, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/04/2024, 13:02
 
 
  • * * * * * * * * * * * * * * * 

* * * * * * * * * * * * * * * 

 

Tôi từng nghe một nhà văn mách, một lãnh đạo ngành nông nghiệp ở ta, quê tít miền Tây xa lắc nhưng từ ngày chuyển ra Hà Nội nhận nhiệm vụ, vẫn chờ người gửi ra mấy thùng xốp mắm, bông súng với cá tinh ăn cho đỡ nhớ. Còn ông Hồ Xuân Hùng thì sao?

Làng tôi cách biển Diễn Vạn (Diễn Châu, Nghệ An) chừng 3km. Tôi ham ăn cá biển lắm. 23 năm sống và làm việc ở Hà Nội cũng là 23 năm, tôi “đèo bòng” nhờ người gửi cá biển, đồ quê ra đây ăn. Có người bảo lích kích quá, rắc rối ghê. Nhưng có hề gì. Sao họ biết được cái mùi vị tâm hồn mình ra sao?

Đến cả gu ăn uống, tôi cũng chỉ khoái các món kho, nướng đơn giản hoặc hấp, không thích các món tẩm ướp quá nhiều, chiên xù, chế biến cao cấp. Tôi hay vị lãnh đạo kia nói cho cùng cũng là những “thằng nhà quê chính hiệu”. Nguyễn Huy Thiệp có một truyện ngắn tên là Thương nhớ đồng quê. Phải, là thương nhớ cái mùi này đấy.

 
 
 
 

Yêu quê thế nhưng phải sống ở đây, ông hạnh phúc không?

Con người ta vẫn phải tự tạo hạnh phúc cho mình. Ở đây, có vợ con, cháu chắt, vui vầy và hạnh phúc nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được quê. Hạnh phúc ở quê khác lắm. Tôi vẫn còn mẹ già 95 tuổi, mẹ vợ 101 tuổi sống ở quê. Trong lòng, lúc nào cũng chỉ mong được về. Ở Hà Nội, mỗi lần ngồi nghe một bài hát nào đó về mẹ, lại nổi gai ốc. Tôi hay làm thơ nhưng không làm nổi một bài thơ về bố về mẹ, vì mỗi lần cầm bút viết lại chảy nước mắt. Nhìn người nông dân nào, tôi cũng nhớ về họ.

Ông nói hạnh phúc ở quê khác lắm nhưng nhiều người quê đang kéo nhau ra hết đô thị kia kìa vì ở quê khổ quá, không phát triển được. Lần gần nhất ông cảm thấy người nông dân xứ mình hạnh phúc là khi nào?

Sau Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt sau ngày đất nước thống nhất, nông dân hạnh phúc. Sau đó thì tùy từng vùng. Chẳng hạn, đi những vùng đạt Nông thôn mới hay đến những vùng núi thoát nghèo, tôi thấy nông dân phấn khởi. Hay ngay trong một mùa vụ, nhà nhà bội thu, tôi thấy người nông dân ai cũng phấn khởi. 

Ông vừa dùng chữ “phấn khởi” thay cho “hạnh phúc”?

Tôi nghĩ, với ý nghĩa đủ đầy của chữ “hạnh phúc”, quả thực chúng ta vẫn còn nhiều điều phải làm nữa. Nông dân của chúng ta vẫn chưa thực sự hạnh phúc đâu.

Vì sao ông nói vậy?

Khác với trước, nông dân giờ đây có nhiều tầng lớp: có lão nông tri điền, có thanh nông tri điền... song ai cũng đều mong muốn một gia đình hạnh phúc và được sống trong một cộng đồng hạnh phúc. Trong suy nghĩ của của người nông dân, vẫn là bán anh em xa mua láng giềng gần. Có một câu rất hay rằng: Con gà mất chửi ba ngày không hết/ Nhưng con gái gả chồng cả xóm ăn chung.

Tuy nhiên, hạnh phúc của người nông dân thời nay không chỉ dừng lại ở đó. Không chỉ đủ ăn đủ mặc, họ còn có nhiều nhu cầu khác nữa như tiếp cận thông tin (chính thống, không lạc hướng), giao lưu thế giới… chứ hạnh phúc của họ không còn gói chặt trong lũy tre làng như xưa nữa.

