, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 29/03/2024, 12:45
 
 
 

PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu: Thổ cẩm là cách gọi nôm na của đồ dệt nhuộm địa phương, là sản phẩm đặc trưng của xã hội tự cấp tự túc, tự sản xuất để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Việc trồng bông (dâu, lanh, đay…) dệt vải để mặc và phục vụ cho các nhu cầu khác là một phần rất quan trọng trong hoạt động của cuộc sống của người dân. Có dịp đến các bản làng, ở đâu đâu chúng ta cũng thấy phụ nữ và các bé gái hễ có thời gian rỗi là cán bông, cuốn sợi, dệt vải… Dưới gầm nhà sàn của mỗi nhà có ít nhất là một khung dệt, trông rất thơ mộng…

Dưới bàn tay tinh tế và óc tưởng tượng tài tình của những người phụ nữ, các loại sợi với các sắc màu từ nguyên liệu nhuộm tự nhiên rất đa dạng, đã được dệt, đan, thêu, ghép mảnh và các loại kỹ thuật tạo tác hoa văn đặc thù khác như Batik, Ikat…đã trở thành những sản phẩm đồ vải rất tuyệt tác. Đồ thổ cẩm không chỉ có giá trị để mặc mà thông qua nguyên liệu, kỹ thuật dệt, loại hình y phục và đặc biệt là các hoa văn trang trí trên đó còn phản ánh quan niệm của người bản địa về vũ trụ quan và truyền thống địa phương, tạo nên bản sắc của từng dân tộc, từng vùng miền. Ví dụ, trên chiếc váy mà người phụ nữ Hmông mặc khi chết được thêu những ký hiệu riêng của từng dòng họ để lúc về với “tổ tiên” thì “tổ tiên” nhận biết và đón nhận. Những quan niệm tâm linh như thế đã ràng buộc người địa phương, kéo dài mãi truyền thống dệt nhuộm.

 
 
 
 

Trở lại với câu hỏi của bạn, theo cách hiểu của tôi thì đa phần các dân tộc trong số 54 dân tộc anh em sinh sống ở Việt Nam đều có truyền thống dệt nhuộm. Một bộ phận nhỏ mua thổ cẩm thô của dân tộc khác về tạo tác y phục của riêng mình, có vài ba dân tộc rất ít người thì họ mua đồ mặc ngoài thị trường. Nhưng đấy là ở quy mô tự cấp tự túc của từng gia đình, còn số lượng làng nghề thổ cẩm cụ thể tôi không nắm được, nhưng không nhiều và đa phần mới hình thành sau này.

 
 
 
 

Nếu “thổ cẩm” chỉ là các tấm nguyên liệu thô thì chúng ta có thể nhận biết tính vùng miền bởi nguyên liệu, hoặc khổ vải (rộng hẹp) được quy định kỹ thuật bởi khung dệt. Còn nếu là “đồ thổ cẩm” tức là đồ dệt nhuộm đã trở thành những sản phẩm hoàn thiện thì chúng ta có thể nhận biết chúng thông qua các loại hình trang phục (các kiểu váy, quần, áo, khăn, mũ đội đầu, các loại túi và các đồ trang phục khác). Như tôi đã nói ở phần trước, thông qua các mô típ hoa văn được trang trí trên váy, áo và các loại trang phục khác chúng ta cũng không quá khó để nhận biết chúng là đồ thổ cẩm của vùng, miền nào, thậm chí là của dân tộc cụ thể nào.

 
 
 
 

Đồ thổ cẩm không chỉ mặc để bảo vệ cơ thể mà còn là nơi kết tinh văn hóa của từng dân tộc, góp phần taọ nên bản sắc văn hóa của từng nhóm địa phương. Nhưng chúng là những sản phẩm của xã hội nông nghiệp truyền thống. Để tạo ra được một bộ trang phục phải mất rất nhiều thời gian, với những bộ đặc sắc, có khi phải tới hàng năm. Do đó, giá cả không hề rẻ, một bộ trang phục hoàn chỉnh phải tới hàng chục triệu đồng. Trong bối cảnh phát triển ngày nay, đồ mặc công nghiệp với lợi thế giá rẻ đa dạng về mẫu mã, tiện sử dụng trong sản xuất, sinh hoạt… đã và đang lấn át đồ thổ cẩm ở khắp mọi nơi. 

