, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/04/2024, 13:25
 

Đến bậc cuối cùng của cầu thang xoắn dẫn lên ngọn đèn biển, người tôi  quay quay như say sóng, dù vẫn đếm được đó là bậc thứ 80. Hỏi thêm anh nhân viên Trạm đèn biển Ba Làng An, thì tôi nghe rằng đứng lan can này ta đang cao hơn mực nước biển 48m.

 
 

Sóng ầm ầm vỗ vào bờ. Bọt trắng phủ kín đá đen như lưng trâu, thoắt như con cá đen khổng lồ trồi lên ngụp xuống theo sóng. Rất hiếm những dải đá đất dọc bờ miền Trung chồm ra biển mà bờ toàn đất đen, năm tháng đi qua, cát hóa thạch, lù lù như chiến hạm. Không dưng mà có vậy. Một cuộc khảo sát kéo dài từ đây đến tận Sa Huỳnh để làm hồ sơ trình UNESCO chứng nhận công viên địa chất toàn cầu, cho thấy ở đây từng có núi lửa. Nham thạch nó như con trẻ chơi trò vãi đất. Đất đá ong, theo thời gian, làm phép biến hình, đen như mặt âm của thái cực đồ.

Vẫn sóng mịt mùng, khiến tôi nhớ Đường Thi bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân (trên lớp sóng bạc đầu, có người đầu bạc đang ngụp lặn). Dằng dặc mấy trăm năm rồi, bao đầu xanh lẫn đầu bạc chốn này đã ngụp trồi trên sóng Hoàng Sa. Nhiều khi, mọi thứ như đặt để định mệnh. Sử chép, mũi đất này gọi là Ba Làng An, bởi có có 3 ngôi làng đều bắt đầu bằng chữ An: An Hải, An Vĩnh, An Kỳ. Chính họ, là thủy tổ của dân Lý Sơn, bởi đảo tiền tiêu đó hiện có hai làng An Hải, An Vĩnh. Từ đây chạy ra Lý Sơn chỉ 22km. Cũng chẳng ai biết, tự khi nào, cái mũi lạnh đen này có cái tên tây là Cape Batangan (Mũi Batangan).

Lời anh nhân viên bạt trong gió “mùa này đỡ, càng về cuối năm, mỗi lần lên kiểm tra đèn, gió quật kinh lắm”. Ở đây không sợ chi bằng gió. Chống chọi nổi với hơi nước mặn và gió, trừ cỏ dại, dây leo thì có thêm hai loại nữa là thần tài núi lá thuôn dài, sắc lạnh và sáng xanh như lưỡi kiếm, thân cứng và dẻo màu trắng ngà và cây bàng vuông. Nãy nhìn thấy bàng vuông, tôi nôn nao nhớ Trường Sa từ chuyến đi năm đó. Nhìn sóng đong đưa dưới xa kia, cồn cào trong ngực phút lội lên những đảo chìm đảo nổi, không chống lại nổi ý nghĩ: mãi mãi là những cơn gió và ngọn bàng cô đơn nhưng không cô độc, bởi nó sinh ra để đứng tấn trước biển…

Gió nói thay lời. Mọi người đều im lặng. Bản đồ cổ lẫn hiện tại, so với các nước trong khu vực, thì từ mũi Ba Làng An đến Hoàng Sa là 135 hải lý, trong khi từ Hoàng Sa đến đất liền lục địa Trung Quốc là 230 hải lý! Định mệnh, như chính phận người Ba Làng An, là truyền đời chèo thuyền cắm mốc cương thổ, bởi thuở triều Nguyễn, họ là những hùng binh đi Hoàng Sa để lập trại, nổi lửa xác định chủ quyền. Dấu tích còn đó, chính là địa danh Vườn Đồn (thôn An Vĩnh, Tịnh Kỳ), bây giờ là chỗ đóng chân của đồn biên biên phòng Sa Kỳ. Cách đồn mấy trăm mét là miếu thờ Nam Hải Thần, tương truyền bộ xương cá ông thờ ở đây (sau chuyển về Lăng Chánh - Tịnh Kỳ), là đem từ Hoàng Sa về. Mỗi khi xuất binh đi Hoàng Sa, ngư dân đều đến đó tế lễ…

 
 
 
 

Lớp lớp sử cũ đi cùng tương truyền phủ lên đá lên sóng, lần giở như có gió Hoàng Sa phập phồng lòng biển. Tôi đã về Gành Cả ở Bình Châu, ghé nhà ông Tiêu Viết Là. Ông này bị tàu Trung Quốc nhiều lần bắt, đánh đập, phá lưới, lấy cá mắm. Ông được phong là sói biển bởi là tay ngư phủ can trường. Chúng bắt ông đến mức nhẵn mặt, phá nát tàu thuyền, cướp sạch hải sản rồi đánh đập. Hễ sau mỗi lần bắt, thì chuyến biển sau lại chạm nhau ở Hoàng Sa, vẫn bổn cũ soạn lại của thứ cướp biển có địa chỉ. Nhớ ông nói như cú khoát tay chèo phăm phăm: “Cả dòng họ Tiêu Viết rồi bà con ở đây, hễ có người đi biển Hoàng Sa, đều thấm đòn như cơm bữa của bọn chúng, chứ riêng gì tôi!”.