Hiện, phần lớn những nhu cầu thiết yếu đó của họ vẫn chưa được đáp ứng. Đời sống nông dân khá lên trong những năm qua nhưng không phải quá đồng đều. Và cũng không phải gia đình nào cũng có điều kiện để tiếp cận thông tin. 

Tôi ví dụ nhé. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên cả nước, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Như thế, có khoảng 15 triệu người đang dùng điện thoại “cục gạch” sẽ phải chuyển sang dùng điện thoại thông minh…

Giờ rất nhiều nông dân lo sợ bỏ 2G bởi có phải ai cũng đủ điều kiện để sắm điện thoại thông minh đâu. Bạn thấy không, ngay ở thời đại này rồi, thiếu 2G với người nông dân của chúng ta vẫn là một điều gì đó kinh khủng. Để hạnh phúc, không dễ.

Ý ông là chúng ta phải cẩn thận nếu không người nông dân sẽ bị bật ra khỏi đời sống xã hội đương đại?  

Phải hết sức chú ý. Phải làm sao để người nông dân phát huy văn hóa truyền thống của làng quê nhưng vẫn tiếp cận với văn hóa hiện nay. Phải làm sao để họ không chỉ có cơm ăn áo mặc mà ăn ngon, ăn sạch, không chỉ giữ văn hóa bản địa, cộng đồng mà còn tiếp cận những văn hóa, văn minh mới.

Thưa ông, nếu chuyển câu hỏi trên thành một câu hỏi khác: Nếu chúng ta không cẩn thận thì nông thôn Việt Nam trở thành vùng trũng của nền kinh tế hiện nay, thì sao?

Hiện nông thôn nhiều nơi đã trở thành vùng trũng rồi. Điều bạn hỏi không còn là cảnh báo hay nguy cơ nữa. Xu hướng phát triển đô thị, quá trình đô thị hóa ở ven đô rất nhanh, đương nhiên sẽ tạo ra những vùng trũng. Lúc nào cũng thế, nhu cầu vật chất, tinh thần ngày một tăng, người dân đô thị “bắt sóng” bao giờ cũng nhanh nhạy hơn người nông dân. Ta hay nói không được để người nông dân tụt lại phía sau nhưng họ rất khó chạy kịp, theo kịp tốc độ phát triển nói chung.

 

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * 

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * 

 

Nghe ông nói về đời sống tinh thần của người nông dân, tôi nhớ người mẹ mê xem phim truyền hình ở quê. Có lần, mẹ hỏi: “Bây giờ ít thấy phim làm về đề tài bà con nông dân, sao phim Việt giờ toàn đại gia, chân dài, giàu sang, phú quý thế? Xã hội ngoài kia giàu lắm hả con?”. Mà đâu chỉ phim ảnh, còn các ngành văn học nghệ thuật khác nữa, có lẽ nào, ta đang bỏ quên người nông dân?

Đúng là có thực tế đó. Có nhiều lý do, trong đó có việc dư địa đề tài nông thôn, nông dân Việt Nam không còn khiến nghệ sĩ cảm thấy hứng thú. Cũng có thể họ nghĩ đối tượng khán giả của đề tài đó là nông dân - đang ít quá. Sách vở cũng thế, người ta cứ nghĩ người nông thôn đọc ít… (Mà thực ra, con của nông dân ở thành phố đọc đó chứ)!...

Ngày xưa, bộ đội hay đến với những vùng sâu vùng xa khó khăn nhất. Hòa bình lập lại gần nửa thế kỷ, giờ lên đó, sao vẫn thấy bà con khổ, vẫn thấy vùng đất chưa phát triển vì ta “chưa đến được” với những bà con nông dân ở đó. Đây không chỉ là câu chuyện của một thước phim, một cuốn sách… mà rõ ràng, đó là vấn đề chung thuộc về văn hóa, chúng ta phải suy nghĩ thật thấu đáo, cặn kẽ và có những quan tâm đầy đủ đến đời sống văn hóa, tinh thần của bà con. 

Ông có thích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao và Chị Dậu của Ngô Tất Tố không?