Tuy nhiên trong cái bất lợi như vừa đề cập lại có cái lợi khác. Khi du lịch mở rộng, khách du lịch, trong đó có một bộ phận khá lớn với khát vọng “truy tìm tính đích thực của văn hóa”, khi đi đến vùng sâu vùng xa lại rất quan tâm đến đồ thổ cẩm, nên ở nhiều nơi đồ dệt nhuộm thủ công đang được phục hồi, vừa để phục vụ cho nhu cầu của người dân, đồng thời cũng là một loại hàng hóa để trao đổi ở thị trường trong và ngoài nước. 

 
 
 
 

Tuy nhiên để sản phẩm dệt nhuộm trở thành hàng hóa thì quy mô sản xuất không chỉ dừng lại ở từng hộ gia đình, mà phải được tổ chức rộng mở hơn theo tổ, nhóm hoặc làng nghề. Muốn thế, rất cần có những tổ chức kết nối giữa những người tạo ra sản phẩm với những người sẽ tiêu thụ sản phẩm. Để làm đơn vị trung gian kết nối, các tổ chức phi chính phủ thường có lợi thế. Craft Link, chẳng hạn, là một trong số những tổ chức như thế; họ giúp xây dựng các dự án mới để phát triển kỹ năng, thiết kế mẫu mã mới, giúp người dân sản xuất sản phẩm và quy tụ mọi người vào các nhóm sản xuất; giúp tìm kiếm thị trường đầu ra. Theo đó, mẫu mã đồ thổ cẩm dù là mang hồn cốt của từng dân tộc nhưng đa dạng về loại hình, phù hợp với nhu cầu sử dụng rộng, mà vậy thì lượng sản phẩm so với truyền thống sẽ tăng lên rất nhiều để đáp ứng. 

Tôi không phải chuyên gia kinh tế, nhưng tôi nghĩ mô hình nhóm sản xuất sẽ phù hợp hơn với việc sản xuất thổ cẩm. Rất khó hình dung thổ cẩm được tạo tác trong các khu, cụm công nghiệp, vì đối với du khách thì giá trị của sản phẩm thổ cẩm bao hàm cả giá trị của không gian, của nền văn hóa đã tạo ra nó nữa. Tuy vậy, khi làm với số lượng lớn thì vẫn có thể sử dụng máy móc, thiết bị ở một số khâu để đỡ đi công sức của đồng bào.  

 
 
 
 

Nhà nước đã có chủ trương, chính sách và đã triển khai nhiều dự án bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc, trong đó có đồ dệt nhuộm. Các dự án hỗ trợ “làng nghề”, thông qua các sự kiện văn hóa, các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ… đã quảng bá rất tốt các giá trị văn hóa địa phương, trong đó có đồ dệt nhuộm ra các cộng đồng rộng lớn trong và ngoài nước. Nhà nước cũng đã chủ trương và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xác lập các luồng, tuyến du lịch gắn với làng nghề, nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng có cơ hội trực tiếp tiếp cận với “văn hóa dệt nhuộm”. Nhà nước cũng đã tôn vinh những thợ dệt có kỹ năng xuất sắc bằng các danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và Nghệ nhân nhân dân; hỗ trợ và khuyến khích các nghệ nhân quảng bá, trao truyền kỹ năng, bí quyết nghề dệt nhuộm cho các thế hệ sau. Những nỗ lực như vừa đề cập là rất quan trọng và cần tiếp tục.

 
 
 
 

Tuy nhiên, trong việc tổ chức các chủ thể để sản xuất ra khối lượng hàng hóa lớn để cung cấp cho thị trường, một cách năng động thì tôi cho rằng các tổ chức phi chính phủ sẽ thích hợp hơn. Các tổ chức phi chính phủ không chỉ năng động trong thị trường, mà họ còn phù hợp để tìm kiếm các nguồn tài trợ, nhất là nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Bởi thế nhà nước cần có cái nhìn cởi mở và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ kết hợp với người dân phát triển đồ dệt nhuộm, góp phần phát triển địa phương và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc này.

Có thể kết lại như thế này, để bảo tồn và phát huy các giá trị của nghề dệt nhuộm truyền thống phục vụ cho đời sống đương đại cần phải am hiểu và biết cách phối hợp giữa các chủ thể: Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - các tổ chức phi chính phủ - các chủ thể văn hóa đồng bào các dân tộc - những người đang sở hữu nền văn hóa dệt nhuộm.

 
 
 
 

Bài viết: CẨM HÀ

Thiết kế: NGUYỆT ÁNH