Ông ngồi trên nền gạch thềm nhà, ngó ra biển, mà tôi nhìn như thấy sóng đang dội vào đáy mắt. Kẻ lành lặn, thoát chết, người thương tật suốt đời, tàu thuyền trở thành đống nợ giữa trùng khơi. Cơm áo, con nước réo gọi, cả những vết dấu tiên tổ như cái nhìn thấu tâm can họ, đâu có vĩnh viễn quay mũi vào bờ được. Máu thuở cha ông họ, đổ mãi đến lớp cháu con, nhưng chưa bao giờ họ thả neo buông chèo quay lưng với biển. Người ở biển ít nói, giống hệt ở núi. Họ chỉ nhìn xa xăm. Cái nhìn không phải của kẻ đa mưu, nhìn xa trông rộng, bởi cả đời rồi truyền đời, im lặng và ra đi, bươn mình vào sóng, xé gió là lướt, là phiên bản gương mặt họ, nói lắm ích gì. Im lặng như một lời thề máu. Nhưng đằng sau nỗi im lặng đó, là cơn gió lạnh thổi buốt những nếp nhà, mà khắc nghiệt thay, nó dành không phải cho họ. Cơn gió có lửa. 

Tôi nhìn theo tay anh nhân viên trạm: “Đó, chỗ mờ mờ đó là Lý Sơn”. Tôi gật. Từ ngọn hải đăng này, đi Lý Sơn chỉ có 15 hải lý. “Ở Lý Sơn, đèn biển cũng ở trên miệng núi lửa”, lại giọng anh nhắc. Ừ, lửa từ lòng đất, ruột biển triệu triệu năm trước, giờ lấp lánh trên cao. Gần nửa thế kỷ được dựng lên, ngọn hải đăng Ba Làng An này là người bạn đường của ngư dân trên biển khi vào đất liền, để họ biết ngôi nhà có ngọn lửa ấm đang chờ mình, rất gần. Ngọn đèn là bạn của họ, chung thủy bốn mùa, và ở trên đó, bây giờ có 4 người đàn ông lầm lì, thay nhau canh trực, làm bạn với đèn và gió biển. Nghe nói sắp tới đèn này sẽ được trang bị định vị, máy quét để tàu bè khỏi cần nhìn bằng mắt thường, mà vào bờ chính xác bằng công nghệ... 

 
 
 
 

Gió hay lửa đã đỏ hàng trăm năm trước trong bếp củi phập phù những ngôi nhà đá ong đến những căn nhà xây bê tông cốt thép bây giờ. Lửa như than ủ trong mắt, thắt trong tim dự liệu rủi may, trong tiếng trở mình không dám thở dài của những người đàn bà làng biển, bởi ở đây, gió đêm như mang trong mình gương mặt chồng con họ, lúc ẩn lúc hiện vặn mình qua những tường đá. Biển cả mênh mông, phận người như lá, như đèn treo trước gió, thì niềm tin lắm khi cũng là ảo vọng, nhưng như gió xếp hàng trong đợi chờ mỗi phiên biển, chưa từng mất, chưa từng nguôi, như thạch trận dưới kia kiên gan với nước. Đêm với họ dài hơn cả ngày. Cơm áo, nợ nần cũng ở đó, sống chết cũng ở đó. Mọi thứ như đá buộc vào lưng mà trầm mình. Buột miệng, rằng ở những làng biển như Ba Làng An này, nên dựng tượng những người đàn bà ngồi bó gối quay mặt ra biển, mà gương mặt như giọt nước biển, có màu lửa tụ lại từ nỗi đợi chờ...

Sóng vẫn ầm ầm. Hình như có sóng trên cao như tôi đang đứng. Sóng dội về từ Hoàng Sa xanh biếc, gần lắm, như cú sải tay của những rái cá lão luyện ăn sóng nói gió, rành Hoàng Sa đến từng hạt cát đi ra từ chốn ba làng này, men theo gành đá đầu làng mà chạm tới dải đất cuối cùng của đất nước ở trùng dương. Ở đây, như con cá về từ Hoàng Sa, trên mình nó luôn có những vết chấm đỏ như giọt máu. Lời anh nhân viên trạm: “Tết anh về đây, vui lắm, điểm du lịch mà”. Tôi ngước nhìn ngọn đèn biển. Nó như mắt người Ba Làng An vọng Hoàng Sa.