Không chỉ tôi mà rất nhiều người Việt Nam đều yêu thích. Đó là những tác phẩm mang tính “quốc dân” (Cười). Vì sao hàng chục năm đã qua, Chí Phèo và Chị Dậu vẫn hot? Không phải tự nhiên đâu. Ngoài tài năng, chính lòng thấu cảm và tri ân của nhà văn dành cho người nông dân đã chắp cánh để họ có thể viết rất đúng, rất sâu sắc về kiếp người. Chúng ta cũng từng có rất nhiều bộ phim hay về nông thôn, nhiều ca khúc đi cùng năm tháng về quê hương… Nhưng hình như, bây giờ ngày càng ít thấy nhỉ? Tôi suốt ngày nghe những bài hát cũ, cứ hát mãi thôi… mỗi lần nhớ quê, nhớ nhà, nhớ mẹ. 

(Nói đến đoạn này, ông Hồ Xuân Hùng tự nhiên hoe mắt, giọng nghèn nghẹn cất lời hát) Qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê. Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ. Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn… (Khúc hát sông quê của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, phổ thơ Lê Huy Mậu)

Tất nhiên bây giờ, người nông dân không còn khổ đau và bi đát nhiều như thế nữa nhưng đời sống nông thôn, nông dân bây giờ cũng có nhiều nỗi niềm để khai thác. Và tôi nghĩ, nông thôn vẫn là một nơi có nhiều dư địa màu mỡ để văn hóa nghệ thuật khai thác. Chưa kể, thời nào cũng có những vấn đề của thời đó, giờ nông thôn đâu chỉ có nông dân, mà có cả bác sĩ, công an, giáo viên về hưu… tầng lớp rất đa dạng. Mâu thuẫn trong sản xuất, trong đời sống kinh tế xã hội ở nông thôn hiện nay cũng có nhiều điểm để nói.

 

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *

* * * * * * * * * * * * * * * * * *

 

Còn những người nông dân thế hệ mới thì sao? Họ phải tươi sáng, làm chủ hơn chứ!

Tôi biết có một cô giáo thấy đất đai hoang hóa phí quá nên khởi nghiệp từ nông nghiệp. Tôi cũng quen một bạn trẻ du học Nhật về và mở trang trại. Tôi hỏi: “Sao cậu về Việt Nam làm nông nghiệp”. Cậu ta bảo, ở bên đó, em dạy học, đi dạy mà cũng học được ở người Nhật nhiều thứ, trong đó học được nhiều điều quý giá về nông nghiệp nên em quyết định trở về.

Bạn thấy không, Việt Nam chúng ta đang có một thế hệ làm nông mới, tự tin, có tri thức và trình độ. Họ mạnh dạn, khác xa với thế hệ cha chú của họ đã từng. Họ làm nông theo kiểu trang trại, biết ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất… và hạnh phúc của họ là thực hiện giấc mơ ngay trên thửa ruộng của mình.  

Họ nói điều gì với ông?

Họ nói với tôi, họ muốn đầu tư nông nghiệp thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao từ vỉa ruộng, mang lại giá trị thặng dư cho đất theo hướng bền vững. Ngay cả một chuyện rất đơn giản, bây giờ muốn làm nông nghiệp phải tập trung đất, nhưng hiện luật chưa cho phép điều đó, họ làm nông vướng trên vướng dưới. Họ cũng nói chúng tôi sẵn sàng sản xuất sạch nhưng thị trường phải minh bạch. Những điều mà họ chia sẻ rất thực tế và cũng không nhỏ chút nào. Họ làm nông nhưng cần cả xã hội và nhà nước đồng hành với họ. 

 
 
 
 

Ông vừa nhắc đến nhu cầu cần minh bạch nhưng có một thực tế, nhiều khi, những gì bẩn nhất, độc nhất lại đi từ mảnh ruộng của người nông dân mà ra? Ông có định giải oan cho người nông dân không? 

- Đúng là tình trạng rau hai luống, lợn hai chuồng do nông dân mà ra cả. Nhưng ta phải truy căn nguyên vì sao? Người dân mình tội lắm, khổ lắm. Họ thấy cả làng cả nước làm vậy, không ai nhắc họ, cảnh báo họ nên họ cứ cắm cổ làm theo. Ngay cả rau bẩn vào siêu thị cũng được “phù phép” thành rau sạch, biết nói gì đây?

