẩm thực đến con người.

Ít ai biết, 29 năm trước, Sìn Suối Hồ bị cảnh báo đỏ. Bản có thể bị xóa sổ vì ma túy. Hơn 95% dân bản là con nghiện. Phép màu nào đã biến trọng điểm của trọng điểm ma túy thành Vườn Địa Đàng thời @?

 
 
 
 

Năm 1995, nhóm thanh niên thế hệ 7x gồm Hảng A Xà, Vàng A Chỉnh, Vàng A Chú, Sùng A Súng, Chang A Hàng (Ngũ quái) họp nhau bàn chuyện động trời: cai nghiện ma túy cho cả bản. Chuyện khó hơn lên Sao Hỏa. Trong 5 người, có 3 mới nghiện, 2 người sắp nghiện. Họ nghe đài, biết sa vào ma túy là vào chỗ chết. Họ không muốn chết, không muốn bản bị xóa sổ.

Cả nhóm bí mật mang dao rựa và thực phẩm vào rừng sâu, dựng lán cạnh bờ suối, quyết chí đoạn tuyệt ma túy. Khi lên cơn, người tỉnh giúp người say cắt cơn bằng xoa bóp, bấm huyệt, ăn uống. Họ thề không cai được không về. 

Bốn tuần sau, họ về bản, tuyên bố bỏ được ma túy. Da dẻ hồng hào, gương mặt sáng láng. Họ tiếp tục vận động người thân và tổ chức đợt đầu tiên với 20 người, có cả phụ nữ. Mỗi đợt 1 tháng. Cứ đợt này hiệu quả, lan tỏa tiếp theo. Người đi trước cai được, rước người đi sau cai theo. Ròng rã 10 năm thì hoàn tất. Ban đầu, không ai tin họ làm được. Trưởng thôn lúc đó không ủng hộ, cũng không phản đối vì nghĩ, bọn trẻ… bốc đồng. 

Nhìn lại chặng đường 10 năm cai nghiện, ai cũng giật mình. Muôn vàn khó khăn, thử thách. Có cả máu và nước mắt, mồ hôi thì vô kể. Nhiều lúc tưởng bỏ cuộc. Nhờ sự đồng lòng, mọi người động viên, dìu nhau, cắn răng vượt qua cửa tử.

 
 
 
 
 
 

Cai nghiện thành công. Năm 2005, nhóm nòng cốt lại khởi xướng việc dẹp nạn tảo hôn, rồi nạn gia trưởng, bình đẳng giới, kế hoạch hóa gia đình... Với kinh nghiệm 10 năm cai nghiện, cứ từng bước, kiên trì nêu gương, lan tỏa, chậm mà chắc. 

Ở độ cao 1.500m, chung quanh núi rừng trùng điệp, mỗi nhà có khoảng vườn nhỏ, trồng ít cây ăn trái. Cuộc sống đắp đổi nhờ ít nương rẫy trồng lúa, hoa màu và sản phẩm rừng như măng, nấm, cây thuốc... Trong rừng có rất nhiều địa lan. Nhóm vận động mọi người đem địa lan về bản. Trước làm đẹp nhà, đẹp bản, có ai mua thì bán.

Họ bàn nhau, cùng dân bản thay đổi nếp sống. Bắt đầu từ việc giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh đường bản. Từ sạch lên đẹp. Nhà đẹp nhờ địa lan. Cả bản rực rỡ, nhất là giáp Tết. Nhà nào cũng hàng trăm chậu địa lan, rạo rực và nôn nao gọi Xuân về sớm. Tiếng lành đồn xa, địa lan thành nguồn thu nhập mới của dân bản. Mọi người giúp nhau nuôi thêm gà, nuôi cá, trồng cây ăn trái cải thiện cuộc sống.

 
 
 
 

Trong rừng có rất nhiều thảo quả. Nhóm hướng dẫn mọi người cải tiến cách chăm sóc, tìm và mở rộng nguồn tiêu thụ. Người dân có thêm thu nhập. Đường sạch, nhà cửa tinh tươm, cuộc sống lạc quan nên càng phải nâng cấp cảnh quan. Làm sao kéo được nhiều khách đến mua địa lan, thảo quả. Vào nhà biết chủ, vào bản biết dân. Đường bản ngày càng đẹp. Không gian chung quanh bản ngày càng tinh tươm.

Người H’Mong là bậc thầy về xếp đá, làm nhà, làm tường, tạo cảnh. Cách bản gần 3km có ngọn thác nhỏ hình trái tim rất đẹp. Dân bản tổ chức xếp đá làm đường, làm các tiểu cảnh ngồi nghỉ, “check-in”, làm nhà vệ sinh độc đáo. Vài homestay trình tường H’Mong ra đời phục vụ khách mua hàng muốn qua đêm khi ngẩn ngơ trước khung cảnh bản quá đẹp, khí hậu trong lành, người dân chân chất, thân thiện. Sìn Suối Hồ trở thành bản tiên phong với 5 KHÔNG – “Không ma túy  – Không tệ nạn (bia rượu, thuốc lá, trộm cắp, đánh lộn...) – Không xả rác bừa bãi – Không bạo lực gia đình – Không tảo hôn và sinh con nhiều”. Còn hơn cả kỳ tích của kỳ tích.

Năm 2015, tỉnh về công nhận bản “Nông thôn mới” và khuyến khích làm du lịch cộng đồng.

 
 
 
 
 
 

Vốn là bản thuần nông nghèo khó, cách trở; du lịch không có trong ước mơ của họ. Họ làm mọi thứ để cải thiện cuộc sống chính họ và đạt được những thành quả không ngờ. Nhóm nòng cốt ngày càng có uy tín. Vàng A Chỉnh được bầu làm trưởng bản năm 2012. Mù chữ vì mồ côi mẹ, nhà quá khó không được đến trường, anh nhờ con trai xóa mù nên đọc thông viết thạo.