Tôi không định giải oan cho người nông dân nhưng xã hội cùng bộ máy của nó, từ người sản xuất, tiêu dùng, thương mại, tuyên truyền, quản lý và các cơ quan quản lý thị trường… đều không vô can. Chúng ta chẳng ai vô can cả.

Tôi nhớ ngày xưa, khi thu hoạch ngô, khoai, lạc, củ, bắp nào đẹp thì mang đi bán, củ nào sùng, hư hại, sâu bọ thì bỏ riêng ra cho nhà mình ăn. Bây giờ vẫn thế… Hai cuộc kháng chiến thành công, người nông dân được làm chủ trên mảnh ruộng của mình nhưng tới giờ, sao họ vẫn khổ mãi? 

Người nông dân muốn có tiền để nuôi con ăn học, để chữa bệnh, để có thể bước qua đoạn ngày đoạn tháng thì họ phải làm vậy. Đó là lý do mà người ta nói những gì ngon nhất thì ra hết đô thị, cái không ngon thì ở lại. Và mở rộng ra, những gì sạch nhất, chất lượng nhất thì ta xuất khẩu; cái không sạch, không ngon để lại dân trong nước dùng.

Bây giờ, bắt đầu có những gia đình khá giả, biết ăn ngon, ăn sạch nhưng con số đó vẫn còn ít ỏi. Tôi vẫn mong một ngày, nông dân của ta cảm thấy tự hào và hạnh phúc vì những nông sản mà họ làm ra. Không những họ được ăn ngon, ăn sạch mà còn cung cấp ra cho thị trường đồ sạch. 

Muốn vậy, không có cách nào khác, chúng ta phải xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hơn? Nếu không, tôi và ông hay những người khác nữa, sẽ chẳng có cơ hội nhìn thấy gương mặt hạnh phúc và rạng rỡ của người nông dân…

Vì sao phải dùng khái niệm bền vững để gắn vào nông nghiệp? Vì làm nông nghiệp rủi ro cao hơn công nghiệp nhiều. Rủi ro cao, đương nhiên tính bền vững thấp. Đây là bài toán lớn mà nhiều nước phải giải quyết trên con đường phát triển, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến hết sức phức tạp.

Có một thời ta trọng an ninh lương thực nhưng bây giờ, thế giới đã chuyển sang an ninh dinh dưỡng. Nhà nước cần làm gì để hướng dẫn bà con nông dân, để họ không lạc lõng trong xu thế đi tới của loài người? Làm gì để người nông dân là chủ thể trong quá trình sản xuất đó, tái cơ cấu nông nghiệp ra sao để gắn liền với nhu cầu thị trường. Để sản phẩm làm ra khiến họ tự hào, hạnh phúc? Hay vấn đề xuất khẩu, phải định hướng, quan tâm sát sao họ ra sao? Ai giúp họ trong vấn đề bao tiêu để tạo ra sự bền vững này? Bản thân người nông dân bất khả kháng nếu không được hỗ trợ thực tâm và thực chất.

Cảm ơn ông. Chúc ông một năm mới nhiều sức khỏe.

 
 

Họ cảm thấy bơ vơ trên chính mảnh ruộng cha ông mình

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần…

Câu ca xưa đến giờ đến đúng. Để có hạt gạo thơm dẻo, bà con phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, không chỉ trên ruộng. Cũng đừng tưởng bây giờ cơ giới hóa, sức người giải phóng, bà con bớt khổ. Máy móc sao thay thế hết được cho sức người? Nhiều người nông dân nói với tôi, giờ họ làm nông nghiệp còn nặng nhọc hơn trước, khó khăn hơn trước. Ngày xưa, họ lấy công làm lãi, trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm. Bây giờ, khổ và phụ thuộc nhiều hơn thế. Họ không tự chủ được về giống, về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… Trình độ có hạn, họ vẫn chậm bắt kịp ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Họ cảm thấy bơ vơ trên chính mảnh ruộng cha ông mình.

- ÔNG HỒ XUÂN HÙNG