Năm 2013, Hảng A Xà, dù chỉ học qua lớp 5, được phong Mục sư, được cử làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Trái Tim tổ chức các dịch vụ mua bán sản phẩm và làm du lịch nông nghiệp. Hợp tác xã hoạt động theo nguyên tắc 3 KHÔNG: Không bộ máy - Không ngân sách - Không cơ sở vật chất. 3 TỰ: Tự nguyện - Tự quản – Tự chịu trách nhiệm. 3 CÙNG: Cùng nghĩ - Cùng làm - Cùng thụ hưởng.

Cặp đôi Hảng A Xà – Vàng A Chỉnh cùng sinh 1975 như “song kiếm hợp bích”, sát cánh nhóm nòng cốt năm xưa trong mọi hoạt động. Làm du lịch bài bản phải học, Hợp tác xã liên hệ đưa con em bản xuống Hà Nội học ngoại ngữ, bếp, pha chế, buồng phòng, hướng dẫn viên… tại Trường Trung Cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa (miễn phí) và Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.

Từng bước mò mẫm, tự học, làm du lịch kiểu cuốn chiếu theo nhu cầu khách và khả năng tài chính từng gia đình. Các homestay tăng dần mỗi năm. Cùng lúc, phục dựng các nghề mai một, tạo thêm cảnh quan và các trò mới theo bản sắc H’Mong. Cả bản không có nhà xây bê tông cốt thép. Những ngôi nhà lợp mái ngói, mái lá. Đáng mừng là dân bản đồng lòng giữ gìn bản sắc, từ chối kinh phí 3 tỉ phá chợ cũ, xây mới bê tông. Hương đồng gió nội vẫn vẹn nguyên. Từ năm 2013, xã có trường cấp 2. Các em đa phần tốt nghiệp phổ thông, dù phải lên huyện hoặc thành phố học. Vẫn con đường độc đạo nhưng trải nhựa, rộng 6m vào cách bản 2km. Năm 2023, Hảng A Xà vừa lấy bằng Thạc sĩ.

Bản hiện có 30/149 hộ làm du lịch với gần 500 chỗ ngủ. Có nhà ở chung và phòng riêng. Bề ngoài như nhà cấp 4 nhưng bên trong tiện nghi như khách sạn 3 sao. Tinh thần và thái độ phục vụ thì… “chấp” luôn 4 sao. Cảnh quan và môi trường tất nhiên trên 5 sao. Khách tự đi, có thể đến từng homestay chọn lựa. Khách đoàn thì Hợp tác xã xoay tour, lần lượt nhưng vẫn có thể đổi nhà. Hay nhất là không có chuyện giành khách vì “Khách vào Sìn Suối Hồ, ăn, ở đâu, mua và chơi gì; cũng là của dân bản”.

Sìn Suối Hồ ngày nay như một Vườn Địa Đàng. Phải ở cả tuần mới “đã”. Từ các điểm tham quan vườn địa lan, cối đá giã gạo nước, tường cổ và vườn đào, táo mèo 300 năm; ruộng đá bậc thang sổ đỏ, bộ sưu tập nông cụ H’Mong, cửa rồng, khu nuôi cá tầm cá hồi, chợ và trường học đến các homestay tổ ong, tổ chim, tổ nhím, tổ ếch… Từ các trải nghiệm dệt, vẽ sáp ong, ăn mèn mén đến trekking khám phá thác Trái Tim (thác Tình Yêu) với ước nguyện đôi lứa... 

 
 

Mong ước của dân bản là đến 2030 khôi phục toàn bộ văn hóa H’Mong, biến Sìn Suối Hồ thành bản du lịch cộng đồng nông nghiệp đặc thù. Dù rất thành công, Sìn Suối Hồ vẫn đối mặt với những thách thức từ du lịch và xu thế đô thị hóa nông thôn. Việc đầu tiên là chuẩn hóa các dịch vụ và giá cả. Giá dịch vụ hiện nay quá thấp. Cần thêm vốn để nâng cấp dịch vụ. Phải có thêm các dịch vụ trải nghiệm thu hoạch thảo quả, chăm sóc địa lan, lớp dạy nấu ăn, sưu tập trò chơi dân gian, trekking rừng, leo núi....

Tôi đến Sìn Suối Hồ mấy lần. Lần nào cũng ngỡ ngàng cảm xúc và học từ dân bản bao điều không có trong sách vở, trên giảng đường đại học hay các chuyến vi vu nước ngoài. Người dân tự lực và sáng tạo trên cả tuyệt vời. Có chuyên gia đến, hứa hẹn đủ thứ rồi biệt tăm. Có chuyên gia cũng góp ý thiết thực. Vay ngân hàng, mỗi hộ nghèo chỉ dược trên dưới 50 triệu trong khi cần khoảng 500 triệu để đầu tư.

Có thể hỗ trợ Sìn Suối Hồ bằng cách gởi con em bản thực hành dịch vụ miễn phí trong các cơ sở khách sạn nhà hàng cao cấp, tặng học bổng nghề, học bổng ngoại ngữ, bảo lãnh cho người dân vay ưu đãi (có thế chấp tài sản) từ các nhà tài trợ, tặng hàng thanh lý từ khách sạn nhà hàng 5 sao...

2 năm Covid-19 và các biến thể tung hoành nhưng Sìn Suối Hồ vẫn bình an, không có người chết. Sìn Suối Hồ miễn nhiễm các tệ nạn. Đến ma túy còn phải bỏ chạy. Tôi tin là người dân Sìn Suối Hồ sẽ làm được. Với họ, “Vì lợi ích cộng đồng, không gì là không thể”.